Ý THỨC VÀ VÔ THỨC

SHARE:

Mỗi người nghĩ mình là cái mà mình ý thức được. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta ảo tưởng về chính mình, như kẻ ngốc tự cho mình là thông minh. Hơn nữa, ý thức là phân diện, nó có thể quên. Nếu một phần tinh thần lọt ra ngoài ý thức, con người có còn làm chủ những hành vi và tư tưởng của mình không? Ý thức có phải là một quyền năng cho phép ta sáng suốt và hiện diện trong ta hay nó chỉ trình bày cho ta một biểu tượng méo mó và đứt khúc của cái mà chúng ta là?

🍁 Ý thức đối tượng
Ý thức trước hết là tinh thần, tức là một thứ phi vật chất, đối lập với các đồ vật vật chất. Theo nghĩa chính xác hơn, từ “ý thức” chỉ định một trạng thái hay một phẩm tính: trạng thái của một người nhận thức được điều gì đó, phẩm tính có ý thức, sự chủ ý, như khi chúng ta nói “nhận thức” hoặc “có ý thức về điều gì đó”. Ý thức như vậy là sự hiện diện trong bản thân: khả năng có được những trạng thái tinh thần và nhận thức được chúng (“giác thức”) Theo chiều hướng đó, Descartes giải thích rằng tư tưởng là “tất cả những gì hình thành trong chúng ta theo cách sao cho chúng ta nhận thức được nó ngay lập tức” (Những nguyên lý triết học, 1644). Mọi hoạt động của tinh thần, trừ những cảm giác của giác quan, chủ yếu là suy nghĩ (Suy nghiệm siêu hình thứ hai, 1641).
Ý thức có thể nhận thức điều gì đó. Có ý thức, ấy là nhận thức và biết được cái mà chúng ta nhận thức.

🍁Tự ý thức
Ý thức mà chúng ta có về các đối tượng là cái mà qua đó, thế giới xuất hiện với chúng ta. Nhưng chúng ta cũng có ý thức về chính chúng ta. John Locke đặt ra từ ngữ “tự ý thức” (self-consciousness theo tiếng Anh) để chỉ “cảm giác mà con người có được về những hành động của chính mình” và là điều cho phép tự hình dung cái Mình (Bản thân: Tiểu luận về ngộ tính của con người, 1794). Theo ông, chính ý thức tạo ra bản sắc của mỗi người, làm cho mỗi người là cái mà nó là. Đối với Hegel, là một chủ thể-người không phải Ý luôn luôn vẫn là mình, như A là A. Ý thức về mình có nghĩa là xem mình là đối tượng và như vậy, đối lập với chính mình, nhưng cũng nhận ra mình trong đối tượng ấy, tự đồng hóa với cái đối lập ấy (Hiện tượng học về tinh thần, 1807).

🍁Ý thức đạo đức (lương tâm)
Lương tâm giúp chúng ta biết được sự khác biệt giữa cái tốt và cái xấu. Nó là cảm giác về bổn phận và trách nhiệm của ta, như khi chúng ta tuyên bố “cảm thấy lương tâm bứt rứt” hay “cảm thấy lương tâm yên ổn”. Nó dường như không có nơi các loài vật và là đặc thù của con người. Nó được xem như là ý thức đối tượng vì bổn phận được áp đặt cho chúng ta từ bên ngoài. Nhưng chủ thể phải quay lại với chính những hành vi của mình để phán xét, điều hàm ý rằng đó là sự tự ý thức.

🍁Tính nội tại hay tính ý hướng?
Đối với triết học cổ điển, ý thức là một quyền lực buộc ta phải suy tư về chính mình (phản tư) và là tập hợp những sự việc nội tâm và riêng tư (nội tính). Leibniz cho rằng ý thức đưa ra những gì nó nghĩ và nó không thể bị thay đổi bởi một tạo vật khác (Đơn tử học). Để tự xuất hiện với tôi, tôi không cần hình dung ra một thế giới bên ngoài (thuyết vô thế giới). Cũng vậy, để tự khẳng định là chủ thể, tôi không cần đi qua ý thức mà tôi có về chủ thể khác (thuyết duy ngã). Nhưng nếu ý thức luôn nhắm đến một đối tượng, nó có thể được xác định như nội tính không?
Husserl nhấn mạnh rằng ý thức trước hết là ý hướng tính, và nó luôn luôn là “ý thức về điều gì đó” như “trong nhận thức, một điều gì đó được nhận thức [….], trong tình yêu, điều gì đó được yêu” (Nghiên cứu logic học, II, 2, 1901). Trái với các sự vật, ý thức như vậy không có nội tỉnh. Sartre nêu rõ rằng nó chỉ tồn tại khi là “ý thức về một thứ không phải là nó” (Một ý niệm cơ bản về hiện tượng học của Husserl, 1939).
Nhưng đối với Husserl, tính đơn nhất và tính cá nhân của ý thức xuất phát từ một loại chủ thể tuyệt đối, độc lập với thế giới (cái “Tôi tiên nghiệm”). Sartre bác bỏ rằng cái “Tôi” không phải là một “cư dân của ý thức”: nó không thể xuất hiện với chúng ta trước khi thế giới hiển lộ với chúng ta (Tính siêu nghiệm của cái tôi, 1934).
Những gương mặt của vô thức
Trái ngược với những suy nghĩ của triết học cổ điển, ý thức không dễ nhận ra đối với chính nó. Nó dường như bị điều khiển từ bên ngoài bởi những sức mạnh nằm ngoài tầm kiểm soát nhưng quyết định những hình thành tinh thần của nó.
Theo Karl Marx, đó là những sức mạnh xã hội và kinh tế (Tư bản luận, 1867). Vị trí của một nhóm trong xã hội quyết định những nội dung ý thức và một thể cách để biết, đánh giá và hành động – điều mà Marx gọi là một “ý thức hệ”. Mỗi nhóm sở hữu một hình thức ý thức, “ý thức giai cấp” mà những nội dung được quyết định bởi lợi ích của những thành viên của nhóm đó. “Ý thức tư sản” là ý thức của giai cấp chủ nhân của các phương tiện sản xuất trong một xã hội tư bản. Đó là một ý thức “giả”, bị làm sai lệch bởi hệ tư tưởng tư sản. Mọi ý thức là ý thức giai cấp và vì vậy, là ý thức giả.
“Trong tiếng Pháp, từ “conscience” (ý thức) xuất phát từ cum-scienta trong tiếng La tinh có nghĩa “cùng với khoa học”, “cùng với kiến thức”, “có kiến thức kèm theo”. Có ý thức tức là những gì có kiến thức đi kèm, những gì mà chúng ta nhận thức.”

Tiếp theo Marx, nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu cho rằng mỗi cá nhân tiếp nhận những cấu trúc xã hội, quên đi đã tiếp nhận chúng rồi (Phác thảo một lý thuyết về thực hành). Những sở thích của chúng ta biểu lộ, mà thường khi chúng ta không hay biết, một chiến lược phân biệt xã hội, như thế, những sở thích ấy tạo ra cái chê ghét đối với nhóm xã hội khác (Sự phân biệt, một phê bình xã hội về nhận định, 1979).
Môn xã hội học phải cho phép nhận thức được những quyết định xã hội và kinh tế ảnh hưởng đến những hành vi và biểu thị của chúng ta, để cho phép cá nhân kiểm soát những lợi ích xã hội riêng và trở thành người chủ của chính mình một cách đầy đủ hơn nữa.
“Nhận thức về cái bàn này, trước cũng như sau, là nhận thức về cái bàn này. Như thế, mọi trạng thái ý thức nói chung, ngay trong nó, là ý thức về điều gì đó […]. Mọi trạng thái ý thức đều nhắm điều gì đó.”
—Edmund Husserl, Suy tưởng theo lối Descartes—

“SỰ RA ĐỜI CỦA PHÂN TÂM HỌC: Bệnh hysteria là một bệnh có đặc điểm là những cơn bộc phát dữ dội không kiểm soát được đưa đến sự co giật, tê liệt tạm thời các chi và những rối loạn trong lời nói hay thị giác. Sigmund Freud thấy rằng đó không phải là một bệnh thể chất. Nhưng những phụ nữ mắc chứng hysteria không ý thức được vấn đề của họ hay nguyên nhân của bệnh. Freud kết luận rằng bệnh hysteria bắt nguồn từ trong một bộ phận của tâm thức thoát ra khỏi ý thức, “vô thức” tâm lý. Điều củng cố giả thuyết này là dựa vào nó, người ta có thể điều trị được bệnh hysteria. Trong trường hợp này, giải quyết những vấn đề tâm lý của người bệnh làm biến mất triệu chứng thể chất.”

Nếu cuộc sống là công cuộc thực thi một chương trình di truyền kế thừa, như môn sinh vật học hiện đại khẳng định, thì liệu các gien sẽ quyết định cách ứng xử và hành trình của cuộc sống của chúng ta đến đâu? Những phát hiện của môn sinh vật học đã giúp Marcel Fauchet đặt ra giả thuyết về một vô thức sinh học (Vô thức não bộ, 1992). Đó là những cấu trúc di truyền bên ngoài ý thức, có ảnh hưởng đến tập tính của chúng ta, như sự chú ý, ý định hay cảm xúc, ngay cả trước khi một ý thức xuất hiện và chúng ta có thể hành động một cách tự do. Một số hình thức của chứng tâm thần phân liệt, chẳng hạn, dường như phụ thuộc vào bộ máy di truyền.

🍁Vô thức tâm lý: phân tâm học
Khoa phân tâm học nghiên cứu một dạng khác của vô thức, tạo thành từ tập hợp những biểu tượng gây chấn thương tâm thần, đau đớn, trước đây đã được “dồn ép”, tức là gạt khỏi ý thức.
Sigmund Freud nhận thấy rằng những biểu tượng ấy sau đó quay lại làm rối loạn ý thức và thể xác, khi làm sinh ra những triệu chứng khác nhau. Những chứng “loạn thần kinh” là những xung đột tâm lý bắt nguồn từ trong vô thức. Phân tâm học là sự phân tích tâm thức, cái tâm thần. Phân tâm học vừa là phép chữa bệnh bằng phân tích, chữa trị cho những người bị loạn thần kinh vừa là lý thuyết của Freud, khoa học về vô thức.
Phần quan trọng của cuộc sống tâm lý của chúng ta là vô thức. Tự ý thức như vậy không phải là một hiểu biết về bản thân. Tuy nhiên mục đích của việc chữa trị là làm sao cho bệnh nhân tự biết bản thân. “Cái đó ở đâu thì cái tôi phải đến đó, Freud tuyên bố. Chúng ta phải nhận thức cái bị dồn ép trong vô thức để sở hữu cuộc sống tâm lý của chúng ta” (Những buổi diễn thuyết mới tiếp theo, dẫn nhập vào phân tâm học, 1917). Lúc bấy giờ, tự ý thức sẽ trở thành tự thấu hiểu. Nhưng việc chữa trị rất lâu và tốn kém. Nó có thật sự hiệu quả không? Phương pháp tiến hành của nó có thật sự khoa học không?

🍁Chủ thể nào sau vô thức?
Nếu vô thức làm tan vỡ chủ thể người, ý chí muốn trở thành đồng bộ với bản thân là một ảo tưởng. Nhưng chúng ta có bị buộc phải tin vào sự tồn tại của vô thức không?

“Ở mỗi thời đại, ý thức hệ thống trị là ý thức hệ của giai cấp thống trị kinh tế và chính trị của thời đại đó.”
—-Karl Marx, Ý thức hệ Đức (1845)

Phân tâm học không phải là một khoa học. Nó không nghiên cứu những mối liên hệ và đặc tính trừu tượng, như toán học. Nó cũng không dựa vào sự quan sát hay thực nghiệm, vì vô thức không thể được quan sát một cách trực tiếp. Vô thức chỉ là một giả thuyết và không có gì chứng tỏ rằng các triệu chứng có một nguồn gốc vô thức.
Không thể chứng minh rằng diễn giải của một nhà phân tâm học là đúng hay tốt hơn những diễn giải khác. Hiệu quả của phân tâm học còn bấp bênh: nhiều trường hợp loạn thần kinh vẫn dai dẳng, thậm chí trở nên nặng hơn sau khi điều trị. Nó cũng không đo lường được. Nếu bệnh nhân khỏe mạnh hơn hoặc các triệu chứng biến mất, liệu nhất thiết có phải là nhờ sự điều trị ấy không? Trái với ý nghĩ của Freud, hiệu quả của cách điều trị này không chứng minh rằng vô thức tồn tại. Chân lý không phải là tính hiệu quả. Vì, nếu con người biết tạo ra lửa từ 400.000 năm nay, thì chỉ từ thế kỷ 19, con người mới có thể giải thích lửa là gì một cách khoa học. Phân tâm học chắc chắn không phải là một môn khoa học, nhưng mọi kiến thức không phải là khoa học.

“Vô thức bao giờ cũng chỉ là sự lãng quên lịch sử do chính lịch sử sản sinh ra.”
—-Pierre Bourdieu, Phác thảo một lý thuyết về thực hành (1972)—

Ngay cả nếu vô thức không được chứng minh bằng những bằng chứng, nó vẫn là một giả thuyết chặt chẽ, làm cho nhiều quan sát có một ý nghĩa. Nó tỏ ra ngày càng cần thiết trong lĩnh vực khoa học, nhất là đối với sinh học và xã hội học. Tự ý thức chỉ cho ta một kiến thức phân diện về ta.
Không thể tiếp tục tin rằng con người thật sự là một chủ thể, dễ nhận ra và tự đủ với chính mình. Nhưng con người không chấp nhận bị đối xử như một đối tượng, và muốn là một chủ thể. Lý tưởng tự luật vẫn cần thiết để tố giác những tổn hại nhắm đến con người và mọi hình thức làm mất tính người.

“Trong cuộc sống tâm lý của bạn, hẳn luôn có nhiều điều đang diễn ra, nhiều hơn là chúng có thể bộc lộ trong ý thức của bạn […].
Cái tôi không phải là người chủ trong chính ngôi nhà của nó.”
—Sigmund Freud, Tiểu luận về phân tâm học ứng dụng (1933)

TRIẾT HỌC CHO NGƯỜI ĐÃNG TRÍ
Trương Xuân Huy dịch
Nhà Xuất Bản Dân Trí – Nhã Nam

Post: Thường An

SHARE: