Lời nói đầu của Nhà Xuất Bản

SHARE:


ĐẠI TOÀN THIỆN TỰ NHIÊN Thiền Tây Tạng và những Bài Ca Kim Cương
Tác Giả: NYOSHUL KHENPO
Nguyễn An Cư dịch N.X.B Thiện Tri Thức, 1999

1. Lời nói đầu của Nhà Xuất Bản
2. Mở Đầu Tự Do và Thong Dong Một Bài Ca Kim Cương Tự Phát Thượng tọa Lama Gendun Rinpoche
3. Một kẻ lang thang chứng ngộ: Một phác họa tiểu sử
4. Phật Pháp Căn Bản: Một thuyết giảng ở Vương quốc Bhutan
5. Bạn là Đại Toàn Thiện: Một lời dạy về Bồ đề tâm Tương đối và Tuyệt đối vào dịp Ẩn cư hai tháng ở Hoa Kỳ
6. Nền Tảng, Con Đường và Quả: Những chỉ dạy Bản Tánh-Tâm về Tri Kiến, Thiền Định và Hành Động của Dzogchen, Đại Toàn Thiện Vốn Sẵn Đủ
7. Đại Toàn Thiện và Phật giáo Tây Tạng: Một giảng dạy ở Cambridge, Masschusetts Bài Ca và Bình Giải
8. Tấm Gương của những Điểm Thiết Yếu: Một bức thơ Tán Thán tánh Không, từ Khenpo Jamyang Dorje cho Mẹ ngài
9. Bình Giải của Khenpo về “Tấm Gương của những Điểm Thiết Yếu: Một bức thơ tán thán tánh Không”
10. Tấm Gương Kim Cương của Tỉnh Giác: Một bài ca tự phát
11. Bài ca Kim Cương của Chỗ Ẩn Tu Công Viên Nai
12. Bài ca Như Huyễn: Lá Thơ Giáo Huấn của Khenpo Jamyang Dorje gởi cho các đệ tử
13. Một Bài Ca Ngẫu Phát cho Damchư Zangmo: Tâm Yếu Thiêng Liêng của Những Giáo Huấn Cốt Lõi
14. Ý Nghĩa Thiết Yếu
15. Lịch Sử Dòng Đại Toàn Thiện của Nyoshul Khenpo
16. Thuật ngữ & chú thích

Lời nói đầu
của Nhà Xuất Bản

Có thể nói một cách không sai lầm, Đại Toàn Thiện (Dzogchen) và Đại Ấn (Mahamudra) là Thiền Tây Tạng. Chúng ta đã từng biết đến Thiền Việt nam, Thiền Trung Hoa, Thiền Nhật Bản, nhưng quả thật chúng ta biết rất ít về Dzogchen, Tối Thượng Thừa, thừa Tối Cao trong sự phân định chín thừa của Cổ phái Nyingma Tây Tạng. Với Kiến (cái thấy, tri kiến), Thiền (thiền định) và Hạnh (hành động sống tương ưng với chân lý) để hoàn toàn chứng ngộ Phật tánh là đã trọn vẹn con đường đốn ngộ tiệm tu (hay diệu tu) của Thiền Việt Nam và Trung Hoa. Trạng thái tự nhiên của Đại Toàn Thiện và Đại Ấn đích thị là “Bình thường Tâm thị Đạo” của Thiền Tông.

Tổng quát là vậy, nhưng chắc chắn Đại Toàn Thiện Dzogchen sẽ giúp chúng ta nhiều điều mới lạ do bởi con đường đặc trưng của Phật giáo Tây Tạng. Ngay trong phần tiểu sử những vị Tổ Đại Toàn Thiện trong sách này, chúng ta cũng tìm thấy những cách thực hành quý báu của một hành giả trước và sau ngộ như thế nào. Hơn nữa, còn có những lời tiên tri mà khởi đầu là của Padmasambhava cho đến các đạo sư hiện tại về sự phát triển rộng rãi của Đại Toàn Thiện ở Tây phương và sự ích lợi của nó nổi bật trong thời mạt pháp. Đặc biệt là tính rộng rãi và công khai so với các tantra đòi hỏi một sự trao truyền riêng tư nghiêm ngặt (xem Một Con Đường Lồng Lộng Đến Tự Do – Gyatrul Rinpoche, chương Ati Yoga – Kim Cương dịch, NXB Thiện Tri Thức).

Việt Nam xưa nay vẫn tự xem mình là nơi hội tụ của những nền văn hóa. Chúng ta vẫn thường nói đây là nơi hội tụ xưa kia là văn hóa Ấn-Hoa, và nay có thêm văn hóa Tây phương. Chính vì là nơi hội tụ để chắt lọc những tinh hoa của những nền văn hóa trên căn bản nội lực của mình đó, mà sự hiểu biết thêm những tinh hoa của nền văn hóa thuần túy Phật giáo của Tây Tạng là một điều bổ ích. Hơn nữa, chúng ta đều biết Thiền tông là dòng chảy chính trong mạng mạch của Phật giáo Việt Nam, thì sự hiểu biết thêm về Thiền Đại Toàn Thiện của Tây Tạng sẽ là một điều tốt đẹp un đúc cho sinh lực của dòng chảy ấy.

Trong ý nghĩa đó, chúng tôi xin được giới thiệu cùng độc giả cuốn Đại Toàn Thiện Tự Nhiên, phát xuất từ dòng thiền cổ sơ nhất của Phật giáo Tây Tạng, Ati Yoga hay Dzogchen, pháp thiền cao nhất của Guru Padmasambhava, vị cha khai sanh ra Phật giáo Tây Tạng.

Tháng 3 năm 1999
Kỷ niệm 700 năm ngày vua
Trần Nhân Tông về Yên Tử xuất gia
và lập nên phái Thiền Trúc Lâm.

Nhà xuất bản Thiện Tri Thức.

SHARE:

Để lại một bình luận