SHARE:
Tánh Giác Lộ Toàn Thân
Tác Giả: Karma Chagmé với bình giảng của Gyatrul Rinpoche
Những Giáo Huấn Thực Hành về Sự Hợp Nhất của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện
THIỆN TRI THỨC, 2003 TTT -31-2547/04-03
Kính lễ đức Quán Thế Âm !
Đây là những giáo huấn thực hành sâu xa của Quán Thế Âm. Đây là một dẫn nhập những thí dụ phối kết với những ý nghĩa của chúng với mục đích nhận diện tự tâm của bạn chính là Pháp thân.
Khi ban cho những quán đảnh truyền pháp và những giáo lý trọn bộ và phối hợp về tất cả những bổn tôn an bình và hung nộ, Orgyan Rinpoche dạy như sau : Có nói rằng ngày xưa ở Go Phodrang Pharley trong xứ sở Ấn Độ, trung tâm vùng Orgyan có một kiến trúc xây bằng chất liệu quý, với năm cửa và sự giàu có vô cùng, một lâu đài Vua Akasagarbha ở đó. Với 84.000 ngàn quận, ông cai trị nhiều thần dân. Hoàng hậu của ông tên là Vimalaprabhinimanojna và con trai là Hoàng tử Kirana, chưa lớn mạnh và còn nhỏ dại. Thừa tướng thông thái của vua tên là Suryanasim. Tóm lại, ông có một tùy tùng, cõi giới, thần dân và thịnh vượng rực rỡ.
Một lần gần cung điện của Vua có một lễ hội lớn ở giữa chợ, và Hoàng tử Kirana cùng với đoàn tùy tùng đến xem. Hoàng tử đến xem những quang cảnh khác nhau do một nhà ảo thuật biểu diễn, và anh bị chúng lôi cuốn. Sau khi tách rời khỏi đoàn, anh lầm mất đường về cung điện và lạc đường. Hoàng tử đi bộ lang thang trong những vùng đất có nhiều dòng họ và trở thành một kẻ nay đây mai đó. Anh quên mất quê nhà và lang thang hết đô thị này sang đô thị khác, làm người ăn xin rách rưới. Sống với những người bị bỏ rơi, anh không tìm ra chỗ nào để ngủ trừ nơi ngưỡng cửa, và anh khốn khổ hết sức.
Nhiều năm tháng trôi qua, và vương quốc, đã mất hoàng tử nối ngôi, đang trên đà suy sụp. Người ta e rằng dòng Vua Akasagarbha phải chấm dứt. Lúc đó, hoàng tử trẻ ăn xin lang thang khắp nơi trong những thành phố, một hôm đến trước cửa nhà của thừa tướng thông thái Suryanasim. Thừa tướng nhận ra anh ta là hoàng tử, kêu lên, “Ôi, hoàng tử của chúng ta bấy lâu đã mất tích nay đã trở về ! Ngài không cần đi xin. Hãy đến cung điện !” và ông bắt đầu dẫn anh ta đến đó.
Hoàng tử ăn xin vội đáp, “Tôi không phải là hoàng tử. Khi lục soát hết trí nhớ, tôi biết tôi chỉ là một kẻ cầu bơ cầu bất. Ngài đem tôi đến cung điện, nhưng tôi không xứng làm vua. Thế nên tôi sẽ không đi.”
Thừa tướng trả lời, “Khi còn là một hoàng tử trẻ, nhỏ dại, ngài đã đến xem diễn ảo thuật nơi chợ. Bị thu hút bởi quang cảnh, ngài đã bỏ khuôn viên cung điện và đi lang thang. Bây giờ, dù ngài có sống như một người lêu lổng, ngài cũng thật là hoàng tử. Thế nên ngài sẽ được trao ngai vàng. Nếu ngài cứ cố chấp với những nghi ngờ của ngài về việc ngài là hoàng tử, vậy tôi hỏi ngài : Nguyên quán ngài là gì ? Cung điện là gì ? Thành phố là gì ? Gia đình ngài là gì ? Giai cấp ngài là gì ? Cha ngài là ai ? Mẹ ngài là ai ? Những người đồng hành của ngài là ai ? Công việc bận rộn của ngài là gì ?”
Người ăn xin không nói được gì, và anh choáng váng. Anh nài nỉ, “Tốt lắm, thế thì hãy nói cho tôi chi tiết về mọi chuyện ấy và chứng thực chúng cho tôi.”
Thừa tướng nói cho tên của những sự việc ấy và chỉ ra quê quán của anh ; và ông cũng nói cho anh mọi sự về quận, lâu đài, thành phố, nhà, chỗ ngủ, gia đình và cha mẹ của anh. Bấy giờ người Bà la môn thông thái tắm cho hoàng tử, mặc áo quần cho, và đưa hoàng tử lên ngai, an lập hoàng tử trong cung điện. Ở đó hoàng tử được đội vương miện, mặc áo vua. Ngay lúc đó anh được giao tài sản của vua, một lễ đăng quang được thiết lập, và anh được giao cho vương quốc và cung điện. Anh trở thành giống như vua cha. Trong một khoảnh khắc, dù anh không chối bỏ mình là một kẻ ăn xin, anh không sống theo cách một người ăn xin nữa. Sự cùng khổ của một người lang thang lưu lạc tự biến mất, và vương quốc và mọi thần dân không trừ một ai đều ở dưới sự cai trị của anh. Và họ sống trong đại hoan hỷ và hạnh phúc.
Đây là một giải thích ngắn ý nghĩa của thí dụ này :
“Ngày xưa ở Go Phodrang Phardey trong xứ sở Ấn Độ” : Có giác ngộ nhưng không chứng ngộ, bèn có vòng sanh tử. Cái đó (giác ngộ) có từ trước mà không ai biết nó.
“trong trung tâm vùng Orgyan” nghĩa là không có kích cỡ và chiều hướng.
“có một kiến trúc xây bằng chất liệu quý” ám chỉ tinh túy trống không của mọi sự.
“với năm cửa” : sự rỗng rang vô ngại.
“và sự giàu có vô cùng” : không giảm bởi những lỗi lầm và không tăng bởi những phẩm tính tuyệt hảo.
“một lâu đài” : tinh túy có ở khắp của nền tảng.
“Vua Akasagarbha” : không rơi vào những cực đoan sanh tử hay niết bàn. (Akasagarhbha nghĩa là Hư Không Tạng.)
“Với 84.000 quận” : làm chủ tất cả mọi chứng ngộ, và làm chủ 84.000 pháp môn.
“ông cai trị nhiều thần dân” : không bị thương tổn bởi mọi phiền não.
“Hoàng hậu của ông tên là Vimalaprabhinimanoja” : ở cùng với những xuất hiện của những trò phô diễn của quang minh của chính bạn.
“và con trai là Hoàng tử Kirana” : không chứng ngộ cũng không mê mờ bởi những diễn xuất sanh khởi trong khoảnh khắc của năng lực sáng tạo (của tánh giác) của chính bạn.
“chưa lớn mạnh” : chứng ngộ chưa biểu lộ.
“và còn nhỏ dại” : tự phát và không thể diễn tả.
“Thừa tướng thông thái của vua” : Đây là người hướng dẫn tâm linh mà sự chứng ngộ đã biểu lộ bên trong.
“tên là Suryanasim” : biết làm thế nào để biểu lộ từ lòng bi.
“Tóm lại, ông có một tùy tùng, cõi giới, thần dân và thịnh vượng rực rỡ” : Sự phát lộ của sự toàn thiện đầy dẫy của tất cả những hiện tượng của vòng sanh tử cũng như của giải thoát từ pháp giới của nền tảng toàn thể.
“Một lần” : khi có một sự thu hút đến mê lầm.
“gần cung điện của Vua” : sự gần gũi của nền tảng toàn thể đối với vòng sanh tử.
“ở giữa chợ” : địa điểm của phóng dật, tức là năm môi trường giác quan, chúng là những hình tướng xuất hiện của chính bạn.
“có một lễ hội lớn” : sự sanh khởi của những xuất hiện sáu môi trường của kinh nghiệm.
“Hoàng tử” : mê lầm thuộc ý niệm, nghĩa là, sự sanh khởi trong khoảnh khắc những phân tán thuộc ý niệm.
“Kirana” : những tư tưởng và phân tích vô số.
“cùng với đoàn tùy tùng đến xem” : cùng với sự khởi tưởng liên hệ đến năm giác quan.
“ảo” : sự sanh khởi của những xuất hiện khác nhau.
“những quang cảnh khác nhau do một nhà ảo thuật biểu diễn” : mọi loại xuất hiện của tự bạn và sự mê lầm.
“hoàng tử đến xem, và anh bị chúng lôi cuốn” : năng lực sáng tạo (của tánh giác) tự phát lộ nhờ năm giác quan sanh khởi trong khoảnh khắc.
“tách rời khỏi đoàn” : lang thang vào sáu môi trường kinh nghiệm.
“anh lầm mất đường về cung điện” : không xác định được nền tảng.
“lạc đường” : không tìm thấy con đường đến giác ngộ, vốn là địa điểm xuất hiện của trí huệ bổn nguyên, bạn đi vào khổ đau của hoạt động nghiệp do bám chấp những đối tượng nắm bắt cho là sự vật có thật.
“trong những vùng đất có nhiều dòng họ” : phân chia giữa vòng sanh tử và giải thoát.
“hoàng tử đi bộ lang thang” : bạn đi lòng vòng trong ba cõi và sáu loại chúng sanh, và những quả của mê lầm chín.
“trở thành một kẻ nay đây mai đó” : như một người lưu lạc, bạn không ở trong nền tảng, mà lòng vòng nơi những cổng thành của những tử cung của những xuất hiện dối gạt.
“Anh quên mất quê nhà” : quên nền tảng bản tánh của hiện hữu.
“lang thang hết đô thị này sang đô thị khác” : Trong ý niệm người ta trở nên mê lầm về những hoạt động và những tư tưởng xảy ra do năng lực khí năng động của nghiệp ; và bạn trở nên linh hoạt bởi sự bám chấp vào những đối tượng nắm bắt. Người ta kinh nghiệm những khổ đau cá nhân của sáu loại chúng sanh, và trở nên mê lầm giữa những tư tưởng phân tán và những khao khát.
“làm người ăn xin” : kinh nghiệm đủ loại khổ.
“rách rưới” : đi vào, hay ở trong những bám luyến nhị nguyên và năm độc.
“Sống với những người bị bỏ rơi” : sống với mê lầm do những xuất hiện lừa gạt của sáu loại đối tượng.
“anh không tìm ra chỗ nào để ngủ trừ nơi ngưỡng của” : ngủ giữa năm độc và những xuất hiện bên ngoài do khuynh hướng thói quen.
“và khốn khổ hết sức” : lang thang trong vòng sanh tử để kinh nghiệm những hành động và những kết quả của chúng.
“Nhiều năm tháng trôi qua” : với sự tách lìa khỏi nền tảng toàn thể của đại an lạc, bạn phiền não bởi vô số khổ đau trong vô số kiếp.
“vương quốc, đã mất hoàng tử nối ngôi, đang trên đà suy sụp” : bạn lạc khỏi Phật tánh.
“Người ta e rằng dòng Vua Akasagarbha phải chấm dứt” : sợ rằng dòng cao cả của ‘ngữ của Phật’ hay dòng họ của Phật phải chấm dứt.
“Lúc đó, hoàng tử trẻ ăn xin” : kinh nghiệm những tư tưởng sanh khởi trong khoảnh khắc, nó chính là địa điểm của mê lầm.
“lang thang khắp nơi” : tiếp tục khổ đau của sáu loại hiện hữu chúng sanh.
“trong những thành phố” : đi đến mọi loại tái sanh thuận lợi và khổ đau.
“đến trước cửa nhà của thừa tướng thông thái Sury-anasim” : cuối cùng bắt đầu tỉnh ra với những cuộc lang thang do nghiệp, và gặp gỡ một người hướng dẫn tâm linh có những giáo lý thực hành.
“Thừa tướng” : người hướng dẫn tâm linh, chữa lành tâm mê lầm của học trò.
“nhận ra anh ta là” : nhận ra tự tâm chúng ta là Phật.
“hoàng tử” : tỉnh giác khoảnh khắc.
“kêu lên, ‘Ôi, hoàng tử của chúng ta bấy lâu đã mất tích nay đã trở về !’ ” : dù nền tảng toàn thể cho sự lang thang là Phật tánh, nó lang thang trong vòng sanh tử luân hồi.
“Ngài không cần đi xin” : chỉ ra rằng bạn không cần phải lang thang trong sanh tử.
“ ‘Hãy đến cung điện !’ và ông bắt đầu dẫn anh ta đến đó” : dẫn dắt bạn bằng cách xác nhận môi trường của riêng bạn chính là một cõi Phật.
“Hoàng tử ăn xin vội đáp” : không tin vào chính bạn, bạn nghĩ, “Tôi không phải là một vị Phật.”
“Tôi không phải là hoàng tử” : bạn không có những quả của niềm vui.
“Khi lục soát hết trí nhớ, tôi biết tôi chỉ là một kẻ cầu bơ cầu bất” : đã quên cách thức căn bản của hiện hữu, bạn nhớ lại những khuynh hướng thói quen gắn liền với sanh tử, chúng chỉ làm cho bạn lang thang tiếp.
“Ngài đem tôi đến cung điện, nhưng tôi không xứng làm vua” : bạn nghĩ rằng tâm bạn không xứng là Phật.
“thế nên tôi sẽ không đi” : tâm bạn không đi vào bản thân thực tại, mà vẫn ám ảnh với những cư xử thấp kém.
“Thừa tướng trả lời” : vị hướng dẫn tâm linh.
“Khi còn là một hoàng tử trẻ” : chỉ sự lang thang của nền tảng toàn thể, và sự sanh khởi trong khoảnh khắc của năng lực sáng tạo của đệ tử.
“nhỏ dại” : sự chứng ngộ chưa biểu lộ.
“ngài đã đến xem diễn ảo thuật nơi chợ” : không biết chính bạn, bạn cư xử theo những năng lực khí lừa gạt.
“Bị thu hút bởi quang cảnh” : bị thu hút vào những đối tượng của sáu trường kinh nghiệm.
“ngài đã bỏ khuôn viên cung điện và đi lang thang” : nền tảng mà lang thang trong vòng sanh tử là do bám níu vào những tư tưởng phân tán và vào tham luyến và sân hận.
“Bây giờ, dù ngài có sống như một người lêu lổng, ngài cũng thật là hoàng tử” : tinh túy của nền tảng toàn thể là Phật tánh.
“Thế nên ngài sẽ được trao ngai vàng” : bạn được đưa đến nền tảng.
“Nếu ngài cứ cố chấp với những nghi ngờ của ngài về việc ngài là hoàng tử” : cứ nghĩ rằng tâm bạn không phải là Phật.
“Nguyên quán ngài là gì ?” : chỉ rằng bạn sanh ra mà không biết gì về nền tảng toàn thể, và rằng những tư tưởng phân tán là những sanh khởi trong khoảnh khắc.
“Cung điện là gì ?” : trên nền tảng nào bạn đang hiện hữu ?
“Thành phố là gì ?” : địa điểm của những tư tưởng phân tán của bạn là gì ?
“Gia đình của ngài là gì ?” : đâu là chỗ ở của những tư tưởng sanh khởi trong khoảnh khắc được tạo ra của bạn ?
“Giai cấp ngài là gì ?” : loại biến cố nào sanh khởi trong khoảnh khắc là những phân tán của tâm ?
“Cha ngài là ai ?” : nguyên nhân.
“Mẹ ngài là ai ?” : điều kiện phụ thêm.
“Những người đồng hành của ngài là ai ?” : những biến cố đi kèm.
“Công việc bận rộn của ngài là gì ?” : xác quyết.
“Tôi hỏi” : tìm kiếm và thấy ra vị thầy, chủ nhân của các uẩn tâm sinh lý bằng cách tra hỏi về tác nhân của tánh khí, của những hy vọng và sợ hãi, và của chấp ngã.
“Người ăn xin không nói được gì” : ngay trên sự sụp đổ của những tư tưởng phân tán và những ám ảnh, có sự chứng ngộ tự thân thực tại căn bản, không do bất cứ bản chất gì thiết lập.
“anh choáng váng” : điều này nghĩa là bạn không biết làm sao nói ra lưu loát về nó.
“Tốt lắm, thế thì hãy nói cho tôi chi tiết về mọi chuyện ấy” : khi bạn tưởng tượng người hướng dẫn tâm linh trên đỉnh đầu bạn, bạn cảm thấy có thể rằng bạn là một vị Phật.
“chứng thực chúng cho tôi” : nghĩa là với sự tin cậy bạn xin người hướng dẫn tâm linh phát lộ những điều này.
“Thừa tướng” : một người hướng dẫn tâm linh có chứng ngộ đích thực.
“nói cho tên của những sự việc ấy” : đây là những giáo lý thực hành trình bày một thí dụ cùng với nghĩa của nó.
Cũng vậy, như hoàng tử không biết anh là một hoàng tử và trở thành một người ăn xin, bạn không nhận biết tự tâm bạn là pháp thân, và bạn lang thang trong vòng sanh tử. Như thừa tướng nhận biết hoàng tử và đem anh đến ngai vàng, người hướng dẫn tâm linh chứng nhận tự tâm bạn là pháp thân ; và ngay khi tự do khỏi khổ đau của vòng sanh tử, bạn thành tựu những phẩm tính tuyệt hảo của một vị Phật.
MỘT GIỚI THIỆU VÀO MỘT THÍ DỤ
VÀ NGHĨA CỦA NÓ DO SIDDHA ORGYAN DẠY
Kể rằng trong xứ Ấn Độ có một thuyền trưởng sở hữu một viên ngọc (như ý) quý báu từ đại dương. Mọi nhu cầu và ước muốn của ông đều được viên ngọc ấy sinh ra, và nhà ông rất giàu có và sang trọng. Sau cùng ông thuyền trưởng này chết đi, và khi vợ và các con ông thấy tài sản họ cạn kiệt, họ trở nên rất nghèo cùng, và đi ăn xin. Khi gặp một người bạn của thuyền trưởng, họ nói với ông điều đã xảy ra với họ, và người bạn trả lời, “Các bạn không thể nào nghèo được ! Chớ những thứ gì các bạn có ở nhà ?”
“Chúng tôi không có gì cả ngoại trừ một cục đá nhẵn trong một cái mền bông”, họ trả lời. Người bạn kéo họ về nhà, và sau khi tìm cẩn thận, viên ngọc dơ bẩn được tìm thấy ở dưới một cái gối. Bấy giờ người bạn rửa nó với nước thơm, cột nó vào đỉnh một ngọn cờ chiến thắng, và làm vô số cúng dường, tán tụng và thỉnh cầu với nó. Kết quả là, mọi nhu cầu và ước muốn của họ lại được thành tựu tràn trề. Hơn nữa, nếu không nhờ người bạn, viên ngọc vẫn nằm dưới gối, và người mẹ và những người con phải chết đói.
Trong thí dụ này, tự tâm, pháp thân vô sanh, vốn hiện diện trong bạn, nhưng nó giống như viên ngọc để dưới gối. Không biết sự hiện hữu của pháp thân trong bạn, kết quả là bạn lang thang trong vòng sanh tử. Như người bạn nhận ra viên ngọc, rồi cúng dường, ở đây nhờ một sự giới thiệu của một người hướng dẫn tâm linh thánh trí, bạn thấu hiểu tự tâm bạn chính là pháp thân, bấy giờ sự an vui thịnh vượng của bạn và những người khác thành tựu tràn đầy.
– Vấn đề không phải là chúng ta có pháp thân hay không, mà chúng ta có nhận biết nó hay không. Bạn không có một cái “bạn”. Bạn ở đâu ? Bạn ở trong đầu, trong ngực hay trong chân ? Toàn thể thân bạn có phải là bạn không ? Bạn được tìm thấy ở đâu ? Khi bạn không thể tìm thấy cái bạn này, giả định căn bản về sự hiện hữu của chính bạn bị phá sập. Chính công việc của người hướng dẫn tâm linh là chỉ ra bản tánh của bạn cho bạn. Bạn là pháp thân. Nhân dạng đích thực của bạn là pháp thân. Một khi bạn nhận ra điều này, bạn sẽ tự hỏi tại sao bạn đã tìm và tìm chân lý bao năm, trong khi chân lý bạn tìm thì luôn luôn ở nơi bạn. –
Một lần ở xứ Ấn Độ có một vị vua vĩ đại băng hà, để lại một đứa con mồ côi. Một thừa tướng bắt cóc đứa trẻ và bỏ rơi nó trong một nhóm người khờ. Đứa trẻ mồ côi rất khốn cùng và không thể nào phân biệt nữa với con của những người khờ. Cuối cùng một người Bà la môn xem xét những đặc điểm của nó và nhận ra nó có những tính chất của giai cấp vương giả. Ông tắm rửa nó với nước thơm, thắp hương, mặc quần áo sang trọng cho nó, trang hoàng nó bằng đồ trang sức, đặt nó lên một ngai cao, và xác nhận nó là người trị vì vương quốc. Như thế trong một giây phút, nó thành vua, và mọi thần dân đều vui mừng và hạnh phúc.
Cũng thế, tự tâm bạn vốn nguyên là pháp thân hằng hiện diện, nhưng nó bị che ám bởi những ô nhiễm ngoại sanh và tạm thời. Không nhận biết nó, bạn lang thang trong vòng sanh tử. Ngay khi nhận những ban phước của một vị thầy, bạn được giới thiệu vào nó ; và ngay khi nhận diện tâm bạn vốn hiện diện một cách bổn nguyên là pháp thân, bạn giải thoát khỏi các khổ của sự lang thang trong sanh tử.
THÍ DỤ ÔNG GIÀ MẤT SỢI DÂY
Trong một vùng nọ có một người đàn ông già sống với vợ. Ở cuối thung lũng có một cuộc biểu diễn, và người đàn bà già nói chồng mình đi xem. “Tôi có thể lầm chính tôi với một người khác, nên tôi không đi”, ông già trả lời.
“Ông sẽ không lầm như thế nếu ông cột một dấu hiệu nhận dạng trên người” bà nói lại. Cột một sợi dây đỏ tía nơi chân ông, bà tiễn ông đi.
Để cho quang cảnh biểu diễn cuốn mình đi xa, ông để cho sợi dây trên chân bị đứt. Rồi, lầm mình với người khác, ông đi quanh hỏi người ta, “Nào, tôi là ai ? Tôi là ai ?”
Những người kia trả lời, “Này ông khờ ! ông chính là ông !” Nhưng ông không nhận ra chính mình. Cuối cùng ông chạy đến vợ mình và than phiền với bà, “Sáng nay tôi đã nói tôi đi thì tôi sẽ lầm tôi với người khác mà bà không chịu nghe. Chính do lỗi của bà mà tôi đã không nhận ra chính mình !” Và ông định đánh bà.
“Bổn tôn sẽ chỉ cho ông bản tánh của ông. Hãy lễ lạy bổn tôn”, bà nói, và đưa ông lạy nhiều lần bổn tôn. Sau một lúc ông mệt và ngủ. Khi ông ngủ say bà cột một sợi dây đỏ tía khác vào chân ông. Khi ông tỉnh dậy, ông nói, “Bây giờ tôi đây này !” và ông nhận ra chính mình. Dù khi người đàn ông già không nhận ra chính mình sau khi sợi dây bị đứt, cũng không có lý do nào cho sự mê lầm của ông. Trong khi ông hiện diện trong chính nhân dạng của mình, ông trở nên mê lầm về điều mà không có lý do nào để mê lầm.
Giải thích thí dụ : như ông già ban đầu trở nên mê lầm về điều mà không có lý do nào để mê lầm, khi tự tâm bạn vốn hiện diện như pháp thân, bạn lại lang thang trong sanh tử vì không nhận ra nó. Như ông già nhận ra chính mình một khi sợi dây được cột vào chân, cũng thế bạn thấy khuôn mặt pháp thân của bạn nhờ được giới thiệu vào bởi những giáo huấn khẩu truyền của một người hướng dẫn tâm linh ; và điều này nhổ gốc của sự lang thang trong vòng sanh tử.
– Điểm then chốt của thí dụ này là ông già vẫn là chính ông dù người vợ có cột dây vào chân ông hay không, thế nên không có lý do gì cho việc tại sao ông lầm lẫn chính ông với người nào khác hay quên ông là ai. Tương tự, bản tánh bổn nguyên của chúng ta là Phật tánh, nhưng do bám níu vào những xuất hiện hình tướng cho là thật có, chúng ta không nhận ra bản tánh của chính mình. Chúng ta không biết mình là ai. Chúng ta phải tìm cho ra sự rối loạn này, nhưng chúng ta lại coi đó là hoàn toàn bình thường. Khi một vị thầy chỉ cho chúng ta bản tánh của tâm thức chúng ta là pháp thân, vị ấy đưa chúng ta vào bản tánh đích thực của con người chúng ta, và qua sự nhận biết này chúng ta chấm dứt lang thang trong sanh tử.
Đêm qua bạn mơ thấy bạn là một người nào đó, nhưng ai là cha mẹ bạn trong giấc mơ đó ? Bạn sanh ra khi nào ? Bạn sống ở đâu ? Ai tạo ra bạn ? Khi bạn thức dậy sáng nay, điều gì đã xảy ra cho cá nhân trong giấc mộng đó ? Người đó chết rồi chăng ? Hay là người đó đi đâu ? Chúng ta có khuynh hướng nói rằng, “Ồ, khác nhau thôi. Cái kia chỉ là một giấc mộng và tưởng tượng, trong khi cái tôi đang kinh nghiệm đây là sự thật, không phải tưởng tượng.” Có phải đấy là điều chúng ta cảm thấy ?
Từ một viễn tượng Phật giáo, cái thật nghĩa là bản tánh của chính bạn là bản tánh của Phật. Cái tưởng tượng là nhân dạng của bạn là một chúng sanh. Thế nên với điều đó trong tâm, hãy tự hỏi lại, “Tôi, như người trong giấc mộng đêm qua, đã đi đâu ?” Suốt ngày bạn có thể cảm thấy rằng bạn đã thức tỉnh như thể bạn đã là một vị Phật, còn việc nhận biết nhân dạng của bạn, những tình huống của bạn… trong giấc mộng chỉ là tưởng tượng. Nếu thế, ban đêm bạn cũng mê mờ như thể bạn là một chúng sanh bình thường. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn ngủ đêm nay ? Cái gì sẽ xảy ra với “con người như Phật” là chính bạn bây giờ ? Ở đâu những phẩm tính tuyệt hảo, những đức hạnh của bạn một khi bạn đi ngủ ? Xin hãy chăm chú vào những điều này. –
THÍ DỤ THẤY MỘT SỢI DÂY THỪNG LÀ CON RẮN
Một lần nọ một người lầm cho một sợi dây thừng nhiều màu chuyển động tới lui trong một bụi cây là một con rắn độc. Cho rằng nó sẽ cắn anh và anh sẽ bị nọc độc của rắn chích vào người, anh sợ hãi khủng khiếp. Đây không phải là một trường hợp méo mó của thị giác, vì mắt anh ta chỉ thấy một sợi dây nhiều màu, không thấy da, miệng hay mắt của con rắn. Thế thì tại sao anh bị lầm ? Anh lầm lẫn bởi tâm thức anh gán cho sợi dây thừng nhiều màu, vặn vẹo là một con rắn, thậm chí một con rắn độc, có những đặc tính độc hại v.v… Bấy giờ có người chỉ ra cho anh, “Đây không phải là một con rắn. Nó là một sợi dây”, và cầm lấy tay anh mà chỉ. Nhờ vậy anh thoát khỏi những sợ hãi của mình về con rắn độc.
Giải thích thí dụ : Từ ban đầu không có lý do để lầm sợi dây với con rắn. Cũng thế, trong khi tự tâm hiện diện như là pháp thân, bạn lại không nhận biết chính bạn. Và như vậy, bạn bị kéo ra xa bởi những ngọn sóng của vòng sanh tử và kinh nghiệm khổ đau. Cũng như anh kia thoát khỏi những sợ hãi của mình về con rắn độc nhờ ai đó làm cho anh nhận ra sợi dây, khi một vị thầy chỉ cho bạn bản tánh của tâm, khuôn mặt thật của chính bạn là pháp thân được phát hiện ; và bạn thành tựu một tự do nào đó với vòng sanh tử. Trường hợp bị lầm về cái gì mà đối với nó không có lý do để mê lầm thì được nói là do “những ô nhiễm ngoại sanh tạm thời”. Ngược lại, việc nghĩ rằng dòng tâm trở nên xấu xa và nó kinh nghiệm khổ đau – trong khi không biết tác nhân gây cho bạn lang thang trong sanh tử chính là “những nhiễm ô ngoại sanh tạm thời” – sẽ khiến cho không xác định được bản tánh của tâm. Bạn cần nhiệt thành tìm cho ra ý nghĩa của điều này, và với ba thí dụ và ý nghĩa của chúng, hãy xác định cho chính bạn cách thức mà tâm trở nên mê lầm.
– Từ ban đầu không có lý do gì cho anh ta nghĩ sợi dây là con rắn bởi vì sợi dây luôn luôn là sợi dây, không khi nào là con rắn. Đấy đúng là bản tánh của nó. Nghĩ dòng tâm của bạn là vấn đề, chứ không phải những ô nhiễm ngoại sanh tạm thời làm méo mó và làm dơ nó, chỉ là một kết quả của việc không xác định được bản tánh thực của tâm. Trong mỗi thí dụ, sự thất bại này được tìm thấy : người ta không nhận biết bản tánh của tâm, và từ việc không nhận biết này mọi bám luyến và giận ghét sanh khởi. Hơn nữa, những phiền não như vậy khởi sanh do nắm lấy một cái gì không thực. Hãy khảo sát triệt để những điểm này.
Chúng ta có thể nghĩ chúng ta là những hành giả Dzogchen, nhưng trong khi đó, chúng ta lại nghĩ rằng những người khác có những vấn đề. Điểm cốt yếu của thực hành này là xoay vào bên trong và nhận biết bản tánh của chính mình. Thậm chí khi chúng ta tu hành cao, chúng ta có thể có cảm giác rằng có những sinh thể bên ngoài hỗ trợ chúng ta, như những chư thiên và dakini, và những sinh thể khác như các ma, muốn làm hại chúng ta. Trước khi giác ngộ, ngay cả Phật Thích Ca, với chư thiên và các loài khác tán thán, có vẻ như bị quân ma tấn công, nhưng tất cả cái ấy đều do tâm thức ngài tạo ra.
Chúng ta tạo ra tất cả những phiền não của chúng ta. Ngay khi chúng ta bắt đầu tìm thấy lỗi của những người khác, và ngay khi chúng ta định danh những người khác như những kẻ thù và những người bạn của chúng ta, chúng ta đã mê lầm. Những tư tưởng này sanh khởi bởi vì chúng ta đã không nhận biết bản tánh của chính chúng ta. Mọi cái lải nhải về việc chúng ta nhạy cảm, trong sạch và tốt đẹp như thế nào, ngược lại những người khác xấu như thế nào, đều thuần là tưởng tượng. Mê lầm như vậy là vấn đề của chúng ta, và khi những ác cảm và những tham đắm ấy được áp dụng vào những truyền thống khác biệt, chủ nghĩa bộ phái và thành kiến sanh khởi, đó cũng là vấn đề của chúng ta. Vấn đề không ở tự thân những tôn giáo và truyền thống khác nhau.
Một lần nữa, điểm then chốt là mọi thích, ghét khởi lên trong tâm chúng ta mới là vấn đề của chúng ta. Đó cũng giống như mất sợi dây. Chúng ta có trách nhiệm về nó. Bất cứ trạng thái tâm thức nào chúng ta mắc vào, dù nó tốt hay xấu, mọi cái giống như ông già mất sợi dây của ông. Tất cả đều xảy ra trong một khung cảnh tưởng tượng, nơi chúng ta đã quên nhân dạng của chính mình. Một khi bạn đã chứng ngộ hai vô ngã – cá nhân vô ngã và hiện tượng vô ngã – bấy giờ tâm bạn giống như căn nhà trống. Không có cửa cho tham luyến, xung đột, khao khát… đi vào. Nó hoàn toàn là một nơi sáng sủa. Một khi bạn đã nhận biết bản tánh, đó giống như phiêu lưu vào một xứ sở mà mọi thứ đều làm bằng vàng, ngay cả một viên đá cuội. Tương tự, khi bạn nhận biết bản tánh, không có chỗ cho một tư tưởng hay một tri giác về sự dơ bẩn – không có đối tượng của tham muốn hay xung đột. Còn khi chúng ta đi vào một trạng thái tâm có ghét bỏ cho mặt kia và tham luyến cho mặt này của bạn, đó thực sự là một sự rối rắm bởi vì chúng ta chỉ đang dấn mình vào tưởng tượng.
Đôi khi, chúng ta không nhận biết những lỗi của riêng mình và trở nên bị ám ảnh bám chấp vào những lỗi lầm của những người khác. Chúng ta khen những người thích chúng ta, chê những người không thích chúng ta. Chúng ta làm thế như thể chúng ta hoàn toàn khách quan. Khi chúng ta đi vào một trạng thái tâm thức như vậy, chúng ta không có thậm chí cả đức hạnh của một con ký sinh trùng trong ruột.
Để nhìn lại thí dụ, hãy xét nghiệm kinh nghiệm của bạn. Bạn đang có mê lầm hay không ? Bạn có đi vào loại tưởng tượng này hay không ? Bạn đã tạo ra tất cả bạn và thù, những đối tượng của thương ghét. Chúng đều là những tưởng tượng của bạn. Những đối tượng của thương và ghét không phải là cái gì hiện hữu trong thực tế. Chúng là những tưởng tượng bạn tạo ra cho chính bạn và cho người mà bạn có những đáp ứng xúc cảm. Bạn cần phải xác định cho chính bạn, theo chính kinh nghiệm của bạn, bạn có bị mê lầm trong mặt này hay không, bạn có bị lừa dối bởi những tưởng tượng đó hay không. Nếu bạn thấy rằng bạn bị mê lầm, bấy giờ hãy xác định nó là tích cực hay tiêu cực. Đặc biệt hãy khảo sát những đối tượng của tham luyến, giận dữ và thù ghét của bạn. Hãy xác định cho chính bạn là chúng có thực hay không. Nếu bạn nhận biết rằng chúng vốn không cố định, không nền tảng, bấy giờ chúng không có hiện hữu nội tại riêng của chúng. Thế thì bạn không cần phải tạo tác thi thiết cái nào nữa. Bấy giờ, hãy buông thả nó và xem thấy bản tánh của tâm bạn. –
Một lần nọ trong xứ Ấn Độ có một ông vua đã sùng tín Pháp nhưng có một người con không quan tâm đến thực hành tâm linh. Vua mời một nhà ảo thuật đến và ra lệnh cho ông, “Hãy tạo ra một màn ảo thuật như là một phương cách khiến cho con ta mến thích Pháp.”
Nhà ảo thuật hỏi, “Hoàng tử bị cái gì hấp dẫn ?”
“Nó thích những con ngựa”, vua trả lời.
Sáng hôm sau nhà ảo thuật đem đến một con ngựa tốt trang hoàng bằng yên, cương đẹp đẽ và hỏi hoàng tử có muốn mua nó không. Hoàng tử ngắm nghía nó và trả lời, “Tôi muốn mua, nhưng trước tiên tôi sẽ cho nó đi vài bước”, và anh leo lên yên ngựa. Không thể kiểm soát con ngựa, anh cưỡi đi xa qua đồi và thung lũng. Sau khi đến một vùng sa mạc trên bờ đại dương, con ngựa ném anh xuống rồi bơi vào đại dương. Không có cách gì hoàng tử trở lại quê nhà, và cũng không có ai gần đó. Khi anh sợ hãi và chán nản, một người đàn bà già, tóc hoang dại đi đến và bảo với anh vùng này hoàn toàn không có người ở. “Anh vốn từ đâu đến ?”, bà hỏi, và anh kể cho bà câu chuyện của mình.
“Đây là bờ biển, không có người ở đây. Nhưng ta có một đứa con gái anh có muốn ở với nó không ?”
Nghĩ rằng dù là một hoàng tử, anh cũng không có sự lựa chọn nào khác, anh sống với người con gái. Sau một thời gian, đôi vợ chồng đã có một trai và một gái. Sau đó người đàn bà già chết đi, và khi họ chôn xác bà trên đồi, vợ anh quá đau khổ nhảy vào một dòng sông. Khi cố cứu mẹ, đứa con gái nhỏ cũng rơi xuống dòng sông và bị nước cuốn đi. Khi hoàng tử đang nghĩ cách cứu nó, đứa con trai đang ngủ bị một con chó sói tha đi mất. Quá đau buồn, hoàng tử khóc, tát vào má, bứt tóc. Khi về già, tóc anh hoàn toàn bạc trắng.
Thế rồi nhà ảo thuật làm tan biến trò ảo hóa. Bấy giờ hoàng tử nhóm họp các quan lại và nói với họ anh sẽ kể cho họ nghe những thuận cảnh và nghịch cảnh của mình. Các quan nói rằng, “Không có thuận cảnh hay nghịch cảnh nào đã xảy ra với ngài. Ngài chưa từng rời khỏi ngai của ngài ! Thức ăn trước mặt ngài vẫn chưa nguội kia mà.” Dù họ nói vậy, hoàng tử không nghe, và vẫn kể lại từng chi tiết. Khi kể xong, anh nói, “Không có một điểm nào là thật trong mọi sự ấy”, và anh từ bỏ ngôi và đi vào cửa Pháp.
Trong thí dụ này, trong khi hoàng tử không rời khỏi ngai, nhà ảo thuật làm anh mê lầm bởi năng lực của những chú thuật và chất thuốc, và anh đã đau khổ trong một thời gian lâu. Cũng thế, trong khi tự tâm của chúng ta là như lai tạng, nó không lìa khỏi bản tánh của pháp thân, chúng ta đã không nhận biết bản tánh của chính mình ; và bởi những năng lực của tội lỗi và những che chướng mà chúng ta đã tích tập, chúng ta lang thang trong sanh tử và kinh nghiệm khổ đau trong thời gian lâu. Cũng như hoàng tử không rời khỏi ngai dù khi anh bị huyễn hóa làm mê mờ, dù chúng ta đang lang thang trong sanh tử, như lai tạng nhân địa không đi vào nhiễm ô và xấu ác.
– Trong đoạn này như lai tạng “nhân địa” ám chỉ như lai tạng là nguyên nhân, hay nền tảng, của con đường, và tuy nhiên, nó cũng là bản thân con đường, cũng là quả của con đường. Nếu không có như lai tạng chúng ta sẽ không có sự thực hành Pháp hay cái gì khác nữa cả. –
Hãy lấy thí dụ vàng ròng, không dơ nhiễm. Nếu một thợ vàng chùi vàng với bồ hóng nó sẽ trở nên dơ bẩn. Nhưng sau khi nấu chảy, nó có thể làm thành những đồ trang sức đẹp đẽ. Hay nấu chảy, nó có thể đúc thành một tượng Phật, và khi được tôn phong, nó có thể trở thành một đối tượng cho sự tôn thờ, đảnh lễ của mọi người. Dù làm dơ bẩn, làm đồ trang sức hay làm tượng, tinh túy của vàng không biến đổi. Cũng thế, tất cả thời gian lang thang trong sanh tử, thành tựu những địa Bồ tát và những con đường, và cuối cùng đạt đến giác ngộ, tinh túy của tâm là không biến đổi.
Như một hòn đá thường không thể trở thành bạc dù có nấu chảy nó, nếu tinh túy của giác ngộ không hiện diện trong dòng tâm làm nhân, thì quả của giác ngộ sẽ không thành tựu dù có thực hành Pháp. Có nói, “Mọi hiện tượng đều sanh khởi từ những nguyên nhân”. Bởi vì bạc hiện diện trong quặng bạc, khi nấu chảy, ban đầu nó trở nên tinh chất một phần, rồi tinh chất hơn và cuối cùng thành bạc ròng chất. Cũng thế, bởi vì như lai tạng hiện diện trong dòng tâm, một khi chúng ta biết điều này và đi vào thực hành, chứng ngộ thực nghiệm (qua kinh nghiệm) đầu tiên sanh khởi. Rồi dần dần chúng ta tiến bộ theo những địa Bồ tát và những con đường, và cuối cùng chúng ta đạt đến giác ngộ.
– Chứng ngộ thực nghiệm (qua kinh nghiệm) đầu tiên là sự nhận biết bản tánh của tâm. Chiến thuật tiến bộ theo những địa và những con đường là trước hết đi vào những thực hành sơ bộ, nhờ đó thiết lập một nền tảng thích hợp. Tiếp theo, người ta làm những thực hành bổn tôn của hai giai đoạn phát sanh và thành tựu, và cuối cùng chúng ta có thể đi vào thực hành Dzogchen. Theo cách này, chúng ta đi vòng và nhận biết bản tánh của chính mình. –
Nghĩa Bên Trong Sâu Xa nói :
Tinh túy không nhiễm ô của chư Phật thì theo thứ tự bất tịnh, một phần bất tịnh một phần tịnh, và hoàn toàn thanh tịnh. Cũng thế, có nói rằng nó hiện diện như là chúng sanh và như là chư Phật. Thế nên hãy thấu hiểu nghĩa này.
Như thế tự tâm này hiện diện một cách bổn nguyên như tinh túy của pháp thân. Thế nên hãy nhận dạng và nhận biết nó với sự chắc chắn ; và không tạo tác hay làm biến chất nó bằng những hy vọng và sợ hãi, chỉ đơn giản chú tâm vào tinh túy của bất cứ cái gì xuất hiện. Như một thí dụ tương tự, sau khi nặn đường thành những hình dạng thần linh, quỷ ma và người khác nhau, khi người ta ăn lần lượt, dù hình thức của chúng có khác nhau, tất cả chúng đều có cùng vị ngọt của đường. Tương tự, bất cứ tư tưởng tốt xấu nào sanh khởi trong tâm, bằng cách quan sát tinh túy của chúng, chúng sanh khởi như Đại Ấn, cũng như mọi hình tướng khác nhau của đường đều có cùng vị ngọt.
Đến đây chấm dứt phần bổ sung dẫn nhập vào những thí dụ.
– Cần thiết phải nhận rõ với sự chắc chắn rằng tự tâm của bạn là pháp thân.
Để có được loại nhận biết này, hay nhận diện bản tánh của tâm bạn, bước đầu tiên là tìm ra một vị thầy đích thực, từ ngài bạn phải nhận những lời chỉ dạy. Rồi trong tiến trình, bạn cần có thể dứt ra khỏi những không xác định và những nghi ngờ. Cách bạn làm điều này là nghe những lời chỉ dạy và học hỏi. Không đi vào đoạn thứ nhất của tiến trình ba bước là nghe, suy nghĩ và thiền định, bạn sẽ có gì để thiền định ? Làm thế nào bạn thiền định được nếu bạn không nghe lời chỉ dạy nào ?
Ở Tây Tạng, có tục lệ đệ tử và thầy thử nghiệm lẫn nhau trong khoảng thời kỳ ba năm. Đệ tử sẽ quyết định vị thầy có đích thực chăng, và vị thầy sẽ xem đệ tử có là người mà ông muốn giao phó cho sự tu hành. Loại người hướng dẫn tâm linh đáng để nhận sự hướng dẫn là người, từ một động cơ thanh tịnh của lòng bi, dạy bản chất của những hành động và những hậu quả của chúng, nhân và quả.
Trước hết, hãy nghe những giáo lý. Nhưng chỉ có kiến thức thì không đủ. Nó sẽ không tịnh hóa hay chuyển hóa tâm thức. Đoạn tiếp theo là chiêm nghiệm những lời chỉ dạy ấy. Nhưng phân tích những chỉ dạy có thể làm sanh khởi cái hiểu lý thuyết, điều này chẳng có thể chuyển hóa tâm và nhổ gốc khổ. Khi bạn đã loại trừ những nghi ngờ và không xác định và khai triển cái hiểu lành mạnh, đây là lúc để thực hành. Điều này giống như trồng một cây táo. Không đủ nếu chỉ có giống, bạn phải gieo nó. Một khi bạn đặt nó xuống đất, bạn không thể bỏ đi. Bạn cần bón phân, tưới nước để nó nảy mầm, lên cây. Bạn cần chăm bón nó cho đến khi trưởng thành ra cây. Rồi bạn canh chừng cho táo lớn và chín. Cuối cùng, kết thúc tiến trình này là trái cây đã chín, bạn sẵn sàng thu hoạch.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS