SHARE:
ĐẠI ẤN THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH
Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje với bình giảng khẩu thuyết của
Beru Khyentze Rinpoche – dịch từ tiếng Tây Tạng và biên tập bởi Alexander Berzin
Văn phòng Dịch thuật Thư Viện những Tác phẩm và Văn thư Lưu trữ của Đức Dalai Lama
Việt dịch: Đương Đạo – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001 TTT-19-2545/09-01
Phần chính của thực hành chia làm hai : thiền định (định, chỉ, samatha, zhi-na) và thiền quán (huệ, quán, vipasyana, lhag-thong). Thiền định là như sau.
Nói chung có nhiều phương pháp để khai triển tập trung nhất tâm (samadhi, ting-nge-dzin) nhưng nếu con biết một phương pháp căn bản thì những chướng ngại và nhiễu loạn sẽ không xảy ra và con sẽ khai triển một cách không cố gắng những kinh nghiệm và những huệ quán vào tánh giác bổn nguyên, thoát khỏi mọi lỗi lầm liên quan đến định tâm và quán chiếu.
Những chỉ dạy về tư thế thiền của Tỳ Lô Giá Na là một phương pháp nhằm khai triển tập trung nhất tâm cho hai giai đoạn phát triển và thành tựu của anuttara-yoga tantra, và một kinh nghiệm vô niệm không cố gắng của lạc và sáng tỏ. Bởi thế người mới học cần nương dựa vào điểm thiết yếu này là tư thế của thân.
Để kiểm soát năng lực đi xuống, hai chân con phải ở trong tư thế kim cương hoặc tư thế xếp chân của người bình thường. Để đem những khí-năng lực của địa đại của thân vào kinh mạch trung ương, hãy thẳng xương sống như một cây thương. Để đưa những khí-năng lực của thủy đại vào kinh mạch trung ương, hãy đặt hai tay ngang dưới rốn trong ấn đại định và hai vai thẳng. Để đưa những khí-năng lực của hỏa đại vào kinh mạch trung ương, hãy giữ cổ hơi cong như cái móc. Để đưa khí-năng lực của phong đại vào kinh mạch trung ương, mắt không mở lớn hoặc nhắm hẳn, mà nhìn vào đầu sống mũi. Lưỡi và môi để tự nhiên, thư giãn hay lưỡi đụng vào vòm họng.
Định tâm hay an định là một giai đoạn an lạc của tập trung nhất tâm thoát khỏi tư tưởng và không có năm chướng ngại hôn trầm, xáo động, mù mờ, buồn ngủ và cũ chán. Nó có thể đạt được bằng nhiều phương pháp : chú tâm vào một vật hoặc không vật nào cả, hay một tư tưởng như quán Bốn Tâm Vô Lượng, trong trường hợp này thoát khỏi tư tưởng là thoát khỏi tư tưởng lan man. Không có tư tưởng không phải là tâm trống rỗng vô ký, và nó cần thiết cho mọi thực hành, đặc biệt là những thực hành tantra tối thượng, anuttarayoga.
Theo những giáo lý tantra, tâm và khí mà tâm cỡi lên là không thể tách lìa. Nếu khí-năng lực (prana, lung) được dẫn vào kinh để lưu chuyển đúng đường, tâm thức sẽ được trụ ; nhưng khi khí chạy lung tung thì tâm thức cũng thế. Những khí này chạy qua những kinh mạch (nadi, tza), những kinh mạch chính là kinh trung ương, kinh mạch phải và trái, chạy song song và hơi phía trước xương sống. Bình thường những khí chỉ đi qua kinh mạch phải và trái, và theo cách đó khí hoạt động như phương tiện chuyên chở cho những vọng tưởng. Tuy nhiên, những vọng tưởng ấy dừng lại khi khí chuyên chở chúng không hoạt động theo cách đó nữa mà được dẫn vào kinh mạch trung ương. Bởi thế nếu thân bạn thẳng và trong tư thế đúng, những khí cũng sẽ ở trong vị trí đúng. Bấy giờ những khí có thể chảy tự do nhờ vậy và khi được dẫn vào kinh một cách đúng đắn, tâm thức bạn sẽ hoàn toàn tập chú. Vì lý do này tư thế Tỳ Lô Giá Na là căn bản.
Có nhiều cách xếp loại các khí. Theo “Sáu Yoga của Naropa”, có năm loại khí chánh : (1) đi xuống, kiểm soát sự thải bỏ và giữ lại những chất cặn bã qua hai cửa dưới. (2) đi lên, kiểm soát sự nuốt, nói và những hoạt động khác của cổ họng. (3) duy trì đời sống. (4) làm quân bình, để tiêu hóa và tách chất cặn bã. (5) khắp thân, động lực cho mọi hoạt động. Một cách xếp loại khác là các khí phối hợp với đất, nước, lửa, gió và không. Trong bản văn này, cả hai hệ thống được trộn lẫn và những điểm của tư thế Tỳ Lô Giá Na nhằm dẫn vào kinh các khí đó.
Tư thế kim cương là hai chân khoanh tréo, bàn chân nằm trên đùi chân kia. Ấn đại định của tay là để hai tay trong lòng, bàn tay ngửa lên, tay trái dưới tay phải, ngón tay cái chạm nhau. Có một cái gối để dưới mông thì rất ích lợi.
Với thân con trong tư thế căn bản, nhiều lợi lạc của một trạng thái vô niệm… sẽ hiện ra một khi con đã tự nhiên làm sạch mình khỏi khuynh hướng chạy theo những dòng tư tưởng. Nhưng thậm chí chỉ giữ thân trong tư thế căn bản này, thân và tâm con sẽ trở thành an lạc và bình lặng. Bởi thế giữ mình chớ quá chặt hay căng thẳng, trước hết tống xuất hết không khí ra và rồi giữ hơi thở tự nhiên không cưỡng ép.
Khi thở không khí ra, hãy cảm nhận bạn đang thở ra những lầm lỗi và phóng dật. Trước hết hãy thực hành tỉnh giác một số hơi thở và khi bạn đã bình an, không cần chú tâm vào hơi thở nữa.
Con hãy làm mới lại trí nhớ một ít về những sơ bộ và rồi không lưu tâm đến những việc làm trong quá khứ hay nghĩ đến tương lai hay cái gì đang làm bây giờ. Hãy để tâm an, không nhận lấy hay chối bỏ, trong một trạng thái tự nhiên, thông suốt của bây giờ và ở đây (cái hiện tiền), trong đó con không tạo tác ra những dạng hiểu biết thông thường về khoảnh khắc hiện tại. Do làm như vậy, tâm con trở nên mềm dẻo và con có thể khai triển tập trung nhất tâm. Vì những tư thế căn bản này của thân và tâm là nền tảng cho tham thiền, con cần nỗ lực thực hành chúng. Đây là điểm thứ nhất cho thiền định.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS