NHỮNG CHỮ VÀNG

SHARE:

MỘT BÌNH GIẢNG NGẮN VỀ BA LỜI TUYÊN BỐ CỦA GARAB DORJE
NHỮNG CHỮ VÀNG – GARAB DORJE
với bình giảng của Dza Patrul Rinpoche
Việt dịch: Ban Dịch Thuật Thiện Tri Thức
NXB Thiện Tri Thức, 2002

🐚🐚🐚🌞🐚🐚🐚

I. Về sự trực tiếp đưa vào bản tánh của chính mình: Cái tỉnh giác tươi mới hiện tiền này của khoảnh khắc hiện tại, siêu vượt mọi tư tưởng liên quan đến ba thời, chính là cái tỉnh giác bổn nguyên hay trí huệ (ye-shes) bổn nguyên, nó là tánh Giác (rig-pa) tự tại. Đây là sự trực tiếp đưa vào bản tánh của chính mình.

II. Về quyết định dứt khoát ở trong trạng thái độc nhất này:
Bất cứ hiện tượng nào của Sanh tử và Niết bàn biểu lộ ra, tất cả chúng đều hiển hiện trò chơi của năng lực hay tiềm năng sáng tạo của tánh Giác tự tại trực tiếp của chính mình. Bởi vì không có cái gì ra khỏi cái này, người ta cần liên tục ở trong trạng thái của tánh Giác kỳ diệu và độc nhất này. Bởi thế, người ta phải quyết định dứt khoát ở trong trạng thái độc nhất này cho chính mình và phải biết rằng không có gì hiện hữu ngoài Cái Này.

III. Về liên tục trực tiếp tin vào giải thoát: Bất cứ tư tưởng thô hay tế nào khởi lên, chỉ bằng nhận biết bản tánh của chúng, chúng sanh khởi và tự-giải thoát đồng thời trong cảnh giới bao la của Pháp thân, nơi đó tánh Không và tánh Giác không một chút tách lìa. Bởi thế, người ta cần liên tục tin ngay vào sự giải thoát của chúng.

Dịch bởi Vajranatha
Baudhnath, Nepal, 1978

GIÁO LÝ ĐẶC BIỆT CỦA ĐỨC VUA THÔNG THÁI VÀ VINH QUANG
Bản Văn Gốc và Bình Giảng

BẢN VĂN GỐC

Kính lễ Đạo Sư.

Kiến là Longchen Rabjampa: “pháp giới bao la vô hạn”;
Thiền là Khyentse Odzer: “những tia sáng của trí huệ và tình thương”;
Và hạnh là Gyalwe Nyugu: “những mầm tươi tắn của chư Phật tương lai”.
Người nào thực hành toàn tâm theo cách này
Chắc chắn đạt được Phật quả trong chỉ một đời không phải nỗ lực;
Và dù người ta không (hoàn thành thực hành), tâm họ chắc chắn hưởng thọ hạnh phúc.
A-la-la!

I.
Về phần cái kiến của Longchen Rabjampa (pháp giới bao la vô hạn),
Có ba tuyên bố điểm vào những điểm thiết cốt (của sự thực hành).
Thứ nhất, để cho tâm mình ở trong trạng thái buông xả
Không có tư tưởng, không phân tán cũng không tập trung.
Khi ở trong tình trạng này, một trạng thái thư thả và buông xả trọn vẹn,
Đột nhiên thốt lên PHAT! đánh tan tư tưởng (khởi lên)
Mạnh mẽ và tức khắc.
EMAHO (kỳ diệu thay)!
Không còn gì khác ngoài một cái tỉnh giác sắc bén đến sửng sốt;
Cái tỉnh giác đáng kinh ngạc này trực tiếp thấu suốt;
Không có gì khởi lên có thể ngăn trở nó; nó không thể mô tả.
Người ta cần nhận biết cái ấy là tánh Giác nội tại tức thời nó chính là Pháp thân.
Sự trực tiếp đưa vào tự tánh này là điểm thiết yếu thứ nhất.

II.
Dù tư tưởng sinh sôi hay ở yên trong một trạng thái bình lặng, điều này hoàn toàn tốt thôi.
Dù có khởi lên tham hay sân, vui hay buồn,
Vào mọi lúc và nơi mọi dịp,
Người ta cần hộ trì sự nhận biết Pháp thân đã được nhận ra trước đó.
Hợp nhất hai Tịnh Quang của Mẹ và Con,
Người ta phải để cho mình an trụ trong một trạng thái của
tánh Giác không thể diễn tả.
Dù có khởi lên những kinh nghiệm về bình lặng, khinh khoái, hay về sáng tỏ, hay tư tưởng phồn tạp, hãy tiếp tục phá tan chúng
Với sự thốt lên bùng vỡ thình lình âm PHAT! này, nó hợp nhất phương tiện thiện xảo và trí huệ.
Bởi vậy sẽ không có khác biệt giữa trạng thái tham thiền
bằng phẳng và cái được nhận thức tiếp theo;
Và sẽ không có phân biệt giữa thời khóa thiền định và ngoài thời khóa.
Người ta cần tương tục ở trong trạng thái nơi đó chúng không thể tách lìa.
Tuy nhiên, nếu người ta không thể đạt được sự an vững trong đó,
Bấy giờ đã từ bỏ mọi tiêu khiển thế gian, quan trọng là thiền định
Và phân chia sự thực hành thành từng thời riêng biệt.
Vào mọi lúc và nơi mọi dịp,
Người ta cần liên tục ở trong trạng thái của Pháp thân đơn nhất này
Và người ta cần khám phá rằng không có cái gì khác ngoài Cái Này.
Như thế, khám phá thẳng trạng thái duy nhất này là điểm thiết yếu thứ hai.

III.
Vào lúc đó, bất cứ tham hay sân, bất cứ vui hay buồn,
Bất cứ tư tưởng lan man nào thình lình khởi lên,
Trong trạng thái nhận biết chúng, người ta không theo chúng
Từ đó người ta nắm giữ sự nhận biết Pháp thân về mặt giải thoát,
Bấy giờ giống như vẽ hình trên mặt nước,
Không có cách hở giữa tự-sanh khởi (của những tư tưởng) và tự-giải thoát của chúng.
Bất cứ cái gì khởi lên (trong tâm) đều thành thực phẩm cho tánh Giác rỗng không trần trụi;
Khi nào những chuyển động (của tư tưởng xảy ra), chúng tiêu biểu năng lực sáng tạo của vua Pháp thân;
Không để lại dấu vết, (những tư tưởng này) là tự-tịnh hóa.
A-la-la!
Cách sanh khởi của chúng cũng sẽ y như trước,
Nhưng điểm thiết yếu cốt tử đặc biệt là cách (những tư tưởng và kinh nghiệm) được giải thoát.
Không có cách sau này, thiền định sẽ chỉ biểu hiện một con đường của vọng tưởng sai lầm.
Nhưng nếu người ta có điểm thiết yếu này, bấy giờ không- thiền định chính là trạng thái của Pháp thân.
Bởi thế, liên tục tin thẳng vào (tự-) giải thoát là điểm thiết yếu thứ ba.
Về cái kiến này, nó bao trùm ba điểm thiết yếu ấy,
Thiền nối kết trí huệ và lòng bi với nhau,
Cũng như hạnh nói chung của những Con Phật, hoạt động như những người bạn (cho cái kiến và hỗ trợ nó)
Dù nếu tất cả chư Phật ba thời cùng nhau thảo luận,
Cũng sẽ không có giáo lý nào cao hơn cái này.
Năng lực sáng tạo của tánh Giác vốn sẵn đủ, nó là Đạo Sư Kho Tàng của Pháp thân,
Đã đưa kho tàng này ra từ cõi trí huệ bao la.
Nhưng cái này không phải như rút quặng từ đá của đất;
Hơn nữa, nó biểu hiện di chúc cuối cùng của chính
Garab Dorje;
Nó là tinh túy tâm linh của ba dòng truyền thọ
Và cần được trao cho những đứa con của lòng mình và niêm phong lại.
Nghĩa của nó thì sâu xa và được nói từ trái tim.
Nó biểu hiện sự chỉ bày thành tâm của tôi, là điểm thiết yếu của thật nghĩa.
Điểm thiết yếu của thật nghĩa này không nên để cho biến mất,
Cũng không nên để cho giáo huấn bí mật này bị tục hóa!
Đây là “Giáo Lý Đặc Biệt của Đức Vua Thông Thái và Vinh Quang”.

  • Ảnh: GARAB DORJE (nguồn Google)

SHARE: