THIỀN CHỈ ĐẠI ẤN

SHARE:

Khenchen Thrangu Ringpoche
Essentials of Mahamudra, looking directly at the mind
Wisdom Publications, Boston, 2004.
Ban dịch thuật Thiện Tri Thức, 2014.
1. Dẫn nhập.
2. PHẦN. NHỮNG THAM THIỀN CHUNG CỦA NHỮNG TRUYỀN THỐNG KHÁC
3. TRUYỀN THỐNG CHUNG CỦA SHAMATA VÀ VIPASHYANA
4. TRUYỀN THỐNG CHUNG CỦA THIỀN CHỈ
5. TRUYỀN THỐNG CHUNG CỦA THIỀN QUÁN
6. LOẠI BỎ NHỮNG NGHI NGỜ VỀ THIỀN QUÁN
7. PHẦN II THAM THIỀN ĐẠI ẤN
8. NHỮNG NGUỒN GỐC CỦA ĐẠI ẤN
9. NHỮNG THỰC HÀNH SƠ BỘ CHO ĐẠI ẤN
10. THIỀN CHỈ ĐẠI ẤN
11. THIỀN QUÁN ĐẠI ẤN
12. LOẠI BỎ NHỮNG NGHI NGỜ VỀ THIỀN QUÁN
13. TÂM NHƯ NÓ LÀ VÀ ĐỒNG KHỞI
14. LOẠI BỎ NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM CÓ THỂ SANH KHỞI TRONG ĐẠI ẤN
15. DUY TRÌ ĐẠI ẤN TRONG THIỀN ĐỊNH VÀ HẬU THIỀN ĐỊNH
16. LOẠI BỎ NHỮNG CHƯỚNG NGẠI ĐỐI VỚI ĐẠI ẤN
17. SỰ THỰC HÀNH GIẢI THOÁT RỐT RÁO
18. ĐEM NHỮNG CHƯỚNG NGẠI VÀO CON ĐƯỜNG
19. CHỨNG NGỘ HIỆN LÊN NHƯ THẾ NÀO
20. CHÚNG TA CẦN THỰC HÀNH NHƯ THẾ NÀO
21. CHÚ THÍCH
22. VỀ TÁC GIẢ
23. (Trang bìa sau của cuốn sách)

Truyền thống tham thiền Đại Ấn

[143]     Những chỉ dạy đại ấn truyền bá rộng rãi cùng với những lời dạy của Đức Phật, những bình giảng của những vị thầy Ấn Độ liên tiếp nhau, và những chỉ dạy truyền miệng của nhiều người thành tựu. Nhiều dòng khác nhau của đại ấn sanh ra.

Có một số người cho rằng đại ấn lợi lạc trong quá khứ, nhưng không hiệu quả trong thời đại suy thoái này. Tashi Namgyal nói rằng nghĩ như vậy là sai, ngược lại, nếu chúng ta tham thiền về những chỉ dạy truyền miệng này sẽ được lợi lạc. Có nói rằng con đường đại ấn bao gồm chứng ngộ và thành tựu lớn lao với sự khó khăn tương đối nhỏ. Nhiều người đã thực hành và thành tựu trong quá khứ. Nếu chúng ta thực hành cùng cách ấy, chúng ta cũng thành tựu và hoàn thành quả cuối cùng.

 

Những người chứng ngộ thình lình và dần dần

[144]     Gampopa dạy hai truyền thống tham thiền khác nhau thuận theo hai loại người khác nhau: những người chứng ngộ thình lình và những người chứng ngộ dần dần: Những người chứng ngộ thình lình có thể phát sanh chứng ngộ tất cả một lần, trong khi những người chứng ngộ dần dần phải tiến dần dần, từng bậc một. Khi Gampopa dạy những người chứng ngộ thình lình, trước hết ngài dạy cái thấy, rồi từ trong cái thấy, tiến vào tham thiền. Khi ngài dạy những người chứng ngộ dần dần, trước hết ngài bảo họ khai triển kinh nghiệm tham thiền và rồi dẫn họ vào cái thấy. Trong những người chứng ngộ dần dần có hai loại nhỏ: những người mà tâm cực kỳ hoang dã loạn động và những người mà tâm cực kỳ không trong sáng. Với người tâm hoang dã loạn động ngài dạy thiền quán trước. Với người tâm cực kỳ không trong sáng ngài dạy thiền chỉ trước. Ánh trăng Đại Ấn bắt đầu với thiền chỉ và tiến đến thiền quán.

 

Làm chủ thiền chỉ

[146]     Trước kia bản văn giải thích thiền chỉ liên hệ với kinh và luận. Bây giờ nó bàn luận thiền chỉ từ quan điểm đại ấn. Nó bắt đầu với một số áp dụng thích hợp với thiền chỉ.

Với người mới bắt đầu, mọi điều nói ở trước về thiền chỉ vẫn thích hợp và áp dụng được. Đặc biệt ích lợi nếu người mới bắt đầu đi đến một nơi vắng vẻ và thực hành ở đó theo một cách thư giản và bình lặng. Lời khuyên ở đây là chúng ta nên thực hành những thời ngắn và làm rất nhiều thời như vậy.

 

Tư thế

[ế147] Khi thực hành, chúng ta nên dùng tư thế bảy điểm của Vairocama (Tỳ Lô Giá Na). Chúng ta ngồi trên một đệm thiền thích hợp với kiểu ngồi kim cương hay toàn hoa sen, hai chân bắt chéo và mỗi bàn chân đặt lên đùi bên kia. Nếu không hợp, có thể tréo chân một cách lỏng lẻo, cái này đặt phía trước cái kia. Ở điểm đặc biệt này không có sự khác biệt. Tư thế của tâm thì quan trọng hơn. Căn bản tâm thì rất thư giản. Hai tay với những ngón chạm nhau đặt dưới rốn, hay có thể để bàn tay trên đùi trong tư thế gọi là “áp xuống đất”. Tư thế nào cũng tốt. Điều quan trọng nhất là thân phải thẳng, xương sống thẳng cổ hơi cong, lưỡi đặt trên vòm họng ngay sau hàng răng trước. Mắt nhìn xuống đầu mũi. Cuối cùng, Vai thẳng, hơi giản rộng để thân thẳng đứng, ngực mở và thư giản. Nếu chúng ta có thể ngồi theo cách này, thân chúng ta rất thư giản, và như một kết quả, tâm cũng thư giản.

 

Những đối tượng quan sát

[149]     Từ bắt đầu thời gian chúng ta đã quen với tâm rất không vững chắc và lang thang mọi chỗ. Để thiết lập sự vững chắc, khi tham thiền sẽ ích lợi nếu để tâm nghĩ ngơi nơi một đối tượng bên ngoài. Có hai loại đối tượng quán sát ở bên ngoài: Vật thanh tịnh và vật bất tịnh. Vật bất tịnh như một viên đá hay một miếng gỗ. Vật thanh tịnh có thể là một tượng Phật nhỏ.

Nếu giữ tâm trên đối tượng quá chặt thì sự căng thẳng sẽ gây ra nhiều tư tưởng lan man. Như thế, bản văn dạy chỉ không lang thang và không quên đối tượng. Chúng ta không phân tích đối tượng; chúng ta chỉ quan sát nó một cách thư giản, không lang thang cũng không quên nó. Có yêu cầu là chúng ta làm điều này trong những thời thiền ngắn nhưng thường xuyên.

Nếu chúng ta dùng một đối tượng bên trong, chúng ta có thể chọn hình tướng một vị Phật có ba mươi hai tướng tốt. Tham thiền trên bổn tôn, như trong giai đoạn phát sanh, thì cực kỳ quan trọng trong truyền thống Kim cương thừa. Chúng ta thường quán tưởng bổn tôn trong nơi ở của ngài, mạn đà la của ngài. Đôi khi chúng ta tưởng tượng bổn tôn rất lớn và đôi khi rất nhỏ vừa trong tim chúng ta. Quán tưởng sự vật theo những cách khác nhau và trong nhiều chi tiết huấn luyện tỉnh giác, lanh lợi, khéo léo và năng lực tỉnh giác.

Tỉnh giác trong quán tưởng có thể thay đổi rất nhanh. Khi chúng ta ở yên nơi một đối tượng bên trong, chúng ta làm chủ sự tỉnh giác chuyển động này. Đôi khi chúng ta tưởng tượng một vòng chuổi thần chú quay tròn – khi chậm, khi rất nhanh. Ở điểm này, chúng ta không chỉ quan tâm đến cái tâm ở yên mà cũng đến việc như thế nào tâm có thể yên lặng và vững chắc trong khi thức chuyển động. Chẳng hạn, nếu chúng ta tham thiền trên một vòng thần chú, trước hết chúng ta tập trung vào những chữ khác nhau, quán tưởng từng chữ; rồi quán tưởng những chữ bắt đầu quay. Không phải giống như xem những vật xoay trong một vòng tròn, đúng hơn đó là điều chúng ta làm trọn vẹn với tâm mình. Khi có thể làm điều này, nó đem đến sự vững chắc và thư giản lớn lao trong tâm. Khi chúng ta đã quen, nó là thiền chỉ rất tốt.

Những chỉ bảo sơ lược này về tham thiền một bổn tôn đem lại những ban phước của bổn tôn, chư Phật, chư Bồ tát như thế nào và làm sao những ban phước có thể giúp chúng ta hoàn thành những thành tựu thế gian và xuất thế gian. Nếu chúng ta trau dồi tham thiền tĩnh lặng theo cách này, nó đưa đến một loại thiền chỉ rất đặc biệt.

 

 

 

Tâm an định

[152]     Hoàn thành một thiền chỉ tuyệt hảo thì khó khăn hơn cho người mới bắt đầu vì tâm thường lang thang. Vì lý do này, chúng ta cần cả chánh niệm và cảnh giác.

Nếu tư tưởng sanh khởi trong tâm chúng ta, chúng ta cố gắng biết và với chánh niệm xoay tâm trở lại đối tượng quan sát một cách thư giản. Tâm có thể chia thành cái tâm chính và những yếu tố tâm thức. Trong trường hợp này, chánh niệm, là một yếu tố tâm thức – một chủ thể tri giác lấy tâm làm đối tượng của nó.

Từ Tây Tạng chỉ tâm là sem, và những yếu tố tâm thức là semjung, nghĩa đen là “khởi từ tâm” hay “khởi với tâm”. Tâm có sáu thức: thức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Những thức này biết những đối tượng của chúng một cách cá biệt, thức mắt với hình sắc, thức tai với âm thanh, và thức ý với nhiều tư tưởng xuất hiện và tiêu tan. Những yếu tố tâm thức xảy ra với những thức chính này.

Có vài loại yếu tố tâm thức. Một số luôn luôn ở đó và đi kèm mỗi thức. Những cái khác xuất hiện có lúc. Sướng và khổ là những yếu tố tâm thức luôn luôn đi kèm với tâm. Cảm nhận sướng hay khổ có khi mạnh có khi yếu nó đi kèm mỗi biến cố tâm thức. Tương tự, phân biệt, nó là phẩm tính biết sự vật, là một yếu tố tâm thức luôn luôn đi kèm sáu thức. Một số yếu tố tâm thức xuất hiện nhất thời như chánh niệm và đức tin. Khi những yếu tố tâm thức lợi lạc này đi kèm với tâm, tâm ấy là một tâm bình an. Cũng có những yếu tố tâm thức không lợi lạc, như đam mê, gây hấn, ghen tỵ, và ác ý. Khi những yếu tố tâm thức tiêu cực này đi kèm với tâm, tâm ấy nhiễu loạn.

Yếu tố tâm thức chánh niệm (TT. drenpa) giữ cho chúng ta khỏi quên đối tượng. Chừng nào chánh niệm có mặt, chúng ta không quên đối tượng, và khi chánh niệm vắng mặt, chúng ta quên đối tượng. Thế nên chánh niệm có trong mọi lúc để tâm khỏi lang thang là điều quan trọng.

Chánh niệm là một yếu tố tâm thức nhìn vào chính tâm để thấy tâm có ở với đối tượng hay không. Nó cho phép tâm an định trong một trạng thái thư giản và phục vụ như một người canh giữ trạng thái ấy. Nếu tâm lang thang, nó là sự cảnh giác (TT. Shezin) đem tâm trở lại. Cảnh giác đi kèm với chánh niệm: nếu chánh niệm có mặt, cảnh giác cũng có mặt; nếu chánh niệm vắng mặt, cảnh giác cũng vắng mặt. Thế nên rất quan trọng là khai triển cả chánh niệm và cảnh giác, không để mất chúng.

 

Bảo vệ tâm

       Bảo vệ tâm khỏi những phiền não và tư tưởng lan man có thể so sánh với bảo vệ chúng ta đối với những kẻ trộm. Những kẻ trộm không tấn công một người mạnh mẽ, uy quyền, kỷ luật, và chú ý. Họ sẽ tấn công người yếu đuối, biếng lười, và xao lãng. Chánh niệm và cảnh giác làm chúng ta mạnh mẽ, chú ý, và kỹ luật tốt để chúng ta không thể bị trộm bởi những phiền não và tư tưởng lan man. Với chánh niệm và cảnh giác, phiền não không có hy vọng trộm của chúng ta và chỉ bỏ đi.

 

 

Khai triển thiền chỉ bằng cách dùng hơi thở

[154]     Chúng ta có thể giữ tâm với chuyển động của khí (prana) theo hai cách: đếm hơi thở, và thực tập thở đặc biệt gọi là sự đầy đủ của khí. Đếm hơi thở là cách bình thường của thiền chỉ, chúng ta chỉ đếm hơi thở vào và ra. Sự đầy đủ của khí có thể được làm theo hai cách khác nhau. Một cách được gọi là hơi thở cái bình, giản bụng ra và giữ hơi thở ở đó. Cách kia được gọi là trì tụng vajra, phối hợp sự chuyển động của hơi thở với những âm thần chú Om Ah Hum. Khi khí hay hơi thở đi vào, nói Om. Khi khí được giữ một lúc ngắn bên trong, nói Ah. Khi khí đi ra, nói Hum. Chúng ta chia chu kỳ thở thành ba phần và phối hợp mỗi phần với Om Ah Hum.

[155]     Thực hành thở cái bình có thể giúp làm trong sáng tâm nếu nó không trong sáng và vững chắc nếu nó bất ổn. Cần ghi nhận rằng có cách thực hành hơi thở cái bình khác, khắt khe hơn, dùng hơi thở vào và ra mạnh mẽ để làm sạch những kinh mạch vi tế trong thân. Trong thực hành đại ấn, hơi thở cái bình không gồm hơi thở mạnh mẽ. Mục tiêu của nó là để tâm nghĩ ngơi, và thế nên nó rất thư giản và nhẹ nhàng. Khi hơi thở vào thân, nó được làm nhẹ nhàng, và khi ra khỏi thân, cũng được làm nhẹ nhàng.

Chúng ta bắt đầu với ba vòng tống ra với hơi thở cũ kỹ. Hơi thở được đưa vào thân rất bình lặng. Thân đầy hơi thở, rồi hơi thở được đẩy ra rất nhẹ nhàng, không gây tiếng động. Tay chúng ta ở yên trên đùi. Khi đưa hơi thở ra, chúng ta duỗi những ngón tay và hai bàn tay. Trong vòng thứ nhất, chúng ta cảm giác mọi loại bệnh tật, khó chịu rời bỏ thân. Trong vòng thứ hai, chúng ta cảm giác những tinh linh làm hại rời khỏi thân. Trong vòng thứ ba, chúng ta cảm giác bất kỳ che chướng nào khác đối với sự thực hành rời bỏ thân và chúng ta thoát khỏi chúng.

Sau ba vòng này, hơi thở được đưa trở lại vào thân và đến điểm dưới rốn. Có một cảm giác hơi thở được chứa dưới rốn, như thể chúng ta đóng một cái lu. Không khí như bị nén từ trên và như bị nén lên từ dưới, và rồi giữ ở đó một cách nhẹ nhàng không căng thẳng. Khi nó trở nên căng chúng ta để cho hơi thở rời thân rất nhẹ nhàng. Giữ hơi thở theo cách này là một phương tiện làm an bình hay thuần hóa tâm và khai triển chánh niệm. Thực hành này gọi là “thiền chỉ được đầy với khí”.

Khi thực hành thiền chỉ theo cách này, điểm chính là khi được giữ dưới rốn và phần trên thân thì để tự nhiên. Chúng ta không chú ý phần trên thân, và đặt biệt, không thắt nó lại. Chúng ta chỉ để nó rất thư giản, trống trải và trong sáng. Nếu tăng cường kinh nghiệm trong phần trên của thân, nó sẽ gây sự không thoải mái nơi phổi, hay nơi tim, hay chỗ khác. Thế nên chúng ta chỉ chú ý khí ở dưới rốn.

Bình thường hơi thở vào và ra của chúng ta không đầy đủ. Thế nên khi bắt đầu thực hành này thở ra trọn vẹn cho hơi thở cái bình đầu tiên là tốt. Chúng ta có thể làm hơi thở cái bình năm hay sáu lần, nhưng chúng ta chỉ thở ra hoàn toàn lần thứ nhất. Giữa thở vào và thở ra, hơi thở được giữ lại. Chúng ta kéo nó vào xuống dưới rốn và đặt một tấm trần trên nó; rồi kéo vào khí thấp hơn, đóng nó lại, như cái bình quán đảnh với một cái bụng phình. Khi tâm buồn ngủ, tối, và nặng đục hay khi tâm hoang dã loạn động và không vững chắc, chúng ta có thể làm hơi thở cái bình nhiều lần.

Tóm lại, có hai loại đối tượng quan sát, bên ngoài và bên trong. Lý do tiến hành từ những đối tượng bên ngoài đến bên trong là vì từ sơ thủy, tâm chúng ta đã lang thang, bám trụ vào những đối tượng bên ngoài. Vì thế, khó khăn khi để tâm trong một trạng thái bằng phẳng an định. Bởi vậy, trước tiên chúng ta dùng sự giúp đỡ của một đối tượng bên ngoài. Khi đã quen dùng nó, chúng ta dùng hơi thở là một đối tượng quan sát bên trong, xoay tâm vào trong. Điều này khiến tâm an định.

 

Tham thiền không có điểm quy chiếu

[159]     Bước tiếp theo là đặt tâm trong một trạng thái an định mà không dùng đến thậm chí hơi thở. Thân vẫn tư thế như trước, nhưng không nghĩ đến quá khứ hay tương lai hay dừng để phân tích những sự cố hiện tại. Chúng ta chỉ để tâm theo một cách thư giản.

Có hai điểm chính của thực hành này: thứ nhất, cách chúng ta tìm kiếm thiền chỉ thoát khỏi những lỗi lầm, và thứ hai, cách chúng ta duy trì sự an định của tâm. Cái thứ nhất chủ yếu là sự dung hòa giữa chặt và lỏng của tâm. Trước đây chúng ta đã nói về tâm trở nên nặng đục và trở nên loạn động như hai loại chướng ngại chính trong những giai đoạn chung của thiền chỉ. Trong những chỉ dạy tinh túy về đại ấn, chúng ta nói tâm hoặc quá chặt hoặc hóa lỏng, quá tập chú hay quá thư giản. Lời khuyên là nếu tâm không quang minh, trong sáng và sống động, chúng ta cần siết chặt hay tập trung hơn. Và nếu nó quá sáng, sống động, quang minh và trong sáng, chúng ta cần thư giản cách nào đó.

Vị thầy vĩ đại của đại ấn, Saraha cho một thí dụ giải thích điều này. Theo phong tục thời ấy, đặc biệt là với Bà la môn, mặc y phục được dệt bằng sợi vải. Saraha nói nếu khi dệt sợi mà quá chặt nó sẽ đứt; nhưng nếu quá lỏng nó sẽ không giữ được nhau. Saraha nói điều đó cũng giống như khi chúng ta tham thiền: nếu tâm quá chặt, sẽ không tốt lắm, nhưng nếu làm quá lỏng, nó sẽ không hoạt động tốt. Đúng ra, chúng ta phải để tâm trong thế quân bình giữa quá tập chú và quá thư giản, làm cho nó rất thăng bằng và phẳng lặng. Như thế, tham thiền sẽ rất thoải mái và thích thú.

Quan trọng là biết khi nào siết chặt và khi nào buông lỏng tâm. Rõ ràng, chúng ta cần siết chặt tâm và tập trung khi nó quá lỏng, hôn mê, và mờ đục. Cũng có lúc tâm ta ở với đối tượng, nhưng sự tham thiền không trong sáng lắm; đúng ra nó nhẹ nhàng và mềm mại. Dễ lầm lẫn cho là thiền chỉ tốt, nhưng không phải. Một trạng thái không trong sáng vi tế như vậy cần được tịnh hóa bằng cách siết chặt tâm và làm cho chánh niệm mạnh mẽ, trong sáng. Điều này đem lại một cảm giác lâng lâng cả thân và tâm. Vấn đề một tâm lỏng và không trong sáng một cách vi tế là những hiện tướng bắt đầu sanh ra. Bấy giờ chúng ta có thể nghĩ, “Đây là một dấu hiệu bắt đầu có một kinh nghiệm sâu xa và tham thiền tốt”. Nhưng không phải.

Tuy nhiên, đôi khi yếu tố trong sáng trở nên quá độ, bắn ra nhiều tư tưởng lan man, và chúng ta không thể có lại thiền chỉ. Ở điểm này cần thiết thư giản. Như Saraha nói, “Khi tâm rất năng động trong tư tưởng lan man và chúng ta cố gắng cột nó, nó sẽ chỉ chạy tán loạn khắp mười phương.” Nếu chúng ta tiếp tục cố gắng siết chặt nó, nó chỉ nổ tung. Ở điểm này, Saraha nói, chúng ta cần thư giản bằng cách để tâm tiến hành như một con lạc đà đi, rất vững vàng và thư giản. Ngày nay chúng ta có thể nghĩ đến một con mèo. Nếu khóa con mèo trong một phòng và đóng mọi cửa, con mèo phá phách chạy lung tung. Nhưng nếu mở các cửa, con mèo nhìn chung quanh một lát rồi ngủ. Trong cách ấy tâm chúng ta cũng có thể trở nên rất thư giản.

[160]     Quan trọng nhất trong tham thiền là hiểu tập trung như thế nào và thư giản như thế nào. Siết chặt hay tập trung tâm khi thích đáng và thư giản nó khi thích đáng cho phép chúng ta khai triển một thiền chỉ trong đó tâm an định một cách thoải mái, thăng bằng. Ở điểm này, không để chánh niệm suy giảm là rất quan trọng. Chánh niệm mạnh đến mức tâm được thư giản, nhưng sáng tỏ và nhất tâm.

Trong những chỉ dạy tinh túy của đại ấn, có một số lớn về chánh niệm về chỉ một ít về cảnh giác. Điều này bởi vì, như tôi đã lưu ý, cảnh giác đi kèm với chánh niệm. Nếu có chánh niệm thì cũng có cảnh giác. Nếu không có chánh niệm thì cũng không có cảnh giác. Từ quan điểm này, hai cái rất tương tự, thế nên Tashi Namgyal bỏ sự bàn luận về cảnh giác mà thường lập lại sự nhấn mạnh tầm quan trọng và cần thiết của chánh niệm.

Khi tham thiền, chánh niệm trong sáng sanh khởi, nhưng về sau chúng ta thấy chánh niệm giảm và một sự nặng nề mờ đục chiếm lấy tâm. Ở điểm này điều quan trọng là nâng cao sự trong sáng rạng rỡ của tâm. Ngồi thẳng, nâng cái nhìn lên một ít, và mở rộng viễn cảnh của tâm bằng cách làm cho tri giác rộng rãi bao la sẽ giúp cho sự nặng nề đi qua. Nếu vẫn không thể xua tan sự nặng nề mờ đục này, cần phải làm mạnh tâm bằng tập trung đích thực, hay, trong vài trường hợp, rời bỏ thời thiền và rồi trở lại khi tươi mới hơn.

Khi loạn động, tham muốn, hối tiếc, và tức giận khởi lên chúng là mọi hình thức của tâm kích động, khi ấy chúng ta cần thư giản. Về thân, có thể lỏng tư thế ra một chút. Về tâm, chúng ta phải bỏ rơi một tư tưởng về tham thiền thế nào là là tốt hay nó cần phải như thế nào. Chúng ta chỉ để cho tâm rất trống trải, như thể đang an nghỉ.

Khi chúng ta gặp sự lan man trong tham thiền. Hai phương pháp xử sự với lan man không hiệu lực lắm. Một là đuổi theo và chăm chú vào chúng. Một tư tưởng đến, rồi cái khác, cái khác, và cái khác. Cách thứ hai là cố gắng nhảy vào những tư tưởng – dừng chúng bằng cách làm nguội lạnh. Điều đó không hiệu nghiệm lắm. Ở điểm này điều cần là một loại chánh niệm rất vi tế. Chánh niệm không phải với sự tập trung bó buộc, mà với một xúc chạm nhẹ nhàng.

Chúng ta nên xử sự với loạn động theo cách như vậy. Saraha vĩ đại nói rằng như cố gắng làm yên một con lạc đà. Nếu cột nó bằng một sợi dây quá ngắn, sẽ không hiệu quả vì lạc đà sẽ liên tục muốn tháo lỏng. Thay vì vậy, chúng ta cần cởi dây và để tự nó. Nó sẽ đi chung quanh một chút và rồi ở yên. Tương tự như vậy với tâm ta – nếu cố gắng cột nó, thì không hiệu quả, nhưng nếu chỉ thư giản, sự vững chắc sẽ đến.

 

Duy trì sự an định của tâm

[166]     Duy trì sự an định của tâm liên quan đến việc có một mong mỏi lớn với tham thiền. Ban đầu, chúng ta có khuynh hướng có một mong mỏi lớn với tham thiền. Rồi nếu cố gắng những thời thiền dài, nhiệt thành có thể giảm. Khi nhiệt thành giảm, sự mong mỏi và nguyện vọng giảm sút, kéo theo nỗ lực và thực hành. Cái đối trị cho điều này là nghĩ đến những phẩm tính và lợi lạc phi thường của tham thiền. Chúng ta cần hiểu rằng nếu chúng ta khai triển tham thiền hay Samadhi, những phẩm tính tốt sẽ đến từ đó. Nếu không, chúng sẽ không xuất hiện. Nếu hiểu điều đó, chúng ta sẽ có ngưỡng vọng lớn để tham thiền. Ngưỡng vọng sẽ dẫn đến nỗ lực. Nỗ lực làm phát triển cái gọi là shinjang trong tiếng Tây Tạng, có nghĩa là “tiến hành trọn vẹn”. Đây là một trạng thái mềm dẽo, dễ uốn nắn. Khi đến giai đoạn tiến hành hoàn toàn này, chúng ta có thể đi vào tham thiền dễ dàng.

Thế nên nghĩ đến những lý do để tham thiền và hiểu những lợi lạc của nó là điều quan trọng. Nếu làm vậy tham thiền trở nên khá dễ dàng, và chúng ta làm với niềm vui và thích thú.

 

 

 

Những giai đoạn của một tâm an trụ

[169]     Có ba giai đoạn xuất hiện sau khi tham thiền đã phát triển. Giai đoạn thứ nhất, tâm ta như một dòng suối rơi xuống hẻm núi. Khi bắt đầu tham thiền, chúng ta có cảm giác có rất nhiều tư tưởng. Thậm chí còn nhiều hơn trước kia. Thật ra không phải vậy, chỉ vì trước kia chúng ta không bao giờ nhìn vào tâm mình đấy thôi. Khi thấy có khi tâm nặng đục và có khi loạn động với nhiều tư tưởng. Có thể thấy điều này, đây là một điều tốt – giống như biết kẻ thù là kẻ thù.

Trong giai đoạn thứ hai, tâm như một dòng suối núi chảy vào một dòng sông lớn. Dòng sông chảy bằng phẳng và êm đềm. Trong giai đoạn thứ ba, tâm như một dòng sông chậm và hòa tan vào đại dương. Mọi sự rất bằng phẳng, nhẹ nhàng, trống trải và bao la và tâm an định rất bằng phẳng không nhiều nhấp nhô.

 

Sự quan trọng của khai triển thiền chỉ

[173]     Chúng ta cần khai triển thiền chỉ kiên cố và nhất tâm, an định rất bằng phẳng. Nếu không làm thế những phẩm tính tốt sẽ không thực hiện được. Dù có thiền quán, thiếu vắng thiền chỉ sẽ không có sức mạnh để từ bỏ phiền não.

SHARE:

Để lại một bình luận