TRÍCH: TRIẾT HỌC CHO NGƯỜI ĐÃNG TRÍ

SHARE:

“Duy có kinh nghiệm tự do giải phóng được tâm thức, mặc dù tự nó và vì nó, tâm thức vẫn luôn tự do.”
Lý tính trong lịch sử

☀GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL
Hegel (1770-1831) biểu thị một thành quả cũng như một đoạn tuyệt trong lịch sử triết học. Là người ngưỡng mộ Rousseau và Kant, ông xây dựng một hệ thống, trong đó, những cái đối lập ăn khớp với nhau trong sự nhất quán có tính hệ thống, phép biện chứng. Ông nghĩ rằng ý thức con người và lịch sử là một sự phát sinh, một sự xây dựng, một quá trình đang diễn tiến, đang tiến dần đến cái tuyệt đối, hay Ý niệm. Đối với ông, triết học là lịch sử của chính cái ý thức đang ý thức chính mình.

☀NGUỒN GỐC TƯ TƯỞNG
Georg Wilhelm Friedrich Hegel sinh ngày 27/8/1770 ở Stuttgart, trong một gia đình quý tộc giàu có. Sau khi học xong ở chủng viện Tin lành Tübingen, ông nhận văn bằng cao học triết năm 1790. Trong những năm tháng cần cù học tập và khắc khổ ấy, ông bị tác động bởi Cách mạng Pháp và những cống hiến của các triết gia trào lưu Ánh sáng.
Trong lúc đang học, Hegel trở thành gia sư ở Berne rồi ở Frankfurt. Chính vào giai đoạn đó, ông viết những tác phẩm quan trọng nhất: Cuộc đời của Chúa Jesus, 1795, Tinh thần Ki tô giáo và số phận của nó, 1799. Những tác phẩm ấy bộc lộ mối quan tâm của ông về các vấn đề tôn giáo. Hegel say mê lối tổ chức xã hội của Hy Lạp cổ đại và suy tưởng kỹ lưỡng về thất bại chung cuộc của khuôn mẫu Hy Lạp; một cuộc đấu tranh diễn ra trong ông giữa lý tưởng về tính đại đồng ấy với sự khẳng định tuyệt đối mà truyền thống Ki tô giáo tôn xưng cho mỗi số phận đặc biệt.
Là giáo sư ở Jena, Hegel bắt đầu xây dựng hệ thống triết học của mình. Năm 1807, ông xuất bản cuốn Hiện tượng học về tinh thần, phần đầu của tác phẩm đầy tham vọng được ông gọi là “hệ thống của khoa học”. Dự định của công trình này là thiết lập “hệ thống khoa học của chân lý”.
Trong những năm sau đó, Hegel trở thành hiệu trưởng trường trung học ở Nuremberg, tiếp tục công trình đã đề ra bằng cách viết ba tập của bộ Khoa học của luận lý học. Năm 1816, ông được phong giáo sư ở đại học Heidelberg. Ông xuất bản cuốn Bách khoa toàn thư các môn khoa học triết phiên bản rút gọn chính là vì mục đích sư phạm.
Nhờ danh tiếng lẫy lừng, hai năm sau, ông được phong giáo sư ở đại học Berlin, nơi ông giảng dạy triết học, lịch sử và thẩm mỹ học; những giáo trình các môn học ấy, chưa từng được xuất bản khi ông còn sống, nay được biết đến dưới cái tên Những bài học Berlin. Trong cuốn Các nguyên lý của triết học pháp quyền, 1821, ông xây dựng quan niệm riêng về xã hội kinh tế và chính trị. Hegel qua đời, có lẽ do bệnh dịch tả, năm 1831.

☀NAPOLÉON ANH HÙNG CỦA HEGEL
Dầu được dạy dỗ theo nền giáo dục tôn giáo, từ thời trai trẻ, Hegel đã bị quyến rũ bởi thời kỳ Ánh sáng và phấn khích theo Cách mạng Pháp, mà theo ông, đã cho phép nước Pháp tự giải phóng khỏi những “thể chế mà tinh thần con người, không còn non trẻ nữa, đã vượt qua” (Thư từ, 1807). Sau đó, ông cố gắng tìm hiểu về thất bại của cuộc cách mạng, được ông đánh giá là thất bại của một sự tự do quá “tuyệt đối”.
Ngược lại, triết gia là người ngưỡng mộ nhiệt thành đối với Napoléon Đệ nhất, người được ông xem là vĩ nhân, một động cơ của lịch sử đang chuyển động. Khi Napoléon Đệ nhất đến Jena, năm 1806, Hegel tuyên bố: “Tôi đã thấy hoàng đế – linh hồn ấy của thế giới…” (Thư từ, 1806).

☀TRÊN CON ĐƯỜNG KIẾN THỨC
“Không một điều cao cả nào có thể được hoàn thành trong một thế giới không đam mê.”
Dẫn nhập vào triết lý của lịch sử

Hegel muốn hoạch định lại tổ chức đầy đủ của tri thức. Luận lý học, triết học của tự nhiên và triết học của tinh thần được xem như ba giai đoạn phát triển của một nguyên lý duy nhất. Ý niệm, ở phần kết thúc hành trình, sẽ đạt đến cái tuyệt đối. Như vậy, triết học xuất hiện như một khoa học chính danh: “Khuôn mặt thật, trong đó hiện hữu chân lý, chỉ có thể là hệ thống khoa học của chân lý ấy. Cộng tác cho công việc đó, đưa triết học đến gần hình thức khoa học […] ấy là điều tôi đã dự định” (Hiện tượng học về tinh thần).
Theo Hegel, toàn bộ những gì hiện hữu, thế giới tự nhiên và thế giới của tinh thần, đều không nằm bên ngoài ý niệm, thực tại tối cao. Cũng như thế, ý niệm không phải chỉ là biểu tượng đơn giản chủ quan của tinh thần con người. Như vậy, Hegel khẳng định tính đồng nhất của cái thực hữu và cái thuần lý – “Cái thuần lý thì thực hữu, cái thực hữu thì thuần lý” (Các nguyên lý của triết học pháp quyền). Vì vậy, tri thức phải được tổ chức một cách thuần lý. Trong suốt tác phẩm của mình, Hegel đã cố gắng liên kết nó với cái thực hữu trong cùng một hệ thống.

Với cuốn Bách khoa toàn thư các môn khoa học, Hegel muốn giải thích toàn bộ hệ thống của mình. Ông cố gắng nắm bắt, theo phương pháp tiến hành bách khoa, những biểu lộ của tinh thần trong những nhánh kiến thức vốn có rất nhiều như luật, tôn giáo, thẩm mỹ học và nhất là triết học, được ông xem là môn học gốc và căn bản. Phương pháp tiến hành ấy có tham vọng đạt đến tri thức, hay chân lý và ý niệm, là những cái tuyệt đối tạo nên điều mà mỗi người đều phải hướng tới. Các môn khoa học biểu thị những giai đoạn thực hiện khác nhau của ý niệm, vốn không thể tự thực hiện ngay lập tức; giống như lý tính, nó là quá trình qua đó, tinh thần của Thượng đế nhập thế. Khi sự phát triển của tư tưởng đi đến chỗ tận cùng, ý thức trở thành lý tính. Một khi vượt qua được sự đối lập chủ thể và khách thể, xét theo toàn bộ của nó, giống như nó cũng sẽ được tinh thần của Thượng đế xét theo toàn bộ, hữu thể sẽ xuất hiện như chính tinh thần của Thượng đế; nó từ đó thoát ra, và trước hết, tự hiện thực hóa trong thế giới khách quan, trước khi quay lại chính mình, trong con người, dưới dạng ý thức, và hồi cố một cách thích đáng như tri thức về mình dưới hình thức mà chính ngay triết học của Hegel đã cho nó, tri thức tuyệt đối về hệ thống thế giới.

☀SỰ RA ĐỜI CỦA Ý THỨC
“Cá nhân nào không đưa cuộc sống của mình vào cuộc vẫn có thể được thừa nhận như một nhân vị; nhưng cá nhân ấy không đạt đến sự thật của sự thừa nhận như sự thừa nhận một tự ý thức độc lập.”
Hiện tượng học về tinh thần

Quá trình mà theo đó, ý thức và tri thức nhập vào nhau và trở thành hiện thực, Hegel gọi nó là “biện chứng pháp”. Thật vậy, cái thúc đẩy thế giới vận động nằm trong cái mâu thuẫn. Ý thức là đoạn đầu tiên của sự triển khai ấy. Tuần tự là ý thức cảm tính rồi tri giác, và sau hết ngộ tính, nó tỏ rõ đặc điểm là trạng thái thụ động trước đối tượng. Nó tưởng biết những điều khác nó, nhưng thật ra, bao giờ cũng chỉ gặp chính nó mà thôi. Sự đồng nhất giữa khách thể và chủ thể ấy là đoạn thứ hai, ý thức về mình; con người nhận thấy tính riêng biệt của ý thức của mình và của đối tượng. Đó là cái “tại thân” hay tính khách quan, Lý tính, được hiểu là ý chí tự do, trở thành ý thức về chính nó. Cái ý thức về chính mình ấy được thực hiện qua trung gian của những dấu vết mà hoạt động của con người để lại trên mặt đất, mặt đất mà con người làm thay đổi; như thế, nghệ thuật, và cả lao động, là một trong những giai đoạn của sự vật hóa của ý thức bởi chính ngay nó.
Sau hết, tinh thần bắt đầu chiến đấu để có được sự thừa nhận những tự ý thức, cá thể và tự do, sự thừa nhận ấy đưa đến một tự ý thức phổ quát và tuyệt đối. Lý tính phổ quát là yếu tố hòa giải cái đặc biệt và cái phổ quát. Như thế, phép biện chứng gồm ba bộ phận chuyển động mà Hegel gọi là “chính đề”, “phản đề” và “hợp đề”, hợp đề dựa trên sự vượt qua những đối nghịch: “Biết một vật theo khái niệm của nó là có được ý thức về vật đó, xem nó như cái nhất thể của những xác định đối nghịch.” Ở giai đoạn cao hơn, tinh thần có thể xây dựng nên những khái niệm, ý niệm và quy luật.

☀GIỮA CHỦ VÀ NÔ LỆ
Biện chứng pháp về chủ và nô lệ chắc chắn là một khái niệm chủ chốt và nổi tiếng nhất của Hegel. Lý thuyết này giải thích ý thức về một sự phụ thuộc có thể đảo ngược lại như thế nào.
Để chứng tỏ cho người khác và cho chính mình thấy mình không thể bị quy giản thành cuộc sống sinh vật, ý thức đánh động đến cả cuộc sống của chính nó. Như thế, xảy ra một cuộc chiến sinh tử. Khi đó, có thể có hai thái độ khả dĩ: đi đến tận cùng của mối nguy, hoặc chọn sự nô lệ đến trọn đời. Thái độ thứ nhất tạo ra hình ảnh ông chủ, thái độ thứ hai tạo ra hình ảnh người nô lệ.
Người nô lệ, với bổn phận phải làm vui lòng chủ, trong lúc làm việc, chiếm hữu thiên nhiên và thế giới, làm thay đổi chúng, và có thể nói thế, trở thành chủ nhân của cái thiên nhiên mà hắn đã làm thay đổi. Qua đó, hắn tự thay đổi, và nhờ công lao động, tự giải phóng chính mình, đến mức, mối quan hệ nô lệ đối với chủ đảo ngược lại. Người nô lệ thoát khỏi ách nô lệ và ý thức đạt đến lý tính. Ngày nay đọc lại, khái niệm này nghe có giọng marxist. Vả lại, Karl Marx cũng chịu ảnh hưởng của Hegel – chính ông có tham gia vào nhóm “Thanh niên Hegel” thuộc cánh tả – trước khi quay lưng lại với người đàn anh xuất sắc ấy vì lý do quan niệm về lịch sử.

☀NGƯỜI PHÁT MINH NGÀNH TRIẾT HỌC LỊCH SỬ
Như vậy, lịch sử là trọng tâm trong tư tưởng Hegel vì ông xem tiến bộ của lịch sử thế giới như là quá trình đưa ý thức, cũng như tự do, trở thành phổ quát, một cách khách quan. Chính từ một trạng thái chung cục mà ta hiểu lịch sử; nó có lẽ có một ý nghĩa, một cứu cánh để vươn tới. “Người phương Đông không biết rằng tâm thức hay con người được tự thân tự do, Vì không biết điều đó, họ không được tự do. Họ biết chỉ duy nhất một người được tự do. Đối với người Hy Lạp hay La Mã, người ta cũng biết rằng một vài người được tự do, và chỉ với Ki tô giáo, người ta đạt đến ý thức rằng con người được hiểu như con người tự do”.
Một trí tuệ tuyệt đối, một điều tất yếu, sẽ hướng dẫn sự vận động của thế giới và sẽ hiện thân qua những con người ngoại lệ như Napoléon, những người, bằng ý chí của mình, có năng lực thúc đẩy lịch sử tiến tới. Những con người đó là những công cụ của lý tính đại đồng. Nếu lịch sử quả thật có một ý nghĩa, một dự định, một cứu cánh, những điều đó sẽ theo lệnh truyền của lý tính. Ngay cả khi các dân tộc và các cá nhân gây ra chiến tranh hoặc cách mạng, họ chỉ là những món đồ chơi vô thức của một lý tính ẩn giấu, sẽ được hiểu khi lịch sử cáo chung.

Triết học quan trọng ở chỗ nó phải giải mã và phân tích những sự kiện lịch sử bề ngoài có vẻ như rời rạc để xác định sự vận động hợp lý của thế giới và “học cách biết trí tuệ trong vai trò dẫn dắt của nó” (Lý tính trong lịch sử). Hegel gạt bỏ một phương pháp tiến hành “suy lý” về lịch sử: “Về những gì liên quan đến lịch sử, chúng ta phải hiểu lịch sử như nó vốn có; chúng ta phải tiến hành theo cách diễn tiến của lịch sử, theo kinh nghiệm” (Triết học lịch sử thế giới).
Mọi sự kiện được xem là có tính lịch sử khi được sự vật hóa trở thành dấu tích dành để đọc và lưu vào ký ức chung của loài người. Khoa học triết lý của Hegel phải dựa vào tư liệu, về những nghiên cứu mới nhất. Hegel muốn đánh dấu một sự phân chia tách bạch giữa triết học lịch sử và thần học: là một cựu chủng sinh, ông có thể nghĩ rằng một ơn thiên hựu của Thượng đế phủ tràn thế giới, nhưng không phải vì thế mà ông từ chối xác định rằng cần phải “bỏ qua sự biểu lộ tôn giáo và nắm bắt những khái niệm trong hình thức của tư tưởng” (Sao lại giáo trình triết học lịch sử các năm 1822-1823). Trong phần phê bình, ông đi đến chỗ khẳng định “Tôn giáo và chính trị hợp với nhau một đồng một cốt” (Thư từ, Thư gửi Schelling, 1795).

☀NGHỆ THUẬT THEO HEGEL
Hegel xem nghệ thuật như sự biểu lộ của tâm thức trong cuộc tìm kiếm chân lý và cái tuyệt đối. Nhưng nếu mục đích của nghệ thuật là sự biểu hiện cảm tính của cái đẹp, về nội dung, nó chỉ có một mức độ trí tuệ nào đó, và theo cách khá truyền thống, nó thấp hơn khoa học. Tùy theo mức độ thích đáng của ý tưởng đối với hình thức, Hegel phân ra ba mặt nghệ thuật, tương ứng với lịch sử của nó. Mặt cuối cùng và được xây dựng kỹ nhất là bộ mặt nghệ thuật lãng mạn, trong đó, nên xếp hội họa, âm nhạc và thi ca. Như vậy, âm nhạc chiếm một vị trí ưu tiên trong thẩm mỹ học của Hegel, trước cả yếu tố hoàn hảo là thi ca, trong yếu tố đó, tâm thức được tự do tự thân, và có một thiên hướng đặc biệt là có thể diễn đạt tình cảm trong dịch biến của nó mà không cần đến sự trợ giúp của những khái niệm.
Kể từ Hegel, hình thành ý niệm rằng âm nhạc tiến hành theo các luật riêng của nó, và rằng có một tư tưởng âm nhạc đặc thù. Theo cách đó, cuốn Thẩm mỹ học của ông, xuất bản năm 1832, chuẩn bị mở đường cho phái lãng mạn, Schopenhauer, Nietzsche, sau đó, cho các quan niệm thẩm mỹ cận đại.

☀MỘT LỊCH SỬ CỦA ĐAM MÊ
“Lịch sử tổng quát là sự biểu lộ của quá trình thần tính, của sự vận động từng bước, qua đó, trí tuệ biết và thực hiện chân lý.”
Lý tính trong lịch sử

Theo Hegel, nếu lý tính hướng dẫn lịch sử, ấy là vì đam mê dẫn đường cho con người. “Không điều cao cả nào có thể được hoàn thành trong một thế giới không đam mê, ông khẳng định trong Lý tính trong lịch sử. Đam mê được Hegel hiểu như “nói chung, là hoạt động của con người, nêu ra những lợi ích đặc biệt, những cứu cánh đặc biệt, hoặc nếu bạn muốn, những lợi ích vị kỷ (Những bài học về triết học lịch sử). Như vậy, theo Hegel, đam mê trở thành công cụ của lý tính phổ quát và tuyệt đối.

☀NHÀ NƯỚC VÀ LỊCH SỬ
Theo Hegel, cuộc sống đạo đức, hay tổ chức xã hội, là một đoạn của quá trình biện chứng của sự thực hiện của tâm thức, tức là tự do. Ở đó, ba đoạn nối tiếp nhau. Trước hết, gia đình tạo nên một xã hội tự nhiên, xây dựng trên một mối liên đới tình cảm đầu tiên và tự phát. Gia đình sẽ là một giai đoạn chính yếu, ở chỗ nó bảo đảm sự hòa nhập đầy đủ của cá nhân.
Tuy nhiên, gia đình tan rã khi đứa trẻ rời xa nó: đến lượt xã hội dân sự tiếp sức. Khi đó, con người được đặt người vào những mối quan hệ bên ngoài, người này với người kia; ai cũng cô đơn trong bổn phận mưu sinh . Các cá nhân không có ý thức về lợi ích chung, điều nối kết họ. Xã hội dân sự là một xã hội phân chia giai cấp và công cuộc công nghiệp hóa đang bắt đầu càng đào sâu sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo.
Chủ nghĩa lý tưởng của Hegel không ngăn cản ông xác định vấn đề xã hội là vấn đề chủ yếu của thời đại mình: theo ông, nó là hình thức cụ thể của sự mâu thuẫn giữa tự do chủ thể và tự do khách thể, mà chẳng bao lâu sau, Marx gọi là mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản.

Theo Hegel, chính Nhà nước thực thi sự tự do trong xã hội bằng cách hợp nhất các mối đối lập: đoạn thống nhất xã hội tổ chức, đoạn phân biệt và cá nhân chủ nghĩa kinh tế. Hegel không bao giờ thừa nhận Nhà nước là kết quả của một khế ước. Thật vậy, đối với ông, Nhà nước là một ý muốn thuần lý, phổ quát và không thể xuất phát từ những ý chí riêng. Nó chủ yếu là một tổ chức của xã hội dân sự trung gian, vẫn duy trì các lợi ích đặc biệt, nhưng hợp nhất chúng thành một ý muốn độc nhất.
Chế độ chính trị mà ông cho là thích hợp nhất với tự do chính trị không phải là chế độ dân chủ hình thức – trong đó, ngự trị một mớ hỗn độn những ích lợi đặc biệt – mà là chế độ quân chủ, với ý muốn của một người duy nhất là biểu tượng của tính đơn nhất và đại đồng của Nhà nước. Như thế, bổn phận của công quyền là thượng tôn luật pháp để chống lại những ý muốn và lợi ích riêng, Vai trò của nó là quản lý công lý. Một cách tổng quát hơn, Hegel xem Nhà nước là một tổ chức thuần lý của xã hội thông qua một lối quản lý hiện đại để phục vụ cho lợi ích chung, và duy nhất nó có thể thực hiện cuộc sống đạo đức tự do trong một xã hội dân sự, trái lại, vẫn hằn dấu những bất đồng, vị kỷ và bất bình đẳng.

🌾🌾🌾☀🌾🌾🌾

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL
TRÍCH: TRIẾT HỌC CHO NGƯỜI ĐÃNG TRÍ – LAROUSSE
Việt dịch: Trương Xuân Huy – NXB Dân Trí, 2024
Ảnh nguồn internet

Post: Thường An

SHARE: