Như Lai Thần Lực

SHARE:

MƯỜI TƯ TƯỞNG PHÁP HOA TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
Tác Giả: Đương Đạo, Thiện Tri Thức 2003

1. Mở Đầu
2. Đều Đã Thành Phật Đạo
3. Thọ Ký
4. Nhất Thừa
5. Hiện Bảo Tháp
6. Tùng Địa Dũng Xuất
7. Như Lai Thọ Lượng
8. Như Lai Thần Lực
9. Tin Hiểu
10. Sống Trong Pháp Hoa
11. Quảng Bá Pháp Hoa
12. Lời kết

Như Lai Thần Lực

Lúc bấy giờ các Đại Bồ tát “tùng địa dũng xuất” chắp tay, chiêm ngưỡng mà bạch với Phật : “Sau khi ngài nhập diệt chúng con sẽ ở trong bao nhiêu quốc độ phân thân của ngài đã ở và sẽ nhập diệt để diễn giảng rộng rãi Pháp Hoa”. “Bấy giờ trước tất cả đại chúng đức Thế Tôn biểu hiện thần lực vĩ đại, bày tướng lưỡi rộng dài lên đến trời Phạm thế, tất cả lỗ chân lông phóng ra vô lượng vô số ánh sáng có màu sắc soi khắp cả cõi nước mười phương. Chư Phật phân thân của ngài ngồi trên tòa sư tử dưới các cây báu cũng làm như vậy…”

“Sau đó đức Thích Ca Mâu Ni cùng các chư Phật phân thân đằng hắng và búng ngón tay, đất của các cõi Phật rung động sáu cách, và nhờ thần lực của đức Phật và chư Phật phân thân, tất cả chúng sanh đều thấy vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức các đức Phật phân thân ngồi trên tòa sư tử dưới các cây báu và thấy đức Thích Ca Mâu Ni Phật cùng đức Đa Bảo Như Lai ngồi trên tòa sư tử trên tháp báu… Các chúng sanh chắp tay hướng về cõi Ta Bà nói “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật.” Rồi rải các món hoa, hương, chuỗi ngọc, phan, lọng… vào cõi Ta Bà. Các vật ấy từ mười phương tụ lại như mây, biến thành bảo cái bằng hoa che khắp trên chư Phật của cõi này. Bấy giờ tất cả cõi nước mười phương đều thông suốt với nhau thành một cõi Phật”.

Từ lúc biểu hiện tướng lưỡi rộng dài cho đến “thông suốt với nhau thành một cõi Phật” có tất cả mười biểu hiện của thần lực, mà cái chót, cao điểm là “thống nhất Phật độ”, theo chữ dùng của người xưa. Điều nên để ý là thần lực ấy không phải từ một trung tâm là đức Thích Ca, mà của tất cả Phật phân thân. Chư Phật phân thân thì vô số, vô biên : “Chư Phật phân thân mỗi ngài ngồi xếp bằng trên một tòa sư tử ấy. Lần lượt như vậy, đầy cả đại thiên thế giới này mà chư Phật phân thân tại một phương của đức Thích Ca Mâu Ni vẫn còn chưa hết”. Với cả số lượng đông đầy hơn cả đại thiên thế giới này như vậy, với thần lực hòa chung với nhau để cùng bày tướng lưỡi rộng dài đến trời Phạm thế, cùng phóng ánh sáng từ tất cả lỗ chân lông, cùng tằng hắng, búng ngón tay…, cùng “thống nhất cõi Phật” thì hẳn chúng ta cũng hình dung không có chỗ nào, không có vi trần nào mà không có thần lực của Phật, không có ánh sáng của Phật, không có tác động của Phật lực. Tất cả ở trong thần lực Như Lai, tất cả đều là thần lực Như Lai và tất cả đều thấy nhau, đều thông suốt.

Thấy được như thế là bắt đầu tin hiểu được Thần Lực Như Lai. Có điều là mỗi người chúng ta cần phải tư duy, tham thiền về một cái thấy ‘quang cảnh’ thần lực Như Lai như vậy. Sau đó sống theo và sống bằng cái thấy quang cảnh đó thì cái thấy ấy mới thật sự ‘ấn’ vào cuộc đời chúng ta, mới thực sự là cái thấy của mỗi người chúng ta. Nếu không như thế thì dù Thần Lực Như Lai vẫn xảy ra mỗi ngày, nơi mỗi sự vật, mỗi biến cố, mỗi động niệm, chúng ta cũng chẳng bao giờ hay biết, chẳng bao giờ tin hiểu và rốt cuộc vẫn chìm đắm trong biển khổ sanh tử.

Trong đoạn kinh trên, trước khi Phật hiển thị thần lực cuối cùng “thống nhất cõi Phật”, các chúng sanh niệm “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật” rồi rải các món hoa, hương, chuỗi ngọc… cúng dường. Hướng về Tích Phật xướng danh hiệu ngài bằng tấm lòng sùng mộ tha thiết là một cách để thấy được sự biểu hiện của thần lực Như Lai.

Điều nên để ý nữa là, đức Phật và vô số phân thân của Phật hiển thị Thần Lực Như Lai sau khi các Đại Bồ tát tùng địa dũng xuất phát tâm “sẽ nói rộng kinh này ở trong bao nhiêu quốc độ phân thân của Phật”. Việc ấy nói lên điều gì ? Việc rộng nói Pháp Hoa phải y cứ trên Thần Lực Như Lai và Thần Lực Như Lai chính là sự rộng nói Pháp Hoa. Đức Phật và vô số Phật phân thân đã hiển thị Thần Lực Như Lai để cho đại chúng thấy thế giới Pháp Hoa, vậy thì Thần Lực Như Lai là sự rộng nói Pháp Hoa của Phật. Vấn đề là chúng ta có thấy, có nghe sự rộng nói ấy hay không. Ở đây chúng ta có một gợi ý. Tất cả mọi cái trong vũ trụ đều do tâm thức biến hiện, do tâm thức tạo. Nếu chúng ta càng ngày càng đi sâu vào cội nguồn tâm thức, nơi đó tâm ta là một với tâm Phật, khi đó tất cả mọi sự đều là sự biến hiện thanh tịnh của tâm Phật, tất cả đều là Như Lai Thần Lực.

Vấn đề “có được Pháp Hoa” tùy thuộc vào mỗi chúng ta, mà trong phẩm chót, phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát, có nói là : “Sau khi Phật nhập diệt, nếu thành tựu bốn pháp sẽ có được Pháp Hoa : được chư Phật hộ niệm, trồng các cội công đức, an định trong pháp và phát tâm cứu độ tất cả chúng sanh”. Muốn “được chư Phật hộ niệm”, cần một tâm thức sùng mộ thấm nhuần đức tin, mở rộng rỗng rang trong sự cầu nguyện, một loại thiền định sùng mộ. “Trồng các cội công đức” để có thể tương ưng được với tạng công đức diệu mầu của Phật, hiển bày nơi Như Lai Thần Lực. “An định trong Pháp” nghĩa là không rời lìa khỏi đại dương tâm, về mặt tĩnh là nước (bản tánh của tâm) về mặt động là sóng (những tư tưởng). “Phát tâm cứu độ chúng sanh” là lòng thương yêu mở rộng với đại nguyện bao la, lòng thương yêu đó làm phát hiện ra thế giới Pháp Hoa và đại nguyện sẽ mở ra phương diện đại nguyện kiên cố của thế giới đó. Thế giới Pháp Hoa là thế giới của đại nguyện kiên cố được hộ trì bởi Phật và vô số Phật phân thân.

Sau đó, đức Phật nói : “Nói tóm, thì tất cả pháp Như Lai có, tất cả thần lực tự tại của Như Lai, tất cả tạng bí yếu của Như Lai, tất cả những sự cực kỳ của Như Lai đều tuyên bày nói rõ trong kinh Pháp Hoa này. Cho nên các ông sau khi Phật nhập diệt, phải một lòng thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời nói mà tu hành, hoặc là chỗ có quyển kinh… Những chỗ ấy đều nên dựng tháp cúng dường. Vì sao ? Phải biết chỗ đó chính là đạo tràng, nơi mà đức Phật ở đó thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh giác, nơi đó các đức Phật chuyển pháp luân, nơi đó các đức Phật nhập Niết Bàn”.

Như thế, muốn tin hiểu Như Lai thần Lực, chúng ta phải thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời nói mà tu hành. Làm trong sự tư duy, thiền định thường trực về Pháp Hoa như vậy, một ngày nào chúng ta sẽ bừng tỉnh trước thế giới của Như Lai Thần Lực vốn ở quanh ta và vốn mãi mãi bao bọc chúng ta.

Một tư tưởng nữa, “tức thị đạo tràng” (chính là đạo tràng) : bất cứ chúng ta ở nơi đâu, hoặc đi hoặc đứng hoặc nằm hoặc ngồi, nếu tâm ta tương ưng với lời dạy của Pháp Hoa, hoặc hơn nữa, ý nghĩa chân thực của Pháp Hoa, bấy giờ chúng ta thường xuyên biến nơi chúng ta đang hiện diện thành đạo tràng. Như thế chúng ta liên tục biến những nơi chốn của ngũ trược ác thế này thành đạo tràng Pháp Hoa. Vậy thì dầu ở mức độ cạn cợt của chúng ta, chúng ta đã làm được phần nào công việc “tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh”, tức là sự nghiệp của Bồ tát.

SHARE:

Để lại một bình luận