CÔNG ĐỨC TRÌ KINH

SHARE:


Thực hành
Kinh Kim Cương Bát Nhã
Đương Đạo
NXB: Thiện Tri Thức 2015

1. Lời mở đầu
2. PHÁP HỘI BÁT NHÃ
3. TRƯỞNG LÃO TU BỒ ĐỀ THƯA HỎI
4. Ở TRONG TÁNH KHÔNG MÀ CỨU ĐỘ
5. KHÔNG CHỖ TRỤ MÀ HÀNH BỐ THÍ
6. THẤY NHƯ LAI
7. TIN THẬT
8. KHÔNG ĐẮC KHÔNG THUYẾT
9. CHƯ PHẬT TỪ KINH NÀY RA
10. TÁNH KHÔNG LÀ KHÔNG CHỨNG KHÔNG ĐẮC
11. TRANG NGHIÊM CÕI PHẬT
12. CÓ PHÁP LÀ CÓ PHẬT
13. Y VÀO TÁNH KHÔNG MÀ THỌ TRÌ
14. TÍN TÂM THANH TỊNH TỨC THẬT TƯỚNG SANH
15. CÔNG ĐỨC TRÌ KINH
16. ĐI SÂU VÀO KINH
17. CHÂN LÝ TƯƠNG ĐỐI VÀ CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI HỢP NHẤT
18. PHƯỚC ĐỨC VÔ LƯỢNG
19. THẤY PHÁP THÂN
20. KHUÔN MẶT CỦA GIÁC NGỘ
21. PHƯỚC TRÍ VÔ LƯỢNG
22. TẤT CẢ THANH TỊNH
23. QUÁN THẤY PHÁP THÂN
24. CÓ ĐỦ CHỨ KHÔNG PHẢI KHÔNG CÓ GÌ
25. PHƯỚC ĐỨC VÀ CÔNG ĐỨC
26. KHÔNG ĐẾN KHÔNG ĐI

Tu Bồ Đề! Nếu có người thiện nam, người thiện nữ buổi sáng bố thí thân mạng mình nhiều như số cát sông Hằng, buổi trưa lại bố thí thân mạng mình nhiều như số cát sông Hằng, buổi chiều cũng bố thí thân mạng nhiều như số cát sông Hằng, dùng thân mạng bố thí như thế trong vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp. Nếu lại có người nghe kinh điển này, tín tâm không trái, thì phước đức sẽ hơn người kia, huống chi là biên chép, thọ trì, đọc tụng, vì người giải nói.

Tu Bồ Đề! Tóm tắt mà nói, kinh này có công đức vô biên không thể nghĩ bàn, không thể đo lường được.

Cái thức phân biệt tạo ra các tướng, các tưởng, ta, người, chúng sanh, thọ giả, thân tâm và thế giới… Cái thức ấy dù có làm gì, bố thí, trì giới, nhẫn nhục… bao nhiêu trong thời gian và không gian do chính nó đã tạo ra thì cũng bị hạn cuộc, chia cắt, và do đó hữu hạn.

Còn cái trí vô phân biệt, nghĩa là không chỗ trụ, vì không có các tướng và tưởng hạn hẹp, chia cắt, nên mọi việc làm đều thông suốt đến vô cùng.

Bố thí thân mạng trong vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp quả thật là kinh khủng, phước đức ấy quả là lớn lao, nhưng vẫn tính đếm được, vì thân mạng là vật hữu vi. Cho nên bố thí bao nhiêu thân mạng hữu vi cũng không bằng “tín tâm không trái” mà có được một Pháp thân thường trụ đồng với tất cả chư Phật.

Bố thí thân mạng như nói ở trên thật là phi thường không thể tưởng tượng nổi, và động cơ thúc đẩy là lòng bi cũng khó mà đo lường được. Nhưng sự bố thí thân mạng và lòng bi ấy do nằm trong tướng và tưởng cho nên vẫn là hữu vi, giới hạn.

Còn người “tín tâm không trái” với kinh điển chỉ thẳng Pháp thân tánh Không này, “thọ trì đọc tụng”, nghĩa là thường trực sống trong Pháp thân tánh Không. Rồi vì người (lòng bi) mà giải nói, cả hai điều này đều lưu xuất từ tánh Không, cho nên lòng bi vô hạn mà sự giải nói cũng vô hạn.

Lòng bi không bị giới hạn này là “đồng thể đại bi”. Đại bi và tánh Không hợp nhất, đó là chót đỉnh của con đường Bồ tát.

Như Lai vì người phát tâm Đại thừa, vì người phát tâm Tối thượng thừa mà nói.

Nếu có người có thể đọc tụng, rộng giảng cho người, Như Lai biết rõ những người ấy, thấy rõ những người ấy đều được thành tựu công đức không thể lường, không thể tính, không có biên bờ, không thể nghĩ bàn. Những người như thế tức là đảm đương Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Như Lai.

Vì sao thế? Tu Bồ Đề! Người ưa pháp nhỏ, thì dính mắc vào cái thấy ngã, cái thấy nhân, cái thấy chúng sanh, cái thấy thọ giả, bèn trong kinh này chẳng thể chịu nghe, thọ trì đọc tụng, giảng nói cho người.

Tu Bồ Đề! Nơi nào chốn nào mà có kinh này, tất cả thế gian trời, người, a tu la… đều nên cúng dường. Phải biết chỗ ấy tức là tháp, đều nên cung kính, lễ lạy, nhiễu quanh, đem các hoa hương rải cúng nơi ấy.

Đây là lần thứ mười, Đức Phật khen ngợi công đức người thọ trì đọc tụng, giảng nói Kinh này.

Chịu nghe, thọ trì, đọc tụng, đó là Trí huệ tánh Không. Giảng nói cho người, đó là Đại bi. Trí huệ và Đại bi là Đại thừa; hợp nhất cả hai trong một tâm bổn nhiên không chỗ trụ, là Tối thượng thừa.

Công đức ấy chính là cái tâm vô lượng vô biên mà chúng ta đang sinh sống trên đó và trong đó. Tâm ấy thường trụ giữa mọi sanh diệt của tướng và tưởng. Tâm ấy rỗng rang, không biên bờ, không lúc nào chẳng hiện diện nơi mỗi chúng ta, dầu có tướng và tưởng hay không có tướng và tưởng. Như đại dương vô biên vẫn hiện diện như thế từ vô thủy đến vô chung dầu có sóng tướng và tưởng hay không có sóng tướng và tưởng. Phải biết dầu đang thấy tướng, đang tư tưởng hay không có tướng, không có tư tưởng, vẫn chỉ là Tâm ấy. Cũng như hư không vô biên, dầu có hoa đốm hay không hoa đốm, cũng chỉ là hư không ấy.

Tâm không chỗ trụ bổn nhiên ấy không ngằn mé, biên bờ, như một mặt gương vô hạn mà các tướng, các tưởng đều hiện diện trong ấy, nhưng dù chúng xuất hiện hay chẳng xuất hiện, gương vẫn hằng trong sáng không nhiễm. Trái lại, tất cả tướng, tất cả tưởng, tất cả hình bóng dầu có xuất hiện trong gương thì cũng chỉ là gương và không thể nắm bắt vì vô tự tánh.

Khi các tướng, các tưởng, các hình bóng đều vô tự tánh, chúng chỉ là trò chơi huyễn hóa của tấm gương. Các tướng, các tưởng, các hình bóng là Hóa thân huyễn hóa của Pháp thân tánh Không là tấm gương. Chúng huyễn hóa vì chúng vừa là tấm gương vừa chẳng phải là tấm gương.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Nếu người thiện nam, người thiện nữ nào đọc tụng kinh này mà bị người khinh rẻ, đó là do tội nghiệp của người ấy trong đời trước, đáng lẻ bị đọa vào đường ác, do đời nay bị người khinh rẻ, nên tội nghiệp đời trước được tiêu diệt, rồi sẽ đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tội nghiệp là do bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả hành động theo chiều hướng xấu mà có và cũng được tích tập trong bốn tướng ấy. Có đọc tụng Kinh này là có thiền quán làm cho bốn tướng tiêu bớt, nhẹ bớt, do đó mà tội nghiệp cũng tiêu bớt, nhẹ bớt. Cho nên thay vì đọa vào đường ác thì chỉ bị người khinh rẻ.

Cứ tiếp tục thiền quán bốn tướng là duyên sanh vô tự tánh, như huyễn như mộng, thì có ngày đi đến quả giải thoát và giác ngộ.

Người khéo quán thì ngay khi quán, tánh Không vốn giải thoát liền hiện tiền. Niệm niệm khéo quán thì niệm niệm tánh Không vốn giải thoát niệm niệm hiện tiền.

Tu Bồ Đề! Ta nhớ trước thời Phật Nhiên Đăng vô lượng vô số kiếp, ta đã gặp tám trăm bốn nghìn muôn ức na do tha các Đức Phật, ta đều cúng dường phụng sự, không luống bỏ qua.

Nếu có người ở đời mạt thế sau này hay thọ trì đọc tụng kinh này, thì công đức cúng dường của chư Phật của ta chẳng bằng một phần trăm, một phần nghìn, muôn, ức, thậm chí toán số, thí dụ đều không thể bằng công đức người ấy có được.

Công đức cúng dường Hóa thân sắc tướng của chư Phật không bằng biết cúng dường Pháp thân của chư Phật. Thọ trì đọc tụng được Kinh này tức là thấy và thể nhập Pháp thân trong từng niệm niệm, cho đến có thể đảm đương Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Như Lai.

Đức Thích Ca được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký tức là lúc ấy ngài đã ở Địa Thứ Tám của Pháp thân, bất thối chuyển đối với quả vị Phật, đã xong a tăng tỳ kiếp thứ hai. Còn trước thời Phật Nhiên Đăng vô lượng vô số kiếp, tức là đang tu ở a tăng tỳ kiếp thứ nhất, chưa thấy được Pháp thân, chưa thực sự bước vào con đường của Pháp thân, thì có cúng dường phụng sự vô số Đức Phật cũng chỉ ở Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, nên công đức dù có nhiều cũng không bằng công đức của người ngộ nhập Pháp thân, biết thọ trì đọc tụng Pháp thân tánh Không.

Tu Bồ Đề! Ở đời mạt thế sau này, có người thiện nam, người thiện nữ nào thọ trì đọc tụng kinh này thì công đức có được, nếu ta nói ra đầy đủ, người nào nghe ắt tâm cuồng loạn, hồ nghi, không tin.

Tu Bồ Đề! Phải biết kinh này nghĩa chẳng thể nghĩ bàn, quả báo cũng chẳng thể nghĩ bàn.

Cái vô hạn, vô biên của Pháp thân chỉ hiện tiền, thấy biết được nơi một tâm vô phân biệt, vô sở trụ, không còn bị giới hạn trong những tường vách tù ngục của ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Người ở trong chập chùng giới hạn của ý thức mà nghe ắt phải cuồng loạn, hồ nghi, không tin.

Nhưng cụ thể, tâm không chỗ trụ là thế nào? Hãy mở mắt nhìn bầu trời. Vì bầu trời không có một tướng nào cả nên chúng ta không thấy cái gì cả. Thấy mà không thấy cái gì cả. Bởi vì không thấy cái gì cả, cho nên tâm không trụ vào đâu cả. Tâm này như một tấm gương sáng không có bóng nào trong ấy. Đó là tâm không chỗ trụ.

Rồi với cái tâm không chỗ trụ ấy nhìn trở lại thế giới. Có các tướng, nhưng trong tâm không chỗ trụ ấy các tướng cũng chẳng thể nào in chết cứng vào tâm ấy. Như một tấm gương các bóng có đến có đi, có sanh có diệt, nhưng chẳng có bóng nào lưu lại mãi. Trong tâm không chỗ trụ, các tướng được thấy đúng bản chất của chúng là không chỗ trụ. Trong tấm gương sáng, các bóng được thấy đúng bản chất của chúng là không chỗ trụ.

Chữ Thiền định được người Tây Tạng dịch là “làm quen”. Làm quen với tâm không chỗ trụ ấy, cái gương Đại Viên Cảnh Trí không ô nhiễm ấy, là thực hành ngay giữa cuộc đời thường nhật, và giải thoát cũng chính là tâm không chỗ trụ hay tấm gương tâm ấy.

Tâm không chỗ trụ hay tấm gương tâm ấy là Pháp thân của chư Phật, ánh sáng của tấm gương ấy là Báo thân, và các tướng hay các bóng là Hóa thân.

Nghĩa kinh này chẳng thể nghĩ bàn, vì nghĩa ấy là Pháp thân, Báo thân, và Hóa thân của chư Phật. Quả báo kinh cũng chẳng thể nghĩ bàn vì quả báo kinh là Pháp thân, Báo thân, và Hóa thân của chư Phật.

Nghĩa và quả báo Pháp thân, Báo thân, Hóa thân ấy chính là tấm gương tâm hiện ở trong mỗi chúng ta. Cho nên trong đoạn sau ngài Tu Bồ Đề tiếp tục lập lại hai câu hỏi trước, để Đức Phật khai thị thêm cho chúng ta về Ba Thân Phật này.

SHARE:

Để lại một bình luận