SHARE:
THỜI GIAN “THOÁT KHỎI” BẠN NHƯ THẾ NÀO?
NHỮNG BƯỚC ĐƠN GIẢN ĐẾN ƯỚC MƠ – STEVEN K. SCOTT
Người dịch: Trần Đăng Khoa – Uông Xuân Vy
Nhà xuất bản Phụ Nữ
🌾🌾🌾🌷🌾🌾🌾
Bạn Vô Tình Đánh Mất Một Phút Nhưng Lại Chủ Tâm “Đốt” Đi Một Giờ
Thời gian thoát khỏi bạn theo cả lượng nhỏ và lớn. Bạn vô tình để thời gian trôi qua bằng cách mặc cho tâm trí lơ đễnh hoặc thơ thẩn quay về với quá khứ hoặc nhảy đến tương lai. Một nghiên cứu cho biết con người nói chung dành 90% thời gian lúc thức để nghĩ về quá khứ hoặc tương lai. Khi bạn để cho tâm trí mình mơ màng như vậy, bạn đang đánh mất sức mạnh phi thường của hiện tại. Thử nghĩ xem, có bao nhiêu lần trong ngày bạn nghĩ đến bữa ăn sắp tới, kỳ nghỉ cuối tuần hoặc một sự kiện vừa xảy ra, trong lúc bạn đang làm một việc gì đó hoặc nghe ai đó nói? Mỗi lần như thế, bạn đánh mất những cơ hội quan trọng trong hiện tại. Cơ hội suy nghĩ về một yếu tố quan trọng trong dự án bạn đang thực hiện. Cơ hội nắm bắt một thông tin quan trọng từ người mà bạn đang giao tiếp. Bất cứ khi nào tôi nhận thấy đầu óc mình vô tình nghĩ về những gì trong quá khứ hoặc tương lai, tôi lại hình dung lấy bàn tay phải tự tát vào mặt mình để mang tôi quay trở về với thực tại, và tôi tự nhắc nhở mình, “Tập trung nào”. Đó là một kỹ thuật hơi cũ nhưng rất hiệu quả.
Để thời gian vô tình trôi qua bằng cách cho phép tâm trí bạn nghĩ đến những chuyện đâu đâu thật sự là một việc làm lãng phí, bạn đang vứt qua cửa sổ những cơ hội quan trọng và những phút giây giá trị. Nhưng điều tệ hại hơn cả là việc bạn đánh mất cả một lượng thời gian lớn hơn một cách có chủ đích. Nên nhớ, đời người “ngắn chẳng tày gang”. Thế mà, thông thường con người hy sinh cách sử dụng thời gian tốt nhất vào những việc làm vô giá trị hay ít giá trị, chỉ đơn giản vì nó tiện lợi vào lúc ấy. Như tôi đã đề cập trong chương 9, cách sử dụng “tốt” những điều kiện có hạn của mình thường là kẻ thù tệ hại nhất của cách sử dụng “tốt nhất” những điều kiện đó. Và nguyên tắc này đặc biệt áp dụng cho thời gian, thứ tài sản có giới hạn nhất của bạn.
Trước đây, cứ mỗi lần đi làm về là tôi lập tức bật kênh CNN lên xem tin thời sự trong lúc Shannon chuẩn bị bữa tối. Một hôm, đứa con trai 8 tuổi của tôi nói, “Ba ơi, ba lúc nào cũng xem tivi quá nhiều khi về đến nhà”. Phải, bản thân việc xem kênh CNN không có gì là sai trái cả. Thậm chí, đây là cách sử dụng thời gian không tồi, bởi vì nó cung cấp cho tôi những thông tin mới nhất ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân cũng như công việc kinh doanh của tôi. Nhưng dù “tốt” như vậy, nó vẫn tước đoạt của tôi cách sử dụng thời gian “tốt nhất” với vợ và con tôi. Những đứa con bé bỏng của tôi sẽ đi ngủ vài tiếng đồng hồ sau khi tôi đi làm về, vậy mà tôi đã lãng phí mất nửa giờ quý báu dành cho vợ con chỉ để xem tivi. Một khi những giây phút ấy trôi qua, bạn không có cách nào nắm giữ lại nó. Ngược lại, tôi có thể xem tin tức sau khi con tôi đi ngủ. Phần lớn mọi người không lãng phí thời gian của mình vào những việc xấu xa, nhưng họ phí hàng trăm giờ mỗi năm làm những việc chấp nhận được hoặc tốt chứ không phải cho những việc tốt hơn hoặc tốt nhất.
Bởi vì việc kiểm soát cuộc đời bạn bắt đầu từ việc kiểm soát thời gian, nên từ ngày hôm nay, trước khi bắt tay vào làm một việc gì đó trong khoảng thời gian từ 15 phút trở lên, hãy tự hỏi mình: Đây là cách sử dụng thời gian tốt hay tốt nhất của tôi? Mình có thể làm được điều gì tốt hơn trong khoảng thời gian này không? Để biết được liệu bạn có đang sử dụng thời gian một cách tốt nhất không, hãy xem lại thứ tự ưu tiên của những ước mơ quan trọng đối với bạn. Ví dụ, ba ước mơ quan trọng nhất của tôi là: dành nhiều thời gian để thờ kính Chúa, trở thành người chồng tốt nhất của vợ tôi và trở thành người cha tốt nhất của những đứa con tôi.
Bởi vì một thời lượng lớn trong ngày của tôi bị lấp đầy bởi những công việc “bắt buộc” và phần lớn là vào giờ làm việc, tôi không thể dành thời gian ấy cho ba ước mơ quan trọng nhất đời mình. Tuy vậy, tôi có khoảng thời gian “tự do” sau giờ làm việc. Và tôi có thể dùng những công việc ưu tiên và ước mơ quan trọng nhất của mình để đánh giá cách sử dụng khoảng thời gian ấy. Làm như vậy, thật dễ dàng thay thế nửa giờ đồng hồ xem tin tức trên kênh CNN bằng việc trò chuyện và chơi đùa với con cái tôi.
Nếu bạn hoàn tất bài tập ở cuối chương 7, bạn đã có danh sách thứ tự ưu tiên của những lĩnh vực quan trọng nhất trong cuộc sống, và đã xác định rõ từng ước mơ trong mỗi lĩnh vực đó. Ở cuối chương 10, bạn cũng được yêu cầu chuyển những ước mơ của mình thành các mục tiêu, các bước và công việc cụ thể. Nếu bạn đã thực hiện những bài tập này, bạn có thể bắt đầu đánh giá cách sử dụng thời gian của mình bằng những ước mơ quan trọng nhất, thứ tự ưu tiên cũng như các bước và công việc cần thực hiện để đạt được ước mơ. Nếu bạn biến kỹ thuật đơn giản này thành một phần trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ thấy mình có nhiều thời gian hơn cho những việc quan trọng nhất.
Bạn Không Lên Kế Hoạch Và Sắp Xếp Thứ Tự Ưu Tiên Cho Từng Ngày
Nguyên nhân thứ hai khiến thời gian thoát khỏi bạn là vì bạn không lên kế hoạch và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho công việc trước khi một ngày mới bắt đầu. Phần lớn mọi người bắt đầu ngày mới một cách “gặp chăng hay chớ”, họ nghĩ rằng chỉ cần gặp gì làm nấy là ổn. Mặc dù đây là cách tiếp cận dễ dàng (theo bản năng tự nhiên), nó cũng là cách sử dụng thời gian kém hiệu quả nhất. Hãy dành vài phút nghĩ về kỳ nghỉ lần cuối của bạn. Vào lúc nào thì bạn quyết định mình sẽ đi đâu, đến đó bằng cách nào, làm gì ở đó và khi nào trở về? Có phải tất cả những quyết định quan trọng này đều đã được đưa ra trước khi bạn ngồi lên xe hoặc ra sân bay không? Bạn đã lên kế hoạch chi tiết đâu ra đó. Bạn đã suy nghĩ trước về tất cả những việc bạn muốn làm, những người bạn muốn gặp, những địa điểm bạn muốn đến. Bạn biết rõ bạn đi đến đó bằng phương tiện gì và khi nào sẽ trở về.
Sẽ rất nực cười nếu bạn đến sân bay vào cái ngày bạn muốn đi nghỉ mát mà không hề lên kế hoạch gì trước. Người bán vé máy bay hỏi bạn, “Xin hỏi quý khách muốn đi đâu hôm nay?”. Hãy tưởng tượng người ta sẽ nhìn bạn như thế nào nếu bạn trả lời, “Một câu hỏi thú vị, chúng ta hãy cùng quyết định việc này ngay bây giờ”. Hãy nghĩ xem bạn sẽ lãng phí bao nhiêu khoảng thời gian đi nghỉ quý báu nếu bạn cứ tiếp tục quyết định sẽ làm gì và làm vào lúc nào mỗi khi bạn đối diện với từng vấn đề.
Mặc dù tình huống này nghe có vẻ hài hước, nhưng tôi dám nói đây là cách mà 95% người lớn hẳn hoi bắt đầu một ngày mới. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ cảm thấy mọi việc vượt ra ngoài vòng kiểm soát của mình. Thế nhưng chẳng có ai trong số 95% này lại làm thế với những kỳ nghỉ của mình. Họ đều dự trù và lên kế hoạch đi nghỉ trước cả tuần hoặc cả tháng. Điều này có nghĩa là họ lên lịch đến từng chi tiết cho một kỳ nghỉ từ 7-14 ngày, nhưng lại không đoái hoài đến việc lên kế hoạch cho 351 ngày còn lại trong năm, khoảng thời gian còn quan trọng hơn gấp nhiều lần. Nếu bạn muốn giành lại quyền kiểm soát cuộc đời mình, bạn phải bắt đầu lên kế hoạch và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho mỗi ngày một cách hiệu quả trước khi bắt đầu một ngày mới. Tôi sẽ mách bạn cách làm điều đó như thế nào ở phần sau chương này.
Nhiều người sợ lên kế hoạch cho một ngày vì họ nghĩ rằng hành động này sẽ làm giới hạn sự tự do của họ. Họ tin rằng một ngày của mình toàn những việc khẩn cấp, bất ngờ và họ không có cách nào tính trước được. Có người thì cho rằng họ không có thời gian để lên kế hoạch. Thật ra việc này dễ dàng hơn bạn nghĩ rất nhiều. Bạn chỉ cần vài phút yên tĩnh và một công cụ hiệu quả để lên kế hoạch. Việc lên kế hoạch hiệu quả sẽ giúp bạn tự do hơn trong việc giải quyết những việc cấp bách một cách hữu hiệu, chứ không phải ngược lại.
Trích “Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ”
Tác giả: Steven K. Scott
Người dịch: Trần Đăng Khoa – Uông Xuân Vy
Nhà xuất bản Phụ Nữ
Post: Tâm Ngọc Đồng Minh
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS