SHARE:
“Con người tâm tạo mà ra
Nghĩ sao nên vậy chính ta tạo mình
Cảnh giới cũng bởi tâm sinh
Việc làm, lời nói với tâm an lành
Hạnh phúc theo sát bên mình
Như bình với bóng, một ly không rời”.
-ĐỨC PHẬT
Trong các mục tiêu cuộc sống, bạn cần đặt việc trưởng dưỡng tâm lên hàng cao nhất. Thành quả của việc rèn luyện, phát triển tâm thật tuyệt vời. Nó giúp bạn luôn yêu đời, ham học hỏi và tràn đầy nhiệt huyết. Bạn muốn tích lũy thêm hiểu biết, được mở mang tri kiến và trưởng thành hơn qua mỗi ngày. Với hành trang này, bạn có thể giải quyết mọi việc với trí tuệ và sự tập trung sáng suốt. Khi đói, hương vị thức ăn bỗng trở nên hấp dẫn, chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với mùi vị. Tâm của bạn cũng vậy, nó cần được đặt trong trạng thái hứng khởi, luôn sẵn sàng tiếp nhận kiến thức và hiểu biết mới. Và rồi, khi đã biết việc mình cần làm, bạn phải dồn tâm trí cho công việc đó một cách tập trung không sao nhãng. Quán chiếu, quyết định và hành động là cốt tủy của việc đào luyện tâm giúp bạn tự chủ dẫn dắt cuộc sống của mình. Tâm phân tán, mất phương hướng sẽ khiến bạn lăng xăng chạy theo dòng suy tư miên man vô định. Trong khi tâm chính niệm đầy hứng khởi sẽ giúp ta nhẹ bước thảnh thơi mà vững chãi, cho phép ta an trụ tâm vào bất cứ công việc hành động nào với sự sáng rõ tỉnh thức.
Tâm an định, cho dù chỉ trong một vài phút, sẽ mang đến cho bạn cơ hội để tri ân cuộc sống. Vẻ đẹp cuộc sống bỗng hiển lộ đầy đủ cho ta ân hưởng. Vào lúc này, niềm tri ân cuộc sống của chúng ta đang bị vùi lấp dưới sức nặng của những lo toan, suy tính, vọng tưởng. Thân tâm ta bị chi phối quấy rầy đến nỗi không có thời gian để ngồi tĩnh lại. Nhưng với một chút tĩnh lặng, dòng chảy tâm thức sẽ trở nên hiền hòa, chúng ta sẽ có thể lắng nghe những mong mỏi từ sâu thẳm tâm hồn và tìm ra giải pháp khiển trừ các chướng ngại trên con đường tìm cầu hạnh phúc an lạc. Tâm an định sẽ tạo ra khoảng không gian, cảm giác rộng mở, giúp ta được trở về với chính mình và bắt đầu nhìn thế giới xung quanh với sự hiểu biết chân thực.
“Hãy để những đám mây vọng tưởng hòa tan vào bầu trời bản tâm bao la”.
-ĐỨC MILAREPA
Tự tính của tâm ta là trong sáng thuần khiết và có khả năng chiếu rọi, là thực tại mà Phật tử chúng ta gọi là “Phật tính”, một thuật ngữ để chỉ tới sự giác ngộ. Đây là Chân lý Vũ trụ vốn không thuộc riêng tôn giáo nào. Nếu khi trước bạn vẫn thường nghĩ Phật là đối tượng nào đó tồn tại bên ngoài, thì bây giờ bạn nên nhìn lại bằng nhãn quan thanh tịnh để nhận ra Phật luôn có sẵn bên trong mỗi người.
Có hai loại Bồ đề tâm: Thứ nhất là tâm thanh tịnh hay là Bồ đề tâm nguyện. Bồ đề tâm nguyện soi sáng cho bạn trên đường đời, giúp bạn nhận ra mình thực sự có thể tạo nên biến đổi, góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn theo cách của riêng bạn. Không có Bồ đề tâm nguyện, làm sao bạn có thể hướng tới giác ngộ.
Loại thứ hai là tâm thành tựu hay là Bồ đề hạnh, đây là “tâm thực hành”, nhờ động cơ Bồ đề tâm nguyện, bạn quyết tâm thực hiện hành trình hướng thiện vì lợi ích của hết thảy hữu tình.
Hiện tại, chúng ta đang rèn luyện để dần thực chứng về tự tính của tâm. Thông thường, chúng ta không thực sự chú tâm khi đọc hay lắng nghe điều gì, nó chỉ lướt qua đầu chúng ta trong thoáng chốc. Chúng ta thậm chí không biết mình đang nghĩ gì. Khi bắt đầu hiểu và trân trọng bản thân, chúng ta sẵn sàng đón nhận bất kể điều gì xảy đến và mọi trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày sẽ trở thành giáo pháp. Dưới lăng kính giáo pháp và trải nghiệm của tâm giác tỉnh, thế giới sự vật hiện tượng xung quanh ta sẽ bừng sáng trong từng chi tiết và trở nên sinh động hơn bao giờ hết. Bài học thực tế từ cuộc sống hàng ngày sẽ thực sự thấm dần khi ta biết cởi mở và thư giãn tâm mình.
☀ Lời thệ nguyện
Bây giờ khi đã bắt đầu trưởng dưỡng sự chú tâm, điều quan trọng là bạn hãy luôn tâm niệm giúp đỡ người khác. Điều này sẽ giữ động cơ của bạn thanh tịnh và chỉ cho bạn con đường đạo chân chính. Có nhiều cách giúp đỡ khác nhau tùy theo căn cơ của từng người. Theo triết lý nhà Phật, có ba loại động cơ chính:
Thứ nhất là bạn muốn chứng đạt giác ngộ vì lợi ích của hết thảy chúng sinh. Theo nghĩa này, các bậc giác ngộ là những bậc đã thành tựu sự nghiệp tu tập và phát nguyện tận dụng toàn bộ tâm sức của mình thông qua các phương tiện thiện xảo, để mang lại hạnh phúc và giảm bớt khổ đau cho chúng hữu tình.
Thứ hai là những người có thể gọi là “người mục đồng”. Trước tiên bạn muốn cứu giúp người khác chứng đạt giác ngộ và sau đó bạn cũng viên mãn. Giống như người chăn cừu tìm được nơi trú ẩn an toàn cho bầy cừu, khi đó họ mới có thể yên tâm.
Đây là những người luôn quan tâm đến người khác với tình yêu thương và lòng bi mẫn bao la.
“Khi cứu sống một người, bạn đã cứu cả thế giới”.
-NGẠN NGỮ TÂY TẠNG
Loại động cơ thứ ba là người muốn chứng đạt giác ngộ cùng những người khác, đồng thời với họ, không đến trước cũng chẳng tới sau. Họ cũng giống như người hoa tiêu chèo lái một con tàu vượt qua hiểm nguy gian khó. Họ sẽ không đi trước hoặc giúp hành khách trước rồi mới giúp mình. Tâm nguyện của họ là muốn tất cả cập bến Giác vào cùng một lúc.
Vậy bạn là kiểu người nào? Bạn muốn hoàn thiện kỹ năng kiến thức bản thân để có thể giúp đỡ người khác? Là người có xu hướng hy sinh lợi ích bản thân để quan tâm, dẫn dắt che chở mọi người hay thành viên xuất sắc có thể tạo nên sự cộng hưởng tích cực lớn lao cho cộng đồng?
Suy nghĩ về cách hỗ trợ người khác trong khả năng tốt nhất của mình là bước quan trọng trên con đường tu tập. Thông thường, chúng ta có xu hướng ưu tiên những gì có lợi cho bản thân. Ngay cả khi đã giúp đỡ một người, chúng ta cũng thường mong nhận lại điều gì đó. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn luôn tỉnh giác, quan sát tâm và động cơ của mình. Nếu động cơ đúng đắn thì nguồn năng lượng chúng ta truyền tới người khác mới thực sự tích cực.
“Vạn pháp duy tâm tạo”.
-ĐỨC PHẬT
Tâm, cũng như mọi thứ khác, cần được chăm sóc đầy đủ mới có thể vận hành đúng đắn. Ví như bạn có một chiếc xe ô tô, lúc mới mua nó rất mới đẹp, nhưng nếu liên tục sử dụng mà không bảo trì, nó sẽ dần trở nên cũ hỏng. Tâm ta cũng như vậy, hàng ngày nó cần được thường xuyên kiểm soát. Nếu không cố gắng bảo trì thì dù nước sơn bên ngoài vẫn tốt, chiếc xe có thể hỏng hóc và sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Tương tự, nếu ta chỉ lo chăm chút cho thân tướng này mà quên trưởng dưỡng tâm, sau một thời gian, nó sẽ trở nên hỗn loạn, bất trị. Một khi tâm xao động, cuộc sống của bạn cũng sẽ bị rối ren. Khi tâm bạn lo lắng, tất cả mọi thứ đều căng thẳng. Thay vì trốn chạy, hãy cố gắng hiểu thông điệp mà tâm gửi đến, việc nhận biết này chính là sự thực hành pháp. Đó là lý do vì sao chúng ta phải luôn quán sát, trưởng dưỡng tâm trí để không sa vào cạm bẫy của những bám chấp, sân hận, kiêu mạn và hiềm khích.
☀ Bồ đề tâm nguyện
Chúng ta có mặt trên cõi đời này để tìm cảm hứng cho mình và truyền cảm hứng cho nhau hướng tới giác ngộ. Việc phát khởi Bồ đề tâm nguyện mở ra không gian bao la trong tâm thức, giúp hành động, suy nghĩ của bạn được thấm nhuần từ bi, trí tuệ và hướng đến lợi ích của người khác một cách tự nhiên. Khi trưởng dưỡng tâm mình, bạn thư giãn, chiêm nghiệm về động cơ đằng sau mỗi hành động, lắng nghe điều gì giúp mình có cảm hứng và chú tâm trong đời sống thường nhật. Với động cơ và nguồn cảm hứng đúng đắn, bạn sẽ khám phá được con đường thực sự muốn đi thay vì thụt lùi một cách ức chế và mất phương hướng. Làm sao chúng ta có được động lực để làm những điều thật ý nghĩa nếu thiếu đi cảm hứng? Chúng ta đưa ra hàng ngàn lý do. Khi để tâm chao đảo trong cuồng phong hỗn loạn của xúc tình phiền não, chúng ta sẽ mất đi sự tỉnh thức vốn có và lãng quên nguồn cảm hứng hiện diện khắp nơi mà cuộc sống ban tặng cho bạn. Vì thế, hãy bắt đầu bằng việc dành chỉ vài phút mỗi ngày để ngồi xuống, quan sát và chiêm nghiệm về sự kỳ diệu của cuộc sống và thế giới này. Dần dần, chúng ta sẽ tìm lại được nguồn cảm hứng và năng lượng tích cực vốn có. Hãy rộng mở trái tim, cởi mở tâm trí và kết nối với cuộc sống vốn luôn tươi đẹp nhiệm mầu!
“Bạn cần biết đích đến để đón ngọn gió giúp con tàu cập bến”.
-LUCIUS ANNAEUS SENECA
Niềm cảm hứng chính là sự động viên và nguồn ân phúc gia trì lớn lao giúp bạn vượt qua mọi chướng ngại. Một trong những cách tuyệt vời để trưởng dưỡng cảm hứng, tăng trưởng hiểu biết và trí tuệ nội chứng là thực hành thiền định. Tôi hoan hỷ khi thấy nhiều người biết hướng sự quan tâm và nỗ lực của mình vào pháp thực hành này. Khi được thực hành thường xuyên, hiểu biết đến từ thiền định sẽ xua tan bóng mây của những định kiến, chấp trước, phóng chiếu, ngụy tạo thường thêu dệt, che phủ cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sẽ thôi đặt điều kiện cho lời nói hoặc hành động của mình và nhận ra điều quan trọng là hành động chứ không phải kết quả hay những kỳ vọng mà ta đã đặt ra.
“Điều quan trọng là hành động chứ không phải kết quả. Bạn cần thực hiện những việc làm tốt đẹp và đúng đắn. Có thể bạn chưa thành công hay thậm chí chẳng gặt hái kết quả gì, song tâm bạn không nên thoái nản. Lúc này, chúng ta chưa biết kết quả việc mình làm, nhưng nếu không làm gì, chắc chắn sẽ không có thành quả nào đến với bạn”.
-MAHATMA GANDHI
Có hai loại thiền: thiền quán đòi hỏi bạn phải tư duy để hiểu bản chất của thế giới, và thiền định đòi hỏi bạn giữ tâm lắng đọng, an tịnh, tỉnh thức trong hiện tại. Bạn không phân tích, suy tư hay vọng tưởng, chỉ cần tỉnh thức và cố gắng để tâm không sao nhãng.
Thiền giúp chúng ta bình tâm, làm lắng đọng những dòng tư tưởng vẩn vơ và giúp chúng ta an trú trong sự giác tỉnh. Tiếp đến chúng ta có thể khám phá và tìm thấy con đường cho riêng mình. Có rất nhiều cách để bắt đầu cuộc hành trình, nhưng tất cả đều có chung một hướng. Đừng lo lắng bạn đang ở “cấp độ” nào trên chặng đường này. Hãy tinh tấn thực hành, thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất cho bạn.
Sự thiền định được thực hiện qua hai giai đoạn. Thứ nhất là thiền qua sự thực hành trong thời khóa tu tập chính thức và thứ hai là giai đoạn hậu thiền hay suy ngẫm thực hành trong đời sống thường nhật. Nếu bạn mới bắt đầu tu tập, tôi nghĩ rằng hậu thiền sẽ thích hợp và lợi lạc hơn. Khi tu thiền, ta phải an trú trong tâm Không và đối với người mới thực hành, điều này thật không dễ dàng gì. Chúng ta có thể ngồi trong yên lặng, lãng phí rất nhiều thời gian tưởng như để thiền định, song thực chất lại thường dễ dàng lạc mất chính niệm. Chúng ta không biết điều gì đang diễn ra, tâm ta bị phân tán, lang thang khắp nơi.
Với hậu thiền, chúng ta lắng nghe mọi dòng suy tư và dành thời gian quán chiếu chúng. Ví dụ, chúng ta ngắm bình minh để suy nghĩ về tính vô thường và sức mạnh của hiện tại, hoặc ta quan sát mọi người để thấy rằng tất cả chúng ta đều chung cảnh ngộ, rằng chúng ta đều giống nhau. Cách thiền định này giúp chúng ta hòa nhập với thế giới quanh mình, trong khoảnh khắc này, ngay khi bạn pha một tách trà lúc mới thức giấc trong sự tĩnh lặng của buổi sớm mai. Điều này giúp chúng ta thường xuyên nhìn lại mình, quán chiếu mọi lỗi lầm và cố gắng giảm thiểu chúng bằng cách trưởng dưỡng những phẩm hạnh và động cơ chân chính.
“Hãy trải nghiệm cảm giác ngồi một mình trong khu vườn tĩnh mịch lúc bình minh hay trong đêm tối để được trầm mình trong không gian lắng đọng nhiệm màu”.
-JAMES DOUGLAS
Chúng ta có thể thiền quán trong bất cứ hoàn cảnh nào để chiêm nghiệm về lòng từ bi, nguồn cảm hứng, tâm chí thành, tình yêu đích thực hay những điều tương tự như vậy. Chúng ta thậm chí có thể hành thiền hàng ngày theo những cách rất giản dị, ví dụ như ngay tại công sở. Mỗi khi có vấn đề xuất hiện, ta lại quán chiếu tâm ta, để ý xem cách chúng ta phản ứng và những bài học ta có được. Cuộc sống hàng ngày có vô số cơ hội để chúng ta thực tập các chủ đề như lòng từ bi, xả bỏ bám chấp. Khi chúng ta thực sự quan sát cuộc sống hàng ngày với con mắt thiền quán, mọi thứ sẽ trở nên sống động và gần gũi với chúng ta, thay vì là những bài pháp hay nhưng lạ lẫm xa rời đời sống.
Thông thường, chúng ta hay bị mắc kẹt trong tham ái của bản thân mà quên mất những gì đang diễn ra ngay xung quanh. Khi bắt đầu quan sát từng chi tiết của thế giới bên ngoài, ta sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng, niềm xúc động từ những con người và sự việc mà trước đây mình chưa hề để ý. Đối tượng khám phá không cần phải to tát xa xôi, mọi chuyển động, suy nghĩ và hình tướng đều có thể trở thành chân giáo pháp. Những bài pháp thực tiễn này giúp ta mở mang trí tuệ hiểu biết với hiệu quả lớn hơn nhiều việc tiếp cận lý thuyết sách vở. Do vậy, hãy để ý, chúng ta sẽ tìm thấy giáo pháp ngay trong cuộc sống diễn ra quanh mình.
Hãy bắt đầu bài thực tập này bằng cách đơn giản là nhìn kỹ hơn vạn pháp quanh ta. Có thể lúc đầu bạn dành một chút thời gian thực tập rồi từng bước biến thực hành này thành một phần của đời sống hàng ngày. Thay vì ngồi trên tàu hỏa vùi đầu vào mấy tờ báo nhàm chán theo thói quen cũ, hãy thử quan sát mọi người và cảnh vật mà trước đây bạn chẳng bao giờ để ý. Có thể một phụ nữ cao tuổi sẽ cảm ơn vì bạn đã biết lịch sự nhường chỗ ngồi cho bà. Nếu vẫn chúi đầu đọc báo như mọi khi, có lẽ bạn đã không thể nhận ra những người cần được trợ giúp!
Đối với tôi, quán niệm tư duy giúp tôi thực sự thư giãn. Nó giống như cảm giác được bơi lội thỏa thích giữa đại dương bao la. Tôi cảm thấy an nhiên tự tại, đó là dấu hiệu của sự gia trì và chỉ ra rằng tâm tràn đầy cảm hứng đang hiển hiện. Tôi không muốn nói đến khía cạnh thỏa mãn các giác quan, nhưng bằng việc quán sát tôi cảm nhận được niềm an lạc sâu sắc với trí tuệ hiểu biết. Chỉ cần ngắm nhìn mọi thứ xung quanh là tôi được truyền cảm hứng. Điều đó xảy ra rất tự nhiên.
Trong quá trình thực hành, tôi cũng khuyên bạn quán chiếu về những thăng trầm trong cuộc sống của chính mình. Bạn không nên chôn vùi những bí mật này và dồn nén cảm xúc, hãy để chúng hiển lộ để bạn có thể chiêm nghiệm và rút ra bài học. Điều này thường không dễ dàng như ta tưởng. Bị bủa vây bởi các lớp vỏ của bản ngã và sự hiểu lầm vô minh, chúng ta rất dễ bị mắc bẫy rồi tự lừa dối bản thân. Hãy cởi mở với những góc khuất của chính mình và soi rọi chúng từ những góc nhìn khác nhau.
Chẳng hạn, nếu bạn cảm thấy lo lắng và sợ hãi về một điều gì đó, đừng vội cho rằng như vậy là ngớ ngẩn hay yếu đuối. Ngẫm xem có gì ẩn chứa đằng sau những cảm xúc đó, rồi bạn sẽ biết cách nhìn nhận vấn đề với nhãn quan tích cực hơn. Vâng, bạn có thể lo sợ một việc gì tệ hại sẽ xảy ra, nhưng thường thì điều đó cũng hàm ý rằng bạn đang nắm trong tay cơ hội tuyệt vời để thực hiện một việc làm có ý nghĩa ngay bây giờ. Bạn lo lắng về một điều sẽ trôi qua, vậy sao không “trở về” hiện tại để tìm lại nguồn cảm hứng, thay vì bận tâm lo lắng về những mất mát thua thiệt?
“Sự quán chiếu quán tưởng sẽ chữa lành những hỗn loạn trong tâm”.
-NGẠN NGỮ TÂY TẠNG
Thiền định và quán tưởng là những phương tiện hiệu quả giúp bẻ gãy vòng xoáy tiêu cực của luân hồi phiền não. Với tâm hứng khởi, bạn có thể quán chiếu mọi tình huống từ góc độ mới mẻ hay tìm thấy bài pháp từ những thách thức trong cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn hay than vãn: “Ôi, mình lại mắc sai lầm” hay “Sao mình luôn xui xẻo vậy?”. Hãy tự cho mình chút thời gian để dừng lại, hít thở thật sâu và bình tĩnh suy nghĩ. Có thể bạn sẽ nhận ra mình chẳng cần chạy theo những lối mòn và tìm được cho mình một con đường mới. Thực hành theo cách này, bạn có thể xả bỏ được những dòng suy tư luẩn quẩn, rối loạn đang chiếm lĩnh tâm trí khiến bạn mơ hồ lạc lối. Thay vì tưởng tượng những điều tồi tệ đến từ một tương lai bất định, hãy tri ân những gì mình có ngay trong lúc này.
Tôi đã xem một số sách vở nói về lòng từ bi và tình yêu thương, trong đó dạy rằng mọi người cần yêu thương bản thân mình trước rồi mới thực hành lòng từ bi hướng tới mọi người. Tuy nhiên, hãy biết đặt lợi ích người khác lên trước. Đây là cách chúng ta kiểm tra động cơ để loại trừ sự chi phối của bản ngã. Đồng thời, hãy luôn nhớ rằng qua việc chăm sóc bản thân một cách đúng đắn, chúng ta sẽ tăng thêm sức mạnh cho hạnh nguyện chân chính, đó là chăm lo giúp đỡ mọi người.
“Hãy để tâm bồn tràn ngập lòng từ bi”.
-ĐỨC PHẬT
—☘☘☀—
Trích: Giác Ngộ Mỗi Ngày, Ban phiên dịch Drukpa Việt Nam, NXB. Hồng Đức
Post: Thường An
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS