BẢN CHẤT DAI DẲNG CỦA NỖI KHỔ ĐAU DI TRUYỀN

SHARE:

Bây giờ tôi muốn giới thiệu một loại đau khổ khác, một loại đau khổ đặc biệt khó giải quyết. Qua nhiều năm giảng dạy, tôi nhận thấy rằng có một loại đau khổ đặc biệt dai dẳng, lan tràn khắp nơi và thường rất khó tìm ra được lối thoát. Tôi đã gọi đây là “nỗi khổ đau di truyền”. Khái niệm về nỗi khổ đau di truyền dựa trên thực tế là mỗi chúng ta đều xuất thân từ một dòng họ, có niên đại từ rất xa xưa mà chúng ta có thể tưởng tượng ra, thậm chí từ tận thời loài người nguyên thủy, tổ tiên nguyên thủy của chúng ta. Chúng ta thực sự là kết quả của một chuỗi dài gồm rất nhiều thế hệ. Mỗi hệ thống gia đình của chúng ta đều thấm đẫm vô số vẻ đẹp và sự tốt đẹp, đồng thời cũng chứa đựng trong những hệ thống này, như tất cả chúng ta đều biết, cái mà chúng ta có thể gọi là “nỗi đau di truyền” hay “nỗi khổ di truyền”. Đây là một nguồn năng lượng thực tế được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo một cách vô thức.

Nếu bạn nhìn kỹ vào một hệ thống gia đình cụ thể, bạn sẽ thấy nỗi đau có xu hướng di truyền qua dòng họ. Ví dụ, cha mẹ có xu hướng đặc biệt phải chịu đựng sự tức giận hoặc trầm cảm có xu hướng sinh ra những đứa con phải chịu đựng nỗi đau buồn tương tự, và sau đó những đứa trẻ này lại sinh ra những đứa con cũng có những nỗi đau tương tự, và lại tiếp tục như vậy. Nỗi khổ đau di truyền rất ngấm ngầm. Nó ngày càng ăn sâu vào mỗi gia đình theo thời gian và nó là cốt lõi của phần lớn những đau khổ mà con người phải trải qua.

Một trong những điều đáng quan tâm cần lưu ý về nỗi khổ đau di truyền là nó không mang tính cá nhân. Nói cách khác, nó giống như một loại virus lây nhiễm cho những người trong cùng một gia đình. Đó là một cách đau khổ lây nhiễm vào một gia đình và sau đó được truyền lại, gần giống như bệnh cúm hoặc cảm lạnh, đến các thế hệ tương lai. Khi bạn được sinh ra mà không hề hay biết, bạn thực sự đang bị chuyển giao nỗi đau di truyền này. Đáp lại, bạn sẽ oán trách về điều đó, nghĩ rằng nó thật khủng khiếp hoặc chống lại nó. Nhưng khi làm như vậy, bạn sẽ thấy rằng việc phủ nhận hay oánh trách về nỗi đau này chỉ khiến nó lún sâu hơn vào con người bạn.

Khi bạn bắt đầu nhận ra cách nỗi khổ đau thế hệ này diễn ra trong đời sống của bạn, khi bạn thấy cách dẫn đến đau khổ cụ thể của bạn giống với cách của những người khác ở trong gia đình bạn chịu đau khổ như thế nào, việc đó có thể mở rộng trái tim và tâm trí của bạn. Từ góc nhìn cởi mở hơn này, bạn thực sự có thể bắt đầu buông bỏ sự đổ lỗi và thấy rằng những người truyền lại nỗi đau khổ cho bạn qua chuỗi thế hệ này đều đã trải qua nỗi đau và hoàn toàn không ý thức được những gì đang xảy ra. Nỗi đau này cứ đến với họ và họ biểu lộ nó ra qua mọi cách, rồi họ vô tình truyền lại cho thế hệ sau.

Một số nỗi đau và vết thương sâu sắc nhất mà chúng ta mang theo trong suốt cuộc đời đều xuất phát từ nỗi khổ đau di truyền này. Tôi thường hỏi mọi người, khi họ nhận diện được một cảm giác khó khăn như tức giận, khó chịu, thịnh nộ hoặc oán giận: “Cảm giác này khiến bạn nhớ đến ai: mẹ bạn hay bố bạn?”. Thông thường, khi họ chạm vào một số vết thương tinh thần sâu sắc nhất của mình, họ sẽ ngay lập tức cho tôi biết vết thương đó đến từ cha hay mẹ họ. Khi bạn có thể nhìn thấy điều này một cách rõ ràng, bạn sẽ thấy rằng mẹ hoặc cha bạn, hoặc chú hay dì của bạn, trên thực tế cũng có vết thương giống như bạn. Họ đã truyền nó qua cho bạn bằng các hành động bộc lộ ra ngoài, giống như cách mà cha mẹ họ đã truyền nó cho họ.

Sau cùng, năng lượng này đến với bạn và bạn trở thành người đi đầu trong nỗi đau di truyền này. Thật dễ dàng để oán giận và đổ lỗi về nỗi đau này cho người khác, nhưng khi bạn thực sự nhìn thấy bản chất của nó, bạn sẽ thấy rằng nó không mang tính cá nhân, mặc dù những ẩn ý dành cho bạn mang lại cảm giác rất riêng, và có thể cách nó biểu lộ ra cũng như vậy. Rất cá nhân. Nhưng bản thân nỗi đau, bản thân nỗi khổ đó thực sự không phải là bạn. Nó được truyền từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo một cách vô thức. Tất nhiên cách nó được truyền lại thường vô cùng đau đớn, đôi khi bạo lực, bởi vì dường như bạn là mục tiêu của nỗi đau khổ này khi nó biểu hiện nơi bạn và những người thân trong gia đình bạn. Nhưng nếu bạn có thể tránh hoàn toàn chìm đắm trong cơn tức giận hoặc oán hận – mặc dù, từ góc độ tương đối, điều đó có thể hiểu được – nếu bạn có thể kìm lại sự phán xét của mình chỉ trong giây lát, bạn sẽ bắt đầu thấy rằng nỗi đau mà bạn cảm thấy phần lớn là một phần của sự đau khổ từ những người khác trong gia đình bạn – và đó không nhất thiết phải là của riêng bạn.

Khi bạn cảm nhận và có thể nhận diện được nỗi đau sâu sắc này bên trong mình, hãy hiểu rằng đổ lỗi cho người khác trong gia đình bạn không phải là giải pháp. Khi bạn cảm thấy muốn đổ lỗi, hãy nhớ rằng dòng dõi thế hệ của bạn cũng từng phải sống chung với nỗi đau tương tự. Rất có thể họ thậm chí chưa bao giờ tưởng tượng rằng nỗi đau đó là do truyền qua thế hệ. Có lẽ họ đã coi nỗi đau đó đó là của riêng mình, và do đó lựa chọn duy nhất của họ là hành động để biểu lộ ra ngoài. Khi bạn bắt đầu nhìn nhận điều này dưới góc độ một chuỗi dài đau khổ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và bạn nhận ra rằng bạn là người, ở đây và bây giờ, có thể nhận thức được cách thức hoạt động của nỗi đau này, thì bạn có cơ hội để chấm dứt nó.

Quá trình làm sáng tỏ nỗi đau khổ này không nhất thiết phải dễ dàng, vui vẻ hay thú vị, nhưng điều đó có nghĩa là bạn có thể thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình về nó. Bất cứ khi nào chúng ta ý thức hơn hoặc nhận thức rõ hơn về điều gì đó gây đau đớn, thì thường cơn đau có thể dâng lên cao trong một thời gian. Nó giống như thể chúng ta bắt đầu thoát ra khỏi tình trạng tê liệt cảm xúc nào đó, và chúng ta có thể thấy mình oán giận và đổ lỗi cho người khác khi chúng ta bắt đầu liên hệ trực tiếp với nỗi đau khổ. Nhưng chúng ta càng nhìn ra bên ngoài, oán giận và đổ lỗi cho người khác cũng như những hoàn cảnh sống cụ thể, chúng ta càng trở nên vô thức và nỗi đau khổ càng đi sâu hơn vào hệ thống của chúng ta. Khi nó càng chôn sâu trong chúng ta thì nó càng được truyền đến những người chúng ta yêu thương – con cái, bạn bè, các thành viên trong gia đình, v.v… Mặc dù nó có thể khá đau đớn, nhưng chúng ta có thể nhận ra rằng mình có một cơ hội quý giá, thông qua sự tỉnh giác và cái nhìn trực tiếp của chính mình, để cuối cùng cho phép nỗi đau này kết thúc.

Mặc dù nỗi đau đớn và khổ sở có thể mang tính thế hệ, nhưng như chúng ta đang thấy, nó chỉ có thể được duy trì ở hiện tại trong cấu trúc tâm trí của chính chúng ta – do việc tin vào những suy nghĩ tách biệt, đổ lỗi và lên án của chính chúng ta. Việc chấm dứt đau khổ thực sự là bắt đầu thấy được tất cả những cách mà tâm trí chúng ta duy trì sự đau khổ thông qua những kiểu suy nghĩ theo thói quen. Khi chúng ta bắt đầu hiểu được nguyên nhân của đau khổ, rằng tất cả đau khổ của chúng ta đều dựa trên nhiều cách khác nhau mà chúng ta tưởng tượng rằng mình tách biệt và khác biệt, chúng ta bắt đầu quá trình tỉnh thức, từ bất hạnh đến hạnh phúc. Chúng ta cũng bắt đầu nhận ra rằng, mặc dù chúng ta đã phải chịu nỗi đau khổ do dòng họ của chúng ta truyền lại, mặc dù chúng ta đã sống cả đời với những cấu trúc tinh thần dẫn đến nỗi đau của mình, nhưng chúng ta thực sự khá may mắn, vì chúng ta có khả năng chấm dứt sự đau khổ ngay bây giờ, chỉ đơn giản bằng cách nhận thức được về nó.

Việc đối đầu trực tiếp với nỗi đau khổ có thể và thường khá đau đớn khi chúng ta mới bắt đầu nhìn vào nó. Giống như khi bạn có một chi bị tê vì máu không chảy về đó được, và khi máu bắt đầu chảy, bạn sẽ thấy đau một lúc. Bạn có cảm giác như bị “kim châm” khi máu chảy trở lại vào tĩnh mạch và sự sống quay trở lại các chi. Đó là một phần của sự tỉnh thức, một phần của sự thoát khỏi giấc mơ của tâm trí. Nhưng đó là điều cần thiết mà chúng ta phải, và điều cần thiết mà chúng ta cho phép mình trải qua quá trình giải tỏa cơn tê liệt của bản thân, thoát ra khỏi sự tưởng tượng của tâm trí mình – không chỉ cho bản thân mà còn để chúng ta có thể ngừng việc mang lại đau khổ cho những người khác vì những hành vi vô thức của mình. Khi đó chúng ta trở thành một phần của câu trả lời cho nỗi đau khổ của nhân loại.

Chừng nào chúng ta còn ngủ quên trong cái bản ngã của mình thì chúng ta không thực sự đóng góp cho bản thân hay cho bất kỳ ai khác. Khi chúng ta bắt đầu thức tỉnh khỏi trạng thái ý thức bản ngã này, chúng ta bắt đầu ngày càng ít đau khổ hơn, và khi chúng ta ít đau khổ hơn, chúng ta gây ra ít đau khổ hơn cho thế giới xung quanh. Đó là món quà chúng ta trao tặng cho thế giới và đó là món quà mà thế giới rất vui khi nhận được. Giống như chúng ta mong ước được hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ, tất cả chúng sinh cũng vậy. Tất cả chúng ta đều có cơ hội chấm dứt đau khổ trong đời sống của chính mình và giúp đỡ tất cả những người khác làm điều tương tự.
—☀🌺🌺—

Trích từ: Rơi Vào Ân Phúc – Nguyên tác: Falling into Grace; Bảo Hạnh dịch Việt @2023

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: