HỌC ĐÔNG Y CẦN NHÌN TỪ CHỖ LỚN

SHARE:

Nếu như bạn đi từ Bắc Kinh đến Thiểm Tây, người ta sẽ chỉ cho bạn đi về hướng Tây, nhưng không nhắc đến việc bạn phải đi bao nhiêu cây số thì rẽ trái, rồi sau đó đi tiếp bao nhiêu cây số thì rẽ phải, như vậy bạn sẽ bị mơ hồ, người khác cũng bị làm cho bối rối. Rốt cuộc nên đi như thế nào, mô tả cụ thể ra sao, chẳng ai nói rõ được. Bạn có thể sẽ nói vậy thì xem bản đồ, nhưng bản đồ có chi tiết đến đâu cũng không thể nói được cho bạn rằng, phía trước 1501 mét sẽ có một vũng lầy, bản đồ có chi tiết đến mấy cũng không hiển thị được ra rằng, đoạn đường phía trước có chỗ nào không bằng phẳng, chỗ nào có chướng ngại vật. Nhưng tấm bản đồ này nói cho bạn biết được phương hướng, phương hướng để học Đông y, khiến chúng ta hiểu vì sao phải học Đông y, học Đông y như thế nào?

Từ Bắc Kinh đến Thiểm Tây, đầu tiên phải biết rằng đi về hướng Tây, hướng Tây là mục tiêu và phương hướng của chúng ta, mà bước đầu tiên trong học Đông y, chính là buộc phải hiểu khung sườn của Đông y, hành động theo định hướng của khung sườn chính, mới không mắc phải sai lầm, cơ hội để thành công mới lớn hơn.

Vậy khung sườn chính là gì? Phương hướng chính trong học Đông y là như thế nào?
Như trước đã nói học Đông y chính là cảm nhận tự nhiên, cảm nhận thứ căn bản nhất của tự nhiên, rồi mới nhìn nhận lại chính bản thân mình, hiểu được phương pháp dưỡng sinh trị bệnh.
Cảm thụ tự nhiên bắt nguồn từ những hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, tìm tòi các quy luật của trái đất, đồng thời rút ra các phương pháp dùng hình tượng làm phép so sánh, hiểu được cơ thể của chính chúng ta. Tôi tin rằng với cách học Đông y như thế này, mọi người cũng sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. Bởi vì chúng ta sinh sống trong môi trường như vậy, hiểu về nó, thì chúng ta sẽ biết được tại sao chúng ta sinh bệnh, sẽ rõ ràng bệnh được điều trị như thế nào.

Hãy leo lên núi cao, đứng trên đỉnh núi, ngắm nhìn trái đất của chúng ta xem!

Đây quả là một hành tinh kỳ diệu biết nhường nào! Bởi vì trái đất liên tục quanh xung quanh mặt trời, sản sinh sự thay đổi khí hậu qua bốn mùa xuân hạ thu đông trên địa cầu, cho phép chúng ta phát triển khoẻ mạnh trong sự giao thoa giữa lạnh và nóng, làm cho cây cối mọi vật đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân, phát triển vào mùa hạ, thu hoạch vào mùa thu, ẩn náu khi mùa đông tới. Chính vì trái đất tự xoay vần, nên mới có hiện tượng luân phiên của ngày và đêm, giúp cho con người sau một ngày làm việc bận rộn, có thể bình lặng lại để nghỉ ngơi, giải tỏa hết những áp lực mệt mỏi, luôn có tinh thần để đối diện với ngày mới.
Nhờ lớp khí quyển bao phủ xung quanh bề mặt, chúng ta có thể tự do hít thở không khí, đồng thời tránh xa được rất nhiều vật thể từ bên ngoài bất ngờ xâm nhập vào, bảo vệ cho tất cả động thực vật trên trái đất.
Khi các vết đen trên mặt trời và bão mặt trời hoạt động mạnh, mặt trời sẽ phóng ra một lượng lớn các hạt điện tích, và chúng di chuyển theo các đường lưỡi cực của từ trường trái đất đến cả hai cực bắc và cực nam. Chúng đi vào tầng khí quyển trên bầu trời với tốc độ cực kỳ nhanh, và năng lượng của chúng tương đương với sức mạnh của hàng chục nghìn hoặc thậm chí hàng trăm nghìn quả bom nguyên tử. Nhưng nhờ vào sự tồn tại của từ trường, luôn bảo vệ và giúp cho các sinh vật trên trái đất tránh được nguy cơ bị tiêu diệt. Nhìn mảnh đất tơi xốp dưới chân mà xem, sự sinh trưởng của vạn vật không thể tách rời khỏi nó; lại nhìn về đại dương rộng lớn ngoài kia, nếu không nhờ nó, mặt đất sẽ bị ngập trong biển nước, con người sẽ không có chốn dung thân; quan sát cả những đóa hoa dại quanh mình, những chú cá nhỏ đang bơi lội dưới sông, cảm nhận thật sâu hơi thở của sinh mệnh…
Hãy nhìn trời, nhìn đất, nhìn từng thân cây ngọn cỏ xung quanh, rồi hãy nhìn con người chúng ta, từ bầu trời rộng lớn đến con người bé nhỏ, bạn sẽ phát hiện sinh mệnh con người kỳ diệu đến nhường nào.
Chương thứ nhất của Hoàng đế nội kinh giảng về thuật dưỡng sinh, chương thứ hai bắt đầu nói về tứ khí, cách dưỡng sinh trong bốn mùa xuân hạ thu đông, chính là bắt đầu từ vĩ mô, dưới góc nhìn rộng lớn để nhận thức con người.
Hiểu được những điều này, nếu xem lại chương Tố vấn – Tứ khí điều thần đại luận, bạn sẽ phát hiện cách viết trong Hoàng đế nội kinh gần gũi ra sao.

“Xuân tam nguyệt, thử vị phát trần, thiên địa câu sinh, vạn vật dĩ vinh, dạ ngọa tảo khởi, nghiễm bộ vu đình, bị phát hoãn hình, dĩ sử chí sinh, sinh nhi vật sát, dữ nhi vật đoạt, thưởng nhi vật phạt, thử xuân khí chi ứng, dưỡng sinh chi đạo dã, nghịch chi tắc thương can, hạ vi hàn biến, phùng trường giả thiểu.”

Ý nghĩa của đoạn này có thể lý giải như sau: ba tháng mùa xuân, được gọi là mùa thay cũ đổi mới, trời đất tràn đầy sức sống, vạn vật sinh sôi nảy nở. Con người phải thuận theo quy luật của trời đất, nên đi ngủ muộn thức dậy sớm, buổi sáng sớm đi lại trong sân, mặc quần áo rộng rãi, xoã tóc xuống, bước đi chậm rãi nhẹ nhàng, đây là cách giúp lưu thông khí cơ của tạng can. Mùa xuân là thời điểm vạn vật sinh sôi, con người nên thuận theo pháp tắc của trời đất thực hiện “giúp sinh” mà “không sát”, thái độ chỉ cho mà không đoạt, xử lý công việc chỉ thưởng mà không phạt. Đó chính là thuận theo thiên khí của mùa xuân, là dưỡng sinh chi đạo. Nếu làm trái lại quy luật này sẽ gây tổn thương can tạng, can mộc bị tổn thương sẽ không có khả năng sinh tâm (trong quy luật của học thuyết ngũ hành can mộc sinh tâm hoả), tâm thuộc hoả, ứng với mùa hạ, mộc không sinh hoả, đến mùa hè sẽ dễ phát sinh các chứng bệnh tính hàn.

“Hạ tam nguyệt, thử vị phồn tú. Thiên địa khí giao vạn vật hoa thực; dạ ngoạ tạo khởi, vô yếm vu nhật; sử chí vô nộ, sử hoa anh thành tú, sử khí đắc tiết, nhược sở ái tại ngoại, thử hạ khí chi ứng, dưỡng trưởng chi đạo dã. Nghịch chi tắc thương tâm, thu vi giai ngược, phụng thu giả thiểu, đông chí trọng bệnh.”

Đoạn này có thể lý giải như sau: trong ba tháng mùa hè, vạn vật sinh trưởng mạnh mẽ, dương khí của trời đất đang dần đi thăng lên, âm khí hạ giáng, đây là thời điểm giao thoa mạnh mẽ nhất, khiến cho vạn vật đâm hoa kết trái. Lúc này con người nên ngủ muộn một chút, dậy sớm một chút, chớ ngại ngày dài nắng gắt, bình thường đừng cáu giận (vì giận dữ tổn thương can, can tạng bị tổn thương ắt không thể sinh tâm), âm dương chi khí trong cơ thể thăng giáng đối lưu, sẽ khiến khí bị uất bế bên trong được tuyên tiết, dương khí sẽ có thể đi ra bên ngoài, dưỡng sinh chi đạo chính là thuận theo đặc điểm dương khí vượng thịnh của mùa hè. Làm ngược lại với điều này, nhiệt tà không thể phát tán ra ngoài, uẩn phục bên trong làm tổn thương tạng tâm, đến mùa thu lượng tà khí này hợp với lương tà (lạnh) mà gây nên bệnh sốt rét. Mùa thu thì phải thu liễm, mà như trường hợp trên không có dương khí để thu vào, đến mùa đông sẽ dễ bị bệnh nặng.

“Thu tam nguyệt, thử vị dung bình, thiên khí dĩ cấp, địa khí dĩ minh. Tạo ngọa tạo khởi, dữ kê câu hưng, sử chí an ninh, dĩ hoãn thu hình, thu liễm thần khí, sử thu khí bình, vô ngoại kỳ chí, sử phế khí thanh, thử thu khí chi ứng, dưỡng thu chi đạo dã. Nghịch chi tắc thương phế, đông vi sôn tiết, phụng tàng giả thiểu.”

Đoạn này có thể lý giải như sau: trong ba tháng mùa thu các loại quả đã chín, tinh hoa được cô đọng trong hạt giống, đại khí hiển hiện rõ thế túc sát, thiên hạ đâu đâu cũng là cảnh mùa màng bội thu. Con người lúc này nên ngủ sớm dậy sớm, lúc gà gáy nên thức dậy, đây là một thói quen sinh hoạt khiến cho trạng thái tinh thần của con người đạt đến sự ổn định yên tĩnh, để giảm bớt thế túc sát của mùa thu. Thu liễm dương khí của bản thân, như vậy phế khí trong cơ thể mới được thanh túc, dương khí mới được thu vào. Nếu làm ngược lại, sẽ dễ gây tổn thương phế tạng, phế khí hư hao, mùa đông thì thuỷ là con của phế kim, không nhận đủ khí ắt không thể bế tàng lại, như vậy đến mùa đông sẽ gây chứng sôn tiết, lúc này dương khí sẽ không được phong tàng tốt.
“Đông tam nguyệt, thử vị bế tàng, thuỷ băng địa sách, vô nhiễu hồ dương, tạo ngoạ vãn khởi, tất đãi nhật quang, sử chí nhược phục nhược nặc, nhược hữu tư ý, nhược dĩ hữu đắc, khứ hàn tựu ôn, vô tiết bì phu, sử khí cực đoạt, thử đông khí chi ứng, dưỡng tàng chi đạo dã. Nghịch chi tắc thương thận, xuân vi nuy quyết, phụng sinh giả thiểu.”
Đoạn này có thể lý giải như sau: mùa đông gọi là mùa dương khí bế tàng. Cây cối trong tự nhiên héo tàn, các loại hạt giống được vùi sâu dưới lớp băng tuyết, trên mặt đất không thấy biểu hiện của sức sống, mặt nước cũng kết thành băng tuyết, đây đều là đặc điểm của dương khí bị tàng lại. Lúc này con người thuận theo mà ngủ sớm, chờ đến khi mặt trời mọc mới thức dậy. Tình chí của con người cũng thuận theo mà thu giữ vào bên trong, chú ý giữ ấm cơ thể, không được để lộ da thịt ra bên ngoài, đề phòng dương khí bị lọt ra. Đây là đạo dưỡng tàng thuận theo mùa đông. Nếu làm trái lại sẽ tổn thương thận, dương khí không được phong tàng, thì đến mùa xuân năm tới sẽ sinh phát kém đi.
Trên đây đều là nguyên văn trong cuốn Hoàng đế nội kinh, dựa trên góc độ tự nhiên mà định hướng chúng ta dưỡng sinh, giúp chúng ta cảm thụ được sự biến hoá của bốn mùa, nắm rõ đặc tính của bốn mùa sinh, trưởng, thu, tàng. Thuận ứng theo đặc tính của tự nhiên chính là đạo. Ngoài quan sát sự thay đổi của bốn mùa, hiểu các đặc điểm của nó, hiểu được ý nghĩa của dưỡng sinh, từ trái đất của chúng ta, chúng ta còn có thể nhìn thấy điều gì nữa?
Chúng ta thấy được “âm dương”! Trái đất tự xoay quanh trục, hình thành ban ngày và ban đêm, ban ngày được gọi là dương, ban đêm được gọi là âm.
Chúng ta còn nhìn thấy được “ngũ hành”, tức là năm loại vật chất mộc, hỏa, thổ, kim, thủy hình thành nên trái đất.
Bốn mùa, âm dương, ngũ hành, những quy luật cơ bản của giới tự nhiên, đều là nhận thức của cổ nhân, là cương lĩnh để hiểu về thế giới, cũng là khung sườn để chúng ta học Đông y. Giống như bạn đi từ Bắc Kinh đến Thiểm Tây vậy, biết được là phải đi về hướng Tây, nếu đến cả “hướng Tây” là hướng nào cũng không rõ, thì sẽ phải đi rất nhiều đường vòng, thậm chí rất khó để đến được. Học Đông y thì hiểu được bốn mùa, âm dương, ngũ hành, chính là tìm được hướng nhập môn. Vì vậy cuốn Nội kinh phải dùng tận năm chương gồm chương ba, chương bốn, chương năm, chương sáu, chương bảy để từ âm dương đàm luận sinh lý, bệnh lý của cơ thể.

Chúng ta lại xem điều văn của Nội kinh:

“Dương khí giả, nhược thiên dự nhật, thất kỳ sở, tất chiết thọ nhi bất chương, cố thiên vận đương dĩ nhật quang minh. Thị cố dương nhân nhi thượng, vị ngoại dã.”
“Cố dương khí giả, nhất nhật nhi chủ ngoại, bình đán dương khí sinh, nhật trung nhi dương khí long, nhật tây nhi dương khí dĩ hư, khí môn nãi bế. Thị cố mạc nhi thu cự, vô nhiễu cân cốt, vô kiến vụ lộ, phản thử tam thời, hình nãi khốn bạc.”

“Xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm.”
Nghĩ thông được phương hướng mà Nội kinh dẫn dắt chúng ta học dưỡng sinh, rồi đọc những điều văn trông có vẻ thâm sâu này sẽ tự nhiên thấy rất rõ ràng dễ hiểu, nó kể cho chúng ta về quy luật của giới tự nhiên, đến làm thế nào để dưỡng sinh thuận ứng với tự nhiên một cách vô cùng trực tiếp sáng tỏ. Một bộ sách cổ mấy ngàn năm, từ quy luật biến hóa của giới tự nhiên đi phân tích, liên hệ đến cơ chế sinh lý, bệnh lý trên cơ thể chúng ta, không thể không nể phục sự vĩ đại của người xưa. Phương thức tư duy từ nhìn nhận vĩ mô, từ âm dương ngũ hành, trong đó ẩn chứa tri hội và tư duy đi trước thời đại, qua hàng ngàn năm vẫn không bị lạc hậu.
Khi các nghiên cứu của Tây y đang không đạt được những bước tiến mới trong tầm vi mô, thì có rất nhiều phần tử tri thức đang thử dùng mô thức tư duy của Đông y, từ góc độ vĩ mô để phân tích bệnh chứng, trở về với bản chất nguyên sơ, đơn giản hóa lại, thì lại có thể gặt hái được nhiều sự đột phá mới. Học Đông y, chính là cần nuôi dưỡng một tinh thần phản phác quy chân, đơn giản hóa tư duy, cũng là nuôi dưỡng một góc nhìn lớn để xem xét sự vật, không bị giới hạn, bó buộc bởi những triệu chứng cục bộ, tiểu tiết. Tư duy bắt tay từ âm dương, từ ngũ hành, nuôi dưỡng tư duy này, hình thành thói quen tư duy như vậy, sẽ giúp chúng ta mở rộng được tầm nhìn, đây không chỉ tốt cho học Đông y, cho học dưỡng sinh, mà còn có ý nghĩa lớn trong nhiều phương diện công việc và cuộc sống.

🍂Lời khuyên cho hành trình: Học Đông y cần phải nhìn từ “chỗ lớn”, đọc xong chương này, bạn có hiểu “chỗ lớn” này là gì không? Những “chỗ lớn” này trong Nội kinh đã mô tả một cách hệ thống như thế nào? Đọc xong chương này, kiến nghị bạn nên đọc một, hai lần chương đầu của Nội kinh, cảm nhận cách cổ nhân nhìn nhận âm dương, ngũ hành, từ đó có thể dẫn lối cho bạn học Đông y, như vậy khi học bạn sẽ không bị mất phương hướng.

—-🍀🌺🍀—-

Y GIAN ĐẠO
DƯ HẠO – TRỊNH LÊ
Nhân Hào y Đạo Biên dịch
Nhà Xuất Bản Dân Trí – Thiện Tri Thức – 2024

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

 

SHARE: