GIÁNG SINH LỄ “TÌNH YÊU”

SHARE:

Những khúc nhạc giáng sinh rộn ràng vang khắp lối. Từ khu mua sắm lớn của thành thị đến túp lều tranh nơi làng quê hẻo lánh… “Đêm nay đêm cực linh mừng Chúa Đấng cứu tinh, cùng nhau ta nguyện xin cho thế giới an bình. Người thương nhau nhiều hơn, không toan tính thua hơn…” Người người mong ước cho tình yêu lên ngôi, cho nhân loại bình yên, thái hòa… điệu nhạc du dương – vang vọng làm cho tâm hồn mang cảm giác lâng lâng bình yên lạ lùng ! Cảm giác thanh thản yên vui khiến Nó càng nghĩ suy về ngày lễ đặc biệt này.

Lễ Giáng Sinh người ta dùng gam màu đỏ màu “chủ đạo” cho phong cách trang trí trưng bày. “Đỏ” màu của hạnh phúc, niềm vui và  chia sẻ.

Lễ này, người ta kiêng kỵ không làm hay nói những gì liên quan đến cái xấu, điều xui xẻo, bất lợi… thay vào đó là lời cầu chúc hạnh phúc, bình an, niềm vui được tạo nên bởi những cánh thiệp đẹp. Từ nơi thờ phượng của cộng đoàn giáo xứ, nhà riêng hay công sở đều được trang hoàng lộng lẫy. Bên cạnh những trang trí đẹp người ta còn trao nhau món quà độc đáo được chuẩn bị cẩn thận để không “đụnhàng” mà người này muốn chia sẻ cho người kia trong gia đình và trong tương quan xã hội.

Có nơi trong các gia đình, các cộng đoàn tu trì ngay từ ngày đầu mùa vọng, Mẹ hay người phụ trách chuẩn bị cho mỗi người một thiên thần nhỏ có tên người thân yêu của mình phía sau. Buổi tối đầu tiên của mùa vọng, mỗi người chọn một thiên thần rồi âm thầm giữ lấy rồi cầu nguyện đặc biệt trong suốt mùa vọng. Đến lễ Giáng Sinh sẽ tặng cho thiên thần của mình một món quà thật ý nghĩa.

Những nghĩa cử cao đẹp, thân thương ấy bắt nguồn từ đâu ?

Phải chăng nó khởi đi từ “TÌNH YÊU”

“Tình yêu” đề tài muôn thuở của nhân loại. Các nhạc sĩ, thi sĩ đã cố diễn tả “tình yêu” bằng những lời nhạc, khúc ca, câu thơ trữ tình…

Mỗi người, mỗi địa vị, mỗi tâm trạng sẽ có định nghĩa “Tình yêu” khác biệt  “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! nghĩa gì đâu, một buổi chiều. Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…” Yêu là chết ở trong lòng một ít, Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu. Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu; Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết… Xuân Diệu.

Những nhà tâm lý học, khoa học đã từng phân tích để giải nghĩa “Tình yêu”. Nhưng thiết nghĩ không ai có thể diễn tả, hiểu hết được giá trị sâu lắng của “Tình yêu”. Bởi nó như màu sắc, cuộc sống có muôn màu, tình yêu cũng như thế. Sự thay đổi của tình yêu thật vô cùng, nó muôn hình và lắm cung bậc cảm xúc: Tình yêu đôi lứa, tình yêu cha mẹ, tình yêu quê hương, tổ quốc, tình đồng bào, đồng chí…

Thứ tình yêu này không bền nó bị giới hạn bởi nhiều nguyên do mà mỗi người đã trải nghiệm.

Tình yêu là điều thiêng liêng cao đẹp tìm ẩn sâu kín, vượt xa tầm hiểu biết của con người. Thiết tưởng chỉ có thi sĩ Gioan, tác giả sách tin mừng thứ tư trong bộ Kinh Thánh mới định nghĩa tròn đầy cụ thể và bao hàm được ý nghĩa tuyệt đối ở đó “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 16). Nơi Ngài mới có tình yêu vĩnh cửu và bất biến.

Thiên Chúa là tình yêu, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu của Người cho nhân loại ngang qua sự chăm sóc, quan phòng của Người dành cho loài người. Ngài đã cho Ngôi Lời mặc lấy xác phàm (Ga 1,1-18).

Giáng sinh về ! Thời điểm để khơi lên, hâm nóng và khẳng định: Ngôi Lời là Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu, là cội nguồn của mọi tình yêu.

Mừng lễ Giáng Sinh, như một minh chứng cho con người biết rằng: Mỗi người được sinh ra trên thế gian, được Thiên Chúa (Thượng Đế) ban cho một trái tim diệu kỳ để bày tỏ cảm xúc “để yêu và được yêu”. Ngày tình yêu Valentine con người đặt ra để ca ngợi tình yêu đôi lứa, ngày lễ vu lan tháng 7 để báo hiếu, tháng 11 cầu cho các linh hồn, ngày mồng hai tết kính nhớ tổ tiên… con người dùng những tháng ngày ấy để biểu lộ tình yêu… cội nguồn của những biểu lộ tình yêu ấy ở đâu nếu không trở về với Kinh Thánh. “Vì lẻ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống” (1 Gioan 4,7 -9). Thiên Chúa đã đi bước trước để yêu bằng việc mang lấy hình hài của nhân loại hữu hạn trong dáng dấp của một hài nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn để nên giống con người “Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người” (Thánh Irénée). 

Mừng Lễ Giáng sinh, mừng biến cố con Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại, đi vào cuộc đời mỗi người. Dù tin hay không tin chúng ta đã ghi ngày tháng năm sinh của mình dựa theo niên đại của Ngài (Tính lịch theo Công nguyên). Tin hay không chúng ta sử dụng niên lịch của Ngài để tổ chức đời sống, kế hoạch cho sự phát triển của mình và của thế giới.

Đến đây, phần nào tái khám phá – phải đi vào quỹ đạo Tình Yêu của Thiên Chúa mới có thể hiểu được nghĩa “Tình yêu”. Và có thể nhìn nhận vì sao tình yêu của mình giới hạn, tại sao chúng mình buồn phiền,thất vọng, đau khổ và vẫn hoài tìm kiếm “Tình Yêu”!

Hãy đến hang đá Bêlem để thêm xác tín, để học bài học “Tình yêu”.

Giáng Sinh không đơn thuần là lễ hội để xã giao, mua sắm, nghỉ ngơi…. nhưng là lễ “Tình yêu”. Tình yêu đích thật của một sự cảm nghiệm sâu xa đến từ Thiên Chúa. Tình yêu đích thật khi loại bỏ những vụ lợi ích kỷ, tự hủy hoàn toàn như Hài Nhi Giêsu. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” (Pl 2,6-8)

Mừng lễ Giáng Sinh, để thêm một lần nữa khẳng định rằng “Hạnh phúc không phải là một thứ được mua ở siêu thị, hạnh phúc chỉ đến khi yêu và được yêu” (ĐTC Phanxicô, Hành hương Macerata-Loreta, 9/6/2018). “Khi chúng ta tìm kiếm thành công, niềm vui một cách ích kỷ, chúng ta tạo nên những thần tượng, chúng ta có thể trải nghiệm những giây phút say sưa thỏa mãn, nhưng đó là một cảm giác hài lòng giả dối; cuối cùng chúng ta trở thành nô lệ, nó không bao giờ làm chúng ta hài lòng, chúng ta bị thúc đẩy tiếp tục tìm kiếm ngày càng nhiều hơn” (ĐTC Phanxicô, Sứ điệp gửi cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2014)

Mừng lễ Giáng Sinh trong niềm vui thực sự vì sự hiện diện của Chúa ngự trị tận sâu thẳm tâm hồn. Cảm nghiệm từ sự đón nhận và chia sẻ tình yêu đích thực không hệ tại ở chỗ mình đã được giống ai đó, trở thành mẫu người mình mong muốn, kiếm cho được chỗ nào đó để an vị, có thật nhiều tiền, đi thật nhiều nơi, trải nghiệm được nhiều thứ, nhận được món quà ưng ý… Nhưng hạnh phúc,tình yêu đích thực là được ở với Chúa, sống vì Chúa, cho Chúa.

Chúng ta được sinh ra để tận hưởng hạnh phúc của Thiên Chúa và Chúa Sinh ra là để cho ta được yêu và hạnh phúc bất diệt. “Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta. Các con thân mến, nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau. Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo. Do điều này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta…” (1 Gioan 4,7- 16 )

“Emmanuel” – Thiên Chúa ở trong chúng ta.“Chúng ta đã được đặt vào trần gian ngắn ngủi để học tỏa sáng tình thương” (William Blake).

 Nguồn: Giáo phận Qui Nhơn

SHARE:

Để lại một bình luận