ĐẾN CHẾT VÌ CỎ DẠI MẤT THÔI

SHARE:

Buổi tối ngồi tổng kết lại một ngày, tôi nhận ra hôm nay những việc mình đã làm vừa đủ một bàn tay. Thực ra, nếu chịu khó một chút, chúng ta có thể làm rất nhiều thứ. Có người thấy hai mươi tư giờ một ngày là chưa đủ, nhưng cũng có người thấy như vậy là thừa thãi. Tùy theo cách sử dụng mà ý nghĩa của một ngày cũng khác đi. Thiền sư Triệu Châu Tùng Thẩm từng dạy: “Đừng để thời gian kéo mình đi, mà hãy điều khiển thời gian”. Mặc dù câu này có nghĩa “chớ làm nô lệ mà hãy làm chủ thời gian”, nhưng ta cũng có thể hiểu theo nghĩa “đừng lãng phí mà hãy trân trọng sử dụng thời gian”. Một ngày chỉ có hai mươi tư giờ, thực sự rất ngắn ngủi và đáng tiếc. Càng có tuổi tôi càng cảm thấy thời gian trôi qua thật nhanh, việc cần làm thì chất như núi mà mặt trời thì sắp lặn tới nơi.

Việc đầu tiên của ngày hôm nay là giặt giũ. Dạo này làm việc chân tay đổ nhiều mồ hôi nên hôm nào tôi cũng phải giặt đồ. Mấy chuyện nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp đều là việc hàng ngày song cũng không phải làm loáng cái là xong nên vẫn phải sắp xếp lịch trình cẩn thận. Nhiều lúc bị những việc khác xen vào, tôi đành bỏ qua.

Việc tiếp theo là tưới nước cho mấy chậu hoa. Hôm qua bận quá không kịp tưới nước buổi tối nên sáng nay tôi phải tưới bù. Thường thường tôi mất khoảng ba mươi phút để tưới hết một lượt, nhưng gần đây mới giâm thêm mấy cành cúc nên cũng tốn thời gian hơn một chút.

Trong số mấy chậu hoa, có một chậu oải hương và một chậu tú cầu mà vị sư bằng hữu của tôi ở tỉnh Gangwon đem tặng. Chẳng là trước lễ Phật đản, chùa chúng tôi có tổ chức lễ hội phân phát, chia sẻ hoa dại, thế nên sau đó để đáp lễ, ông ấy đã mang oải hương và tú cầu tới. Bạn lặn lội đường xa đến chơi nên tôi đã tặng ông ấy một khóm hoa lệ đường và cúc họa mi mang về. Chúng tôi còn hẹn tới mùa thu sẽ đem cúc mình trồng tặng cho đối phương.

Hy vọng sau này xã hội chúng ta sẽ nói nhiều hơn về chủ đề cỏ hoa cây cối. Chạm vào hoa, chăm sóc cây là cách chúng ta nâng cao trí tuệ và phẩm chất của mình. Câu chuyện phiếm hay cuộc bàn luận chính trị không giúp con người hoàn thiện nhân cách. Vì vậy, hãy nhìn cỏ cây hoa lá để học lấy phẩm chất quý giá và mở rộng khu vườn tâm hồn mình.

Tôi cho rằng vườn cây có sức ảnh hưởng rất lớn tới tình cảm và suy nghĩ của con người. Cuộc sống có vườn tược luôn ổn định, bình yên hơn. Nghe nói gần đây người ta cũng rất chuộng các “khu dân cư xanh” mỗi khi tìm mua nhà. Đây chính là bằng chứng cho thấy xã hội đang ngày càng coi trọng thiên nhiên cây cối. Xét về mặt này, có lẽ chùa là nơi được hưởng nhiều ưu đãi về địa thế nhất.

Tưới nước xong, tôi bắt tay vào làm cỏ. Một tháng trước vừa nhờ người tới giúp vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại, vườn cúc đã lại rậm rạp những cỏ là cỏ. Người ta bảo: “Cỏ chạy theo chân chủ ruộng” quả không sai. Trong sách nói rằng cỏ dại cần ánh sáng để nảy mầm và phát triển. Vì vậy, nhổ hết đám cỏ ở trên, đám hạt bên dưới lại được tiếp xúc với ánh mặt trời và lập tức cựa mình thức dậy. Nghề nông quả thực là cuộc đấu tranh không ngừng chống lại cỏ dại.

Nghe nói trong bài dân ca ở đảo Jeju có câu thế này: “Nhổ hoài nhổ mãi mà sao cỏ vẫn hoàn cỏ”. Quả thực nằm ở vị trí ngoài biển, đảo Jeju có độ ẩm cao và mùa mưa kéo dài hơn so với trong đất liền, thế nên cỏ cũng mọc nhanh gấp đôi. Vì vậy mà người ta mới hay than: “Đến chết vì cỏ dại mất thôi.” Chắc cũng bởi lẽ đó nên mẹ chồng mới hay để ruộng bùn lắm cỏ cho con dâu, còn ruộng khô ít cỏ cho con gái. Nhìn chung, dù ở ngoài đảo hay trong đất liền, cứ đến mùa hè là chẳng ngơi tay được với đám cỏ dại.

Ăn trưa xong, tôi dọn dẹp lại khu vực đã làm cỏ ban sáng. May là chiều có thêm người đến giúp nên công việc cũng nhẹ nhàng hơn. Vào những ngày cuối tuần, họ hay đến từ sớm để phụ giúp nên vườn năm nay gọn gàng, sạch sẽ hơn hẳn mọi năm. Giúp đỡ nhà chùa có nhiều cách, nhưng tôi nghĩ cuốc đất nhổ cỏ chính là việc làm tích lũy nhiều công đức nhất, bởi người thích ngắm hoa thì nhiều nhưng muốn cầm cuốc thì chẳng có mấy ai.

Dọn xong chỗ này sẽ lại muốn dọn tiếp chỗ kia, thế nên chẳng mấy chốc mà nơi nơi đều sạch sẽ. Đây có thể gọi là “hiệu ứng domino của việc dọn dẹp”. Giả sử bạn để chỗ ở của mình bừa bộn thì khu vực xung quanh chẳng mấy chốc cũng sẽ lộn xộn theo. Trái lại, nếu dọn dẹp ngăn nắp nơi mình ở thì đến cả nhà hàng xóm cũng sẽ tươm tất, sạch sẽ. Nghe nói từ sau khi người ta trồng hoa ở ngõ ngách trong làng, chuyện vứt rác bừa bãi đã hoàn toàn chấm dứt. Bãi đất trống để không sẽ thành bãi rác nhưng nếu trồng hoa thì nó sẽ trở thành vườn hoa, và khu vực xung quanh cũng được giữ gìn sạch sẽ. Dĩ nhiên ta không thể loại bỏ hoàn toàn cỏ dại trong vườn, nhưng nếu chăm làm cỏ thì vẫn có thể hạn chế tối đa sự phát triển của chúng.

Sau bữa tối, tôi tiếp tục tỉa cành cho cây mận và cây mơ tây. Vì chúng mọc cao quá nên tôi đã quyết đoán cắt bớt cành, coi như chỉnh lại dáng cây luôn. Giờ trông chúng sáng sủa như cậu học sinh vừa được cắt tóc gọn gàng. Nhờ tỉa bớt cành mà mấy bông đăng tiêu khuất sau cành mơ cũng có cơ hội ló mặt khoe sắc.

Có người nói làm vườn là “cách thiền tốt nhất”, ai gần gũi với hoa cỏ cây cối hẳn sẽ đồng ý ngay. Quả thực, lúc chạm tay vào đất ta sẽ chỉ tập trung vào công việc trước mắt, chẳng còn biết thời gian trôi đi như thế nào. Gần đây mới xuất hiện cụm từ “kkot-mung”, có nghĩa “làm tâm hồn trống rỗng bằng cách ngắm nhìn hoa”. Khi làm vườn, chúng ta sẽ được trải nghiệm thế nào là trạng thái tập trung hoàn toàn.
Hy vọng bạn cũng sẽ một lần thử thiền bằng cách cuốc đất, ngắm hoa.
——🌿💐🌿——-

NHÀ SƯ VÀ KHU VƯỜN – Lắng Nghe Giáo Lý Loài Hoa
Tác giả: Huyn Jin
Dịch giả: Hồng Hà
Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2024

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: