SHARE:
Thực hành Con Đường Bồ Tát qua kinh Duy Ma Cật
Tác Giả: Đương Đạo – NXB Thiện Tri Thức
Bấy giờ Phật nói với Bồ tát Di Lạc rằng: “Nay Như Lai đem cái pháp Vô thượng Bồ đề đã đạt đến trong vô lượng ức a tăng kỳ kiếp phó chúc cho ông. Kinh pháp như thế này, sau khi Phật diệt độ, về đời sau cùng, ông hãy dùng thần lực làm cho phổ biến ở Diêm Phù Đề, chớ để cho mất. Tại vì sao thế? Trong đời vị lai sẽ có những thiện nam tử, thiện nữ nhân và thiên, long, quỷ, thần, càn thát bà, la sát… phát tâm vô thượng Bồ đề ưa thích đại pháp. Nếu để cho họ không nghe được những kinh như thế thì mất lợi lạc tốt đẹp. Những hạng người này nghe được giáo pháp như vầy ắt rất tin tưởng và vui sướng, phát tâm hiếm có, sẽ tiếp nhận nó trên đỉnh đầu mình, rồi theo chỗ đáng lợi lạc của chúng sanh mà rộng nói.
Vô thượng Bồ đề là Phật tánh đã thể hiện viên mãn. Phật tánh này vốn có nơi mỗi chúng sanh, nên khi họ nghe được giáo pháp nói đến sự hiện diện của Phật tánh nơi mình và con đường khai triển Phật tánh ấy thì “ắt rất tin tưởng và vui sướng” tự làm lợi lạc cho mình và cho người khác.
Người ta gặp gỡ giáo pháp bằng cách: hoặc là gặp kinh điển hoặc là một cuốn kinh điển ‘sống’ là một vị thầỵ hoặc một người đã ít nhiều sống cuốn kinh này và giảng rộng kinh này. Với những nhân duyên lớn như thế, người ta sẽ được lợi lạc tốt đẹp, nghĩa là sống đời sống đạo Phật, “hội nhập Phật pháp vào trong tất cả mọi cuộc đời của mình”.
“Di Lạc đại sĩ, ông phải biết, Bồ tát có hai loại tính cách. Sao gọi là hai? Tính cách thứ nhất là ưa thích văn từ hay đẹp, tính cách thứ hai là chẳng sợ nghĩa sâu, như thật mà thể nhập. Nếu ưa thích văn từ hay đẹp, phải biết đó là Bồ tát mới học. Nếu không nhiễm không trước, không sợ hãi kinh điển thậm thâm, có thể nhập vào trong đó; nghe rồi thì tâm thanh tịnh, thọ trì đọc tụng, đúng như lời dạy mà tu hành, phải biết đó là Bồ tát tu lâu đạo hạnh.
“Di Lạc đại sĩ, lại có hai điều, gọi là vị mới học không thể quyết định với pháp thậm thâm. Sao là hai? Thứ nhất là đối với kinh sâu xa chưa từng nghe khi được nghe thì kinh sợ, sanh nghi, không thể tùy thuận, hủy báng không tin, nói rằng tôi chưa từng nghe, từ đâu mà có ra đây? Thứ hai là nếu có người hộ trì giải nói kinh pháp sâu xa thế này thì không chịu thân cận, cúng dường, cung kính hoặc khi ấy còn công kích. Có hai điều ấy, phải biết đó là Bồ tát mới học. Làm như thế thì chỉ tự làm thương tổn mình chứ không thể điều phục tâm mình ở trong pháp sâu xa.
“Di Lạc đại sĩ, lại có hai điều, Bồ tát tuy tin hiểu pháp sâu xa mà vẫn còn tự làm cho mình thương tổn mà không thể đắc Vô sanh pháp nhẫn. Sao là hai? Thứ nhất là khinh mạn Bồ tát mới học, mà không chỉ dạy giảng nói. Thứ hai là tuy tin hiểu pháp sâu xa mà lại chấp tướng và phân biệt.”
Người mới học đến với đạo Phật thường ưa thích ngôn từ hay đẹp, câu ý hoàn hảo, đó chỉ mới là sự tiếp cận ở mặt ngoài của ý thức. Nhưng khi thực sự đi vào kinh điển sâu xa thì dấy lên sợ hãi vì bị đánh vào những chấp trước kiên cố của mình. Pháp tánh thì không có ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ mạng, thế giới chấp ngã và chấp pháp bị nứt rạn và nếu tiếp tục tiến thêm thì sẽ sụp đổ. Huống gì con đường Bồ tát gánh vác trách nhiệm lớn, với cái nhìn vừa cao mênh mông vừa sâu thăm thẳm, các pháp thực hành rất nhiều nên nguy hiểm cũng rất nhiều… Nhưng để “có thể nhập vào trong đó, nghe rồi thì tâm thanh tịnh, thọ trì đọc tụng, đúng như lời dạy mà tu hành” thì không thể không cần vượt qua sợ hãi, bán tín bán nghi, không thể không cần những tấm gương của tiền nhân hay bạn đồng hành hiện tại.
“Không thể quyết định với pháp thậm thâm” thì sẽ có hai điều vừa làm giảm sút trí huệ vừa giảm sút phước đức. Đó là “kinh sợ, sanh nghi, hủy báng không tin” và đối với người đã sống bằng kinh nghiệm với kinh pháp sâu xa thế này thì “không chịu thân cận, cúng dường, cung kính hoặc khi ấy còn công kích”.
Nhưng để thật sự “quyết định với pháp thậm thâm” người ta phải trải qua một kinh nghiệm tâm linh, dù sâu dù cạn, nhưng cũng phải đủ để thấy được pháp tánh, thật tướng của các pháp. Chính bằng tự mình thấy nghe hay biết pháp tánh, người ta mới thực sự vượt qua được hai điều này.
Nhưng với người ‘tin hiểu pháp sâu xa” tức là đã trực tiếp thấy được, kinh nghiệm được pháp tánh thì vẫn có hai điều, hẳn là phải vi tế hơn, làm chướng ngại cho việc chứng ngộ đầy đủ pháp tánh, tức là đắc Vô sanh pháp nhẫn. Thứ nhất là khinh mạn Bồ tát mới học, người đã ngộ khinh người chưa ngộ. Sự khinh người khá vi tế, có tâm cho rằng mình hơn người, có tâm muốn làm thầy người thay vì phụng sự cho người thì đã là khinh mạn rồi. Thứ hai là “tuy tin hiểu pháp sâu xa mà lại chấp tướng và phân biệt”. “Chấp tướng và phân biệt” là căn bệnh khiến không hoàn toàn ở được trong Vô sanh pháp nhẫn. Làm thế nào cho hết chấp tướng và phân biệt, điều này trong cả bộ kinh đã nói rồi, vấn đề là nỗ lực tinh tấn và kiên trì cho hết bệnh về phần chúng ta mà thôi.
Bồ tát Di Lạc nghe Phật nói như thế rồi, thưa với Phật rằng: “Thưa Thế Tôn, thật chưa từng có. Như Phật đã dạy, con quyết xa lìa những điều xấu ác đó, vâng giữ pháp Vô thượng Bồ đề Như Lai đã đạt đến trong vô lượng ức a tăng kỳ kiếp. Trong đời vị lai, thiện nam tử, thiện nữ nhân nào cầu pháp Đại thừa, con sẽ đặt vào chính tay họ giáo pháp sâu xa này, cho họ sức ghi nhớ khiến họ thọ trì, đọc tụng, nói rộng cho người. Thưa Thế Tôn, nếu đời sau chót có người nào có thể thọ trì, đọc tụng, nói cho người khác, thì hãy biết đó là do thần lực của Di Lạc nâng đỡ, hộ trì.”
Phật nói: “Hay thay! Hay thay! Di Lạc đại sĩ, lời của ông thật tốt đẹp. Như Lai tùy hỷ và ca ngợi ông.”
Lúc ấy tất cả Bồ tát cùng chắp tay đồng thanh thưa với Phật rằng: “Thưa Thế Tôn, sau khi Ngài nhập diệt, chúng con cũng ở các cõi nước trong mười phương phổ biến rộng rãi pháp Vô thượng Bồ đề và sẽ khai mở dẫn dắt cho những người thuyết pháp khiến đắc kinh này.”
Bấy giờ bốn vị Thiên vương bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn, ở bất cứ nơi đâu, thành thị thôn làng, núi rừng đồng nội, có cuốn kinh pháp này, có người đọc tụng giảng nói, chúng con sẽ đem binh tướng và quyến thuộc đến nghe pháp, ủng hộ người đó, khiến cho trong phạm vi một trăm do tuần không để ai có cơ hội làm hại.”
Bấy giờ Phật bảo ngài A Nan: “Tôn giả hãy lãnh thọ, giữ gìn và giảng dạy rộng rãi kinh pháp này.”
Tôn giả A Nan thưa: “Thưa Thế Tôn, con đã lãnh thọ và giữ gìn pháp yếu này. Thưa Thế Tôn, kinh này tên gọi là gì?”
Muốn vâng giữ pháp Vô thượng Bồ đề của Như Lai thì phải xa lìa những điều xấu ác đó, và xa lìa tất cả mọi điều xấu ác che chướng hành giả với Vô thượng Bồ đề.
Đức Phật Thích Ca đã phó chúc cho ngài Di Lạc giữ gìn và phổ biến kinh pháp này cho cõi Diêm Phù Đề. Di Lạc là vị Phật tương lai sau đức Phật Thích Ca, như thế kinh pháp này được trao truyền từ một vị Phật đến một vị Phật, và đời sống của nó nối liền hai vị Phật, đời sống của nó là đời sống của đạo Phật trong chu kỳ giữa hai vị Phật. Nói cách khác, sự sống của nó chính là đời sống của đạo Phật sau khi Phật Thích Ca nhập diệt.
Chính vì nó là một phần trong mạng mạch Phật giáo mà đức Di Lạc nói: “Con sẽ đặt vào chính tay những ai cầu pháp Đại thừa giáo pháp sâu xa này, cho họ sức ghi nhớ khiến họ thọ trì đọc tụng, nói rộng cho người”. Như vậy những ai lấy kinh Duy Ma Cật này mà sống, mà tu học, thì không ít thì nhiều cũng nằm trong thần lực ban phước nâng đỡ hộ trì của đức Di Lạc.
Không thể đi vào tánh Không chỉ bằng nỗ lực về trí huệ. Trí huệ đó phải đồng hành cùng niềm tin, sùng mộ, cúng dường, hồi hướng, nhớ tưởng đến chúng sanh… Có như thế chúng ta mới bước được vào con đường Đại thừa, con đường đạt đến Chân Không- Diệu Hữu.
Và không chỉ đức Di Lạc, tất cả Bồ tát đều hứa “sẽ khai mở dẫn dắt cho những người thuyết pháp khiến đắc kinh này”. Cho nên khi thọ trì, đọc tụng, tu hành, giảng nói, dù ở mức độ nào, chúng ta cũng nằm trong ảnh hưởng hộ trì của chư Bồ tát. Tiếp đó là bốn vị Thiên vương, bảo vệ, ủng hộ người tu học theo kinh. Cuối cùng là ngài A Nan, vị ghi nhớ và tuyên thuyết lại các kinh điển.
Tin rằng mình đang sống trong sự ban phước, hộ trì, khai mở, dẫn dắt của chư Phật, chư Bồ tát, các hộ pháp và nỗ lực Văn, Tư, Tu theo kinh, dần dần chúng ta đi vào đời sống nhiệm mầu với tất cả ý nghĩa phong phú của nó. Đời sống nhiệm mầu này là con đường Bồ tát Chân Không-Diệu Hữu vậy.
Phật bảo: “Tôn giả A Nan, kinh pháp này tên là Duy Ma Cật Sở Thuyết(Thurman, Lời Chỉ Dạy của Duy Ma Cật) hay Sự Hòa Giải Các Nhị Nguyên, cũng gọi là Pháp Môn Giải Thoát Không Thể Nghĩ Bàn. Hãy thọ trì như vậy.”
Phật nói kinh này rồi, trưởng giả Duy Ma Cật, Văn Thù Sư Lợi, Xá Lợi Phất, A Nan… cùng với chư thiên, người, a tu la, tất cả đại chúng, nghe lời Phật tuyên thuyết, đều rất hoan hỷ, tin nhận, vâng làm.
Bản Hán văn của ngài Cưu Ma La Thập chỉ có hai tên của kinh, bản Tây Tạng có thêm tên thứ ba là Sự Hòa Giải Các Nhị Nguyên (Yamakavyatyastabinirhara).
Duy Ma Cật Sở Thuyết: Lời thuyết pháp của ngài Duy Ma Cật. Sự thuyết pháp này để giảng về con đường Bồ tát. Con đường này đi từ phẩm thứ nhất Tịnh Độ Của Phật Thích Ca đến phẩm thứ mười ba Pháp Cúng Dường đều nói về Tịnh Độ, xiển dương Tịnh Độ của các vị Phật, dù ở cõi Ta Bà hay cõi Diệu Hỷ của Phật A Súc. Tịnh Độ đó chính là thật tướng của tất cả các pháp, bản tánh của tất cả các pháp, pháp tánh. Chính pháp tánh làm cho một cõi nào đó thành ra Tịnh Độ (“Tùy tâm mình tịnh tức cõi Phật tịnh”). Như vậy con đường Bồ tát đi từ sự việc thấy được pháp tánh, thiền định về pháp tánh và sống đủ mọi mặt (hạnh) trong pháp tánh này. Dĩ nhiên với người căn cơ rất cao thì cả ba cái thấy, thiền định và hạnh có thể đạt được cùng một lúc. Con đường Bồ tát là con đường đi trong Tịnh Độ. Khi sự việc sống đủ mọi mặt trong pháp tánh Tịnh Độ đã trọn vẹn, cả mặt tánh lẫn tướng, tức là cả mặt Pháp thân và Sắc thân, Bồ tát thành Phật, tức là cực điểm của Tịnh Độ. Phẩm thứ mười bốn Phó Chúc giảng cho chúng ta niềm tin về sự ban phước hộ trì cho hành giả của kinh này, có được niềm tin thật sự như thế, cuộc đời hành giả không đi đâu ra ngoài pháp tánh Tịnh Độ này.
Sự Hòa Giải Các Nhị Nguyên, chủ đề này được nói tập trung nhất trong phẩm thứ chín Vào Pháp Môn Không Hai. Đây là con đường Trung Đạo của Bồ tát: “đi giữa” sanh và diệt, nhơ và sạch, tận và không tận, sanh tử và Niết bàn… Nhưng cái gì hòa giải các nhị nguyên, cái gì làm cho có thể “đi giữa” các nhị nguyên? Cái đó là pháp tánh. Như vậy Trung Đạo chính là pháp tánh. Mức độ hòa giải các nhị nguyên đến mức nào tùy thuộc vào sự chứng ngộ pháp tánh đến mức nào. Và sự hòa giải các nhị nguyên đưa chúng ta đến Nhất Tâm hay Nhất Chân Pháp Giới. Thành tựu rốt ráo của Trung Đạo là thành tựu Phật quả.
Pháp Môn Giải Thoát Không Thể Nghĩ Bàn, được nói tập trung trong phẩm thứ sáu Bất Khả Tư Nghị. Giải thoát không thể nghĩ bàn là sự giải thoát của pháp tánh. Nó không phải chỉ là sự giải thoát khỏi sắc thanh hương vị xúc pháp cũng không phải chỉ là sự giải thoát của riêng Niết bàn. Vì pháp tánh là nền tảng không nền tảng (vô trụ) của tất cả nên nó có tác dụng đối với tất cả. Đó là ý nghĩa “thần thông” nói trong kinh này. Thần thông này chính là giải thoát không thể nghĩ bàn, nghĩa là giải thoát với cả sanh tử lẫn Niết bàn đồng thời có ảnh hưởng tác dụng đối với cả sanh tử lẫn Niết Bàn.
Như vậy là với ba tên đặt cho kinh, chúng ta đã nói qua một số ý chính của kinh. Chúng ta nguyện cho tất cả những ai có đọc, có hành trì kinh Duy Ma Cật này, những ai đi con đường lợi mình lợi người của Bồ tát thừa, thấy được đầu mối của con đường Bồ tát, và từ đó, đi trong Tịnh Độ của chư Phật, sống trong lòng tin để luôn luôn có được ảnh hưởng hộ trì, ủng hộ, khai mở dẫn dắt của chư Phật, chư Bồ tát và các hộ pháp và mở rộng sự lợi lạc cho những người khác.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS