TỨ NHIẾP PHÁP

SHARE:

☀Hỷ Xả (Hoan hỷ bố thí)
Hỷ xả là một trong Tứ-nhiếp-pháp (hỷ xả, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) của Bồ Tát. Xả cần phải hỷ xả, nếu xả mà chẳng hỷ, chẳng gọi là chân xả, nếu hỷ mà chẳng xả, cũng chẳng gọi là hỷ xả.

Người hành đạo Bồ Tát, như có người muốn xin một tròng con mắt ta để làm thuốc, ta liền vui mừng móc tròng con mắt ra, dùng giấy gói lại, hai tay đưa cho họ, chẳng thấy đau đớn, còn an ủi họ rằng : “Nếu ông cần thêm xin hãy đến, ta sẽ biếu ông một tròng nữa”. Khi ấy, dù thí hai con mắt mà xem như việc bình thường, không tỏ ra một chút tướng khổ hay khó chịu đối với họ. Lại chẳng nên nói với họ là ta học đạo Bồ Tát. Tự hành cũng dạy người hành, dần dần dạy khắp người thế gian hành. Có thể làm đến mức người thí mắt nhiều, người xin mắt ít, như thế thì chúng sanh khắp mười phương thế giới có hy vọng độ hết.

Pháp xả của hỷ xả tròng con mắt như vậy, pháp xả tất cả các căn cũng như vậy. Ta xả như thế, ước mong tất cả Phật tử cũng xả như thế.

Phải biết, chúng sanh dù vô biên nhưng chẳng ở ngoài hư không, chúng sanh nhiều đến mức nào chũng chỉ ở trong một hư không, nếu thêm một người xả tròng con mắt thì bớt đi một chúng sanh, thêm ngàn người xả tròng con mắt thì bớt đi ngàn chúng sanh, lâu ngày sẽ bớt đến hết vậy.

☀Ái Ngữ
Ái ngữ là đạo của Bồ Tát phát tâm mang hình thức của các loài để độ chúng sanh. Thật ra khẩu nghiệp của con người có bốn thứ đều đưa mình xuống địa ngục. Bốn thứ này là : Vọng ngôn (nói láo), ỷ ngữ (thêu dệt), ác khẩu (chửi mắng), lưỡng thiệt (chia rẽ). Bốn thứ này ở trong loài người không thiếu một thứ nào. Cho nên Bồ Tát muốn cho tất cả chúng sanh trồng hạt giống lành của Phật, thường dùng lời từ ái để lợi ích hữu tình. Cuộc đời làm việc của chúng ta thành công ít mà thất bại nhiều đều do không có ái ngữ. Như người học thỉnh khai thị không có ái ngữ, lạy ba lạy xong, nói : “Thầy hãy nói cho tôi nghe cách dụng công phu”. Lời này chẳng cung kính, làm động niệm Thiện tri thức. Người có ái ngữ sẽ nói : “Xin Hòa Thượng từ bi con là kẻ hậu học khổ não chẳng biết dụng công, thỉnh Hòa Thượng dạy bão”. Đây là Ái ngữ, là lời cung kính thỉnh pháp.

Bậc trên đối với cấp dưới không có ái ngữ, dụ như có người xông vào liêu phòng, thấy mặt liền mắng : “Cái thằng này làm loạn liêu phòng, bắt gặp mi một lần nữa, ta đánh cho một trận”. Lời lẽ thô ác, tướng mạo hung hăng, làm cho người phạm lỗi sợ hãi chạy trốn. Nếu người có ái ngữ, thấy người xông vào liêu phòng, sẽ nói : “Ông nên ở lại liêu phòng mình dụng công, siêng năng học tập, chớ phạm quy củ, lần sau không nên xông loạn vào liêu phòng người khác nữa”. Lời lẽ ôn hòa tiếng nói êm tai khiến cho người phạm lỗi nghe qua vừa buồn vừa mừng, tự biết hổ thẹn.

Đạo của ái ngữ, chẳng phải ái ngữ của tình dục thế gian có thể so sánh. Người học đạo chớ nên hiểu lầm.

☀Lợi Hành
Lợi hành là đạo của Bồ Tát làm việc lợi ích chúng sanh. Người ngộ đạo là Bồ Tát, người chưa ngộ đạo mà làm cái hạnh đồng với hạnh Bồ Tát cũng được Bồ Tát. Theo thứ lớp, đầu tiên hỷ xả, dùng tài vật để kết duyên, kế dùng ái ngữ để kết duyên, rồi dùng lợi hành để kết duyên.

Lợi hành có hai thứ :
l. Trợ giúp người hành đạo là lợi hành.
2. Lợi tất cả người là lợi hành.

Trợ giúp người hành đạo : như người muốn ở Tòng Lâm, không có y áo, không có lộ phí, thiếu giới điệp, thiếu hành trang, Bồ Tát tìm cách cho họ áo chăn của mình, bán y bát của mình cho họ làm lộ phí, đem giới điệp của mình cho họ dùng, đem cả gánh hành lý của mình cho họ. Chỉ lo cho người ấy đầy đủ, chẳng màng đến sự cần dùng của mình, thành tựu cho ngưới ấy đầy đủ hành lý vật dụng không chút bỏn xẻn. Nếu có người khác cũng phát tâm ở Tòng Lâm thì cũng thành tựu cho họ giống người trước không có một niệm chán nản.

Lợi tất cả người : Bồ Tát vì lợi tất cả chúng sanh khiến cho mọi người hoan hỷ an vui, lấy cái lợi của mình để làm lợi cho người, lấy cái pháp của mình đã ngộ đem dạy người, lấy cái hạnh của mình làm tập cho người làm. Người có trái đạo, khuyên họ hối cải. Người có biếng nhác, khuyến khích họ siêng năng. Người có phá giới, an ủi họ giữ giới. Người có lui sụt, khuyên họ tiến tới. Gặp người chán đời thì khuyên giải họ, khuyên người làm con hiếu thảo, khuyên người hiếu sắc trở lại giới sắc, khuyên người phản nghịch quy chánh.

Phải biết, tự mình hành đạo là công nhỏ, khuyên người hành đạo là công to, thế nên cái đạo Lợi hành vô tận vậy.

☀ Đồng Sự
Bồ Tát muốn độ tất cả chúng sanh phải dùng Tứ nhiếp pháp để nhiếp họ.
Đồng sự có hai :
l. Tự làm việc độ chúng sanh và giáo hoá người khác làm việc độ chúng sanh, đồng là một sự.
2. Dùng pháp giáo hóa mà chúng sanh chẳng nhận thì phải tùy hình hóa độ, tuỳ vật hóa độ, đồng là một sự.

Cũng như muốn độ người ăn xin thì phải cùng người ấy làm nghề ăn xin để độ họ, muốn độ người làm nghề hạ tiện thì phải cùng người ấy làm nghề hạ tiện để độ họ, cho đến muốn độ con heo thì cũng đầu thai làm con heo để độ…. gọi là Đồng sự nhiếp. Ngoài ra, những việc độ chúng sanh khác, theo đây suy ra mà biết.
——-☀☀☀——-
LAI QUẢ THIỀN SƯ – THAM THIỀN PHỔ THUYẾT
Dịch giả: H.T Thích Duy Lực – Định Huệ
NXB: Tôn Giáo, 2008 – Ảnh: nguồn internet

Post: Thường An

SHARE: