SHARE:
Thực hành
Kinh Kim Cương Bát Nhã
Đương Đạo
NXB: Thiện Tri Thức 2015
Bấy giờ, Tu Bồ Đề nghe nói Kinh này hiểu sâu nghĩa thú, xúc động rơi lệ mà bạch Phật rằng: Hy hữu thay, bạch Thế Tôn. Phật thuyết kinh điển sâu xa như thế, con từ khi được huệ nhãn đến giờ, chưa từng được nghe kinh điển như vậy.
Bạch Thế Tôn! Nếu lại có người được nghe kinh này, tín tâm thanh tịnh liền sanh thật tướng. Phải biết người ấy thành tựu công đức hy hữu đệ nhất.
Bạch Thế Tôn! Thật tướng ấy tức là chẳng phải tướng, thế nên Như Lai gọi là thật tướng.
Bạch Thế Tôn! Nay con được nghe kinh điển như vậy, tin hiểu, thọ trì, chưa phải là khó. Nếu vào đời sau, năm trăm năm sau, có chúng sanh nào được nghe kinh này, tin hiểu thọ trì, người ấy là hy hữu đệ nhất. Vì sao thế? Người ấy không có tướng ngã, không có tướng nhân, không có tướng chúng sanh, không có tướng thọ giả.
Bởi vì sao thế? Tướng ngã tức chẳng phải tướng. Tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức là chẳng phải tướng.
Vì sao thế? Lìa hết thảy tướng tức gọi là chư Phật.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Như vậy, như vậy.
Thấy rõ được thực tại, chưa từng có sanh tử, chưa từng có vô minh, ai mà không xúc động rơi lệ, tán thán trăm ngàn lần “hy hữu!”. Nhưng cũng chính lúc này bèn nhớ tưởng tới tất cả chúng sanh. Liệu trong cõi thế gian, có mấy ai biết được sự ‘chưa từng có’ này. Có phải là tất cả chúng sanh đang ‘luôn luôn có’ sanh tử, ‘luôn luôn có’ vô minh, sanh tử tương tục, vô minh tương tục. Nơi tâm một vị Bồ tát, Trí huệ soi thấy tánh Không và Đại Bi đi liền hợp nhất với nhau.
Thế nên ngài Tu Bồ Đề nghĩ ngay đến người khác và tiếp tục thưa hỏi Đức Phật để soi rọi thêm tánh Không vốn tự giải thoát này.
Tín tâm thanh tịnh liền sanh thật tướng, đó là công đức hy hữu đệ nhất. Thật tướng là thật tướng của tất cả các pháp, tức là tánh Không. Tín tâm thanh tịnh là tin rằng tâm không chỗ trụ rỗng rang như hư không luôn luôn ở đây, ngay khoảnh khắc này, bèn chỉ trong một niệm, tướng hay tưởng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả không còn quay cuồng mà đứng phắc lại, tức khắc thật tướng hiện tiền, trần trụi không còn gì che chướng. Đó là mặt mũi xưa nay của chính mình, chưa từng rời mình một mảy tóc, một khoảnh khắc nào, suốt từ vô thủy đến nay.
Thanh tịnh là không có bốn tướng ngăn che. Một lòng tin thẳng tắp, không dời đổi (“trực tâm là đạo tràng”) sẽ xé toang bốn tướng và thực tại tánh Không tức khắc hiện tiền.
Mặt khác, quán chiếu bốn tướng là duyên sanh, không thật có, như hoa đốm giữa hư không, như lông rùa sừng thỏ, thấy được như vậy tức khắc thực tại tánh Không hiển lộ. Đó cũng là tín tâm thanh tịnh.
Tin được hoặc thấy được “tướng ngã tức chẳng phải tướng, tướng nhân, chúng sanh, thọ giả tức là chẳng phải tướng”, tức thì thực tại tánh Không hiện ngay trước mắt. Tin được hoặc thấy được cái “chẳng phải” này, thì cái phải muôn đời lộ diện.
Bởi vì “Lìa hết thảy tướng hay tưởng, đó là chư Phật”. Chư Phật hay Pháp thân tánh Không của chư Phật thì chưa từng có tướng hay tưởng, chưa từng có sanh tử. Do đó tướng và tưởng và sanh tử hư vọng chẳng hề hấn gì, như hư không chưa từng có và mãi mãi không có hoa đốm. Đức Phật xác định sự thật muôn đời này, khi nói, “Như vậy, như vậy”.
Nếu lại có người được nghe Kinh này mà không kinh, không hãi, không sợ, phải biết người ấy rất là hy hữu. Vì sao thế? Tu Bồ Đề! Như Lai thuyết ba la mật đệ nhất, tức chẳng phải ba la mật đệ nhất, đó gọi là ba la mật đệ nhất.
Tu Bồ Đề! Nhẫn nhục ba la mật, Như Lai nói chẳng phải nhẫn nhục ba la mật, đó là nhẫn nhục ba la mật.
“Chẳng phải” (phi), “đó là” (thị), được lập đi lập lại trong suốt cuốn kinh. Càng chẳng phải thì bốn tướng càng rơi rụng, bởi vì không còn gì để bám nắm.
Tâm càng lập đi lập lại “chẳng phải”, càng không trụ, thì càng xa lìa những tướng và tưởng của khách trần duyên sanh như huyễn để trở lại bản tánh của mình, với ‘tâm thật như nó là’.
Nhưng những tướng và tưởng “chẳng phải” này đều sanh từ tâm, hiện hữu và diệt mất trong tâm, cho nên nếu khéo léo nhận biết, thì chúng vẫn là tâm, như Bát Nhã Tâm Kinh nói, “Sắc thọ tưởng hành thức tức là Không. Không tức là sắc thọ tưởng hành thức”. Có bóng nào chẳng phải là gương, có sóng nào chẳng phải là đại dương?
Thực hành như vậy chúng ta càng ngày càng thấy rõ bản tâm vô sở trụ của chúng ta, nó quang minh chiếu diệu, vô niệm và an lạc, và “xưa nay không một vật.
Chính tâm, nếu không biết, đã đưa chúng ta vào si mê lầm lạc khổ đau, và cũng chính tâm này khi biết trở về cội nguồn, bản tánh của nó thì thấy chính nó là Thường Ngã Lạc Tịnh. Cho nên ba la mật đệ nhất là:
“Trong chính xác thân cao hơn một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng, Như Lai tuyên bố thế giới, sự chấm dứt của thế giới và con đường đưa đến sự chấm dứt thế giới” (Kinh Rohitissa).
Vì sao thế? Tu Bồ Đề! Như ta thuở xưa, bị vua Ca Lợi cắt đứt thân thể, trong lúc ấy không có tướng ngã, không có tướng nhân, không có tướng chúng sanh, không có tướng thọ giả.
Vì sao thế? Lúc thuở xưa đó, khi mỗi phần bị cắt đứt, nếu ta có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thời đã sanh sân hận.
Tu Bồ Đề! Nhớ lại quá khứ năm trăm kiếp, ta làm vị tiên nhẫn nhục, vào thời ấy không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.
Nhẫn nhục trở thành nhẫn nhục ba la mật (hoàn hảo, rốt ráo, đưa đến bờ bên kia) khi nó thực sự y cứ trên Pháp thân tánh Không, nghĩa là trong đó không có bốn tướng hay bốn tưởng.
Theo Kinh Nhân vương hộ quốc Bát nhã ba la mật đa, có năm nhẫn tương đương với năm con đường của Bồ tát đi đến Giác ngộ: Phục nhẫn (Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng), Tín nhẫn (ba địa đầu của Thập địa), Thuận nhẫn (ba địa kế tiếp), Vô sanh nhẫn (địa thứ bảy, địa thứ tám, địa thứ
chín), Tịch diệt nhẫn (từ địa thứ mười đến Đẳng giác, Diệu giác).
Nhẫn y trên tánh Không và trong tánh Không nghĩa là không phải hoại diệt bốn tướng hay bốn tưởng để trở thành không, mà ngay nơi hoạt động của bốn tướng hay bốn tưởng vẫn thấy chúng là Không. Bởi vì bốn vọng tướng hay bốn vọng tưởng ấy sanh khởi từ nền tảng bản tánh Không của tâm, hiện hữu trên nền tảng tâm tánh Không ấy và tự hoại diệt trong nền tảng tâm tánh Không. Nếu nền tảng tâm tánh Không là vô tự tánh nên vốn tự giải thoát thì bốn vọng tướng hay vọng tưởng sanh khởi từ nó cũng vô tự tánh và vốn tự giải thoát.
Thế nên, Kinh Duy Ma Cật nói: “Ngã, vô ngã là hai. Ngã còn bất khả đắc, chẳng phải ngã làm sao mà có được. Thấy thật tánh của ngã thì chẳng còn sanh là hai. Đó là vào pháp môn bất nhị”.
Thế nên, Tu Bồ Đề! Bồ tát phải lìa tất cả tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chẳng thể trụ sắc sanh tâm, chẳng thể trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm. Phải sanh tâm không chỗ trụ. Vì sao thế? Nếu tâm có trụ, đó chẳng phải là trụ.
Nếu phát tâm Bồ đề mà lìa tất cả tướng và tưởng thì đây không còn là tâm Bồ đề tương đối mà là tâm Bồ đề tuyệt đối, tức là tâm Giác ngộ. Tâm ấy không chỗ trụ nên như hư không bình đẳng khắp mười phương. Tâm ấy không có tưởng nên là tâm vô niệm, bổn lai thanh tịnh. Tâm ấy không có tướng nên là tâm vô tướng, không gì có thể dính bám nhiễm ô. Chính vì vốn vô trụ, vô niệm và vô tướng cho nên tâm ấy có thể chứa tất cả sanh tử hoa đốm mà chẳng hề mất sự thanh tịnh bổn nguyên.
“Nếu tâm có trụ, đó chẳng phải là trụ”, có trụ là sai lầm, đó chẳng thể gọi là an trụ.
Nhưng câu kinh này còn một nghĩa sâu xa hơn nữa. Một khi đạt đến bản tánh không chỗ trụ của tâm thì cái tâm không còn chỗ trụ này, nếu có trụ thì đó chẳng phải là trụ, chẳng thể dính bám. Chẳng phải là trụ vì không có gì để có thể trụ, chẳng thể nào trụ. Vì sao thế? Vì vi trần chẳng phải là vi trần, thế giới chẳng phải là thế giới, thế nên, nếu có trụ thì đó chẳng phải là trụ.
Khi tâm còn bị trói buộc trong các giác quan thì khi duyên với tướng hay tưởng nào, tâm bèn bị dính bám, đó chẳng thể gọi là tâm được an trụ trong chính bản tánh của nó. Còn khi tâm đã không chỗ trụ, nghĩa là không còn bị ràng buộc vào các giác quan, bấy giờ tâm bao la khắp cả. Nếu tâm đã giải thoát như vậy thì khi ấy tâm có duyên với tướng hay tưởng nào thì cũng “chẳng phải là trụ” vì có duyên nhưng không bị hạn cuộc, dính bám, tâm chẳng trụ. Như hư không bao la khắp cả, khi nó tiếp xúc với một vật nào thì chẳng thể gọi là hư không trụ vào vật ấy. Hư không tiếp xúc với tất cả, nhưng hư không chẳng trụ vào đâu cả.
Khi tâm đã giải thoát thì không trụ hay trụ đều là giải thoát.
Thế nên, Phật nói Bồ tát tâm chẳng nên trụ sắc mà bố thí. Tu Bồ Đề! Bồ tát vì lợi ích cho tất cả chúng sanh nên phải bố thí như vậy. Như Lai nói hết thảy các tướng tức chẳng phải tướng, lại nói tất cả chúng sanh tức chẳng phải chúng sanh.
Tu Bồ Đề! Như Lai là bậc nói lời chân, lời thật, lời như, lời không dối, lời chẳng khác.
Tu Bồ Đề! Nếu Bồ tát tâm trụ nơi pháp mà hành bố thí thì như người vào chỗ tối, không thấy được gì cả. Nếu Bồ tát tâm chẳng trụ nơi pháp mà hành bố thí thì như người có mắt, trong ánh sáng mặt trời chiếu sáng, thấy đủ thứ vật.
Vì lợi ích cho tất cả chúng sanh nên tâm phải bao la ôm trọn chúng sanh. Muốn có tâm bao la như vậy, tâm phải không chỗ trụ. Với tâm bao la không chỗ trụ như vậy, bố thí cho một chúng sanh thì tất cả chúng sanh đều được hưởng.
Hết thảy các tướng tức chẳng phải tướng, tất cả chúng sanh tức chẳng phải chúng sanh. Tâm không chỗ trụ như một tấm gương trùm khắp, không bị các tướng sự vật và các tướng chúng sanh giới hạn, che chướng, không bị các bóng trong gương hạn cuộc, phân mảnh, thì tấm gương tâm ấy mở rộng đến vô hạn, không biên bờ. Thực hành hạnh Bồ tát là thấy được tấm gương tâm ấy, sống và làm việc trong tấm gương tâm ấy, cho đến lúc tấm gương tâm mở rộng bao la thành tấm gương tâm Phật.
Tâm trụ nơi pháp, chấp tướng thì có bố thí cũng như người vào chỗ tối, bốn tướng ngăn che làm tăm tối hạn hẹp nên việc làm ít hiệu quả, có khi còn tạo nghiệp xấu. Còn không trụ nơi pháp, không bám giữ bóng thì đó là tấm gương tâm bổn nhiên, vữa rỗng rang bất động (Không) vừa là ánh sáng chiếu soi (Minh). Cho nên khi vừa bố thí mà không trụ tướng thì tương ưng ngay với tâm không chỗ trụ Minh-Không bổn nhiên này.
“Pháp Như Lai chứng đắc, pháp ấy không thật, không hư”. Nếu thật thì có tướng, có tưởng, có chứng đắc. Nếu hư nghĩa là không chứng đắc thì lại thành đoạn diệt.
Không thật vì pháp ấy đã có sẵn, không cần người chứng đắc. Không hư nghĩa là pháp ấy đã có như vậy từ vô thủy, không phải là không có gì cả. Pháp ấy là “pháp nhĩ như thị”, “pháp vốn như vậy”.
Pháp ấy vốn sẵn như vậy nên không có không gian nào không có nó, không có thời gian nào không có nó, không có hạt bụi nào không có nó, không có một bọt biển nào không có nó, không có một đại dương nào không có nó. Pháp ấy vốn sẵn như vậy nên đầy đặc, sáng rỡ, quang minh, không một sợi tóc nào đâm lọt, không có một khe hở nào cho vọng tưởng rỉ chảy (lậu).
Pháp ấy là tâm không chỗ trụ, hay tâm kim cương.
Tu Bồ Đề! Về sau đời này, nếu có người thiện nam, người thiện nữ nào có thể trong kinh này thọ trì, đọc tụng, thì Như Lai với trí huệ Phật biết rõ những người ấy, thấy rõ những người ấy đều được thành tựu vô lượng vô biên công đức.
Thọ trì, đọc tụng được Kinh này tức là có thể giữ gìn, học hỏi được cái tâm không chỗ trụ vốn là mặt mũi xưa nay của mình, chưa hề cách lìa mình mảy tơ cọng tóc.
Tâm ấy bao la vô hạn vốn tự giải thoát vì chưa từng có tướng và tưởng. Tướng và tưởng chỉ là cái vọng thấy điên đảo do say sưa của con người mà có ra để tự trói buộc mình mà thôi. Không có hết thảy các tướng vì “hết thảy các tướng tức chẳng phải tướng”. Không có hết thảy các tướng và tất cả tướng chúng sanh nghĩa là không có sanh tử.
Thấy và sống được tâm không chỗ trụ ấy tức là thành tựu vô lượng vô biên công đức, vì đó là Tâm Kim Cương.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS