SHARE:
PHẬT TÂM
Một Hợp Tuyển Những Tác Phẩm của Longchen Rabjam về Đại Toàn Thiện
Nguyên tác: BUDDHA MIND
An Anthology of Longchen Rabjam’s Writings on Dzogpa Chenpo
Tulku Thondup Rinpoche – Snow Lion, 1989
Việt Dịch: Đương Đạo – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2000
Trong tánh không, cõi giới tối hậu, tinh túy mẹ,
Ở trong đó là sự sáng tỏ, tánh giác bổn nhiên, bản tánh cha.
Với sự hợp nhất của cha và mẹ bổn nguyên, dòng tương tục của Đại Toàn Thiện,
Con xin đảnh lễ trong trạng thái của Phật Tâm giải thoát tự nhiên.
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
Những giáo lý của Dzogpa Chenpo (hay Dzogchen), Đại Toàn Thiện, là sự tu hành bí truyền Phật giáo sâu xa nhất đã được giữ gìn và thực hành cho đến ngày nay bởi những người theo phái Nyingma của Tây Tạng. Nhấn mạnh chủ yếu của Đại Toàn Thiện là đạt được và hoàn thiện sự thấu hiểu, sự chứng ngộ bản tánh chân thật của tâm, Tánh Giác Bổn Nhiên (Rig-Pa), nó là Tâm Phật hay tinh túy Phật. Nhờ đó người ta đạt được và hoàn thiện sự thấu hiểu, chứng ngộ về bản tánh chân thật của mọi hiện hữu hiện tượng, tất cả chúng là đồng nhất trong tinh túy của chúng. Theo kinh điển Đại Toàn Thiện, mọi hình thức tu hành Phật giáo dẫn đến cùng mục đích như nhau, là sự chứng ngộ Tánh Giác Bổn Nhiên được dạy trong Đại Toàn Thiện ; và hơn nữa, tinh túy của tất cả những giáo lý Phật giáo nằm trọn vẹn trong thiền định Đại Toàn Thiện và những kết quả của nó. Nhiều thiền giả Đại Toàn Thiện đã thành tựu, ngoài sự đạt được cái an lạc nội tâm và giác ngộ cao cả nhất trong chỉ đời này, về mặt thân xác đã biểu lộ những dấu hiệu của những thành tựu phi thường vào lúc chết. Chẳng hạn, các vị đã làm tan biến thân xác thô không để lại cái gì hay chuyển hóa thân xác thành những thân ánh sáng vi tế.
Thiền định Đại Toàn Thiện là phương pháp tu hành của sự đơn giản tột bậc để đạt đến trạng thái đơn giản tối hậu thoát khỏi những tạo tác ý niệm. Nhưng với người bình thường như chúng ta, để đạt được trạng thái của sự đơn giản và của thoải mái thong dong tối hậu là mục tiêu khó thành tựu nhất. Như vậy, để sửa soạn cho tu hành Đại Toàn Thiện, người ta phải làm các nghiên cứu và tu hành khác nhau để học về con đường và tịnh hóa những dơ bẩn của xúc cảm tiêu cực và những dấu vết của chúng ; phải phát sanh năng lực tích cực qua sức mạnh của những đức hạnh ; và phải thực hiện, tinh lọc và hoàn thiện những chứng đắc thiền định thông thường được dạy trong những con đường chung của Phật giáo. Khi người ta sẵn sàng, tùy theo sức mạnh của những kinh nghiệm tâm linh của mình, người ta cần được chỉ dạy thiền định Đại Toàn Thiện bởi một đạo sư đầy đủ phẩm chất.
Đối với hạnh phúc và giác ngộ của chúng sanh, Phật giáo làm việc ở gốc rễ, gốc rễ của sự có được niềm vui và trừ sạch khổ đau, nó nằm trong những cá nhân ; để cho xã hội là một tập hợp những cá nhân. Đối với một cá nhân, tâm là yếu tố chính và là người tiên phong của mọi hoạt động. Vậy thì sự cải thiện và hoàn thiện trạng thái tâm thức là sự nhấn mạnh hàng đầu của tu hành Phật giáo. Nếu người ta đã cải thiện và hoàn thiện tâm mình, mọi hoạt động thể xác sẽ tự nhiên hoàn thiện và sự có mặt và những hoạt động của người ta sẽ trở thành một nguồn hạnh phúc chân thật và giác ngộ cho những người khác. Từ giây phút trở thành một Phật tử Đại thừa, người ta được hy vọng sẽ nỗ lực trong việc phụng sự người khác. Toàn bộ nguyện vọng trong tu hành tâm linh là vì lợi lạc của những người khác. Nhưng lúc bắt đầu, sự nhấn mạnh nhằm vào tiến bộ tâm linh của chính mình, phát xuất từ tâm mình. Không có sức mạnh tâm linh trong chính mình mà cố gắng phụng sự cho những người khác thì sẽ như một tục ngữ Tây Tạng nói : “Một người đang rớt xuống không thể đưa vai cho người khác đang rơi dựa vào.”
Những thiền định của tantra và của Đại Toàn Thiện do Guru Padmasambhava dạy và trao truyền là một tu hành trên con đường cân bằng giữa cái thấy (tri kiến) về trí huệ bổn nguyên và những hoạt động công đức. Chúng không phải là một tham thiền chỉ về cái thấy, dù có một số người giải thích chúng như vậy, cũng không phải là sự tu hành chỉ những hoạt động công đức. Guru Padmasambhava nói với Vua Thrisong Deutsen (790-858) :
Xin chớ để mất cái thấy mà thiên về những hoạt động. Nếu ngài làm thế, bị ràng buộc vào những tính cách của hiện hữu, ngài sẽ không đạt giải thoát. Xin chớ để mất những hoạt động mà thiên về cái thấy. Nếu ngài làm thế, sẽ có tình trạng là vắng mặt cả đức hạnh lẫn thói xấu, (và người ta rơi vào cực biên của) hư vô, và (đời sống tâm linh của người ta) thành ra không thể sửa chữa. Thưa đại vương, vì những tantra của tôi có những giáo lý giảng rộng về cái thấy, trong tương lai nhiều người chỉ biết những ngôn từ về cái thấy mà không có sự xác tín của cái thấy trong dòng tâm thức thì họ có thể lạc vào những cõi thấp.
Trong bản thân thiền định Đại Toàn Thiện có nhiều giai đoạn tu hành phải được dạy và thực hành từng bước. Mỗi bước chỉ được làm khi hành giả đã sẵn sàng cho bước đó. Trong Đại Toàn Thiện một thiền định tinh vi và bí truyền siêu vượt khỏi những tạo tác trí thức và tâm trí – người ta không nghiên cứu hay đọc những giáo lý về một phương diện đặc biệt nào cho đến khi người ta đã sẵn sàng cho bước đặc biệt đó và cho sự tu hành về nó. Và người ta dứt khoát bị gạt ra khỏi “những giáo huấn về thiền định thực nghiệm”. Nếu không sẵn sàng cho những kinh nghiệm thiền định đặc biệt, người ta đọc hay nghiên cứu chúng, người ta có thể chỉ xây lên những hình ảnh được chế tạo của cái hiểu trí thức về một kinh nghiệm thiền định đặc biệt. Bởi thế, trước khi có bất kỳ kinh nghiệm thực sự hay chứng ngộ thanh tịnh nào, người ta sa vào hầm hố của sự tưởng tượng trí óc. Bấy giờ hành giả sẽ thấy khó phân biệt đâu là kinh nghiệm thật của sự chứng ngộ hay là một hình ảnh do tâm trí sáng tạo. Cách nhập môn này áp dụng không chỉ cho Đại Toàn Thiện, mà cũng cho sự tu hành tantra tổng quát. Trong thực hành theo kinh thừa, trước tiên bạn nghiên cứu rồi đi vào tu hành. Nhưng trong những tantra, khi bạn đã trưởng thành qua những đức hạnh chuẩn bị chung và đã sẵn sàng cho sự tu hành bí truyền, bạn sẽ nhận sự trao truyền của sự chứng nghiệm qua một lễ quán đảnh (dBang, S. abhisekha). Chỉ bấy giờ bạn sẽ được đưa vào tiến trình nghiên cứu và tu hành tantra bằng cách sử dụng Trí Huệ Bổn Nguyên, ý nghĩa của quán đảnh, nó được chứng nghiệm trong thời gian trao truyền quán đảnh, như là phương tiện và nền tảng của thiền định.
Một số người không cần trải qua sự tu hành chung nào mà sẵn sàng cho sự tu hành cao hơn như Đại Toàn Thiện. Nhưng những người như thế hầu như không có trong thế giới này của chúng ta.
Bởi thế, trong cuốn sách này tôi cố gắng không đem vào “những giáo huấn về những giai đoạn của thiền định thực nghiệm”, bởi vì người ta nên có chúng một cách cá nhân từ một đạo sư đích thực, qua từng giai đoạn theo khả năng thực nghiệm của riêng mình. Tôi đã cố gắng chỉ trình bày ở đây, hay ít nhất chủ yếu là những giáo lý về cái thấy, đại cương về thiền định và quả của Đại Toàn Thiện.
Ngày nay, khi bối cảnh văn hóa của những giáo lý truyền thống đang đổi thay, những giáo lý tantra và ngay cả những giáo lý Đại Toàn Thiện được công khai đưa cho nhiều người có ít đức tin, họ chưa làm sự tu hành sơ bộ chuẩn bị hay chưa nhận những quán đảnh nhập môn. Tiêu điểm chính của sự hấp dẫn và mục tiêu của nhiều người gọi là thầy và những đệ tử đã trở thành thế tục hay tham dục một cách không may. Ngược lại, có nhiều người cầu pháp nghiêm túc muốn nghiên cứu những giáo lý Đại Toàn Thiện từ mối quan tâm trong sạch về Pháp và họ đã được sửa soạn cho những giáo lý như vậy qua nghiên cứu và tu hành sơ bộ. Nhưng sự thấu hiểu giáo huấn và tài liệu đọc trong ngôn ngữ Tây phương đã ngăn cản họ không tiến bộ nhiều trên con đường này. Trong tình hình ấy, một quyết định viết và dịch những giáo lý như vậy hay không và phổ biến chúng là một công việc nghiêm túc. Một cách thực tiễn, trong thời hiện đại này, không có cách gì mà những giáo lý này có thể được giữ gìn và thực hành một cách truyền thống chỉ bởi những người đã sẵn sàng cho chúng. Thế nên giải pháp là xem xét cái gì sẽ là cách tốt nhất có thể để trình bày những giáo lý cho quần chúng hầu những giáo lý ấy sẽ lợi lạc nhất khi đến với họ.
Sau mọi nhận định này, tôi đi đến kết luận rằng tôi cố thử dịch và trình bày những kinh văn nguyên bản này, những lời thâm sâu đến từ tâm trí huệ của các bậc Giác Ngộ, không nhiễm ô bởi tư tưởng trí thức đương đại của thế giới vật chất hiện đại của chúng ta.
Tôi đã dịch và viết cuốn sách này không phải bởi vì tôi có một thẩm quyền với một giáo lý mật truyền như Đại Toàn Thiện. Tôi cảm thấy tự hào đã có can đảm chấp nhận việc đó mà không cố gắng tạo ra những câu chuyện như tôi đã sanh ra với trí huệ hay tôi đã chìm ngập rất nhanh chóng trong một đại dương kinh điển. Nhưng như một tục ngữ Tây Tạng nói : “Thái độ ứng xử của một một người đầy tớ của một gia đình có giáo dục còn tốt hơn thái độ của một ông chủ của một gia đình không có giáo dục.” Tôi đã may mắn lớn lên ở tu viện Dodrup Chen, một cơ sở nổi tiếng của học và giác ngộ khơi nguồn và trải dài qua hàng trăm năm truyền thống. Ở đó, dù tôi không trở thành một học giả hay một hiền giả, tôi đã sống với những đạo sư thông tuệ nhất và an lạc nhất, như ngài Kyala Khenpo Chochog (1893-1957), và tôi đã nghe những lời Pháp chân thực từ chiều sâu của tâm thanh tịnh và giác ngộ nhất của các ngài. Như là sự ban phước của việc được ở nơi một cơ sở vĩ đại như thế, tôi luôn luôn cảm thấy chút sức mạnh của can đảm và ánh sáng của trí huệ làm cho tôi thấy được và tôn kính những giáo lý thanh tịnh và những truyền thống chân thật của chúng, mà không cần điều chỉnh, thích nghi chúng với những chiều kích của phán đoán trí thức của riêng tôi hay dùng chúng như những công cụ để tuyên dương bản ngã tôi. Điều đó bất kể tôi đi đâu hay sống ở đâu, trong những thế giới học giả, vật chất hay tâm linh.
Đối với những giáo lý Đại Toàn Thiện, trước hết có nhiều kinh điển gốc, gọi là những tantra của Đại Toàn Thiện. Không may, chúng rất khó hiểu, và hầu hết đều không có bình giảng nào và cần phải giải thích. Thế nên, nếu tôi phải dịch những bản văn đó, tôi không thể tránh được phải chiều theo những giải thích riêng của tôi, và những giải thích đó có thể rất sai.
Sau những tantra, có những bản văn và những bình giảng về Đại Toàn Thiện được viết hay khám phá bởi những bậc lỗi lạc vĩ đại của dòng Đại Toàn Thiện. Trong những cái ấy thì những tác phẩm và bản văn được khám phá và những bình giảng của Longchen Rabjam được tôn trọng như chi tiết hơn nhiều, rõ ràng hơn nhiều những tantra và cũng chính thống như những tantra mà không có bất kỳ sự tranh cãi nào khắp thế giới Nyingma từ thế kỷ mười bốn. Vì tất cả những lý do này, tôi đã làm ra cuốn sách này, một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam về Đại Toàn Thiện.
Cuốn sách này gồm hai phần. Phần một là sự giới thiệu, trong đó tôi cố gắng trình bày toàn thể quang cảnh Phật giáo trong một cách nào để hiển bày rằng những giáo lý Phật giáo chung là nền tảng của Đại Toàn Thiện và Đại Toàn Thiện là tinh túy của chúng. Tôi cũng cố gắng giải thích những sự tương tự của Đại Toàn Thiện với những học phái tư tưởng Phật giáo khác cũng như đặc thù độc nhất của Đại Toàn Thiện đối với chúng. Cho mỗi chủ đề tôi đã trích dẫn rộng rãi những tantra, bản văn và bình giảng của những tác giả vĩ đại nhất của Đại Toàn Thiện để trình bày những quan điểm và giá trị chân thật truyền thống. (Trong bản dịch tiếng Việt, chúng tôi chỉ dịch trọn vẹn phần hai để xuất bản, phần một chúng tôi chỉ lấy hai chương, Những Đoạn Trích Từ Cuộc Đời Của Các Đạo Sư Đại Toàn Thiện và Cuộc Đời của Longchen Rabjam, hy vọng trong những bản in lần sau chủ đề so sánh Đại Toàn Thiện và các học phái Phật giáo khác sẽ được in đầy đủ khi điều kiện cho phép – NXB. Thiện Tri Thức).
Phần hai cung cấp một kết cấu trọn vẹn của những giáo lý Đại Toàn Thiện trong lời nói của Đạo Sư Toàn Giác Longchen Rabjam, từ những mê lầm dẫn đến sanh tử cho tới sự đạt được giải thoát. Nó được tổ chức trong ba phần : cái thấy, thiền định và quả. Có mười ba chương là những trích đoạn từ Shingta Chenpo, Pema Karpo, Tshigdon Rinpoche’i Dzod, Gewa Sumgyi Donthrid, Ch’oying Dzod, Namkha Longch’en, Namkha Longsal, và những bản văn trọn vẹn của Sem-nyid Rangtrol và bình giảng của nó bởi Longchen Rabjam.
Để khai triển sự tin cậy và cảm hứng vào những giáo lý này, quan trọng cần biết về tác giả, học vấn uyên bác của ngài và sự chứng ngộ của ngài về những giáo lý ngài viết. Thế nên tôi đã viết một tiểu sử chi tiết của Longchen Rabjam góp từ những tiểu sử khác nhau của ngài. Tôi cũng trích dẫn rộng rãi những tác phẩm của ngài để làm rõ cái nhìn của ngài về thiên nhiên. Như là một thi sĩ, ngài diễn tả thiên nhiên trong trong những hình ảnh của cái đẹp, niềm vui và an bình, như là một hành giả thông thường của Phật giáo, ngài thấy chúng như sự biểu lộ của vô thường và những phản chiếu hư vọng ; và như một triết gia Đại Toàn Thiện, ngài thấy tất cả trong cái như thị của an bình rốt ráo, Tánh Giác Bổn Nguyên.
Mục tiêu chính của tôi trong việc soạn sách này là cung cấp những sự minh giải sau đây : (a) Những tri kiến Đại thừa chung của Phật giáo là nền tảng của những giáo lý Đại Toàn Thiện. (b) Tất cả những mặt thiết yếu của tu hành Phật giáo được cô đọng trong Đại Toàn Thiện, và Đại Toàn Thiện là tinh túy của những giáo lý Phật giáo. (c) Để trở thành một hành giả Đại Toàn Thiện người ta cần tu hành qua những nghiên cứu và thiền định sơ bộ chung. Vì Đại Toàn Thiện là sự tu hành cao nhất và đơn giản nhất, nó đòi hỏi sự chuẩn bị và thiền định nhiệt thành nhất.
Cho đến vài năm trước đây, tôi vẫn chống lại việc tham gia vào xuất bản hay trình bày bản văn tantra nào cho quần chúng chưa được nhập môn. Rồi một hôm tôi thấy một bản thảo về bản văn nghi thức tantra do một học giả dịch ra và định xuất bản. Với sự ngạc nhiên, tôi thấy rằng bản dịch cùng bản văn đó của riêng tôi thì chính xác hơn chút ít. Điều đó khuyến khích tôi gởi bản dịch của tôi cho xuất bản để giữ gìn bản văn thiêng liêng trong một hình thức tốt hơn. Từ đó, quan điểm của tôi về việc dịch và xuất bản những kinh điển đã thay đổi.
Để dịch và xuất bản cuốn sách này, tôi đã nhận được những ban phước của hai vị thẩm quyền cao nhất còn sống về Đại Toàn Thiện trong thế giới ngày nay. Kyabje Dodrup Chen Rinpoche nói : “Theo quan điểm của tôi, có vẻ rằng thế hệ của chúng ta hầu như chắc chắn là thế hệ cuối cùng trong đó có những người thực sự có cơ hội được chứng ngộ trực tiếp hay thấu hiểu Đại Toàn Thiện đích thực và nhận sự tu hành và những trao truyền từ một đạo sư Đại Toàn Thiện chân chính trong ánh sáng của trí huệ truyền thống. Bởi thế, như tôi vẫn nói, công việc quan trọng nhất đối với những người như anh là phổ biến truyền thống này qua chỉ dạy hay viết, theo cách nào anh có thể, bất cứ nơi đâu có những hoàn cảnh thích hợp để giữ gìn truyền thống này một cách trong sạch và làm cho nó có mặt nơi những thế hệ tương lai.” Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche nói : “Tôi nghĩ rằng không chỉ cho phép mà còn rất quan trọng cần xuất bản công trình của anh về những tác phẩm về Đại Toàn Thiện của Longchen Rabjam khi anh chắc chắn trình bày chúng đúng như chúng là. Tôi thực sự nghĩ như vậy.” Và thế nên tôi đã làm việc nhiều cho cuốn sách này để cung cấp một hiểu biết tổng quan giáo lý Đại Toàn Thiện trong lãnh vực Phật giáo cho những người bạn chân thành với Pháp ở Tây phương.
Tôi cầu nguyện chư Phật, những vị Tổ truyền dòng và những hộ pháp nam nữ tha thứ cho những lỗi bỏ sót và sai phạm và những tiết lộ không thích hợp về tinh túy bí mật của những giáo lý đã mắc phải khi soạn sách này. Nguyện tất cả công đức tích tập được từ công việc này tạo ra hạnh phúc và giác ngộ cho tất cả chúng sanh là mẹ, và nguyện nó phổ rộng Pháp thanh tịnh trong thế giới.
Tôi muốn bày tỏ lời cám ơn đến Harold Talbott vì trí huệ và kiên nhẫn của ông trong việc biên tập từng dòng của công trình này, đến Michael Baldwin vì sự chăm lo mọi nhu cầu đời sống, cung cấp cơ hội bằng vàng cho tôi để làm công việc hiển bày trí huệ Đại Toàn Thiện này, đến những thành viên và những nhà bảo trợ của Buddhayana, U.S.A., mà dưới sự đỡ đần của họ tôi đã có thể làm việc này trong nhiều năm qua, và đến Trung Tâm Nghiên Cứu Tôn Giáo Thế Giới của Đại học Harvard, nơi tôi bắt đầu làm cuốn sách này khi tôi là một học giả thỉnh giảng. Tôi biết ơn cao độ Kyabje Khyentse Rinpoche đã cung cấp nhiều minh giải quan trọng và Kyabje Dodrup Chen Rinpoche đã ban sự trao truyền những giáo lý của Longchen Rabjam. Tôi cũng cám ơn Khenpo Palden Sherab và Lama Golok Jigtshe (mất năm 1987) vì những giải thích uyên bác về nhiều điểm. Cũng cám ơn đến Helena Hughes và Linas Vytuvis đã sửa soạn bản chú dẫn, và đến John Cochran đã chụp ảnh bìa. Tôi cũng muốn cám ơn Jeanne Astor của Nhà xuất bản Snow Lion vì công việc biên tập. Tôi mắc nợ sâu xa Victor và Ruby Lam đã cung cấp cho tôi một căn nhà để sống và làm xong cuốn sách này.
Tulku Thondup
Cambridge
Tháng Chạp, 1987
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS