BIẾN ĐỔI TÂM THỨC

SHARE:


The Eight Verses on Transforming the Mind (Tám thứ tụng về biến đổi tâm thức) là một trong những bản văn quan trọng nhất thuộc dòng trước tác tâm linh của người Tây Tạng, được mệnh danh lo-jong, dịch nôm na là “biến đổi tâm thức”. Do đạo sư Tây Tạng Langri Thangpa viết ra vào thế kỷ 11, tuyệt tác này là một trong những nguồn khởi hứng chính của Đức Dalai Lama.
Các chủ đề cốt lõi của các lời pháp lo-jong gồm sự nâng cao lòng từ, vun bồi thái độ quân bình đối với tự ngã và đối với tha nhân, phát triển những cách suy nghĩ tích cực, và biến đổi các hoàn cảnh bất lợi thành những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tâm linh.
Toàn bộ cốt lõi của biến đổi cái tâm và ý của chúng ta chính là để tìm được hạnh phúc. Hết thảy chúng ta đều có lòng ước muốn được hạnh phúc và lòng mong muốn thoát khỏi sự phiền não. Đây là thực tế, do đó chúng ta có thể coi đó là điểm xuất phát.

Thế nhưng, trước khi triển khai chi tiết điểm cốt lõi này, chúng ta hãy nhìn qua bản chất của sự trải nghiệm. Nói chung, sự trải nghiệm của chúng ta rơi vào hai loại. Một loại có quan hệ nhiều hơn với thân xác của chúng ta, và xảy ra chủ yếu thông qua các giác quan; còn loại kia có quan hệ nhiều hơn với những gì có thể gọi là “tâm thức” hay “ý thức, mạt na thức”.
Khi nào mức độ trải nghiệm còn dính dáng nhiều đến thân xác, khi đó còn chưa có sự khác biệt nhiều giữa chúng ta và các loài vật khác. Các động vật cũng có khả năng cảm nhận được sự đau đớn và hạnh phúc. Thế nhưng, điều phân biệt chúng ta, những con người, với các hình thái khác của sự sống chính là việc chúng ta có những kinh nghiệm tâm thức mạnh mẽ hơn dưới dạng những suy nghĩ và cảm xúc.

Việc có hai loại trải nghiệm mang đến một số hàm ý thật thú vị. Quan trọng nhất là, nếu trạng thái tâm hồn cơ bản của một người mà yên định, khi ấy sự bình thản nội tâm có thể giúp người ấy vượt qua được kinh nghiệm đau đớn của thể xác. Trái lại, nếu ai đó đang trải qua cảnh sầu não, lo âu hay bất kỳ hình thức buồn khổ nào khác; khi ấy, dẫu có ngẫu nhiên được hưởng những thoải mái của thân xác, cũng vẫn sẽ không thật sự có thể nghiệm thấy được sự hạnh phúc mà những điều này có thể mang lại. Như vậy, điều này cho thấy trạng thái tâm hồn của chúng ta, trong phạm trù thái độ và cảm xúc, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc định hình con đường mà chúng ta trải qua sự hạnh phúc và thống khổ. Các lời giảng lo-jong về sự biến đổi tâm thức mang đến một loạt những phương pháp mà qua đó chúng ta có thể hướng tâm thức của mình vào nề nếp kỷ luật, và từ đó tạo nên nền tảng cho hạnh phúc mà chúng ta đang tìm kiếm.

Hết thảy chúng ta đều biết rằng có một mối quan hệ mật thiết giữa thân xác an lạc và cảm xúc an lạc. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng bệnh tật của thể xác làm ảnh hưởng đến trạng thái tâm hồn của chúng ta, và ngược lại, một thân thể khang kiện hơn sẽ góp phần khiến cho tâm hồn thoải mái hơn. Bởi thường chúng ta đều nhận ra được mối tương liên này, nên nhiều người trong chúng ta đã bắt tay vào những cuộc luyện tập thân thể, để giúp tạo ra sự khang kiện của thân thể, điều vốn sẽ góp phần cho sự thanh thản của tâm hồn. Cũng có những phép hành tập cổ truyền vốn được nhắm vào việc huấn luyện cho các cấu trúc tịnh lực của chúng ta; những phép đó được gọi là prana yogas (yoga về kiểm soát sự hít thở), hay còn gọi là “các phép hành tập về tịnh lực của gió”. Ngày nay, các bài tập yoga đã trở nên phổ biến trong thế giới hiện đại, chính là vì nhiều người đã thấy thông qua yoga, họ có thể đạt được mức độ sức khỏe của thân thể, và còn dẫn đến sự khỏe khoắn hơn trong tâm hồn. Thế nhưng, cách tiếp cận mà các lời giảng lo-jong muốn đưa ra có hơi khác. Chúng nhắm trực tiếp vào việc phát triển ngay chính tâm thức, thông qua sự biến đổi thái độ và nếp nghĩ của chúng ta.

Chìa khóa để biến đổi tâm và ý của chúng ta chính là việc phải có sự hiểu biết về con đường hoạt động của ý nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Chúng ta cần học cách làm thế nào để nhận diện những mặt đối lập trong các xung đột nội tâm. Đối với sự giận dữ chẳng hạn, chúng ta cần phải hiểu sự sân si có tính chất phá hoại đến dường nào; cùng lúc đó, cũng phải nhận chân ra rằng có những liệu pháp ngay chính bên trong những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta, mà chúng ta có thể dùng để đối ứng lại. Vì vậy, thứ nhất, do hiểu rằng những tư tưởng và cảm xúc ưu phiền có tính chất phá hoại và tiêu cực; thứ hai do biết rằng cố gắng vun bồi các suy nghĩ và cảm xúc tích cực – chúng chính là những liều thuốc giải – mà chúng ta dần dần có thể làm giảm được cái lực của sự giận dữ, sân hận, v.v.. trong lòng chúng ta.
Cách thức để khảo sát xem các suy nghĩ và cảm xúc nảy sinh trong ta như thế nào chính là thông qua sự nội quan (sự quán chiếu nội tâm của chính mình). Chuyện nảy sinh nhiều ý tưởng và cảm xúc khác nhau là một điều hoàn toàn tự nhiên. Khi chúng ta cứ để mặc chúng mà không biết quán chiếu và thuần phục, sẽ dẫn đến vô số những vấn nạn, khủng hoảng, khổ não và ưu phiền thêm nữa. Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải áp dụng kỷ luật cho tâm thức mà chúng tôi đã đề cập ở phần trước: để làm giảm đi sức mạnh của cảm xúc tiêu cực như giận dữ và sân hận chẳng hạn, chúng ta cần phải khuyến khích liều thuốc giải của nó, đó là lòng yêu thương và lòng từ mẫn.

Việc thừa nhận rằng điều này thật là cần thiết vẫn chưa đủ; cũng như vậy, việc đơn thuần mong muốn rằng tình yêu thương và lòng từ tâm sẽ nâng cao tâm hồn chúng ta cũng vẫn chưa đủ. Chúng ta còn phải nỗ lực bền bỉ, lần nữa và lần nữa, để vun bồi các khía cạnh tích cực trong ta, và chìa khóa trong chuyện này chính là các thói quen thường hằng. Bản chất của các suy nghĩ lẫn cảm xúc của chúng ta chính là, bạn càng giao tiếp gắn bó với chúng, và bạn càng phát huy chúng, chúng sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Do đó, chúng ta phải biết phát huy tình yêu thương và lòng từ mẫn một cách có ý thức, để nâng cao sức mạnh của chúng lên. Nói tóm lại, chúng ta đang nói về cách vun bồi những thói quen tích cực và chúng ta làm việc này thông qua sự thiền định.

THIỀN ĐỊNH: MỘT TRÌ GIỚI TÂM LINH

Chúng ta hiểu thế nào về thiền định? Theo cách nhìn của Phật giáo, thiền định là một sự kỷ luật tâm linh, và là một điều cho phép bạn có được mức độ làm chủ đối với các suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Tại sao chúng ta lại không thành công trong việc hưởng những hạnh phúc lâu bền mà chúng ta đang tìm kiếm? Nhà Phật giải thích rằng, trạng thái bình thường của tâm thức chúng ta vốn phóng túng và hoang dại, và bởi thiếu sự trì giới cần thiết trong tâm thức để cầm cương chúng, nên chúng ta không thể làm chủ được chúng. Kết quả là chúng kiểm soát chúng ta. Và chúng thì lại bị những xung lực tiêu cực, thay vì những xung lực tích cực, của chúng ta làm chủ. Do đó, chúng ta cần phải đảo ngược vòng tròn này.

Ý tưởng về việc tạo ra một sự thay đổi căn bản như vậy trong chính chúng ta thoạt đầu có vẻ như chẳng thể làm được, thế nhưng, thật ra điều này có thể làm được thông qua một tiến trình kỷ luật như sự thiền định chẳng hạn. Chúng ta chọn một mục tiêu chuyên biệt nào đó, rồi huấn luyện tâm trí của mình bằng cách triển khai khả năng luôn giữ được sự chú mục vào đối tượng đó. Bình thường, nếu chịu ngẫm nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy rằng tâm trí của mình chẳng hề tập trung chút nào cả. Chúng ta có lẽ đang nghĩ đến điều gì đó; và bất thình lình, chúng ta thấy mình lại lãng sang điều gì khác nữa. Các suy nghĩ cứ thường xuyên đuổi theo điều này điều nọ vì chúng ta không có kỷ luật tập trung. Do đó, thông qua sự thiền định, những gì chúng ta có thể đạt được chính là khả năng an định tâm trí và tập trung sự chú ý của mình vào bất kỳ đối tượng nào.

Bây giờ, dĩ nhiên, chúng ta có thể chọn tập trung vào một mục tiêu tiêu cực trong cuộc thiền định của mình. Chẳng hạn, nếu bạn đang mê đắm ai đó, và nếu bạn tập trung tâm trí của mình duy nhất vào người đó, và rồi đào sâu những phẩm chất hấp dẫn của người đó, điều này sẽ có hệ quả làm tăng lòng thèm khát dục tính của bạn đối với người đó. Thế nhưng, điều này không phải là những gì mà thiền định muốn hướng đến. Theo cách nhìn của nhà Phật, thiền định phải được hành tập trong mối quan hệ với một đối tượng tích cực, đối tượng chúng tôi có ý muốn nói sẽ làm nâng cao khả năng tập trung của bạn lên. Qua đó, bạn trở nên càng lúc càng gần gũi hơn với đối tượng, và có cảm giác thân thiết với nó. Trong kinh Phật, loại hành tưởng này được gọi là shamatha, sự tịnh chỉ, tức sự hành tưởng nhất tâm vào một điều.

Tịnh chỉ không thôi vẫn chưa đủ. Trong Phật giáo, chúng tôi còn kết hợp phép thiền định nhất tâm này với sự hành tập phép thiền định phân tích, mà người ta thường gọi là vipasyana, tức sự quán xét, sự suy nghĩ thấu đáo vào bên trong. Trong phép hành tập này, chúng ta áp dụng sự suy lý. Bằng cách nhận ra những điểm mạnh và điểm yếu của các loại cảm xúc và suy nghĩ khác nhau, cộng với những điểm có lợi và bất lợi của chúng, chúng ta có thể nâng cao trạng thái tâm hồn tích cực của mình lên, góp phần hướng đến cảm giác thanh thản, yên định và mãn nguyện, đồng thời làm giảm bớt được những thái độ và cảm xúc dẫn đến sự khổ não và bất mãn. Sự suy lý do đó đóng một vai trò hữu ích trong tiến trình này.

Bất kể bạn hành tập hình thức thiền quán nào, điểm quan trọng nhất cũng vẫn là hãy áp dụng một sự chú tâm liên tục và có một nỗ lực bền bỉ. Chờ đợi kết quả từ sự thiền quán trong một thời gian ngắn là điều không tưởng. Những gì cần thiết chính là sự nỗ lực bền bỉ và liên tục.
🍀🌺☀🌺🍀
TRÍCH: TRÍ HUỆ NGỜI SÁNG TRONG CUỘC SỐNG – ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA THỨ 14
Người dịch: Huỳnh Văn Thanh – NXB Lao Động 2002

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: