TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI TRONG GIÁO LÝ NHÀ PHẬT

SHARE:

Phật giáo quan niệm cuộc đời là khổ, mục đích căn bản của giáo lý của nhà Phật thoát khổ. Nhưng giải thoát không có nghĩa là tu hành xuất thế lánh đời, mà ngược lại trong bản thân giáo lý và hoạt động của Phật giáo luôn mang ý thức về cộng đồng với một tinh thần trách nhiệm xã hội cao cả.

Trách nhiệm xã hội là gì?

Trách nhiệm xã hội (Social Responsibility) là một lý thuyết hoặc một hệ tư tưởng đạo đức nhấn mạnh đến việc một cá nhân hoặc một tổ chức phải có nghĩa vụ hành động vì lợi ích của xã hội. Trách nhiệm xã hội là một vấn đề quan trọng của cả đạo đức cá nhân lẫn đạo đức xã hội. Xét từ góc độ cá nhân, ý thức về trách nhiệm xã hội không chỉ là một đức hạnh, một tiêu chuẩn của luân lý, mà còn là một yếu tố cấu thành nhân cách con người; thực hiện trách nhiệm xã hội là thể hiện hành vi đạo đức của con người. Xét từ góc độ xã hội, trách nhiệm xã hội là một trong những nền tảng để gắn kết các mối quan hệ xã hội, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội; là một giá trị để đảm bảo cho quyền sống của tất cả mọi người. Ý thức về người khác, quan niệm về bổn phận đối với đất nước, nghĩa vụ đối với xã hội, lòng tốt, tính vị tha, tinh thần bao dung,… là những biểu hiện cụ thể của trách nhiệm xã hội. Trong kinh điển Phật giáo không có khái niệm “trách nhiệm xã hội”, song tinh thần trách nhiệm xã hội đã thấm đẫm trong tư tưởng của nhà Phật.

1. Tứ trọng ân

Tứ ân là cha mẹ, chúng sinh, đất nước và tam bảo: Hiếu dưỡng cha mẹ, quảng độ chúng sinh, bảo vệ đất nước và cung kính Tam bảo(2). Trong 4 điều cần phải nhớ ơn và thực hiện thì có 2 điều liên quan đến trách nhiệm xã hội là ơn chúng sinh và ơn đất nước. Ơn quốc gia là tinh thần yêu nước, ơn chúng sinh là phục vụ nhân dân. Tinh thần trách nhiệm xã hội của Phật giáo là tinh thần từ bi, hy sinh bản thân mình vì người khác, luôn quan tâm đến cuộc đời của con người. Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Bất vi tự kỷ cầu an lạc, đãn nguyện chúng sinh đắc ly khổ” (Không cầu yên lành cho bản thân, mà chỉ nguyện để chúng sinh thoát khổ). Hay như tinh thần của Địa tạng vương Bồ tát: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề” (Địa ngục chưa hết người thì ta thề không thành Phật. Chỉ khi nào chúng sinh được độ hết thì ta mới chứng Bồ đề”

2. Thực hành thiện hạnh

Trách nhiệm xã hội của Phật giáo chính là trách nhiệm đạo đức. Nhiều giáo lý căn bản của nhà Phật cũng là các đức hạnh căn bản, và các đức hạnh đó cũng thể hiện trách nhiệm đối với người khác, đối với nhân sinh, đối với xã hội. Vì vậy, có thể hiểu trách nhiệm xã hội của Phật giáo chính là ngũ giới (giới sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu), thập thiện, là tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả), là lục độ Ba la mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ), là tứ nhiếp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự).

Kinh điển nhà Phật “Vô minh La Sát tập” có viết: “Năng thiện hài hòa, tạo tác nghiệp quả, chuyển luân sinh tử”, nghĩa là hoà hợp với người khác, làm những việc tạo ra sự hài hoà cũng là một công việc tạo thiện, tích đức, đồng thời cũng có tác dụng thoát ly sinh tử. Phật giáo luôn kêu gọi bình đẳng giữa người với người, thúc đẩy sự hòa hợp trong xã hội; đồng thời chống lại chế độ nô lệ, chủ trương chúng sinh bình đẳng, các nước hòa bình, kêu gọi từ bi tế thế. Có thể nói, tinh thần từ bi tế thế là sự thể hiện cao nhất trách nhiệm xã hội của Phật giáo.

3. Giải thoát sinh tử

Có thể đặt ra câu hỏi giữa sự xuất thế, thanh tịnh trong giáo lý nhà Phật với tinh thần trách nhiệm xã hội. Ví dụ như làm thế nào để dung hòa một thái độ sống tích cực, có trách nhiệm xã hội với một cuộc sống thiền định dựa trên sự thư giãn về thân thể, buông xả về tư duy và thanh tịnh về tâm hồn? Thiền định và trách nhiệm xã hội có mâu thuẫn với nhau không? Từ góc độ thực nghiệm, chúng ta có thể thấy thiền định có tác động tích cực đến khả năng thực hiện trách nhiệm xã hội của con người(4). Bên cạnh đó, cứu cánh của giáo lý nhà Phật là giải thoát sinh tử, đưa con người thoát khổ. Song, giải thoát sinh tử không phải là kêu gọi Phật tử xuất thế, trốn tránh trách nhiệm đối với xã hội, mà trước hết phải là hoàn thành đầy đủ, thậm chí phải làm gương, phải tận tâm tận lực thực hiện mọi nghĩa vụ và bổn phận của một công dân trong xã hội. Chính vì vậy, chúng ta thường thấy hai mệnh đề “hoằng dương Phật pháp” và “lợi lạc quần sinh” gắn liền với nhau.

Phật giáo có tiền đề lịch sử thuận lợi để thích ứng với sự biến chuyển của xã hội, vì trong truyền thống Phật giáo có tinh thần nhập thế mãnh liệt. Điều này tương đối khác với sự “thế tục hóa” (secularization) ở phương Tây thời Cận đại. Thế tục hoá ở phương Tây biểu hiện dưới các phương thức tách rời thần quyền và thế quyền, chính trị không bị can thiệp bởi tôn giáo, tách rời giáo dục khỏi ảnh hưởng của giáo hội, đa dạng hoá các giáo phái, đa nguyên hóa tín ngưỡng dựa trên hiến pháp và chế độ pháp quyền. Với sự thế tục hóa thì tôn giáo là một bộ phận quan trọng của xã hội và văn hoá, chứ không phải xã hội và văn hoá bị khống chế bởi tôn giáo. Sự thay đổi kết cấu xã hội này đã dẫn đến sự thay đổi của đời sống văn hoá cũng như những quan niệm, tư tưởng của người đương thời. Từ các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, triết học,… chúng ta có thể thấy tôn giáo bị thu hẹp, suy yếu và cùng với nó là sự trỗi dậy ý thức chủ quan của con người. Nói cách khác, ngày càng có nhiều cá nhân có thế giới quan và nhân sinh quan không có màu sắc tôn giáo hay dựa vào sự giải thích của tôn giáo. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng thế tục hóa không phải là dấu hiệu cho sự suy tàn của tôn giáo, mà biểu thị cho việc tôn giáo dịch chuyển ra khỏi các lĩnh vực của đời sống xã hội hàng ngày. Có thể nói, quá trình thế tục hóa đã thu nhỏ phạm vi của tinh thần tôn giáo và đạo đức tôn giáo, song tôn giáo không mất đi mà bước vào một con đường phát triển mới.

4. Lòng từ bi và tình yêu thương vô điều kiện

Quan niệm về trách nhiệm xã hội của Phật giáo còn thể hiện qua tình cảm, sự quan hoài của Phật giáo đối với xã hội và nhân sinh, cụ thể là triết lý “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Tình cảm này được thể hiện qua hình tượng nhân từ và gần gũi nhất trong Phật giáo là Quan Thế Âm Bồ tát, với ý nghĩa là Quan Thế Âm Bồ tát phát nguyện cứu độ tất cả mọi người, kể cả những người không có duyên với Quan Thế Âm Bồ tát; vì vậy, mới gọi là “vô duyên đại từ”. Ý nguyện cứu độ những người không có duyên chính là thể hiện một tình cảm vô điều kiện, không vì bất cứ một lý do gì, cũng không phải vì thỏa mãn cái tôi, mà thuần túy là một hành động thiện tự nhiên. Có được động lực như vậy thì mới có thể “đồng thể đại bi”, nghĩa là coi người khác như chính bản thân mình, cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ người khác trên cơ sở bình đẳng, ngang hàng, không vụ lợi.

Lòng từ bi là gì nếu không phải là sự thấu hiểu đau khổ của người khác cũng chính là đau khổ của bản thân mình để từ đó có khát vọng và hành động để mọi người thoát khổ? Và cùng với ý nghĩa này, theo chiều hướng diễn đạt ngược lại thì hỉ xả chính là hạnh phúc khi người khác hạnh phúc và lấy đó làm xuất phát điểm để giúp đỡ người khác, làm cho người khác hạnh phúc hoặc được giải thoát. Sự liên kết mang tính nhân văn giữa con người với tha nhân như vậy cũng là đặc trưng của nhiều hệ tư tưởng lớn. Từ, bi, hỉ, xả chính là một nền tảng và công cụ hữu hiệu để xóa bỏ sự vô cảm trong xã hội, xóa bỏ cái ác, sự hận thù. Đây cũng là tiền đề và động lực để các cá nhân thực hiện trách nhiệm xã hội, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp. Chính vì vậy, nếu chúng ta thấu hiểu và hành động đúng nghĩa vụ và trách nhiệm theo tinh thần của Đức Phật Thích Ca thì xã hội sẽ không còn bất bình đẳng, không còn bất công, không còn sự xâm phạm quyền lợi con người cũng như hạn chế sự phát triển người. Thay vào đó, con người sẽ được sống hài hòa hơn, công bằng hơn.

5. Sự bình đẳng giữa các chúng sinh

Ở đây có hai khái niệm là quyền lợi và trách nhiệm. Trong tư tưởng phương Tây, quyền lợi và trách nhiệm tạo thành một mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, bao phủ hầu hết các khía cạnh của luân lý và đời sống xã hội. Quyền lợi và trách nhiệm tồn tại phụ thuộc lẫn nhau, mức độ được hưởng quyền lợi cũng tương ứng với mức độ phải gánh vác trách nhiệm. Có học giả cho rằng Phật giáo cũng có quan niệm tương tự như vậy, vì theo giáo lý nhà Phật, con người được sinh ra với đầy đủ tự do và trách nhiệm. Do đó, nghĩa vụ và quyền lợi cũng không phải hai khái niệm hay một khái niệm nhị nguyên, vì nếu không có cái này thì cũng không có cái kia, không có quyền lợi thì trách nhiệm cũng không tồn tại(5).

Xuất phát từ quan niệm Phật tính bình đẳng, mà con người ai cũng có Phật tính (“Chúng sinh giai hữu Phật tính”), chúng ta có thể suy luận rằng Phật giáo quan niệm tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau. Đạo Sinh trong “Pháp Hoa kinh sớ” có nói: “Nhất thiết chúng sinh, giai đương tác Phật” (Tất cả mọi người đều có thể thành Phật). Điều này cũng phù hợp với lý thuyết nhân duyên, có nguyên nhân và điều kiện, không thể chỉ có một nguyên nhân duy nhất cho tất cả. Vì vậy, con người phải chú trọng mọi ý nghĩ, lời nói, hành vi với mọi người.

Con người tự do ngay từ lúc sinh ra, vì vậy con người bình đẳng với nhau cả về nhân phẩm, quyền lợi và trách nhiệm. Chính vì vậy mà Đức Phật Thích Ca đã nói: “Tự vi tự y hỗ, tha nhân hà khả y? Tự kỷ thiện điều ngự, chứng nan đắc sở y” (“Tự mình là vị cứu tinh. Tự mình nương tựa vào mình tốt thay. Nào ai cứu được mình đây? Tự mình điều phục hàng ngày cho chuyên” – Kinh Pháp Cú, phẩm 160)(6), “Tịnh bất tịnh y kỷ, tha hà năng tịnh tha” (“Tịnh hay không tịnh do ta, Chính ta tự tạo, ai mà khác đâu!” – Kinh Pháp Cú, phẩm 165) (7).

 

SHARE:

Để lại một bình luận