SÁNG TẠO

SHARE:

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí -(1908-1993)
Quê ở Chương Mỹ – Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (khóa 1931-1936) Năm 1954, di cư vào miền Nam.
Được biết đến là bậc thầy về tranh sơn mài tại Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là cây bút biếm họa, minh họa, họa sĩ thiết kế nổi tiếng trên nhiều tờ báo, ẩn phẩm từ thời Pháp thuộc kéo sang Sài Gòn giai đoạn trước 1975.
Tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí đến nay vẫn đang được trưng bày, bảo tồn tại Bảo tàng Mỹ thuật, Dinh Độc lập (TPHCM), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) và những bộ sưu tập lớn trên thế giới. Những tác phẩm tiểu biểu: Vườn xuân Trung Nam Bắc, Đêm Giáng sinh, Ba vua, dọc mùng, Cảnh nông thôn,…
Tác phẩm sơn mài mỹ thuật của Nguyễn Gia Trí được công nhận là quốc bảo Việt Nam.
Từ năm 1975 đến 1992, Nguyễn Gia Trí sáng tác tại Sài Gòn, khá cô độc trong một bối cảnh văn hóa nghệ thuật nhiều thay đổi. Đây là quãng thời gian ông sống trầm lặng, suy tư nhiều về sáng tạo, về nghệ thuật sơn mài và nhân sinh. Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt – học trò của ông – đã ghi chép lại những chia sẻ chiêm nghiệm ấy trong cuốn sách đặc biệt này.
—🌿🍂🌿—

🍀21-07-1984
Tâm Vương chỉ có nhất tâm.
Có những người không bao giờ nghe hoặc biết Tâm Vương, huống chi được gặp.
Trong nghệ thuật, luật lệ do mình đặt ra, không có gì phải sợ cả.
Mỗi nghệ sĩ thích nghi sơn theo cách riêng của mình.

“Chẳng cùng phàm thánh đồng triền.
Vượt hết mà lên gọi là Tổ”.
–Bồ Đề Đạt Ma-

Nếu không tự giải phóng, giải thoát thì rơi vào luân hồi.
Những gì làm quen nhiều thì trở thành máy móc.
Sơn mài mà cứ làm thủ công, thì suốt đời không ngẩng mặt lên được. Phải có khách hàng lớn, cỡ mấy ông vua dầu hỏa, chẳng hạn.
Duy thức học là một thứ học phức tạp, chỉ để tra cứu như từ điển. Nghệ sĩ luôn luôn làm ngược lại. Họ làm ra rồi mới học hỏi, và học theo cách riêng.
Hỏi: Kinh của các tôn giáo hay nói đến “ngoại đạo”. “Ngoại đạo” là gì?
Đáp: Ngoại đạo: vật, đối lập với tâm, với đạo ở trong.
Phải luôn rũ bỏ mình, quên mọi cái đã làm và tiếp tục đi, thì mới thấy cái mới.
Những nước xa Đạo, là những nước sống ở ngọn. Còn người gần Đạo là người sống ở gốc.
Socrate nói: “Mày hãy biết mày”.
Bản chất mình như thế nào, thì thể hiện ra trung thực như thế. Có thể thô bạo, vụng về, hay tinh tế…
Học và đọc sách phải có tiêu hóa. Nếu ăn mà không tiêu thì chết, trong bụng toàn cơm.
Tâm: Trí, Tình, Ý. Dụng: Giải, Tín, Hành. Nghệ thuật là tình, là tín chứ không phải là trí. Tuy nhiên chúng vẫn xen vào nhau.
Sống chết là một. Chết chỉ là giấc ngủ, để hôm sau thấy mình tỉnh lại.
Làm sơn mài để tìm hiểu nhịp sống của nó. Giữa người vẽ và tranh phải tương ứng.
Trong Kinh Di Lặc nói: “Đất Cực Lạc là ở bên trong. Do mình kiến tạo, chứ không phải bên ngoài. Không phải chết đi, rồi vãng sanh qua chỗ khác”.
Cái dụng của tâm rất mềm dẻo, biến hóa, phải dùng và luyện thì mới biết.
Cái ngã như đường viền contour’ trong hội họa cổ điển, ta bị đường viền ấy chia cắt với người khác.
Vẽ giỏi là để vẽ cái đó, để vẽ cái không.
Nếu mình biết, thì sẽ thấy chúng sinh do mình đẻ nó ra. Như các màu không thực có mà chỉ có màu trắng là duy nhất, màu đen cũng không.
Chữ cúng dường cũng là cung dưỡng, là nuôi dưỡng tâm.
Nét contour biến chuyển đậm nhạt, là do biến chuyển của Tâm.
Picasso cũng có Đạo, Đạo của ông ấy. Nếu không có Đạo, thì không thể vượt thoát ra được.
Đường nét là do tâm. Nếu chỉ do lý trí và đầu óc, thì nó vô cảm, cứng nhắc.
Cái phẳng của sơn mài là cái phẳng động. Nếu do máy móc làm, thì không có nghĩa gì cả.
Vẽ là đồng nhất giữa họa sĩ và tranh. Và cũng triển nở đồng nhất một cái nữa trong tâm họa sĩ.
Họa sĩ là ở con mắt, chứ không phải ở hai bàn tay.
Ẩn tướng thì tốt, chứ lộ tướng là không hay.
Thơ có cái lờ mờ, bên ngoài ý và hình. Nếu hình rõ, thì hại cái tinh vi u ẩn. Quá tinh vi u ẩn, thì hại cái hình.
Vẽ, viết hoặc nói, nếu không dùng nhiều ở khu vực sâu, thì khó biết, khó dùng.
Một vì sao triệu triệu năm sắp tắt và một vì sao non trẻ mới sáng, người ta cũng nhìn thấy như nhau.
Tác phẩm hội họa cũng như đồng tiền của một quốc gia. Và chữ ký của họa sĩ là giá trị công nhận đồng tiền đó, đừng để nó lạm phát.
Những người hay “kịch”, ra mặt kiểu cách, là thứ người nông thiển.
Muốn thấy Chúa, trước tiên phải dọn mình.
Không của Phật giáo cũng là tất cả.
Ăn tinh thần cũng là ăn, ăn vật chất, cũng là ăn. Thân xác cũng là tinh thần.
Mình là họa sĩ thì viết chữ Hán sẽ đẹp rồi. Lấy một cái chổi quét màu lên cũng còn đẹp nữa là.
Người vẽ giỏi là người vẽ được cái không.

🍀13-08-1984
Đức Phật dạy: phải rời xa những người Thanh Văn, Duyên Giác.
Tu cũng có thể lầm đường.
Hỏi: Vì sao Tổ Đạt Ma nói: “Hễ có công đức liền có hắc ám đuổi theo”?
Đáp: Hắc ám là hắc ám của mình, do kiêu ngạo ở trong tâm. Tất cả đều do tâm.
Ma cũng có cái giỏi của ma.

🍀05-09-1984
Vấn đề không phải là học rộng, mà từ một điểm nhỏ, cứ đào sâu xuống, sẽ gặp. Như mài tranh mãi ở một chỗ, thì sẽ đến vóc.
Mình không đủ thông minh để làm cái ác.
Tranh giải quyết được bố cục và kỹ thuật, là ổn rồi.
Trong cách xử thế, phải theo những chuẩn mực của kinh, nếu không sẽ lầm lẫn. Phật giáo không nói đến thời. Nhưng lúc nào cũng có thời, siêu thời.
“Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra”. Bưng đầu thì gọn, ra được, dang tay thì không ra được.
Mộng không có thực. Chính họa sĩ vẽ mộng rồi lại xóa mộng đi.
Cái gì cũng phải được phép của Tâm Vương mới được làm.
Tôi sáng tác bằng tâm linh.

🍀 20-09-1984
Kỹ thuật cố ý mà vẫn tự nhiên, hài hòa như vô tình mà có.
Khi đu đưa và nhảy là lúc không biết, chỉ có tin thì nắm được đầu bên kia. Nếu ở khúc giữa mà suy nghĩ, thì bị rớt xuống.
Vẽ một nền đỏ phẳng bên cạnh vỏ trứng có hiệu quả riêng và là một cách tập.
Trạng thái Ngộ gần như đánh rơi tấm gỗ. Nó xảy ra không kịp phản ứng như chớp, khi ngẫm nghĩ hồi tưởng lại mới thấy lờ mờ. Có thiền sư quét sân, một hòn sỏi bắn vào gốc tre phát ra tiếng động, thì hốt nhiên Ngộ.
Trong các loại tu, tu Đại thừa là khó hơn cả.
Mọi thứ ma đều do tâm mình mà có.
Ma là sách đã đọc, những công thức hủ tục đã chết, chúng ngăn chặn đời sống đích thực.
Tôi làm sơn mài, từ khi nó mới có, nên tuổi của tôi cùng tuổi với sơn mài. Tôi sống với nó như cá sống với nước, nên không biết mình sống nữa. Chỉ người ngoài nhìn vào mới thấy.
Công chúng như con quỷ không biết chán, luôn luôn muốn ăn thịt nghệ sĩ. Như trong một buổi biểu diễn sân khấu, họ gào lên nữa, nữa, nữa. Nghệ sĩ phải tỉnh táo để giữ năng lực sáng tạo của mình.
Khi vẽ, mình có chỗ trụ làm cho tâm không loạn. Ma quỷ không ám hại được.
Công phu luyện tập là tranh không có thời gian, dù vẽ 2, 3 năm hay 10 năm cũng vậy.

🍀 25-10-1984
Thái độ của người tu hành là tránh xa những cuộc tranh chấp. Dù làm cái gì cũng là việc thiện. Không thiên theo phía nào cả.
Im lặng là tốt nhất, càng nói càng chứng tỏ sự ngu dốt của mình.
Sơn mài là thổ sản của Việt Nam. Thân thổ bất nhị, mang đến sức sống lớn mạnh.
Sơn mài là phương tiện để nghệ sĩ sống, tư duy. Nếu không sống thực sự với nó, thì dù làm tranh to bằng núi Tu Di cũng không có công đức gì cả.
Kỹ thuật không khó. Căn bản là giải quyết toàn thể.
Vấn đề là tin. Chỉ có thể nói chuyện tin với người có đạo tâm. Còn không, thì như nói chuyện ánh sáng, màu sắc với người mù.
Khi Bồ Tát Vô Tận Ý trao vật quý nhất cho Quán Thế Âm Bồ Tát. Quán Thế Âm Bồ Tát xin ý kiến Phật, Phật đồng ý mới được nhận.
Khả năng sơn mài có thể thay đổi vô tận. Không nên bó buộc nó vào một công thức nào cả.
Vẽ tranh, không vì cái gì hết, không tác giả, không tác phẩm.
Vô công dụng hạnh.
Trong một hạt sơn nhỏ li ti có tất cả. Xem ai vậy giọt mực lên giấy, người có cái biết sâu xa, có thể đọc được tính tình, ý định, và suy nghĩ của người ấy.
Luyện trí biết hết tất cả (Nhất thiết trí).
Nghệ sĩ, như một đứa trẻ con, mày mò, chơi đùa với tác phẩm.

“Cố ý trồng hoa hoa ủ rũ.
Vô tình cắm liễu liễu đâm bông”.
——☘️🌸☘️——
NGUYỄN GIA TRÍ
Nguyễn Xuân Việt ghi chép.
Nhà Xuất Bản Văn Hóa Văn Nghệ.

Post: Thường An

SHARE: