SHARE:
“Tôi không đặt niềm tin vào vật chất; tôi tin vào tâm linh.” Chỉ đơn giản học hỏi một vài triết thuyết hay giáo lý của một tôn giáo không đủ để làm chúng ta trở thành một người sống tâm linh. Có rất nhiều giáo sư đại học giảng dạy rất rõ về các học thuyết của Phật giáo, Ấn giáo hay Công giáo mà không có một đời sống tâm linh. Họ giống như những người hướng dẫn du lịch trên con đường tâm linh.
Hãy nhìn thẳng vào tâm của chúng ta. Nếu chúng ta thật sự tin tưởng rằng tất cả những lạc thú của chúng ta đều đến từ vật chất và chúng ta phải dành cả cuộc đời để theo đuổi chúng, thì chúng ta đã có một quan niệm sai lầm, đã lầm lẫn một cách trầm trọng. Thái độ này không khôn ngoan chút nào cả. Thoạt tiên mới nghe điều này, có thể chúng ta sẽ nghĩ, “Ồ, tôi không như vậy, tôi hoàn toàn không tin vào sự vật bên ngoài có thể mang lại hạnh phúc cho tôi.” Nhưng hãy nhìn sâu xa hơn vào trong tấm gương của tâm chúng ta, chúng ta sẽ thấy rằng phía bên kia của sự khôn ngoan này, như thái độ thận trọng trong những hoạt động thường ngày cho biết chúng ta làm việc rất chu đáo khôn ngoan, là chúng ta thực sự tin vào quan niệm sai lầm trên. Bây giờ, chúng ta hãy định tâm lại, rất thành thật tự nhìn sâu vào tận đáy tâm hồn của chúng ta xem chúng ta có thực sự bị hay không bị ảnh hưởng bởi một cái tâm như vậy.
Một cái tâm thực sự tin tưởng vào thế giới vật chất là một cái tâm quá hẹp hòi, quá giới hạn; nó không còn một chỗ nào trống. Bản tính tự nhiên của nó quá bệnh, không lành mạnh, danh từ Phật giáo gọi là tâm nhị nguyên, tâm đối đãi.
Trong một số quốc gia, người ta sợ những kẻ có hành động khác thường, như nghiện ngập cần sa ma túy. Người ta làm luật để chống những người này và thành lập những hàng rào kiểm soát biên giới để tránh sự xâm nhập chúng vào xứ sở họ. Hãy thử nhìn vấn đề gần hơn một chút xem sao. Nghiện thuốc không phải tự thuốc mà tự tâm của con người. Có thể vì cần khoái cảm, vì sợ những thái độ tâm lý – tâm ô nhiễm – nên người ta mới dùng thuốc và dấn thân vào những hành vi tự hủy hoại mình, có thể chúng ta cũng đã thổi phồng vấn đề này một cách quá đáng mà quên hẳn đi vai trò của tâm. Đây là một sự sai lầm trầm trọng, chính sự sai lầm này, chính cái ảnh hưởng tâm lý này còn tệ hại hơn vấn đề dùng thuốc nhiều lắm.
Những quan niệm lệch lạc, không đúng thì nguy hiểm hơn thuốc rất nhiều. Cần sa ma túy tự nó không thể bành trướng nhanh và rộng rãi, nhưng một tư tưởng sai lầm có thể ảnh hưởng rất xa, rất lâu, ở bất cứ chỗ nào và là nguyên nhân cho rất nhiều rắc rối, rất nhiều xáo trộn cho cả một quốc gia. Tất cả những hiện tượng này đều do tâm mà ra. Vấn đề là chúng ta đã không thấu hiểu được tâm lý tự nhiên của tâm. Chúng ta đã quá chú trọng đến những sự kiện vật chất ở bên ngoài của con người mà hoàn toàn không biết, không tỉnh thức, không kiểm soát được những tư tưởng sai lầm và những ý niệm bị ô nhiễm đang tràn qua tâm của chúng ta trong từng giây phút.
Tất cả những bệnh tâm thần đều do tâm mà ra. Chúng ta nên huấn luyện tâm của chúng ta thay vì cứ đi khuyên bảo mọi người: “Ồ, anh không vui, chị không được hạnh phúc vì anh, chị quá dở. Chỉ cần có một cái xe thật đẹp là được rồi…” hay nên mua sắm vật này, thứ kia… Khuyên người ta đi mua sắm để được hạnh phúc là hoàn toàn không khôn ngoan chút nào. Nguyên nhân cốt tủy của tất cả mọi vấn đề của con người là có một cái tâm bất mãn chứ không phải tại thiếu thốn vật chất. Sự khác biệt vĩ đại giữa tâm lý học của Đức Phật và những gì đang được áp dụng bên phương Tây là cách con người đối diện với bệnh tâm thần và làm sao để chữa trị nó.
Khi bệnh nhân trở lại và nói: “Tôi đã mua xe như lời bác sĩ khuyên, nhưng tôi vẫn không có hạnh phúc,” có thể bác sĩ sẽ nói: “Anh mua chiếc xe đó thường quá, nên mua chiếc đắt tiền hơn” hay “Nên chọn cái mầu khác.” Mặc dù anh ta về làm theo lời bác sĩ khuyên bảo, anh ta cũng vẫn trở lại với bộ mặt chẳng vui. Mặc dù con người có thay đổi hoàn cảnh thế nào đi nữa, vấn đề căn bản cũng vẫn còn, bệnh vẫn chưa hết. Tâm lý học Phật giáo đề nghị thay vì tiếp tục thay thế từ điều kiện này qua điều kiện khác, từ rắc rối này qua rắc rối khác mà không có lối thoát, hãy chấm dứt ngay chuyện xe pháo một thời gian xem chuyện gì sẽ xảy ra. Đây chỉ là sự thay thế, thay thế một vấn đề bằng một vấn đề bí tắc khác. Tưởng rằng càng thay thế cách giải quyết càng làm cho người ta nghĩ họ sẽ khá hơn, nhưng không bao giờ khá hơn. Thực ra họ vẫn kinh nghiệm, vẫn đối diện với cùng một vấn đề. Dĩ nhiên, tôi không có ý nói nó hoàn toàn giống như vậy. Tôi chỉ đơn giản cố gắng trình bày vấn đề là con người đã giải quyết bệnh tâm thần bằng phương pháp vật chất như thế nào.
Bây giờ, chúng ta hãy nhận định bản tính tự nhiên của tâm. Là một con người, chúng ta luôn luôn tìm kiếm sự thỏa mãn, sự vừa ý hài lòng. Nếu thấu hiểu tâm bản nhiên, chúng ta có thể tự bằng lòng, tự hài lòng với chính mình một cách sâu xa và trường cửu. Để được như vậy, chúng ta phải nhận diện được tâm bản nhiên của chính chúng ta. Chúng ta nhìn thế giới vật chất rất rõ, nhưng chúng ta hoàn toàn mù với thế giới nội tâm của chúng ta, ở đó những quan niệm sai lầm thường xuyên hiện hành làm cho chúng ta luôn luôn bất mãn và buồn chán. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải khám phá, tìm hiểu.
Vì thế, chúng ta hãy thành thật quyết tâm không để bị ảnh hưởng bởi những quan niệm sai lầm là chỉ có thế giới vật chất mới mang lại sự thỏa mãn và giá trị cho cuộc đời của chúng ta. Như tôi đã trình bày ở trên, sự tin tưởng này, sự quyết tâm này cũng không hẳn là một điều khôn ngoan, vì gốc rễ của sự ô nhiễm đã ăn rất sâu trong tâm khảm của chúng ta. Có rất nhiều thứ ham muốn mãnh liệt đã chôn sâu dưới lớp vỏ thông minh của chúng ta; nó nằm sâu trong sự thông minh đến nỗi nó còn khôn ngoan và dũng mãnh hơn chính cả sự thông minh.
Có người nghĩ rằng: “Tôi không đặt niềm tin vào vật chất; tôi tin vào tâm linh.” Chỉ đơn giản học hỏi một vài triết thuyết hay giáo lý của một tôn giáo không đủ để làm chúng ta trở thành một người sống tâm linh. Có rất nhiều giáo sư đại học giảng dạy rất rõ về các học thuyết của Phật giáo, Ấn giáo hay Công giáo mà không có một đời sống tâm linh. Họ giống như những người hướng dẫn du lịch trên con đường tâm linh. Nếu chúng ta không thật sự thực hành để có được những kinh nghiệm bản thân về những điều chúng ta đã học hỏi thì sự học hỏi này chẳng có ích lợi gì cho chính chúng ta và cho những người khác. Có một sự khác biệt vĩ đại giữa sự giảng giải thông minh về tôn giáo và sự thực hành chuyển hóa sự hiểu biết này thành những kinh nghiệm tâm linh.
Chúng ta phải thực hành những gì chúng ta đã học để biến chúng thành những kinh nghiệm sống của chính chúng ta và thông hiểu kết quả của từng hành động mà nó mang lại. Uống một ly trà – cho đã cơn khát – đôi khi còn ích lợi hơn là có những văn bằng triết học mà chẳng giúp ích được gì cho chúng ta, bởi vì chúng ta không có chìa khóa. Chỉ tốn thời giờ và sức lực nếu học mà không thực hành.
Tôi hy vọng rằng qúy vị hiểu danh từ “tâm linh” thực sự có nghĩa là gì. Nó có nghĩa là tìm kiếm, nghiên cứu bản tính chân thật của tâm. Không có “tâm linh” ở bên ngoài. Xâu chuỗi của tôi không phải là tâm linh. Bộ áo cà sa của tôi không phải là tâm linh. Tâm linh chính là tâm, một người sống tâm linh có nghĩa là một người đang tìm kiếm bản tính tự nhiên của họ. Qua việc tìm kiếm, nghiên cứu này, họ hiểu được những hậu quả của từng hành vi của họ, những hoạt động của thân (hành động) khẩu (lời nói) và tâm (ý nghĩ) của họ. Nếu chúng ta không hiểu được những nghiệp quả của những gì chúng ta làm, chúng ta suy nghĩ thì chúng ta không thể trở thành một người sống tâm linh. Chỉ biết, chỉ thuộc giáo lý, đạo lý của tôn giáo không đủ để làm chúng ta có một đời sống tâm linh.
Để đi vào con đường tâm linh, chính chúng ta phải bắt đầu hiểu được thái độ tinh thần của chúng ta và hiểu được tâm của chúng ta nhìn sự vật như thế nào. Nếu chúng ta chỉ chấp, chỉ bám víu vào những chuyện quá nhỏ nhặt, thì cái tâm hạn hẹp, cái tâm vướng víu không để cho chúng ta an hưởng cuộc sống. Nếu chúng ta để chúng ta bị lệ thuộc vào những nguồn năng lực ở bên ngoài thì tâm của chúng ta sẽ bị hạn chế như chúng. Một khi tâm trở nên hẹp hòi, nhỏ bé thì những điều hạn hẹp, thấp kém sẽ gây xáo trộn đời sống của chúng ta một cách rất dễ dàng. Hãy mở tâm bao la như đại dương.
Chúng ta thường nghe những người có đạo nói rất nhiều về chuyện đạo đức. Cái gì là đạo đức? Đạo đức chính là trí tuệ hiểu được tâm bản nhiên. Một cái tâm hiểu được bản tính tự nhiên của mình thì cũng tự nhiên trở nên đạo đức, tốt lành, tích cực và tất cả những hành động được điều khiển bởi cái tâm đó cũng đạo đức, thánh thiện. Đó là những gì chúng tôi gọi là đạo đức. Bản chất tự nhiên của một cái tâm chật hẹp thì ngu si, vô minh, đó là cái tâm tiêu cực, không đạo đức.
Nếu chúng ta hiểu được tâm lý rất tự nhiên của tâm chúng ta, thì sự buồn chán, sự phiền muộn sẽ tự tan biến ngay; thay vì hận thù, xa lạ với mọi người thì tất cả sẽ trở thành bạn thân. Tâm hẹp hòi luôn luôn từ chối, trí huệ luôn luôn tiếp nhận. Hãy kiểm soát tâm của chúng ta xem điều này đúng hay sai. Mặc dù chúng ta có được tất cả mọi thứ ở thế gian này, chúng ta cũng vẫn chưa thỏa mãn, chưa hài lòng. Điều này chứng minh sự thỏa mãn chân thật chỉ có ở nội tâm, không thể kiếm tìm ở bên ngoài.
………
Nếu chúng ta hiểu được hoàn cảnh tâm lý của những vấn đề của con người, chúng ta sẽ phát triển được tình yêu thương chân thành đến với mọi người. Chỉ nói về, chỉ bàn về yêu thương thì không đủ để chúng ta phát triển tâm từ bi. Có những người từng đọc hàng trăm cuốn sách nói về tình yêu mà tâm họ hầu như đi ngược lại. Từ bi không chỉ là triết thuyết, không chỉ là lời nói; nó biết tâm làm việc như thế nào, tâm hiện hành như thế nào. Chỉ như vậy chúng ta mới phát triển được tình yêu thương, chỉ như vậy chúng ta mới có thể sống một đời sống tâm linh. Ngoài ra, dù có nói tôi đang sống một đời sống tâm linh thế nào đi nữa cũng chỉ là kiểu thông minh của người đàn ông gàn bướng tự cho mình là người chồng tốt. Đó là chuyện giả tưởng do tâm chúng ta tạo ra mà thôi.
Nếu chúng ta dành cuộc đời mình để kiểm soát cái tâm điên cuồng và hướng dẫn những nguồn năng lực tâm linh thì có giá trị biết bao. Nếu chúng ta không biết cầm cương sức mạnh của tinh thần thì sự lầm lẫn sẽ tiếp tục phá rối tâm chúng ta và cuộc đời của chúng ta sẽ uổng phí biết bao. Hãy khôn ngoan, hãy có một cái tâm luôn luôn tỉnh thức, như vậy cuộc đời của chúng ta mới thực sự có giá trị.
Lama Yeshe
Vô Huệ Nguyên chuyển ngữ
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS