TỔ SƯ TÂM TĨNH VÀ NHỮNG BÀI THƠ CẢM TÁC TRONG KHI PHỤNG ĐIỂM KINH HOA NGHIÊM

SHARE:

Tóm tắt: Những cảm tác của các danh tăng Phật giáo không đơn thuần chỉ là một ngẫu hứng bất chợt “tức cảnh sinh tình” mà luôn hàm chứa nhiều giá trị và ý nghĩa đặc biệt, cả về lịch sử lẫn triết học. Thế nên, những bài thơ cảm tác của Tổ sư Thanh Ninh Tâm Tĩnh, vị tổ khai lập nên môn phái Tây Thiên, một chi hệ đang chiếm số lượng chùa chiền và môn đồ khá lớn trong các chi hệ thuộc dòng thiền Liễu Quán Việt Nam hiện nay, là một di sản văn hoá thuộc diện quý hiếm, không chỉ đối với Huế, Phật giáo Huế mà còn cả đối với quốc gia và Phật giáo Việt Nam. Hẳn rằng, di sản quý báu không phải chỉ để trong viện bảo tàng cho mục đích ngắm nhìn, mà cần phải được biến thành những nguồn sống cho hiện tại và tương lai.
Từ khoá: Tổ sư Tâm Tĩnh, kinh Hoa nghiêm, thơ cảm tác.

1. LỜI ĐẦU

Các vị Tổ sư, Thiền sư Phật giáo nói chung, với tinh thần “đến và đi không để lại dấu vết” hay với tôn chỉ “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” (chẳng lập văn t truyền ngoài giáo điển), các Ngài rất hiếm khi tự thân viết lách hay để lại bút tích gì Có chăng, thường chỉ là những cảm tác bất chợt của những phút giây ngẫu hứng, được ghi lại trên một trang giấy rời hay bên lề một cuốn sách hay cuốn kinh nào đó, thế thôi, rồi quên đi. Thế nhưng, những cảm tác loại này của các Ngài luôn hàm chứa nhiều giá trị vô giá trên nhiều bình diện khác nhau, cả về mặt lịch sử, văn hóa và triết học.
Những công trình hay tác phẩm mang tính hệ thống của các Tổ chúng ta có hôm nay chủ yếu là do đệ tử hoặc môn đồ của các thế hệ về sau nghe ghi lại, hoặc thu thập rồi tập hợp thành những trước tác mang tên các Ngài mà thôi. Có nghĩa rằng, rất nhiều những cảm tác như thế của các Ngài đã bị thất lạc và không được thu thập. Thế nên, tìm được những thủ bút cảm tác của các Ngài lắm khi là như một kỳ tích và đây là trường hợp phát hiện bảy bài thơ cảm tác của Tổ sư Tâm Tĩnh (Tâm Tịnh) được ghi lại bên lề những trang kinh Hoa Nghiêm trong khi Ngài phụng điểm bộ kinh này. Kỳ tích phát hiện là do nhóm sưu khảo thuộc Ban Biên soạn tập san Liễu Quán trong khi tiến hành khảo sát mộc bản và di sản kinh sách ở tại chùa Thiền Tôn – Huế đã tìm thấy vào ngày 8-11-2021. Những thủ bút cảm tác này vừa được phát hiện của Tổ sư Tâm Tĩnh, một danh tăng thời cận hiện đại Việt Nam thuộc dòng thiền thứ 2 của đất nước, một vị Tổ khai lập nên một chi hệ Liễu Quán – Môn phái Tây Thiên, không thể bàn cãi, là một tư liệu vô cùng quý giá vậy.

2. VỀ TỔ SƯ THANH NINH TÂM TĨNH

Tổ sư Thanh Ninh Tâm Tĩnh (1868-1928) là một vị Thiền sư thuộc hàng chữ “Thanh”, tức thuộc thế hệ thứ 7 trong bài kệ truyền thừa của Thiền phái Liễu Quán dòng thiền thứ hai của Việt Nam do Tổ sư người Việt sáng lập và truyền thừa. Ngài là một trong những vị danh tăng của Việt Nam và của Cố đô Huế vào những thập niên cuối thế thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Ngài là Tăng cang Quốc tự Diệu Đế vào triều vua Khải Định (1916-1925) nhà Nguyễn. Ngài cũng là một trong những ngọn cờ đầu của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ XX và khai lập nên chi hệ Sơn môn Tây Thiên, một trong những chi hệ của Thiền phái Liễu Quán đang rất phát triển hiện nay với độ phủ chùa chiền và môn đồ đệ tử rất rộng và lớn, khắp các miền, không chỉ ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài.

3. VỀ BỘ KINH HOA NGHIÊM MÀ TỎ SỰ TÂM TĨNH PHỤNG ĐIẾM

Các bản kinh chữ Hán xưa được khắc in thường không có dấu chấm câu. Bởi vậy, mỗi lần muốn đọc hiểu, người ta phải cú đậu, tức là hiệu điểm, thêm vào những dấu khuyên tròn để ngắt câu hay chấm câu. Bộ kinh Hoa Nghiêm mà Tổ sư Tâm Tĩnh phụng điểm là bản kinh 80 quyển do Ngài Thật Xoa Nan Đà, người nước Vu Điền phiên dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán vào đời nhà Đường ở Trung Hoa. Đây được xem là bản Hán dịch Hoa Nghiêm đầy đủ nhất trong ba lần phiên dịch của bản kinh này.
Kinh Hoa Nghiêm, tên gọi đầy đủ là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh (S. Avatamsaka Sutra) là một trong 9 bộ kinh Đại thừa Phật giáo.
– Phát triển ở Ấn Độ. Bản kinh này được đánh giá là “toàn thiện nhất và câu từ thẩm mỹ nhất trong các kinh điển Phật giáo Đại thừa”. Hoa Nghiêm (avatamsaka) nghĩa là tràng hoa hay vòng hoa đẹp để được dùng để trang nghiêm tự thân và thế giới. Hoa Nghiêm Tông ở Trung Hoa chính y cứ trên nền tảng kinh Hoa Nghiêm mà được thành lập.
Tên gọi Hoa Nghiêm, tràng hoa hay vòng hoa gợi ý đến nội dung xuyên suốt của bản kinh, đó là giáo lý Duyên khởi, một trong những nền tảng căn bản của triết học Phật giáo. Triết lý này đã được Hoa Nghiêm trình bày dưới hình thái ngôn ngữ biểu tượng và văn phong văn học với sự nâng cao hơn về mặt triết học. Một số triển khai triết học chủ yếu có thể khái lược ở đây là:
– Triết lý Thực tại trùng trùng Duyên khởi: Thực tại con người, chúng sanh và thế giới tồn tại trong những mối quan hệ, nhân duyên trùng điệp.
– Triết lý Duyên khởi tính: Bản chất của tồn tại thật chất là Duyên khởi và không gì khác.
Triết lý đồng nhất: Tất cả trong một, một trong tất cả.
– Triết lý Viên dung: Tất cả đều tròn đầy và dung nhiếp vào nhau vô ngại.
Những triết lý được rút ra từ kinh Hoa Nghiêm đã được tông phái Hoa Nghiêm phát triển thành hệ thống với những đúc kết như: Tứ pháp giới, Lục tự tướng, Thập huyền môn,… Đặc biệt, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện ở cuối kinh là một trong năm bản kinh căn bản của Tịnh Độ tông.

4. VỀ NHỮNG BÀI THƠ CẢM TÁC CỦA TỔ SƯ TÂM TĨNH

Như đã trình bày trên đây, trong khi phụng điểm kinh Hoa Nghiêm, Tổ sư Tâm Tĩnh đã ghi lại những bài thơ cảm tác ngẫu hứng của mình ở bên lề cuối các phẩm kinh. Tổng cộng có bảy bài thơ được viết theo thể thơ Đường luật, thất ngôn tứ cú, bốn câu bảy chữ, bằng mực son với chính thủ bút của Ngài. Bởi trong trang cuối của cuốn một của bản kinh, Ngài có ghi câu: “Thiếu Lâm Am Tâm Tĩnh phụng điểm thiên cơ đấy là ”. Điều này cho thấy rằng, sự kiện và thời gian phụng điểm của Tổ sư Tâm Tĩnh hẳn phải xảy ra trước khi Thiếu Lâm Am được đổi tên thành Tây Thiên tự. Đó là vào năm Tân Hợi – 1911, triều Duy Tân thứ 5, khi Tổ sư cho chú pho tượng Phật A Di Đà bằng đồng trắng, nhưng sơn son thếp vàng, cao gần 2m. Thêm nữa, liệu chừng sự kiện thay đổi tên nầy có liên quan gì đến việc chuyển hướng tư tưởng của Ngài sau khi phụng điểm kinh Hoa Nghiêm hay không, đây cũng là một khía cạnh đáng chú ý, bởi phẩm cuối cùng của bản kinh, như chúng ta đã biết, là một trong năm bản kinh cơ sở để thành lập nên tông Tịnh độ (Tịnh độ ngũ kinh).
Sau đây, xin trình bày các bài thơ do Tổ sư Tâm Tĩnh cảm tác trong khi phụng điểm kinh Hoa Nghiêm.

4.1. Bài thơ số 1:

Ở trang cuối cuốn 1 của phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm, được ghi thêm dưới chân
trang là Giáng vũ tán
神功如是無邊量
普護十方妙力持
承佛威神能化此
覺悟生雨及时.
Thần công như thị vô biên lượng
Phổ hộ thập phương diệu lực trì
Thừa Phật uy thần năng hoa thủ
Giác ngộ quần sanh vũ cập thì.
Tạm dịch:
Công năng Phật pháp thật vô biên
Thần lực hộ trì khắp mười phương
Nhờ Phật uy thần mong hoá độ
Mưa hoa giác ngộ cõi trần gian.
Nội dung bài thơ có thể đơn giản chỉ là lời cảm thán của Ngài khi đọc đến đoạn kinh mưa báu rơi xuống đại pháp hội Hoa Nghiêm, khiến cho vô số thính giả trong pháp hội được lợi ích, tâm trở nên vắng lặng, nhập vào giải thoát môn.
Một điều đặc biệt, là ngay sau bài thơ số 1 này của Tổ Tâm Tĩnh được viết bằng mực son, có một bài thơ của Đại lão Hoà thượng Chí Thâm Giác Nhiên được viết bằng mực xạ với phụ đề: “Tiền tứ cú thị bổn sư, hậu tứ cú thừa bổn sư nhi đề” (Bốn câu thơ trên là của bổn sư (Tâm Tĩnh), bốn câu dưới nương theo ý bổn sư mà phụng đề). Nguyên văn bài thơ của Đại lão Hoà thượng Chí Thâm Giác Nhiên như sau:
神功法界必周徧
一切衆生咸仰賴
威灵顯赫奇哉
龍王化雨一辰開.
Thần công pháp giới tất chu biến
Nhất thiết chúng sanh hàm ngưỡng lại
Uy linh hiển hách thậm kỳ tai
Long Vương hoá vũ nhất thần (thời) khai,
Tạm dịch:
Uy thần rãi khắp cả thế gian
Hết thảy chúng sanh phước vô vàn
Oai linh hiển hách thật kỳ diệu
Long vương mưa xuống thế gian này.
Với lời phụ đề “Tiền tứ cú thị bổn sư, hậu tử củ thừa bốn sư nhi đề” gợi ý, sau khi đã phụng điểm xong bản kinh Hoa Nghiêm, chắc hẳn là để giảng dạy, Tổ sư Tâm Tĩnh đã trao bản kinh này cho đệ tử của mình là Ngài Chí Thâm, sau đó khi vào tiếp quản và làm trụ trì chốn Tổ Thuyền Tôn thì Ngài đã mang theo bản kinh Hoa Nghiêm này”.

4.2. Bài thơ số 2:

Ở trang cuối phẩm ba, Phổ Hiền Tam Muội, quyển 7:
如是無邊世界多
重重布設上蓮花
太虚包納難思境
毘爐如許度如何.
Như thị vô biên thế giới đa
Trùng trùng bố thiết thượng liên hoa
Thái hư bao nạp nan tư cảnh
Tỳ-lô như hứa độ như hà.
Tạm dịch:
Thì ra thế giới thật vô biên
Chập chùng trọn đủ trong đoá sen
Bầu không rộng chứa bao nhiêu cảnh
Tỳ-lô Hoa tạng đẹp vô ngần.
Cuối bài thơ, như một phụ đề, còn có câu: “Công đức bất khả tư nghì giả dã” (Công đức thật khó thể nghĩ bàn vậy). Nhưng thật ra, bài thơ không đơn thuần chỉ là lời cảm thán mà còn là một tổng quan mô tả thế giới Hoa tạng thế giới của Pháp thân Phật.

4.3. Bài thơ số 3:

Ở trang cuối phẩm 18, Minh Pháp, quyển 18:
法慧慇懃說法音
法音演暢應常心
常心已悟真如法
真如法印去來今.
Pháp Huệ ân cần thuyết pháp âm
Pháp âm diễn xướng ứng quần tâm
Quần tâm dĩ ngộ chân như pháp
Chân như pháp ấn khử lai câm (kim).
Tạm dịch:
Pháp Huệ ân cần nói pháp âm
Pháp âm vang động chạm vào tâm
Tâm người đã ngộ Chân như pháp
Chân như pháp ấy xưa nay đồng.
Bài thơ được viết theo lối thủ vĩ ngâm, tức là từ cuối hay cụm từ cuối của câu này sẽ là từ đầu hay cụm từ đầu của câu sau. Nội dung bài thơ ca ngợi bài pháp Bồ-tát Pháp Huệ giảng cho Bồ-tát Tinh Tấn Huệ về thực tại chân thật của các pháp.

4.4. Bài thơ số 4:

Ở trang cuối của phẩm 21, Thập Hạnh, quyển 21:
佛力光騰燭大天
法音振響布祇園
能令菩薩生歡喜 普使人天証現前.
Phật lực quang đằng chúc đại thiên
Pháp âm chấn hưởng bố Kỳ viên
Năng linh Bồ tát sinh hoan hỷ
Phổ sử nhân thiên chứng hiện tiền.
Tạm dịch:
Hào quang Phật toả sáng ba ngàn
Lời Ngài vang động khắp Kỳ viên
Khiến cho Bồ tát sinh hoan hỷ
Trời người cũng chứng được hiện tiền.
Bài thơ như thể tóm tắt nội dung bài pháp về Thập hạnh của Bồ-tát Công Đức Lâm.

4.5. Bài thơ số 5:

Ở trang cuối của phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25:
無著無縛解脫心
普賢智行極深深
法相真如皆廻向
十方法界願如今,
Vô trước vô phược giải thoát tâm
Phổ Hiền trí hạnh cực thâm thâm
Pháp tướng chân như giai hồi hướng
Thập phương pháp giới nguyện như câm (kim).
Tạm dịch:
Sạch làu trói buộc tâm thênh thang
Phổ Hiền trí hạnh thật mênh mang
Pháp tướng chân như đều hồi hướng
Mười phương thế giới nguyện an nhiên.
Bài thơ như thể đúc kết phẩm 25 của kinh Hoa Nghiêm.

4.6. Bài thơ số 6:

Ở trang cuối của phẩm Nhập Pháp giới thứ 80, quyển 80:
果然如是甚奇哉
諸佛衆生坐宝臺
尚欠少林僧一数
不知何日見如来.
Quả nhiên như thị thậm kỳ tai
Chư Phật chúng sanh tọa bửu đài
Thượng khiếm Thiếu Lâm tăng nhất sổ
Bất tri hà nhật kiến Như Lai.
Tạm dịch:
Thì ra pháp Phật diệu kỳ thay
Chư Phật, chúng sanh ngồi một đài
Chỉ thiếu lão tăng am Thiếu Thất
Chẳng biết ngày nào gặp Như Lai.
Bài thơ đậm chất cảm thán, vừa nói lên điều tỏ ngộ vừa thể hiện một tâm thái thênh thang. Chẳng biết ngày nào gặp như lai. Câu hỏi không có câu trả lời nhưng đã cho ta thấy rõ sự khẳng định Đương lai tác Phật của Ngài.

4.7. Bài thơ số 7:

Ở trang cuối cùng của bộ kinh, sau phẩm “Nhập Bất tư nghì giải thoát cảnh giới Phổ Hiền Hạnh nguyện” thứ 41, quyển 81:
十方刹海一微塵
全在當人箇最親
一部大經明此意
願皆自信本来人
Thập phương sát hải nhất vị trần
Toàn tại đương nhân cả tối thân
Nhất bộ đại kinh minh thử ý
Nguyện giai tự tín bổn lai nhân.
Tạm dịch:
Thế giới mười phương một mảy trần
Cùng người đang là thật thiết thân
Một bộ kinh đây thông nghĩa ấy
Nguyện mong tin tưởng “chủ nhân ông”
Cuối bài thơ này còn có câu phụ đề: “Thiếu Lâm Tâm Tĩnh nguyện khẩn” (Tâm Tĩnh chùa Thiếu Lâm nguyện khai vỡ nghĩa lý).

5. GIÁ TRỊ ĐỂ LẠI

Như đã trình bày ở phần giới thiệu, những bài thơ cảm tác của hầu hết các thiền sư, nói chung, không chỉ đơn thuần là loại thơ nghiêng về giá trị văn học và cảm nhận thẩm mỹ, nhất là những bậc cao tăng có vai trò nhất định trong xã hội và Phật giáo như Tổ sư Tâm Tĩnh. Những phát biểu chính quy hay những cảm tác bất chợt của các Ngài đều cần được nhìn trong một bối cảnh rộng lớn hơn, thậm chí ở tầm vĩ mô quốc gia. Theo đây, với một vị thiền sư cao tăng như Tổ sư Tâm Tĩnh, một vị Tăng của triều đình nhà Nguyễn, một ngọn cờ đầu trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở Trung kỳ vào đầu thế kỷ XX, và là một vị Tổ sư khai lập nên môn phái Tây Thiên với chủ trương Thiền – Tịnh song tu: “Chẳng lìa văn tự danh ngôn, rộng truyền giáo điển, niệm Phật để sáng tâm, thấy tánh để theo Phật”, thì hẳn những bài thơ cảm tác của Ngài không thể đơn giản là những hứng khởi ngẫu nhiên trong thoáng chốc khi đọc và phụng điểm kinh Hoa Nghiêm. Nói khác đi, những cảm tác này có thể được nhìn ở chiều kích sâu và rộng hơn. Chẳng hạn như, ngay bài thơ đầu tiên:
Thần công như thị vô biên lượng
Phổ hộ thập phương diệu lực trì
Thừa Phật uy thần năng hoá thử
Giác ngộ quần sanh vũ cập thì.
(Thần công như vậy thật khôn lường
Năng lực hộ trì khắp mười phương
Nhờ Phật uy thần mong hoá độ
Mưa hoa giác ngộ cõi trần gian).
Nghe qua, như thể bài thơ chỉ là một cảm tác của Ngài khi đọc đến đoạn kinh 12: vị Long vương lần lượt tỏ bày sở đắc tâm ngộ của họ về bản chất thật của vũ trụ và thực tại, và thị hiện các thần thông làm mưa xuống để tưới mát cuộc đời khổ đau. Nhưng, nếu đặt bài thơ trong một không gian lớn hơn, chẳng hạn, xã hội Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, và trong thời gian lịch sử, như thời Thành Thái, Duy Tân, thời điểm Ngài son điểm Hoa Nghiêm, bài thơ sẽ hiện ra với một ánh sáng rất khác.
Như chúng ta biết, khoảng thời gian Thành Thái và Duy Tân, dưới sự kìm cặp cay nghiệt của nhà nước Bảo hộ Pháp, mọi phản kháng của quần chúng dưới sự kêu gọi các vị vua yêu nước như Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân đều bị bóp nghẹt, triều đình nhà Nguyễn khủng hoảng, phân hoá và bất lực đến tận cùng, nhân dân điêu đứng, đói nghèo. Trong bối cảnh đất nước như thế, hẳn nhiên, tình hình Phật giáo, một tôn giáo gắn liền với vận mệnh dân tộc, cũng không thể tốt đẹp gì được. Tổ sư Tâm Tĩnh, một vị Tăng cang Quốc tự Diệu đế, hơn ai hết, Ngài đã chứng kiến và thấm thía nỗi đau của đất nước, của dân tộc. Ngài hẳn đã rất thao thức về một con đường cho sự tồn vong của dân tộc và cho Phật giáo và hẳn đã rất mong mỏi điều diệu kỳ vì sự an lành, hạnh phúc của dân chúng Việt Nam, như trong bài cảm tác ngài viết: “Thừa Phật uy thân năng hoá thử”. Chữ “thử” ở đây có thể hiểu là mảnh đất này, đất nước Việt Nam này, dân tộc Việt Nam này. Do đó, câu thơ có thể hiểu như: nguyện mong giáo pháp Phật đà làm ánh sáng soi đường khả dĩ cho dân tộc trong hoàn cảnh nhiễu nhương này; nguyện mong hãy là cơn mưa trong lành, ngọt ngào và kịp thời xoa dịu nỗi đau của người dân Việt (giác ngộ quần sinh vũ cập thì).
Tương tự, với bài thơ số 2:
Như thị vô biên thế giới đa
Trùng trùng bố thiết thượng liên hoa
Thái hư nạp sắc nan tư cảnh
Tỳ-lô như hứa độ như hà.
(Thì ra thế giới thật vô biên
Chập chùng trọn đủ trong đoá sen
Bầu không rộng chứa bao nhiêu cảnh
Tỳ-lô Hoa tạng đẹp vô ngần).
Nếu đặt trong một bối cảnh không – thời gian rộng lớn hơn, chúng ta hẳn sẽ nhận ra. Tổ sư Tâm Tĩnh đang gợi ý thiết lập một con đường khai phóng cho đất nước. Đó là, thế giới này thật đa dạng, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi tâm. Nhưng thật sự, cả đều đồng nhất trong bản chất. Đất nước này, dân tộc này vẫn thênh thang và rộng chứa tất cả. Thế nên, hãy gác lại mọi dị biệt mà cùng nhau ngồi lại. Thế giới Hoa tạng tương lai sáng đẹp vẫn còn đó đợi chờ tất cả chúng ta.
Cũng vậy, với các bài cảm tác số 3, 4, 5, 6, và đặc biệt bài thơ cuối số 7, nếu đặt trong không gian, thời gian tâm thức của một vị cao tăng đạt ngộ lẽ thực tại “đang là “, của một vị thiền sư có tầm nhìn và thấu hiểu hoàn cảnh của đất nước, những bài thơ này sẽ phát ra những ánh sáng cao tuyệt, không chỉ giúp cho chúng ta, những thế hệ ngày sau, nhận chân được những bài học lịch sử không thể quên, thấy rõ hơn những định hướng cho tư duy và hành động để phát triển đất nước và Phật giáo Việt Nam.

6. LỜI KẾT

Đất nước Việt Nam chúng ta nói chung, Cố đô Huế nói riêng, với lịch sử được dệt bằng những cuộc chiến tranh dài chống ngoại xâm, những tư liệu, di sản văn hóa, văn học quý báu của dân tộc hầu hết bị đốt phá, thất lạc và mất mát. Những di sản của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Huế cũng không ngoại lệ. Thế nên, những thủ bút cảm tác của Tổ sư Tâm Tĩnh vừa được phát hiện, không nghi ngờ gì nữa, đây chính là một di sản quý hiếm, không chỉ của Huế, của Phật giáo Huế, mà còn là của Việt Nam.
Những cảm tác của các danh tăng như Tổ sư Tâm Tĩnh, không đơn thuần chỉ là sáng tác văn học mang tính cá nhân mà luôn hàm chứa nhiều điều hơn thế, từ ở cấp độ vĩ mô, gợi ý đến những giai đoạn lịch sử của đất nước, đến thiết lập một hệ tư tưởng và triết học xã hội cho dân tộc.
Có thể còn nhiều điều với nhiều góc nhìn khác nhau để khai thác, trên các chiều kích lịch sử và triết học về những bài thơ cảm tác của Tổ Tâm Tĩnh vừa được may mắn phát hiện. Và, trên đây, trong Hội thảo này, chỉ xin tổng quát giới thiệu và đóng góp một vài ý kiến nông thiển mà thôi. Nhất định, trong tương lai, những tác phẩm này sẽ được nghiên cứu sâu hơn. Mong rằng, những kỳ tích phát hiện những di sản quý báu tương tự sẽ còn được tiếp tục.
Hẳn nhiên, bước đầu phát hiện, thống kê, phiên dịch một cách thô thiển như vậy, chắc chắn sẽ cần có nhiều và rất nhiều những tìm tòi nghiên cứu quy mô hơn. Chỉ là bước đầu nên không thể hoàn chỉnh như mong muốn, cúi mong các bậc tôn túc, các bậc thức giả hoan hỷ chỉ giáo đóng góp ý kiến để chúng con có thêm tinh thần, thêm hưng phấn trong Phật sự này.
Kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp.
Tư liệu tham khảo
Huế, mùa thu năm Quý Mão, 2023
1. Bộ kinh Hoa Nghiêm được lưu giữ tại tủ kinh chùa Thuyền Tôn – Huế.
2. Môn phái Tổ Đình Tây Thiên – Huế (2020), Phổ hệ truyền thừa Môn phái Tổ Đình Tây Thiên.
3. Kinh Hoa Nghiêm, Hán dịch: Thật Xoa Nan Đà, Việt dịch: Thích Trí Tịnh, Phật học viện Quốc tế, 1983.
4. Một số hình ảnh tại chùa Tổ Tây Thiên – Huế.
Trích: HỘI THẢO KHOA HỌC THIỀN PHÁI LIỄU QUÁN
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
– Viện nghiên cứu Tôn Giáo
– Viện Nguyên cứu Phật học Việt Nam
– Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
– Ban trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế
– Đại Học Huế
Huế 31/12/2023 & 01/01/2024

🌾☘🌿☀🌾☘🌿
Tỳ Kheo Thích Nguyên Minh biên soạn
Trích: HỘI THẢO KHOA HỌC THIỀN PHÁI LIỄU QUÁN
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Ảnh: cổng chùa Tổ Đình Tây Thiên – Huế

Post: Thường An

SHARE: