MAYLIE SCOTT GẶP CÔ ĐƠN

SHARE:

KHÓC TRONG tuyệt vọng, một học trò thành khẩn hỏi vị thầy của mình là Seisho Maylie Scott: “Con đã làm rất nhiều để chuyển hóa nỗi cô đơn tê liệt này nhưng con không thể lay chuyển nó hay sống với nó. Cô có thể giúp con được không?”.

Nhìn chằm chằm học trò không rời rồi nở nụ cười tự tin, Maylie kết thúc cuộc trò chuyện bằng câu: “Con làm ơn đừng bao giờ nghĩ bất cứ điều gì đó là lạc lõng”.

🍂 SUY NGẪM CỦA DIANE MUSHO HAMILTON

“Đừng bao giờ nghĩ bất cứ điều gì đó là lạc lõng”. Hmmm… Vị thầy đang nói gì ở đây? Vị thầy có đồng cảm với cảm xúc của học trò, nỗi đau thể xác, lời than thở của cô ấy không? Vị thầy có hoàn toàn cảm nhận được sự tuyệt vọng nghiêm trọng của một trái tim tràn ngập lòng mong mỏi không? Tại sao vị thầy không an ủi học trò của mình, hứa rằng mọi thứ sẽ ổn?

Thay vào đó, vị thầy nói: “Đừng bao giờ nghĩ bất cứ điều gì đó là lạc lõng”. Những lời của vị thầy có vẻ bâng quơ một cách kỳ lạ đối với một câu hỏi như vậy. Chúng gợi lên hình ảnh không phải của một người mà là của một bàn tiệc trước khi bữa tiệc được phục vụ. Cách những chiếc đĩa trắng được sắp xếp đều nhau, khăn ăn gấp để sang một bên, ly rượu ở phía trên. Nĩa xếp thành hàng, sau đó là các thìa; một con dao để cắt, một con dao khác để phết. Những bông hoa cong ra từ giữa, ánh nến lấp lánh trên bạc và thủy tinh. Mọi thứ đều ở đúng vị trí của nó.

Làm sao sự cô đơn có thể có một vị trí thích hợp? Sự cô đơn là tiếng kêu thiết yếu của con người rằng có điều gì đó sai sai. Đối với tôi, từ cô đơn gợi lên hình ảnh bàn tiệc sau khi bữa tiệc kết thúc và tất cả khách đã về nhà. Chiếc bàn bừa bộn với những chiếc đĩa bẩn và một ít đồ bạc; rượu và sáp nến làm bẩn khăn trải bàn. Đột nhiên, bạn thấy chính mình hoàn toàn đơn độc trong một ngôi nhà yên ắng, không có ai giúp bạn dọn dẹp.

Sự cô đơn, với bản chất chính của nó là lạc lõng. Nó không có trật tự hay ngay ngắn. Nó có những chiều kích hỗn độn mà tất cả các cảm thọ không tốt đều có. Nó làm tổn thương. Nó giống như em bé khóc đòi mẹ, người yêu, trong đêm, kiếm tìm người đã ra đi . Sự cô đơn khao khát có ai đó đến; nó mòn mỏi mong chờ điều gì đó thay đổi. Song vị thầy bảo chúng ta: “Đừng bao giờ nghĩ bất cứ điều gì đó là lạc lõng”. Điều gì xảy ra khi chúng ta cứ để sự cô đơn như là chính nó?

Tôi đã dành nhiều phần đời của mình để tác động đến sự cô đơn. Tôi là một trong những người vạch kế hoạch chính để tự giữ mình trong cuộc sống thông qua việc kết nối với những người khác – kết bạn và tạo ra một cảm giác thân thuộc. Tôi đã tiến thêm một bước nữa trong công việc của mình và trở thành một nhà hòa giải, một chuyên gia trong việc đưa mọi người đến với nhau. Tôi đã làm việc để giúp mọi người hiểu nhau, trao đổi các quan điểm và cùng nhau giải quyết những vấn đề.

Một đêm nọ, sau một ngày dài đào tạo giao tiếp ở Thành phố New York, tôi đang ngồi trong bồn tắm thì một nỗi cô đơn sâu sắc ập đến. Tôi vừa dành cả ngày bên nhiều người tử tế, cởi mở, thế nhưng, chỉ vài giờ sau, tôi lại cảm thấy cô đơn theo cách mà tôi chưa bao giờ cảm thấy trước đây. Trong một khoảnh khắc, tôi hoảng sợ. Không ở đâu như Thành phố New York để thực sự cảm nhận sự cô đơn hiện sinh khi nó đến gõ cửa. Một cảm giác rõ rệt như vậy sẽ không biến mất khi nhớ lại một ký ức có thể dỗ dành hay với lấy điện thoại. Nó đòi hỏi phải được cảm nhận – cảm nhận vượt ngoài các ranh giới của khái niệm bản thân, vượt ngoài các giới hạn của cảm giác thân thuộc, vượt ngoài bất kỳ nguồn an toàn nào khác. Thật đáng sợ. Nỗi cô đơn nguyên sơ khiến chúng ta nhận ra rằng theo nhiều cách, kể cả khi chết, chúng ta hoàn toàn chỉ có một mình.

Không còn chỗ nào khác để đi, tôi để cho sự cô đơn này ở bên trong. Khi tôi chìm sâu hơn vào cảm giác đó và vào bồn tắm, một điều bất ngờ đã xảy ra. Tôi cảm thấy hơi ấm của nước bao quanh làn da của mình và thấy hơi nước bốc lên rồi tan biến. Bồn tắm hiện lên sinh động và trắng muốt, và những bức tường nổi bật trong màu vàng sẫm của khách sạn. Chẳng mấy chốc, các đường ống, vòi nước, bồn cầu và bồn rửa tay đều ở đó. Chẳng có gì lạc lõng, và tôi có thể cảm thấy như ở nhà.

Seishi Maylie Scott đã đúng. Khi chúng ta nhường chỗ cho sự cô đơn là chúng ta cho phép mọi thứ. Chúng ta trực tiếp trải nghiệm nỗi đau của bản ngã riêng biệt, và chúng ta có thể nhìn thấy vượt qua những giới hạn của nó để mọi thứ như nó là. Chẳng có gì có thể lạc lõng bao giờ. Một chân tâm (trái tim) ôm trọn vạn vật tự bộc lộ với chúng ta.

Như nhà thơ Sufi vĩ đại Rumi đã viết: “Một niềm vui, một nỗi buồn, một tính bủn xỉn, một tí giác thoáng qua nào đó đến như một vị khách bất ngờ. Hãy chào đón và chiêu đãi tất cả chúng”.

Tiếng kêu cô đơn của chúng ta có một chỗ trên bàn, và sự dịu hiền của chúng ta cũng vậy. Những câu hỏi băn khoăn của chúng ta là bạn tốt. Và câu trả lời của vị thầy là một sự đón tiếp niềm nở đến với tất cả cuộc sống của chúng ta: “Đừng bao giờ nghĩ bất cứ điều gì là lạc lõng”. Bao gồm tất cả những vị khách bất ngờ và chiêu đãi tất cả chúng.

Làm sao bạn chấp nhận điều không thể chấp nhận? Nếu chẳng có gì là lạc lõng thì có bất cứ điều gì mà chúng ta cần phải thay đổi không? Thân cô đơn cảm thấy như thế nào?
—🍀🍀🍂—

Trích từ: “The Hidden Lamp: Stories from Twenty-Five Centuries of Awakened Women” (Tạm dịch: Ngọn đèn ẩn mật: Những câu chuyện về những người phụ nữ trí huệ trong suốt hai mươi lăm thế kỷ qua)

ZENSHIN FLORENCE CAPLOW VÀ REIGETSU SUSAN MOON BIÊN TẬP
Minh Hằng dịch Việt @2024.
NXB. Wisdom Publications phát hành

Post: Thường An

SHARE: