SHARE:
Tu Bồ Đề! Nếu có người cho rằng Phật nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, Tu Bồ Đề, ý ông thế nào? Người ấy có hiểu nghĩa chỗ ta nói chăng?
Bạch Thế Tôn, không. Người ấy không hiểu nghĩa chỗ Như Lai nói. Vì sao thế? Thế Tôn nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến tức chẳng phải ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến. Đó chỉ gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.
Tu Bồ Đề! Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nơi tất cả pháp nên như vậy mà biết, như vậy mà thấy, như vậy mà tin hiểu, chẳng sanh tướng pháp.
Tu Bồ Đề! Nói là tướng pháp ấy, Như Lai nói chẳng phải tướng pháp, đó gọi là tướng pháp.
Kiến là cái thấy, quan niệm. Cái thấy, quan niệm sai lầm của đời người là có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Đức Phật từ cái bệnh của chúng sanh là cái thấy và quan niệm sai lầm ấy mà chữa trị để thấy và sống cho đúng sự thực tánh Không. Có bốn danh từ ấy vì chúng sanh có các bệnh ấy.
Đặt tên cho bốn bệnh thấy lầm từ thô đến tế là ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, chứ trong thật tế tánh Không làm gì có những cái thấy, những quan niệm ấy. Những danh ấy chỉ là giả danh, những tướng và tưởng ấy chỉ là giả tướng, giả tưởng. Như thấy hoa giữa hư không, đốm lửa xoay mà thấy là vòng tròn ánh sáng, như cho rằng có đứa con của cô gái bằng đá, như lông rùa, sừng thỏ…
Tất cả các pháp vốn là vô sanh. “Người phát tâm Bồ đề nơi tất cả các pháp nên như vậy mà biết, như vậy mà thấy, như vậy mà tin hiểu, chẳng sanh tướng pháp”. Có sanh tướng pháp hay tưởng pháp, sanh tử liền sanh. Nhưng không sanh tướng hay tưởng pháp thì chưa chắc đã thật là tánh Không, vì đó có thể là “cái Không vô ký” hay cái Không do đè ép tư tưởng. Bởi vì tánh Không không có nghĩa là không có các pháp, mà tánh Không nghĩa là “thật tướng của tất cả các pháp”.
“Như vậy mà tin hiểu, như vậy mà thấy, như vậy mà biết” là con đường ngộ nhập tánh Không. “Như vậy mà tin hiểu” là Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi hướng. Tin hiểu thì vẫn còn nằm trong thức, chưa thông đạt Trí Bát nhã, chưa thấy trực tiếp tánh Không, nên còn ở trong Tam Hiền. “Như vậy mà thấy” hay “thấy như vậy” là trực tiếp thấy tánh Không hay còn gọi là ngộ tánh Không. Thấy hay ngộ là thấy hay ngộ tánh Không, tức là Pháp thân của chư Phật. Hành giả bước vào Pháp thân tánh Không, ít nhất ở bậc Sơ địa, nhưng đã ở trong hàng Bồ tát Pháp thân.
“Như vậy mà biết”, tức là đã thấy và càng lúc càng đi sâu vào cái thấy ban đầu ấy nên càng biết rõ hơn. Sự biết này là con đường trong Thập Địa cho đến Địa thứ Tám Vô sanh pháp nhẫn, giải thoát khỏi hẳn sanh tử hư vọng và rồi tiếp tục cho đến sự giác ngộ viên mãn của Phật.
“Chẳng sanh tướng pháp” thì ở ngay trong tâm không chỗ trụ, không chỗ đắc. Chẳng sanh tướng pháp một buổi thì Niết bàn một buổi, chẳng sanh tướng pháp một tháng thì Niết bàn một tháng, chẳng sanh tướng pháp một đời thì Niết bàn một đời.
Bởi vì tất cả các pháp vốn tự vô sanh vậy.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS