VỀ NỖI ĐAU

SHARE:

Nỗi đau do người khác gây ra cho chúng ta khác xa với nỗi đau phát sinh từ những tình huống do chính chúng ta lựa chọn. Nhiều môn thể thao đòi hỏi chúng ta phải chịu đau đớn và nỗ lực đáng kể khi tập luyện. Các vận động viên nhào lặn hạng Olympic luyện tập tại bể bơi Complexe Claude Robillard, địa điểm diễn ra Thế vận hội 1976 và khá gần Trung tâm Thiền Montreal. Họ thực hiện nhiều kiểu bổ nhào khác nhau với đòi hỏi khắt khe: lộn nhào và đảo ngược, xoay tròn và xoắn. Thường thì họ chạm mặt nước một cách vụng về. Cú sốc và đau đớn do một vụ va chạm như vậy gây ra hẳn là rất đáng kể. Trong quá trình luyện tập, họ không nhận được sự công nhận, không có tiếng vỗ tay, không có sự khuyến khích để tiếp tục, thế nhưng họ vẫn tiếp tục, tiến đến tấm ván nhảy cao nhất và lại lao mình xuống. Hết lần này đến lần khác, giờ này qua giờ khác, họ nỗ lực vượt qua chính mình. Vì vậy, đối với bất kỳ ai thực hiện loại hình huấn luyện Olympic này: chạy, nhảy và thể dục dụng cụ đều đòi hỏi nỗ lực không ngừng, tất cả đều yêu cầu người ta phải tập đi tập lại, ngay cả khi đang bị đau.

Nhưng loại đau đớn này hoàn toàn khác với những gì bạn cảm thấy, chẳng hạn như khi một kẻ bắt nạt cố tình đánh bạn. Nỗi đau khi bị bắt nạt có thể là không thể chịu đựng được mặc dù về mặt thể chất, nó có thể ít nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì xảy ra trong quá trình tập luyện. Không phải bản thân nỗi đau mà hoàn cảnh liên quan đến nỗi đau sẽ quyết định liệu nó có thể chịu đựng được hay không.

Dù điều gì đó dễ chịu hay khó chịu, thoải mái hay đau khổ, cuối cùng nằm ở việc liệu người ta có thể chấp nhận nó hay không: thực sự chấp nhận nó. Mặc dù đây có vẻ là một chi tiết nhỏ, nhưng có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta sử dụng cách diễn đạt “là một với” thay vì “chấp nhận.” Sự điều chỉnh trong cách diễn đạt này có vẻ chỉ là một vấn đề về ngữ nghĩa, nhưng thực tế không phải vậy. Khi chúng ta chấp nhận điều gì đó, thường là vì chúng ta không có lựa chọn nào khác. Đó thường là trường hợp “Tôi không thích nó nhưng tôi cho rằng tôi phải chấp nhận nó; tôi phải chịu đựng nó, không phải sao?” Kiểu chấp nhận này là nền tảng của một số triết lý Khắc kỷ. Nhà triết học Khắc kỷ nói rằng cuộc sống là đau khổ, nhưng người ta phải chấp nhận sự đau khổ trong cuộc sống – người ta phải chịu đựng nó. Thái độ này là nền tảng cho phản ứng của nhiều người trước sự đau khổ: “Tôi không thể làm gì với nó; do đó, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận nó.”

Tuy nhiên, có một điều cơ bản hơn nhiều so với việc chấp nhận đơn thuần (“Tôi phải chịu đựng nó”) đó là “trở thành một” với nỗi đau. Điều tương tự với việc “là một với” của Cơ đốc giáo được tìm thấy trong Kinh Lạy Cha: Ý Chúa sẽ được nên. Chúng ta đã đề nghị câu này như một câu thần chú, hay như một công án, dành cho những người Công giáo mong muốn có được lợi ích từ việc thực hành Thiền. “Ý Chúa sẽ được nên” là một trong những câu nói có chiều sâu vô tận. Nhìn bề ngoài, có vẻ như người ta đang nói: “Được, con chấp nhận ý muốn của Ngài; con chấp nhận những gì đang xảy ra.” Nhưng khi bạn thâm nhập nó ngày càng sâu hơn, cuối cùng người ta nhận ra rằng “Ý Chúa sẽ được nên” và “là một với” bất cứ chuyện gì xảy ra là không hề khác nhau. Chim hót, gió thổi lá xào xạc, mưa rơi, chân đau nhức khi ngồi thiền lâu, tất cả đều là ý Chúa và sẽ được nên khi bạn là một với chúng. Nếu bạn là một với ma quỷ, bạn có thể hạnh phúc trong địa ngục. Nếu bạn xung đột với các thiên thần, ngay cả thiên đường cũng sẽ đau đớn. Nói cách khác, đau khổ đến từ sự không sẵn lòng hay không có khả năng hòa hợp với hoàn cảnh.

Cách đây không lâu, có 2 cha con muốn tham dự một khóa tiếp tâm 7 ngày tại Trung tâm Thiền Montreal. Lúc đầu, tôi từ chối chấp nhận đề nghị của họ bởi vì thông tin mới chỉ được ghi nhận qua điện thoại và tôi chưa gặp họ trực tiếp nên không thể đánh giá liệu họ có thể thực hiện khóa tiếp tâm dài ngày hay không. Tôi nói với họ: “Tôi nghĩ các bạn nên dự một khóa ngắn hơn, khóa tiếp tâm 4 ngày.” Họ rất phản đối, nói rằng họ đã thực hành thiền trong một thời gian dài, rằng khóa 7 ngày sẽ không có vấn đề gì với họ, v.v. Tuy nhiên, tôi kiên quyết nói: “Bạn chỉ nên dự 4 ngày của khóa tu, và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi đến, bạn phải ngồi một ngày và sau đó, vào cuối ngày đầu tiên, hãy đến độc tham [hướng dẫn cá nhân] để cam kết xem bạn sẽ ở lại bao lâu, nhưng không được quá 4 ngày.” “Ồ,” họ nói, “tất cả những điều này thật là không cần thiết.”
Dù sao thì họ cũng đã đến. Tôi gặp họ trước khi khóa tiếp tâm bắt đầu và lại nói với họ: “Các bạn phải có khả năng cam kết với loại tiếp tâm này, bởi vì nó có thể tạo nên vấn đề cho bạn trong tương lai và sẽ không tốt cho những người khác tham dự khóa tiếp tâm nếu bạn phá vỡ cam kết và bỏ đi. Vì vậy, hãy đợi cho đến khi bạn hoàn thành trọn vẹn 1 ngày rồi hãy quyết định.” “Ồ, chúng tôi sẽ không phá vỡ cam kết.”

Buổi độc tham đầu tiên đã đến. Người con trai bước vào trước; cậu ấy đang khóc. “Tôi không biết mình có thể tiếp tục được không,” cậu nói. “Điều này là quá sức đối với tôi.” Vì thế, chúng tôi dành thời gian nói chuyện cùng nhau, và cuối cùng cậu ấy nói: “Tôi muốn thực hiện khóa tiếp tâm 2 ngày.” “Được,” tôi nói. “Cậu sẽ dự khóa tiếp tâm 2 ngày.” Sau đó người cha bước vào và tỏ ra lỗ mãng. Ông ấy hét vào mặt tôi, “Điều này thật lố bịch! Những gì ông đang làm với những người này quả là tàn bạo. Tôi không hiểu thái độ của ông là gì hay ông đang làm cái gì. Tôi không ở lại thêm một giây phút nào nữa đâu!”
Vậy nên, chắc chắn rồi, họ đã rời đi. Thực tế là họ đi quá vội đến nỗi quên mất một nửa số đồ dùng mà họ mang theo.

Như vậy, có hai người (tôi cho rằng người đàn ông đó đã gần 50, cậu con trai khoảng ngoài 20) đơn giản là không thể chịu đựng được cơn đau, dù chỉ 1 ngày. Họ cảm thấy nỗi đau này vượt quá sức chịu đựng của họ. Hơn nữa, điều quan trọng là họ đổ lỗi cho tôi và cách vận hành của khóa tu. Họ cảm thấy chính hoàn cảnh – chứ không phải họ – mới có vấn đề. Họ dường như cảm thấy có điều gì có tính gây hại đang được thực hiện và rằng tôi đang hành động một cách ác ý đối với mọi người.

Đây không phải là sự chỉ trích dành cho hai người này. Điều cho thấy ở đây là họ đã ngăn cách mình với nỗi đau. Những người khác, một số lớn tuổi hơn, yếu đuối hơn nhiều (một người phụ nữ đã 78 tuổi; một người khác, một quý ông trên 70; hay một cựu giáo sư đại học cũng đã 70) có thể tham gia hết khóa tiếp tâm này đến khóa tiếp tâm khác. Cơn đau ở chân – cơn đau do kyosaku, sự khó khăn khi phải đối mặt với tôi vào sáng sớm và phải làm việc liên tục hàng giờ – mà hai cha con đã phải chịu đựng và những gì những người khác, những người đã tham dự hết lần này đến lần khác, phải chịu đựng là không hề khác biệt chút nào. Những người đàn ông không có vấn đề gì đặc biệt về thể chất; ngược lại họ khá phù hợp. Nhưng họ đã có một thái độ sai lầm – một thái độ kiêu ngạo, thô lỗ trước những gì đang diễn ra và chính điều này đã ngăn cản việc họ có đủ sự cởi mở và hòa làm một với nỗi đau. Chính sự kháng cự, sự tách biệt đã khiến nỗi đau trở nên không thể chịu đựng được chứ không phải bản thân nỗi đau. Hơn nữa, điều này không chỉ đúng với nỗi đau thể xác mà còn đúng với mọi loại nỗi đau, mọi khổ đau trong cuộc sống: thể chất, tâm lý và đạo đức.

Trong một khóa tiếp tâm, người ta phải chịu đựng nhiều loại đau đớn khác nhau: nỗi đau đến từ việc phải được chỉ cho điều cần làm, điều này kéo theo loại đau đớn riêng của nó; nỗi đau đến từ việc phải ngủ trong một môi trường xa lạ cùng với những người mà bạn không hề biết rõ; nỗi đau của việc không được nói và phải duy trì sự im lặng, phải hướng mắt nhìn xuống. Ngoài ra còn có cơn đau do ngồi những khoảng lâu cùng với nỗi lo lắng và giận dữ, cũng như niềm đau của điều mà chúng ta có thể gọi là sự khô cằn. Niềm đau đến từ sự khô khốc, từ sa mạc, từ việc chẳng là gì, chẳng có chút thú vị nào đối với hoàn cảnh, có thể được coi là nỗi niềm tồi tệ nhất. Nhiều người khi đối mặt với điều đó sẽ trở nên hoảng sợ. Đơn giản là họ không thể đối diện được. Quả thực, gần như chắc chắn điều này đã xảy ra với 2 cha con.

Khi hoàn toàn là một với nỗi đau, chúng ta đang đi ngược lại hoàn toàn với tất cả những khuôn mẫu thói quen được thiết lập không chỉ bởi xã hội mà có thể nói, bởi chính hệ thống sinh học. Bằng cách làm việc với nỗi đau, bằng cách cởi mở với nỗi đau, giống như con cá chép, một biểu tượng thường thấy ở lối vào các thiền viện, chúng ta đang bơi ngược dòng đời và ngược dòng những gì xã hội cho là bình thường. Nhưng bởi vì chúng ta không dựa vào những chỉ dẫn đơn giản hay những phản ứng theo thói quen nảy sinh ở cấp độ cá nhân, nên chúng ta phải dựa vào những nguồn lực ở cấp độ sâu hơn nhiều, cấp độ mà sự phân biệt “tôi và cái này,” “tôi và bạn,” “tôi và họ,” “của tôi và của bạn” vẫn chưa phát sinh.

Trong lúc độc tham, những người đang trải qua nhiều đau đớn đôi khi nói, “Bạn biết đấy, nếu vợ tôi [chồng, bạn bè, sếp, hay bất cứ ai] nhìn thấy tôi làm điều này, họ sẽ cười nhạo tôi. Họ sẽ nghĩ tôi dại dột, ngốc nghếch khi làm những chuyện này.” Nhưng điều này có nghĩa là, đối với những người nói điều đó, nỗi đau của họ không đến từ hoàn cảnh mà đến từ sự chia rẽ nơi chính bản thân họ. Anh ấy hoặc cô ấy trước hết nhìn nhận tình huống như nó vốn thế, sau đó qua con mắt của người khác. Người Khác này có thể là một người cụ thể nào đó, chẳng hạn như vợ hoặc chồng, bạn bè, v.v., hoặc con người nói chung, “họ.” Nếu “họ” có thể trông thấy tôi. . . . Quan điểm khác này dường như luôn có vẻ tiêu cực, hoài nghi, chế giễu, ngạc nhiên và rất có tính phê phán đối với những gì đang diễn ra. Việc chia rẽ chính mình theo cách này không chỉ xảy ra trong các kỳ tiếp tâm hay khi ngồi thiền mà còn xảy ra trong cuộc sống nói chung. Điều này có nghĩa là khi gặp phải một tình huống nào đó trong cuộc sống, những người như vậy không chỉ nhìn sự việc như nó vốn là mà còn nhìn chính mình trong tình huống đó qua con mắt của người khác. Do đó, nỗi đau không chỉ được cảm nhận như là chính nó một cách đơn thuần mà còn là sự dội lại từ cái nhìn của người khác. Điều này có thể khiến cơn đau tích tụ đến mức không thể chịu đựng nổi, giống như sự cộng hưởng giữa loa và micrô.

Thật không may, một số lời dạy của Nhà thờ có thể làm trầm trọng thêm vấn đề. Nhiều người trong chúng ta khi còn trẻ đã được dạy rằng Thượng Đế có thể nhìn thấy bất cứ điều gì chúng ta làm. Ý tưởng về một cặp mắt luôn dõi theo và phán xét đã được tôn giáo xây dựng trong chúng ta. Mọi điều chúng ta làm sẽ được nhìn thấy qua con mắt luôn quan sát của Thượng Đế. Điều này cho thấy, dù con mắt luôn dõi theo đó là từ Thượng Đế, từ vợ/chồng hay bạn bè, nó đều đánh động, bằng việc tạo nên hình tướng cho sự phân ly sâu sắc nằm ngay trong lòng mỗi chúng ta,1 một sự phân ly chia tách chúng ta với chính mình và, bằng cách tạo cho nó một hình tướng, giữ nó một cách cứng nhắc tại chỗ. Đau khổ, nền tảng thông thường của đời sống, được nhấn mạnh thông qua phản hồi liên tục từ con mắt luôn quan sát này. Chúng ta có thể buông bỏ phản hồi này nếu chúng ta có thể nhìn sâu vào nó – nghĩa là biết nó ở đó, nhận ra nó là gì, nhận ra cách nó hoạt động. Thế thì không cần thiết phải đấu tranh với nó. Chúng ta chỉ để mặc nó.

Khi bạn thực tập Thiền, có lẽ tốt nhất là vào lúc đầu (10 năm đầu) không nên nói cho quá nhiều người biết bạn đang làm gì. Càng ít người biết thì càng tốt. Hầu hết mọi người sẽ không hiểu vì họ sẽ nhìn việc bạn đang làm đơn giản từ bên ngoài chứ không phải từ trải nghiệm trực tiếp của chính họ, và vì thế nếu họ thấy có gì kỳ quái thì cũng là tự nhiên. Vấn đề là nếu bạn thảo luận với họ, bạn có thể gặp phải vấn đề mà chúng ta vừa đề cập đến, đó là nhìn nhận sự thực hành của bạn qua con mắt của họ.

Bản chất thực sự của chúng ta là hạnh phúc (hoặc có lẽ dùng từ an lạc thì sẽ hay hơn). Chúng ta biết điều này: chúng ta biết, ở mức độ sâu thẳm nhất của con người chúng ta, hạnh phúc là quyền của chúng ta. Thánh Augustine nói: “Nếu không phải là bạn đã thấy tôi rồi, bạn sẽ không tìm kiếm tôi.” Nếu bản chất thực sự của bạn không phải là hạnh phúc hay sự an lạc thì bạn sẽ không tìm kiếm điều đó. Chính vì như vậy, bởi vì bản chất thực sự của chúng ta là an lạc, nên nghịch lý thay, chúng ta đau khổ, bởi vì chúng ta cố gắng tìm kiếm hạnh phúc, sự bình yên và an lạc được phản ánh trong trải nghiệm: trong một cuộc tình, trong sự nổi tiếng, trong việc sở hữu nhiều thứ, trong việc có được trí tuệ vĩ đại, tất cả đều phải gánh chịu sự thăng trầm của cuộc sống.

Tại sao không đi thẳng về nguồn? Tại sao lại đi theo một con đường vòng, đòi hỏi chúng ta phải có sự tán thành của người khác, chúng ta phải có được một lượng của cải, kiến thức nhất định hoặc bạn bè hay những con tem bưu chính từ nước ngoài hay các loại “điểm cộng” khác? Ai đó có thể nói: “Điều đó sẽ vi phạm luật chơi.” Sẽ là gian lận nếu đi thẳng đến hạnh phúc mà không cần phải qua đường vòng, không đặt mục tiêu và đòi hỏi người khác phải chấp nhận nó, rồi lại nhờ họ giúp bạn đạt được mục tiêu đó và rồi cố gắng đánh bại tất cả họ để thành tựu (theo một cách nào đó, điều này có vẻ như là một trò đùa). Nhưng dù vậy, tại sao không đi thẳng về nguồn? Tại sao không chỉ làm việc với hạnh phúc? Tại sao không làm việc cùng – hay tốt hơn là từ – bản chất chân thực của bạn? Lại một nghịch lý nữa: muốn được như vậy thì chúng ta phải từ bỏ mong muốn hạnh phúc, phải chấm dứt cái ngã với những ham muốn và sợ hãi của nó, mong muốn hạnh phúc cũng như sợ hãi rằng mình sẽ không tìm được nó; và chúng ta miễn cưỡng tìm kiếm hạnh phúc, mặc dù bản ngã là chướng ngại duy nhất cho hạnh phúc chân thật.

Con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc là thông qua sự Hợp nhất: “là một với.” Con đường duy nhất để có được bình yên là buông bỏ sự phân ly, chia rẽ hay cảm giác “ở đó ổn nhưng ở đây thì không tốt cho lắm.” Đây chính là nội dung của việc thực hành Thiền, theo dõi hơi thở. Đôi khi có người nói với tôi, “Thành thật mà nói, tôi không thực sự thấy mối liên hệ giữa việc theo dõi hơi thở với việc tôi không thể thực sự hòa nhập vào đời sống. Ngược lại, dường như tôi đang chạy trốn khỏi đời sống khi ngồi quay mặt vào tường và theo dõi hơi thở. Có đủ thứ chuyện đang diễn ra – những vấn đề, những nỗi sợ hãi, khó khăn, sự đối kháng – và tôi không hiểu được mối liên hệ giữa việc chấp nhận tất cả những sự gay go đó chỉ bằng việc theo dõi hơi thở.”

Một thiền sư nói rằng nếu bạn là một với một hạt bụi, bạn là một với cả thế giới. Do đó, “là một” không mang tính định lượng. Nếu bạn đang nhìn tôi với một hơi thở ra, thì ngay lúc đó bạn đang nhìn tôi bằng toàn bộ thế giới. Cách duy nhất để biết điều này là tự mình trải nghiệm nó. Hoàn toàn là một với hơi thở ra cũng giống như hoàn toàn là một với cơn đau. Hoàn toàn là một với cơn đau, nhìn sâu vào nó, có nghĩa là sự tách biệt giữa nỗi đau và niềm vui thích đã bị phá vỡ. Cả hai đều trở thành trải nghiệm, không phải trải nghiệm của tôi, niềm vui của tôi, nỗi đau của tôi mà chỉ là. . . .

Thông thường khi thực hành tâm linh, người ta phải đối mặt với sa mạc, một cảm giác bị bỏ rơi, khô cằn và vô tận không có gì để mong đợi. Ở mức độ mãnh liệt nhất, đó không phải là một cảm giác mà người ta có thể đặt tên. Lúc đầu, điều này rất đau đớn và tôi có xu hướng mạnh mẽ muốn khuấy động mọi thứ, cố gắng làm cho điều gì đó xảy ra, thử cái này, làm cái kia. . . . Nhưng người ta bước vào sa mạc này bởi vì người ta đã từ bỏ những cách khác nhau mà người ta đã sử dụng trong quá khứ để giải trí. Những cách thức này, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, đã đến hồi kết thúc. Giờ đây, một sự thống nhất sâu sắc hơn nhiều có thể tự biểu hiện, không phụ thuộc vào sự hài hòa từ bên ngoài. Đó là lối vào của trạng thái được biết đến trong các truyền thống thiền định của Cơ đốc giáo là apathea, từ apathy (lãnh đạm) của chúng ta bắt nguồn từ đó nhưng với nghĩa là “tự do khỏi cảm giác” chứ không phải là “không có cảm giác.” Tuy nhiên, apathea thường được biết đến lần đầu tiên ở sa mạc.

Nếu bạn gặp phải sa mạc, đừng nghĩ rằng có điều gì đó không ổn trong cách thực hành của mình hoặc rằng bạn không đủ “tâm linh.” Chừng nào bạn còn cảm thấy có điều gì đó không ổn trong quá trình thực hành thì bạn không thể đặt toàn bộ nhận thức của mình vào những gì đang diễn ra ngay bây giờ. Thay vào đó, phần lớn nhận thức của bạn được dành cho việc tìm ra cách khác. Đây là lý do tại sao niềm tin lớn lao là cần thiết – niềm tin không chỉ vào vị thầy và giáo lý mà còn là tin vào chính bạn, tin rằng bạn có khả năng nhận ra sự thật cho chính mình. Cuối cùng, một niềm tin như vậy và nhận thức của nó đã là chân lý. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng mặc dù bạn có thể tìm ra cách nào đó để chuyển hướng bản thân và nhờ đó thoát khỏi sa mạc này, nhưng sớm hay muộn một sa mạc khác sẽ xuất hiện mà bạn chỉ có thể thoát ra nếu bạn sẵn sàng dành cả cuộc đời mình để vượt qua bề nổi của đời sống, nơi hầu như không có chút sức sống, vùng chạng vạng, nơi chỉ có những con ma – vùng chạng vạng mà than ôi, hầu hết mọi người đều sống ở đó.

Rất thường xuyên tình trạng khô khốc đi kèm với việc không thể thở được một cách thoải mái. Hơi thở bị hạn chế và nông, nóng và khó khăn. Chỉ cần nhận thức được hoàn cảnh, có mặt với sự giới hạn của hơi thở. Đừng cố thở sâu, đừng cố thay đổi hơi thở. Hãy hiện diện với sự hạn chế của hơi thở. Đôi khi cơ hoành sẽ rất căng, chỉ cần chú ý đến sự căng thẳng đó. Sau đó, tất nhiên, hàng trăm ý nghĩ sẽ bay tới bay lui như đám muỗi mòng trong đêm hè. Đừng quên, chúng chỉ là những suy nghĩ. Hãy nhận ra, mà không có bất kỳ hình thức phán xét nào, rằng những suy nghĩ thoáng qua này không có bất kỳ mối liên hệ nào với nhau hay với việc thực hành vào lúc này. Nếu bạn làm điều này một cách khá bình thản, bạn sẽ thấy rằng không cần thiết phải kết chúng lại với nhau, không cần phải tính đến chúng hay xem chúng có tầm quan trọng gì cả, cũng không cần cho rằng chúng là “của tôi.”

Khi chúng ta nói về việc là một với nỗi đau, sự bất phản kháng, lòng can đảm và sức chịu đựng, chúng ta không nói về những nam hay nữ anh hùng. Lòng can đảm và sức chịu đựng lớn lao này chỉ đơn giản là việc là một với sự thực hành của bạn. Nếu bạn tự xem mình như một vị anh hùng, thì tất nhiên, việc chấp nhận nỗi đau sẽ trở thành một điều gì đó khác hẳn: bạn bắt đầu tự tạo ra hoàn cảnh như vậy cho chính mình. Bạn biến hoàn cảnh thành một thứ gì đó khiến bạn có được cảm giác về sức mạnh và sự vượt trội bởi vì bạn có thể chịu đựng được nó. Đây không phải là những gì chúng ta đang nói đến, mà ngược lại. Nếu bạn cảm thấy bất kỳ cảm giác căng phồng, trương phình nào xuất hiện do kết quả của loại thực hành này, thì hãy cẩn trọng. Nó sẽ dẫn đến loại đau đớn khủng khiếp của riêng nó; và bởi, nó đến từ phía sau bạn nên sẽ càng khó khăn hơn để xử lý.

Chỉ cần nhận biết: “Đây! Đây rồi! Đây là cái đang hiện diện!” Và cũng tương tự như vậy khi một người đạt đến trạng thái cực kỳ phúc lạc, người ta không biến mất vào miền viển vông. Hãy luôn nhớ rằng niềm phúc lạc mà một người có thể trải nghiệm thì không phải là niềm phúc lạc của nhất tâm. Hiện diện, không hô hào sự thực hành cho riêng mình, không bồng bềnh trong những trạng thái phúc lạc, những điều đó cũng cần có lòng can đảm, sức chịu đựng, sự bất phản kháng: chỉ thở, vào và ra, không làm quá lên, đó chính là sự thực hành. Nhưng đó cũng là niềm phúc lạc, hân hoan.

Đôi khi người ta sẽ hỏi, “Tại sao ta phải phủ nhận chính mình?” Bạn có thể gọi điều chúng ta đang nói là sự phủ nhận cái tôi, nhưng thực tế không phải vậy: người ta không phủ nhận một cách cụ thể bất cứ điều gì. Không phải là người ta đang hạ thấp cái tôi, nhục mạ nó, loại bỏ nó hay bất cứ điều gì tương tự. Trở thành “một với” là cởi mở với những gì đang hiện diện. Cái tôi, theo một nghĩa khác, luôn đóng lại trước mọi điều nằm ngoài những gì “tôi” cho là quan trọng. Hiện diện với cái đang là có nghĩa là hiện diện với những gì không quan trọng cũng như quan trọng. Đây là điều mà trong Thiền gọi là việc phủ nhận bản ngã, và chính điều này dẫn chúng ta vào, và cuối cùng là thoát khỏi miền hoang vu. Hãy nhận biết ngay từ đầu rằng việc thực hành sẽ không mang lại lợi lạc gì cho cái tôi cá nhân, rằng tính cá nhân sẽ chẳng thu được gì từ việc thực hành dù là bây giờ hay trong tương lai.

🌼🌿🍁🌼🌿🍁
Trích từ ‘HIỂU BIẾT CHÍNH MÌNH, những cuộc nói chuyện, câu chuyện, bài viết về Thiền’ – To Know Yourself, talks, stories and articles on Zen (1997)
Tác giả: Albert Low
Chuyển ngữ: Yên Bình

Post: Thường An

SHARE: