BIỆT GIÁO

SHARE:

  • Thứ đến, giảng minh về Biệt giáo. Giáo nghĩa này minh giải cảnh giới bên ngoài tam giới, dành riêng cho Bồ tát : giáo pháp, lý tắc, trí tuệ, đoạn trừ kiết sử, pháp hành, giai vị, nhân, quả vị. Khác hẵn với hai giáo [Tạng, Thông] trước, khác hẳn với Viên giáo ở sau, cho nên danh gọi là Biệt. Kinh Niết Bàn nói : “Nhân duyên hiện hữu của tứ đế có tướng không thể đo lường được, không phải hàng Thanh văn và Duyên giác có thể biết được”.

52 GIAI VỊ BỒ TÁT

Các kinh điển Đại thừa thường rộng giảng về Bồ tát nhiều kiếp tu hành, và thứ tự giai vị tu hành của các ngài. Những giảng giải này không tương nhiếp với nhau; đó cũng là điểm đặc biệt của Biệt giáo. [Như kinh Hoa Nghiêm giảng minh về Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng đối với bậc Hiền; với bậc Thánh thì nói Thập địa; với Phật thì nói Diệu giác. Kinh Anh Lạc minh giải về năm mươi hai giai vị [của bậc Bồ tát]. Còn kinh Kim Quang Minh thì chỉ nói đến Thập địa và Phật quả. Kinh Thắng Thiên Vương [Bát nhã] nói rõ Thập địa. Kinh Niết Bàn minh giải Ngũ hạnh.
Như vậy, các kinh thêm bớt không đồng nhau về giai vị, cho nên Bồ tát vượt ngoài tam giới tùy theo căn cơ mà được lợi ích. Cho nên làm sao mà chỉ có một định thuyết cho được? Tuy nhiên, không kinh nào có thể kể đầy đủ như Anh Lạc kinh. Cho nên, nay sẽ dựa vào kinh này mà lược giải về hành tướng của những giai vị mà Bồ tát phải trãi qua trong quá trình đoạn dứt và chứng đắc.
Năm mươi hai giai vị được chia thành bảy khoa ; đó là Tín, Trụ, Hành, Hướng, Địa, Đẳng, Diệu. Bảy khoa này lại còn phân làm hai: một phàm, một thánh. Ở phàm vị, có hai : Tín là ngoại phàm; còn Trụ, Hành, Hướng là nội phàm, cũng gọi là Hiền. Còn về thánh, cũng có hai: Thập địa và Đẳng giác làm Nhân, Diệu giác làm Quả. Đại khái phân chia như thế, bên sau sẽ giải thích tường tế hơn.

I. THẬP TÍN

Trước nói về Thập Tín : 1. Tín; 2. Niệm; 3. Tinh tấn; 4. Tuệ; 5. Định; 6. Bất thối; 7. Hồi Hướng; 8. Hộ pháp; 9. Giới; 10. Nguyện. Mười giai vị này điều phục kiến hoặc, tư hoặc và phiền não hoặc trong tam giới, cho nên có danh là Phục Nhẫn (thuộc ngoại phàm), cùng với bảy hiền vị của Tạng giáo và Càn tuệ, Tánh và Địa của Thông giáo giống nhau.

II. THẬP TRỤ

Kế đến nói về Thập trụ.
1. Phát tâm trụ (đoạn dứt kiến hoặc trong tam giới, cùng sơ quả của Tạng giáo và bát nhẫn cùng kiến địa của Thông giáo đồng nhau);”
2. Trị địa; 3. Tu hành; 4. Sanh quí; 5. Đầy đủ phương tiện; 6. Chánh tâm; 7. Bất thối (sáu trụ trên đây đoạn tư hoặc trong tam giới, đắc được giai vị bất thối, cùng với Phật quả của hai giáo Tạng và Thông đồng); 8. Đồng chơn; 9. Pháp vương tử; 10. Quán đảnh. ([Bồ tát] nơi ba trụ này đã đoạn dứt giới nội trần sa, và hàng phục giới ngoại trần sa. Hai giáo nghĩa trước, Tạng và Thông, đều không biết được danh mục của ba trụ này). Ba trụ này còn có danh gọi là Tập chủng tánh; bậc Bồ tát dùng nó để tùng theo Giả mà nhập Không quán thấy lý chân đế, khai mở tuệ nhãn thành nhất thiết trí, và du hành ba trăm do tuần.

II. THẬP HẠNH

Thứ đến, minh giải Thập hạnh: 1. Hoan hỉ; 2. Nhiêu ích; 3. Vô vi nghịch; 4. Vô quật nạo; 5. Vô si loạn; 6. Thiện hiện; 7. Vô trước; 8. Nan đắc; 9. Thiện pháp; 10. Chân thực. (10 hạnh này đoạn dứt các hoặc của giới ngoại trần sa). Mười hạnh này còn gọi Tánh chủng tánh. Bồ tát dùng chúng để từ Không mà nhập Giả, quán thấy tục đế, khai mở pháp nhãn thành Đạo chủng trí.

IV. THẬP HỒI HƯỚNG

Thứ nữa, minh giải Thập hồi hướng:
1. Cứu hộ chúng sanh xa lìa chúng sanh tướng;
2. Bất hoại;
3. Đồng đẳng với tất cả chư Phật;
4. Đến khắp tất cả mọi nơi;
5. Vô tận công đức tạng;
6. Nhập nhất thiết bình đẳng thiện căn;
7. Tuỳ thuận tất cả chúng sanh bình đẳng như nhau;
8. Chân như tướng;
9. Giải thoát không bị ràng buộc, không chấp trước;
10. Nhập pháp giới vô lượng.
(Bồ tát tu tập Thập hồi hướng này, sau khi hàng phục vô minh, tiến lên quán Trung đạo).” Thập hồi hướng này còn được gọi là Đạo chủng tánh; [Bồ tát] đi bốn trăm do tuần, cư trú nơi chỗ còn phương tiện hữu dư.
(Ba mươi giai vị trên đây là Ba tầng của bậc Hiền, cũng gọi là nội phàm; từ Bát trụ đến [Thập hồi hướng] này là giai vị Hành bất thối).

V. THẬP ĐỊA

Sau nữa, minh giải về Thập địa:
1. Hoan hỉ địa (bắt đầu từ đây, vị Bồ tát dùng pháp quán Trung đạo để diệt phá một phần vô minh và khai hiển một phần Tam đức, lần lần đến Đẳng giác. Tất cả đều gọi là Thánh chủng tánh”). Đây cũng là vị Kiến đạo, hoặc là giai vị không cần dụng công nữa. [Bồ tát ở địa này] thành Phật trong một trăm pháp giới; thành đạo qua tám tướng, làm lợi ích cho chúng sanh; đi năm trăm do tuần, bắt đầu nhập Thực báo vô chướng ngại thổ; bắt đầu nhập Bảo sở.
2. Ly cấu địa; 3. Phát quang địa; 4. Diễm tuệ địa; 5. Nan thắng địa; 6. Hiện tiền địa; 7. Viễn hành địa; 8. Bất động địa; 9. Thiện tuệ địa; 10. Pháp vân địa. (Mỗi một trong chín địa trên này đoạn nhất phẩm vô minh, chứng nhất phần Trung đạo).

VI. ĐẲNG GIÁC VÀ DIỆU GIÁC

Lại nữa, khi vị Bồ tát đoạn nhất phẩm [vô minh] thì nhập Đẳng giác vị, cũng gọi là Kim cang tâm, cùng là Nhất sanh bổ xứ, cũng là Hữu thượng sĩ. Ngoài ra, khi phá nhất phẩm vô minh thì nhập Diệu giác vị, ngồi trên tòa [sen] dưới cội bồ đề bảy báu, trong tòa Đại bảo hoa vương của thế giới Liên hoa tạng,” thị hiện báo thân viên mãn. Đây là lúc Đức Phật vì hàng Bồ tát độn căn mà chuyển bánh xe pháp về Tứ đế không thể đo lường.
Một số kinh luận cho rằng từ thất địa về trước có tên là Công dụng đạo, từ bát địa về sau là Vô công dụng đạo. Nơi giai vị Diệu giác, Bồ tát chỉ còn cần phá nhất phẩm vô minh mà thôi. Tóm lại, đó là sơ lược về nghĩa thuyết của Biệt giáo.
Cũng có nơi cho rằng ở Sơ địa thì đoạn dứt kiến hoặc; từ nhị địa cho đến lục địa thì đoạn dứt tư hoặc, cùng với quả A La Hán đồng. Đấy là mượn danh vị [địa] của Biệt giáo để mà nói về giai vị trong Thông giáo [tức A-la-hán]. Có chỗ nói rằng phần trụ của Tam hiền và Thập thánh là trong địa của Quả báo, duy chỉ có Phật là trú cõi Tịnh độ. Đấy là mượn danh vị của Biệt giáo để minh giải giai vị trong Viên giáo.
Có nhiều loại phán giáo khác nhau như thế. Cho nên, hành giả cần phải biết tường tận về những giai vị đoạn dứt các hoặc và chứng đắc chân lý, cho đến giai vị nào, đoạn được hoặc nào, chứng được lý tắc nào, của mỗi giáo nghĩa. Như vậy, mới có thể phán định các giáo nghĩa, các giai vị, và không gì là không thông đạt.
Lược giải về Biệt giáo đã xong.

🌺💦🍀🌺💦
THIÊN THAI TỨ GIÁO NGHI
Tuệ Hạnh dịch – NXB Phương Đông

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: