HÀNH HƯƠNG YÊN TỬ

SHARE:

Tôi đã nhiều lần đi Yên tử, trước đây mỗi lần đi đều cảm nhận một cảm giác thoải mái khi được hòa mình vào thiên nhiên, rừng núi, được vui vẻ với bạn bè và phần nào cảm giác thoát tục khi thắp hương, lễ bái nơi cảnh chùa cổ kính.

Chuyến đi lần này (10/2024) lại khác, có những điều khi con người ta trải nghiệm nhiều hơn trong cuộc sống, hoặc bạn có một đường lối tu tập rõ ràng, những khả năng tâm linh trong bạn phát triển, bạn sẽ nhận được nhiều thứ giá trị qua chuyến hành hương. Chuyến này có hai điều khác biệt tôi muốn chia sẻ cùng các bạn.

Do bận việc gia đình, tôi chỉ có may mắn tham gia 2 ngày cuối trong lịch trình 5 ngày của đạo tràng. Tuy nhiên trong nhóm zalo mọi người liên tục chia sẻ ảnh chụp trên suốt hành trình nên ở nhà mà tôi cũng như được đồng hành cùng cả đoàn vậy.

Ngày thứ 2 khi xem ảnh, tôi chợt thấy một bức ảnh chụp không gian rất cổ kính tại hiên của một ngôi chùa đặc trưng miền Bắc có lịch sử hơn 1000 năm, trong ảnh là nhóm bạn đạo từ đủ các miền của Tổ quốc: Hà nội, Sài gòn, Cần Thơ, Vĩnh Long, Vũng Tàu, Hải dương,… trong đó có nhiều bạn ở miền Nam lần đầu ra thăm những ngôi chùa cổ miền Bắc… trông ai cũng hoan hỷ, dường như là họ đã đi xa lâu ngày nay mới trở về, họ như đã từng là một phần của nơi này từ xa xưa vậy… Lúc đó trong tôi trào lên một niềm xúc động, hai điều linh thiêng với tôi hòa vào nhau, một bên là ngôi chùa ngàn năm với bề dày tu tập các đời Thầy Tổ, khởi thủy của Phật giáo Việt Nam, một bên là bạn đạo của tôi, đại điện cho đạo tràng mà tôi yêu mến, hình bóng của Thầy tôi, người mà tôi kính quý và tin rằng, Thầy luôn mong mỏi và đã, đang làm những điều gì đó góp phần cho sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam. Cảm giác lúc đó thật khó tả, có giọt nước mắt cứ lăn lăn trên má, tâm hồn nhẹ tênh, tôi tin chắc rằng Phật Pháp mãi trường tồn, nó là dòng chảy ngầm, cho dù bên trên có hiện ra bao cảnh hoang tàn, xơ xác…
Điều khác biệt thứ 2, hành trình của chúng tôi được thiết kế lên núi Yên tử từ sườn phía Tây, là nơi đức ngài Trần Nhân Tông hoằng Pháp sau khi đắc đạo (chùa Vĩnh Nghiêm,…), lên đỉnh là chùa Đồng, sau đó xuống núi ở sườn phía Đông, nơi đức Trần Nhân Tông xuất gia cầu đạo và tu tập. Xin được lan man một chút, cái này làm tôi liên tưởng đến đường lối tu Quả (tu từ Quả đến Nhân), lối tu này cho phép ta “ứng trước” Quả, ta tương ưng với những phẩm tính của Phật trong bản tánh uyên nguyên bình đẳng, từ đó mà gieo nhân tu tập cho đến ngày thành tựu.

Trong suốt hành trình leo núi, tôi cảm nhận có một trường năng lượng tốt lành luôn nâng đỡ bước chân của đoàn, tâm tôi (chắc mọi người cũng vậy) rộng mở, nhẹ nhàng lướt qua và cảm nhận cuộc đời vĩ đại của đức Trần Nhân Tông, một vị vua tu hạnh nhập thế, đời và đạo của Ngài hòa quyện với nhau, nhịp nhàng tạo nên bản hùng ca bất diệt của Phật giáo Việt Nam, một thời kỳ thịnh trị trong lịch sử dân tộc nước nhà. Bồ Đề Tâm của Ngài chắc chắn vẫn còn lưu dấu đến tận ngày nay, nhờ thế mà chúng ta còn biết đến và tu học dòng thiền Trúc Lâm, những thành quả mà triều đại của Ngài đã làm như giữ gìn đất nước, mở mạng bờ cõi, đến nay con người Việt Nam vẫn đang được hưởng và kế thừa.

Các bạn biết không,

Khi kết nối với Bồ Đề Tâm tuyệt đối không có nghĩa là ta kết nối với cái gì đó bên ngoài, mà chính là sống được với bản Tâm chân thật của mình, nơi đó cũng đầy đủ tín – nguyện – hạnh , từ bi và trí tuệ, qua đó ta hiểu những việc chư Phật, chư Tổ đã làm vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Sống được với Bồ Đề Tâm (hay Chân Như, Phật Tánh, Nền tảng…) thì dù ta có ở đâu, làm gì, ta cũng nếm được vị cam lồ bất tử của giải thoát. Tôi thì chưa được như vậy, chỉ thấy niềm hoan hỷ thiêng liêng vẫn còn đó sau chuyến đi, mỗi khi tôi niệm Phật, tụng chú, hay ngồi yên tĩnh lặng.

Sau chuyến đi Thầy tôi có dạy rằng ” phải làm một cái gì đó…”.

Khi bạn thấy Quả rồi, thì đến lúc bạn phải gieo nhân…

Để tạm kết thúc chia sẻ này, xin trích hai câu trong bài thơ Đăng Bảo Đài Sơn của đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông:

Muôn sự nước trôi nước
Trăm năm lòng nói lòng

Nam Mô Tam Thế Thập Phương Pháp Giới Thường Trụ Tam Bảo.
——-☀☀☀——-

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: