SHARE:
Một trong những điểm cuốn hút nhất ở Scholes và Iyer là sự nhẹ nhàng trong tính cách của họ. Khuôn mặt họ tươi cười và họ dễ bông đùa. Cả hai đều tò mò và nhiệt tình một cách vui vẻ và hồn nhiên như trẻ thơ (nhưng không trẻ con). Cũng không có gì ngạc nhiên. Vui vẻ là một cách khác để chạm đến năng lực sáng tạo bẩm sinh.
Chơi đùa và vui vẻ mỗi lúc rảnh là một phần tự nhiên trong cuộc sống của trẻ thơ. Thế nhưng, dù chơi đùa cho vui luôn tồn tại trong thế giới động vật (điều mà ai nuôi thú cưng cũng đều có thể chứng thực), người lớn lại hoàn toàn quên đi việc chơi đùa. Chúng ta là loài động vật hữu nhũ trưởng thành duy nhất không dành thời gian để chơi đùa, ngoại trừ những cuộc chơi được tổ chức chặt chẽ như trận đá bóng với hàng xóm ngày Chủ nhật hay chơi đùa cùng con cái.
Chìm ngập với những trách nhiệm trong đời sống, tính nghiêm trọng của những vấn đề toàn cầu và danh mục ngày càng dài những việc cần làm, chúng ta thường quên chơi đùa, thấy mình không có thời gian chơi đùa, hay đại khái tin là điều đó không còn phù hợp nữa.
Tôi đã giúp mở lớp tâm lý học về hạnh phúc đầu tiên tại Đại học Stanford và hướng dẫn một buổi học về khoa học của sự vui chơi. Tôi quyết định minh họa tác động của việc vui chơi lên cảm xúc của chúng ta bằng cách gợi ý chơi một trò chơi dành cho học sinh tiểu học. Chúng tôi đứng thành vòng tròn và ai bốc trúng lá thăm “It” sẽ đứng ở giữa. Người chơi sẽ nháy mắt ra hiệu cho nhau đổi chỗ trong vòng tròn. Người đứng giữa vòng tròn sẽ cố chiếm lấy vị trí của những người đang chạy đi đổi chỗ. Tuy lúc đầu các sinh viên nhìn nhau có chút gượng gạo, chẳng bao lâu sau họ đã tham gia trò chơi một cách nhiệt tình, cười đùa vui vẻ.
Cuối trò chơi, khi tôi hỏi ý kiến của các sinh viên, họ nhận xét là: “Thấy vui”, “Quên đi lo lắng” và “Hoàn toàn chơi hết mình”. Một sinh viên, vẫn còn cười ngặt nghẽo, bày tỏ: “Em cứ tưởng ở tuổi này chúng em không nên chơi đùa nữa”. Cô sinh viên ấy mới mười bảy tuổi.
Ở Stanford, nhiều sinh viên đặt ra những mục tiêu học tập khiến họ cảm thấy như mình chẳng khác một con chuột lang đang chạy quay bánh xe trong lồng là mấy, chuyển động không ngừng, hối hả để đạt thành công. Kết quả là, hoạt động vui chơi bị gác qua một bên. Khi trưởng thành, chúng ta gạt bỏ loại hoạt động này ra khỏi cuộc sống, xem đó là trò trẻ con, phù phiếm, lãng phí thời gian. Thế nhưng, những trò vui ấy có tiềm năng to lớn thúc đẩy năng lực và khả năng suy nghĩ sáng tạo, chưa kể chúng tăng cường sức khỏe của chúng ta! Suy cho cùng, gốc của từ giải trí (recreation) chính là tái tạo (recreate), tức: “làm mới bản thân bằng một trò tiêu khiển nào đó”.
Albert Einstein từng nói một câu rất nổi tiếng: “Để kích thích năng lực sáng tạo, người ta phải phát triển thiên hướng vui chơi như trẻ thơ”. Mặc dù người lớn chúng ta có thể đã mất đi kỹ năng chơi đùa với sự ngây thơ của một đứa trẻ, nhưng chúng ta vẫn có thể dễ dàng lấy lại điều đó. Trong một nghiên cứu, những người tham gia gồm các sinh viên cao đẳng, đại học được chia thành hai nhóm trước khi thực hiện một nhiệm vụ sáng tạo. Ở một nhóm, các sinh viên được yêu cầu tưởng tượng rằng buổi học bị hủy và viết ra danh sách những việc họ sẽ làm trong ngày nghỉ. Ở nhóm kia, các sinh viên cũng được hướng dẫn tương tự nhưng được yêu cầu tưởng tượng rằng họ là những đứa trẻ 7 tuổi. Nhóm sau đưa ra được nhiều ví dụ sáng tạo hơn. Nghiên cứu này cho chúng ta thấy rằng tiềm năng sáng tạo của chúng ta vốn không bị chôn vùi như chúng ta nghĩ. Chúng ta có thể khơi gợi lại nó dễ dàng chỉ bằng… trí tưởng tượng.
Các công ty sáng tạo trong nhiều ngành nghề từ công nghệ đến may mặc hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc vui chơi đối với năng lực sáng tạo của nhân viên. Văn phòng của Google trên toàn thế giới được xây dựng để khích lệ năng lực sáng tạo vui vẻ. Ví dụ, tại văn phòng ở Zurich, thay vì đi bộ, bạn có thể đu cột cứu hỏa hoặc dùng cầu trượt để di chuyển từ tầng này sang tầng khác. Facebook đặt thiết bị hòa âm DJ cạnh bàn bida cũng như tạo các cơ hội chơi game cho nhân viên. Công ty may mặc thời trang phá cách Comvert ở Milan, Ý, đã chuyển đổi công năng một nhà hát cũ thành không gian văn phòng và biến khu vực trước đây là khán phòng thành sân trượt ván cho nhân viên.
Vui chơi có tác động tích cực đến khả năng sáng tạo vì: Ngoài việc giúp chúng ta vừa bớt bận tâm công việc, vừa đa dạng hóa hoạt động, nó còn kích thích cảm xúc tích cực, điều mà các nghiên cứu cho thấy sẽ giúp chúng ta có hiểu biết sáng suốt hơn và khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn. Barbara Fredrickson thuộc Đại học Bắc Carolina, thị trấn Chapel Hill, nhận thấy rằng những cảm xúc tích cực làm tăng khả năng nhận thức bằng cách mở rộng tầm chú ý thị giác của chúng ta. Khi thoải mái, chúng ta có thể chú ý đến nhiều trải nghiệm hơn. Chúng ta nhìn được toàn cảnh nhiều hơn là bị mắc kẹt vào các tiểu tiết. Nói cách khác, nếu bạn cảm thấy bị kẹt trong lối mòn, hoặc không thể nghĩ thông một vấn đề, hoặc không thấy lối thoát khỏi một tình huống, thì vui chơi có thể là một cách để bạn “thoát khỏi bế tắc” và nảy ra những ý tưởng sáng tạo.
Lolly Daskal là người huấn luyện, chuyên tham vấn với các công ty nằm trong danh sách Fortune 500. Một lần cô được thuê tham gia một buổi họp về chiến lược để giúp nhóm lãnh đạo toàn cầu tìm ra sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cho công ty của họ. Daskal đã sắp xếp để đưa họ ra khỏi văn phòng chật hẹp và tổ chức buổi họp chiến lược trong một không gian đẹp, nơi có nhiều cửa sổ và tầm nhìn ra thiên nhiên. Ý tưởng là để kích thích trí tưởng tượng sáng tạo của họ. Thế nhưng, bất chấp địa điểm mới, cuộc bàn luận vẫn diễn ra khó khăn, thiếu sáng tạo và vô cùng rập khuôn. Toàn đội cảm thấy bế tắc. Daskal quan sát thấy họ thảo luận lòng vòng mà không tìm ra được giải pháp nào. Đó là lúc cô quyết định thay đổi không khí. Cô yêu cầu tất cả họ ngừng làm việc, ngừng suy nghĩ và ngừng cố gắng nghĩ ra giải pháp.
Cô đưa họ ra ngoài, nơi cô đã sắp đặt nhiều khu vực có các trò chơi khác nhau. Ở một khu vực, cô đặt bảng phi tiêu, ở một khu khác là túi đậu, ở một khu khác nữa là một quả bóng và vợt cầu lông. Cô bảo cả nhóm hãy chọn đồng đội, tạm quên công việc và vui chơi đi. Ai nấy hào hứng, chẳng mấy chốc tất cả họ đều thấy vui vẻ. Có thể thấy sự nhẹ nhàng trong cách giao tiếp và niềm vui được thoát khỏi sự nghiêm túc của ngày hôm đó.
Sau khoảng một giờ, Daskal gọi tất cả trở lại phòng họp, tất cả tràn đầy năng lượng. Mọi người không chỉ thoải mái hơn mà còn sẵn sàng quay lại làm việc. Lần này, khi Daskal hỏi: “Công ty của các vị hướng tới điều gì?”, câu trả lời liên tục được đưa ra và mọi người đều hào hứng, nhiệt tình tham gia. Vấn đề đã được giải quyết dễ dàng và nhanh chóng. Bằng cách để mọi người tận hưởng và vui chơi vui vẻ, Daskal đã giúp họ tìm ra giải pháp.
Sự vui vẻ, hân hoan khiến bạn sáng tạo hơn thế nào, thì ngược lại, sự sáng tạo cũng nâng cao hạnh phúc của bạn thế ấy. Càng trở nên sáng tạo, bạn càng đem đến cho cuộc sống mình nhiều niềm vui. Nikola Tesla đã viết: “Tôi nghĩ không có bất kỳ hạnh phúc nào trong lòng bì được với sự sung sướng của nhà phát minh khi nhìn thấy những sáng tạo trong đầu mình dần trở thành hiện thực… Những cảm xúc đó khiến một người quên ăn, quên ngủ, quên bạn bè, quên người yêu và quên mọi thứ”. Bằng cách khơi gợi một cách tự nhiên năng lực sáng tạo bên trong mình, bạn kết nối lại với niềm vui như khi còn nhỏ bạn hay chơi đùa. Bạn tạo ra một vòng lặp phản hồi tích cực, tiếp tục mang lại cho mình niềm vui và sự sáng tạo. Nó làm cho cuộc sống của một người lớn đầy ắp niềm vui và sự sáng tạo.
Đây chính là chỗ mà nghiên cứu đã chỉ ra: Hạnh phúc là bí quyết để có sự sáng tạo đột phá. Hãy đảm bảo rằng bạn có thời gian nhàn rỗi, nhưng nhớ phải tận hưởng nó. Hãy coi đó là thời gian nghỉ ngơi, thời gian dành cho bản thân, thời gian để thư giãn và vui chơi. Hãy cưỡng lại sự thôi thúc muốn có kết quả ngay lập tức. Suy cho cùng, nếu bạn mong đợi kỳ tích xuất hiện từ một hoạt động phi cấu trúc, bạn sẽ biến nó thành một hoạt động có chủ đích. Tâm trí bạn sẽ lại trở về trạng thái tập trung và lo âu chờ đợi. Ví dụ như, sau khi dắt chó đi dạo, đừng quay lại làm việc với suy nghĩ: “Trời ơi, tôi chẳng có được ý tưởng sáng tạo nào để cải thiện chất lượng bài thuyết trình từ cuộc tản bộ này, đã thế lại còn lỡ mất cuộc gọi cho ngân hàng để bàn lại về khoản phí đó”. Bạn sẽ thấy rằng những ý tưởng sáng tạo chỉ xuất hiện trong một số trường hợp chứ không phải trong tất cả các trường hợp. Dù thế nào đi nữa, giai đoạn thư giãn và hòa nhập này sẽ mang lại nhiều lợi ích sâu sắc hơn bạn tưởng.
—o0o—
Trích: Con Đường Đến Hạnh Phúc
Tác giả: Tiến sĩ Emma Seppälä
Dịch: Đồng Khôi. Hiệu đính: Anh Nhơn
NXB Thái Hà Books
Post: Tâm Ngọc Đồng Minh
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS