SHARE:
Nếu bạn được lãnh một nhiệm vụ quan trọng trong xã hội mà thi hành nhiệm vụ đó một cách đầy đủ, đắc lực, đã công minh lại liêm chính thì bạn cũng chưa nên lấy vậy làm hãnh diện; vì nghĩ cho cùng, như vậy mới là làm tròn nhiệm vụ của mình thôi. Một vị giáo sư đại học soạn bài kỹ lưỡng, giảng giải rõ ràng cho sinh viên; một ông giám đốc điều hành cơ quan một cách điều hòa, được việc mà không hao tốn ngân sách; một người thợ điện bắt dây bóng đèn khéo léo mà không hao dây; một người đạp xích lô chở khách hàng tới nơi tới chốn, không vô ý mà gây rủi ro; so sánh những người đó, tôi không thấy ai hơn ai. Địa vị có khác nhau, sự quan trọng của công việc cũng khác nhau; nhưng hết thảy chỉ đều là làm tròn bổn phận để xứng đáng hưởng những gì mình nhận được.
Giá trị của một người không đo bởi địa vị, bằng cấp, mà đo bằng sự ích lợi của người đó đối với đồng bào, xã hội ngoài công việc mà người đó làm để mưu sinh.
Ông giáo sư đại học ngoài giờ dạy học phải khảo cứu, trứ tác, làm thêm một việc gì bổ ích cho văn hóa thì mới được quốc dân mang ơn. Ông giám đốc một sở cũng vậy, phải có một sáng kiến gì làm tăng năng suất của nhân viên, giảm chi phí cho công quỹ thì mới gọi là làm được gì đó cho đời. Người thợ điện, người đạp xe không có sáng kiến tạo được cái gì mới thì có thể giúp láng giềng, họ hàng, đồng bào trong phạm vi của mình: Chẳng hạn chỉ cách thức sửa đèn cho một nhà trong xóm, chở một em nhỏ lạc đường về nhà, giúp đỡ, an ủi những người nghèo khó hơn mình…
***
Không phải ai cũng có thể thành vĩ nhân, lưu lại sự nghiệp cho đời; muốn vậy cần phải có tài đức, nhiều khi lại cần gặp thời cơ nữa; nhưng bất kỳ ai cũng có thể làm nhẹ gánh của những người xung quanh bằng phương tiện của mình.
Tôi có một người bác chỉ làm một ông đồ nho nghèo ở một làng nhỏ tại Sơn Tây mà được dân ba tổng trong miền ngưỡng mộ và mang ơn. Người chẳng đỗ đạt gì, thi Hương có 1 khóa, rớt, rồi gặp phong trào Duy Tân, bỏ luôn khoa cử hoạt động cho Đông Kinh Nghĩa Thục được 1 năm, khi trường bị Pháp đóng cửa về quê làm ông đồ dạy chữ Nho và Quốc Ngữ. Từ tổng trên tới tổng dưới, nghe danh tiếng người ai cũng xin cho con tới học, và tôi thấy có những thanh niên đi 5 cây số đến nghe người giảng sách một vài giờ rồi lại đi 5 cây số trở về nhà, như vậy quanh năm, mưa cũng như nắng. Các cụ đồ hồi xưa không lấy học phí, không đòi tiền thù lao, có lẽ nhờ vậy mà có uy tín, cha mẹ học trò những ngày giỗ tết có gì thì đưa nấy: Một thúng gạo, hoặc một con gà, vài quả bưởi, một cân đường, một bánh trà mạn… Nhà chỉ có 3 mẫu ta ruộng cho nên bác tôi phải sống cuộc đời cực kỳ thanh đạm, có mỗi một cái áo the thâm thì bận từ hồi cưới cho tới khi mất, mỗi năm chỉ may thêm một bộ vải tám dày, ăn thì quanh năm rau muống chấm tương, chỉ những ngày giỗ tết mới có thịt, và 3-4 năm không ra tỉnh, cũng không xuống phủ lấy một lần.
Nhưng người lúc nào cũng vui vẻ, khoan hòa; dạy học trọn buổi sáng, buổi chiều người trong làng hay trong tổng nhờ việc gì cũng giúp. Thôi thì đủ các thứ việc: Lấy lá số cho một đứa nhỏ, coi sinh phần cho một ông lão, đi thăm con bệnh, viết câu đối, an ủi những người khốn khổ, giải quyết những bi kịch gia đình, có khi lại xử kiện nữa, và xử kiện thì luôn luôn dùng đến cách hòa giải.
Suốt mấy vụ hè về quê ở với người, tôi thấy không tuần lễ nào người không hùng hồn, ngọt ngào dùng những lời lẽ trong kinh sách giảng giải cho người trong họ, trong làng nên nhường nhịn, hòa thuận với nhau, tìm hiểu nhau để tránh những xung đột, khỏi đưa nhau lên phủ huyện. Sau này đọc cuốn ‘Đắc Nhân Tâm’, tôi ngạc nhiên nhận ra rằng người đã áp dụng đúng phương pháp của Dale Carnegie, bất kỳ trong việc gì cũng theo hoàng kim quy tắc “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” của Khổng Tử.
Tôi còn nhớ hồi mình 12-13 ba tuổi, trong làng xảy ra một chuyện mà người ta cho là động trời, làm cho hàng tổng bàn tán xôn xao. Một thiếu phụ hơi có nhan sắc, dòng dõi gia giáo, con một ông đồ ở làng trên, làm dâu trong một gia đình giàu có ở làng tôi. Người chồng có học, con một, mới cưới vợ vài tháng thì bị chứng tê liệt, nằm quanh năm, không cử động, không nói năng được, phải đút cơm, nhưng vẫn tỉnh táo. Tình cảnh thực chua xót cho người vợ: Không có một mụn con mà phải hầu hạ chồng từng chút suốt mười mấy năm, trước còn chạy thầy chạy thuốc, lễ đền nọ phủ kia, sau biết là tuyệt vọng, nhẫn nhục nhìn cái tuổi xuân nó trôi lần bên cạnh một phế nhân. Cả làng cả họ đều khen người đó là tiết phụ.
Rồi đột nhiên có tin thiếu phụ đó có mang. Gia đình bên chồng đay nghiến, tính đuổi đi; chua xót nhất là chính gia đình của thiếu phụ đó cũng từ bỏ, còn làng mạc thì được dịp tha hồ mà nói ra nói vào, chỉ trỏ, thì thầm.
Vì người chồng là con một, nhà lại giàu có nhất làng nên vụ đó hóa ra quan trọng. Những kẻ trước kia chắc chắn khi người bệnh chết đi sẽ được chia gia tài, nay thấy có cơ mất ăn nên phao tin rằng thiếu phụ đó đã ngoại tình với người này người khác và như vậy phải ‘tống cổ’ đi, phải đem xuống phủ để xử, mà đứa nhỏ sinh ra không được nhận là người trong họ, không được hưởng gia tài.
Thiếu phụ lại khóc lóc kể lể với bác tôi, và luôn trong 6 tháng, người đã đem hết uy tín và sự từng trải ra để giải quyết chuyện đó cho êm ấm, thuyết phục hai gia đình và họ hàng làng mạc rằng đứa con đó không phải là con hoang. Có hồi người dắt tôi đi theo lại thăm chồng thiếu phụ luôn 1 tuần lễ để hỏi han. Người phải ghé vào tai mà hỏi bằng chữ Nho vì sợ người ngoài hiểu được, rồi ngồi đợi một lúc lâu bệnh nhân mới gật hay lắc được đầu. Rồi người điều tra, lại thăm hàng chục người liên hệ trong vụ đó, tra cứu trong sách thuốc và lịch sử để tìm dẫn chứng về trường hợp một người tê liệt như vậy mà có con được.
Người chịu khó nhọc như vậy để làm gì? Để tránh tiếng xấu cho hai gia đình, tránh sự nhục nhã có thể dẫn đến tự tử cho một thiếu phụ đáng thương, tránh cho đứa trẻ khỏi mang cái tên là con hoang. Sau cùng người thuyết phục được hai gia đình, bà mẹ chồng bằng lòng nhận đứa nhỏ là cháu nội, nhưng vì nó là gái, phần hương hỏa vẫn về một đứa cháu trong họ; và 1 năm sau việc đó mới êm hẳn.
Thiếu phụ đó có lỗi hay không? Điều đó tôi không biết mà cũng không muốn biết. Nhưng dù có lỗi đi nữa thì việc người làm lại càng đáng khen vì người đã tỏ ra có một tấm lòng đại độ, khoan hồng, hiểu tâm lý và sinh lý con người, chứ không câu chấp như phần đông các nhà nho khác.
Đó, giá trị của người ở chỗ giúp họ hàng, làng mạc được những việc như vậy. Tên tuổi người không ra ngoài một khu vực bán kính là 5-6 cây số; nhưng khi mất đi, người đã để lại nhiều bài học cương trực và hy sinh cho những người xung quanh, và những bài học đó tôi tin rằng đời trước truyền đời sau, có ảnh hưởng lâu bền, cả trăm năm cũng chưa mất.
***
Tôi còn biết một trường hợp nữa: Một người nhà quê không học hành gì, chỉ trồng một cái cây bên vệ đường mà cũng ảnh hưởng đến những người ở xa.
Năm 1936 tôi làm ở sở Thủy Lợi, phải đi đo mực đất, mực nước trên các lộ và bờ kinh miền Tiền Giang, Hậu Giang. Đời sống giữa thiên nhiên đó cũng có nhiều cái thú, nhưng rất vất vả và lắm lúc rất chán. Suốt năm lênh đênh trên sông rạch, làm việc luôn 6-7 giờ giữa trời, rồi có khi làm việc xong phải đi bộ 3-4 cây số để về chỗ ghe đậu, mà ghe thường đậu ở những chỗ hoang vu, nhìn lên bờ chỉ thấy toàn những tràm, đước, bần, khỉ, sách báo không có để đọc, bạn bè không có để chuyện trò; lại thêm lắm nỗi bực mình vì viên chủ sở, vì các người giúp việc.
Một hôm làm ở miền kinh Xà No, tôi chán nản, muốn bỏ hết tất cả, đổi qua nghề khác. Một người giúp việc vô ý lầm lẫn mà lại sợ không dám thú nhận khiến tôi mất công tính toán hàng giờ, rồi tới khi tìm ra được lỗi phải tức tốc đi bộ 3 cây số để đo lại 4 cây số nữa. Tôi gắt vung lên; nhất là trời hôm đó lại nóng, đường lại bụi, nên tôi càng dễ quạu.
Nhưng tới một quãng đường vắng, tôi bỗng ngừng lại, khoan khoái hít một làn hương quen thuộc, ngọt ngọt. Tôi ngó xung quanh. À! Một cây hoàng lan. Tôi chạy lại gốc cây, lượm những cánh hoa rụng, nhìn những cành mềm mại rủ xuống, rồi hít đầy phổi hương thơm, vừa hít vừa nhớ lại những cây hoàng lan ở làng Ngọc Hà và gần những chuồng khỉ trong vườn Bách Thảo Hà Nội.
Lần đó là lần đầu tiên gặp được bạn cố tri cho nên tôi ngồi nghỉ ở gốc cây có đến nửa giờ để hưởng cái thú hiện tại mà mơ tưởng đến thời xưa. Khi đứng dậy, tâm hồn nhẹ hẳn đi, tôi vui vẻ huýt sáo, ngâm thơ. Những người giúp việc ngạc nhiên không hiểu sao tôi thay đổi đột ngột như vậy; và thấy tôi vui, họ cũng vui. Từ lúc đó công việc của chúng tôi không còn là một cực hình nữa. Vừa làm việc tôi vừa thầm cảm ơn người nào đã trồng cây hoàng lan ở khúc đường đó và miên man nghĩ:
“Miền này toàn là nhà lá của những dân tứ xứ lại đây làm tá điền. Cây hoàng lan đó nếu không phải do chim mang hột lại thì chắc do một nông phu nào đó trồng. Người trồng cây có ngờ đâu đã ban cho tôi và những người giúp việc mấy giờ vui vẻ như vậy nhỉ? Và hàng ngàn, hàng vạn người đi qua khúc đường này, ngồi nghỉ chân dưới gốc cây này, hít cái hương thơm này, ngắm những cành mềm mại này, tất cũng cảm thấy khoan khoái mà cảm ơn người trồng cây như chúng tôi. Biết đâu trong số những người đó chẳng có nhiều người nhờ bóng mát, hương thơm mà tâm hồn dịu xuống, hết giận đời, giận nhà, giận bạn, oán ghét công việc? Người trồng cây kia nếu biết được ảnh hưởng lớn lao đó của một việc rất tầm thường của mình thì có ngạc nhiên mà muốn trồng thêm hằng trăm cây ở khắp các nẻo đường không nhỉ?”
Từ buổi đó, trong khi đo đường, tôi thường để ý ngắm cây cối ở hai bên và mỗi một cây có hoa hay có quả, từ những cây mù u, vú sữa đến những gốc mai, gốc bưởi đều làm nở một chút vui ở trong lòng, và lần nào tôi cũng thầm cảm ơn những người đã vô tình cho tôi hưởng cái vui đó…
***
Trồng một cái cây bên vệ đường còn có thể giúp cho một kẻ đương bực tức hóa ra yêu đời, huống hồ là ngâm một lời ca trong đêm tĩnh mịch… Tôi nhớ chuyện của một danh ca Pháp, cô Emma Calvé. Cô viết:
“Lúc đó tôi cô đơn lắm. Tôi đã đợi một bức thư suốt 1 tuần lễ, lòng lo lắng không tả xiết. Sau cùng bức thư tới, tàn nhẫn và cương quyết. Tôi thất vọng ghê gớm. Tôi chỉ muốn chết. Tựa lan can, tôi nhìn dòng nước sâu và tối. Chợt một điệu ca văng vẳng tới tai, giọng ca của một người lái đò vừa chèo vừa hát.
Bỗng tôi có ý muốn hát một lần cuối trước khi chết. Tôi khoác vội chiếc áo rồi bước ra ngoài. Một chiếc thuyền đỗ dưới chân cầu thang khách sạn, và một phút sau tôi đã trôi theo dòng nước một con kinh lặng lẽ. Tôi bắt đầu hát, say mê hát hết thảy những bài hay nhất mà mình thuộc. Những giai điệu du dương cuộn cuộn từ miệng tôi tuôn ra, buồn bã hoặc vui vẻ, tình tứ hoặc thảm thiết. Tôi đem hết cả tài năng, nghệ thuật, hết cả nỗi đau khổ, cả đời sống của mình mà tung vào đêm tối như vĩnh biệt loài người.
Mãi tới khi ngừng hát tôi mới để ý nhìn xung quanh thì thấy bốn bề chen chúc những thuyền đầy những người say sưa tán thưởng giọng hát của mình. Tôi mắc cỡ trốn vào khoang thuyền rồi về khách sạn vì chỉ muốn được yên ổn một mình. Sáng sớm hôm sau tôi nhận được một bó hoa với dòng chữ:
“Chúng tôi đang yêu và cô đã cho chúng tôi hưởng một đêm vui không khi nào quên được. Cầu Thượng Đế luôn phù hộ cho cô, người mà Ngài đã ban giọng ca thật tuyệt vời! Phaolo và Maria”
Những lời đó đã xúc động đến thâm tâm tôi. Tôi cầu nguyện và cảm ơn Thượng Đế đã cho mình còn sống. Và mỗi năm, cứ tới đúng ngày ấy, bất cứ là ở đâu, tôi cũng nhận được một tấm thiệp của Phaolo và Maria bày tỏ lòng quý mến và cảm tạ mình một cách thật tha thiết.”
***
Chẳng riêng gì cặp Phaolo và Maria mang ơn cô Emma Calvé mà chính tôi chưa được nghe giọng cô cũng cảm ơn nữa. Ai mà chẳng có lần chán nản thấy công việc của mình chẳng có kết quả gì. Nhất là khi đọc trên báo những tin các cường quốc hăm he nhau, tôi có cảm tưởng rằng cả nhân loại như một bầy kiến đang bò quanh miệng một hỏa diệm sơn đang sùng sục trong lòng. Lửa có thể phun lên bất kỳ lúc nào mà bầy kiến vẫn gắng sức kiếm mồi, làm ổ, vẫn tổ chức, vẫn kiến thiết để xây dựng tương lai. Tương lai? Chán thật!… Những lúc tinh thần xuống như vậy thì tôi lại đọc câu chuyện của cô Emma Calvé, lại đọc bài ‘The Arrow And The Song’ của H. W. Longfellow, bài ‘Xã Hội Bất Hủ’ của Hồ Thích để tự an ủi, để tìm chút tin tưởng. Phải tin tưởng. Phải tin tưởng rằng mỗi công việc ta làm dù chưa có kết quả cũng không phải công dã tràng, cũng ảnh hưởng gián tiếp tới người khác trong không gian và thời gian, thì mới có thể yên lòng mà sống được.
Và nếu tin được như vậy thì ta sẽ thấy công việc nhỏ nhặt gì cũng có một cái thú, và như một thi sĩ Anh vô danh, tác giả bài thơ dưới đây, ta sẽ hăng hái nắm lấy cơ hội, dù chỉ là cơ hội rất nhỏ mọn, để làm việc giúp đời.
NHỮNG VẬT NHỎ MỌN
Nếu lời nhỏ mọn của tôi
Giúp đời ai đó sáng tươi đôi phần
Nếu tôi ca hát dăm vần
Mà lòng ai đó lâng lâng hết phiền
Thì tôi cầu khẩn Hoàng Thiên
Giúp cho tôi nói ca lên vài lời
Rồi đưa lời đó xa khơi
Vang trong cô lũng để tôi giúp người
Nếu tình nhỏ mọn của tôi
Giúp cho ai đó thấy đời thêm xuân
Nếu tôi niềm nở ân cần
Mà đời ai đó nhẹ phần bi ai
Nếu tôi xắn áo ghé vai
Mà làm gánh nặng của ai nhẹ dần
Xin trời cho dũng cùng nhân
Để tôi an ủi đỡ đần anh em
***
Làm được một con người lương thiện, nuôi được gia đình, dạy dỗ con cái nên người cũng đã là khá rồi. Nhưng như tôi đã nói, đó chỉ là cái bổn phận tối thiểu của chúng ta. Ngoài ra ta còn phải làm thêm những việc không vì tư lợi, mà vì cái lợi của người khác, và giá trị của ta cao hay thấp ở chỗ ta có làm nhiều việc như vậy hay không. Mà những việc đó ai cũng có thể làm được… Không có tài làm được một bài thơ hay thì ta an ủi một em nhỏ, không có tài phát minh một thuyết mới thì ta đem kinh nghiệm ra giúp những người trẻ tuổi, và nếu không làm được việc gì khác thì ít nhất cũng có thể trồng một cây chuối, một cây me ở bên đường cho người khác hưởng bóng mát và ăn trái. Một người anh tôi hồi nhỏ, có lần đang đi thăm ruộng thì nổi cơn đau, ôm bụng vội về nhà, tới cổng xóm thấy một cành chà gai nằm bên đường liền rán cúi xuống lượm lên gài nó vào bụi để cho người đi sau trong đêm tối khỏi giẫm phải. Một cụ già thấy vậy khen là người tốt. Trong đời sống hằng ngày luôn luôn có những việc nhỏ như vậy cho ta làm; và xã hội nào có nhiều người như vậy là xã hội đó văn minh. Ăn mặc lố lăng, la cà ở những quán trà và quán cà phê, lớn tiếng chửi đời là vô nghĩa lý, là đáng buồn mửa, hoặc khoanh tay than rằng nhân loại sắp đến hồi tiêu diệt, không có gì đáng làm… chỉ là một thái độ trốn tránh trách nhiệm. Bọn người đó, bắt cầm cuốc để khẩn hoang hoặc cầm súng để dẹp giặc thì chỉ trong 6 tháng, sẽ hiểu ngay ý nghĩa cuộc đời.
Trích và biên tập từ ‘Tương Lai Trong Tay Ta’,
tác phẩm tổng kết nhân sinh quan một đời của cố tác giả, dịch giả Nguyễn Hiến Lê
như một lời trao gửi đến ‘Thế Hệ Ngày Mai’, thế hệ tương lai của nhân loại
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS