SHARE:
Mặc dù nhiều người có xu hướng nghĩ rằng cơ thể và tâm trí là các thực thể riêng biệt, có rất nhiều bằng chứng ủng hộ thực tế rằng sức khỏe thể chất và tâm thần kết nối với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người hạnh phúc có khả năng sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và ít trải nghiệm lo âu, căng thẳng và trầm cảm. Tuy nhiên, thông tin này chỉ có ích nếu chúng ta biết cách xử lý những áp lực và căng thẳng mà ta phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày để trở thành những người hạnh phúc, khỏe mạnh như mong muốn.
Vấn đề của nhiều người trong chúng ta hiện nay chính là đáp ứng căng thẳng thường bị kích hoạt bởi suy nghĩ và phản ứng của ta trong những tình huống mà, dù ta không hề ở trong tình trạng nguy hiểm thể chất, cơ thể đáp lại như thể chúng ta đang như vậy. Khi tổ tiên chúng ta bị căng thẳng, đó là trong các tình huống họ cần chiến đấu hoặc chạy trốn và họ sử dụng năng lượng tăng thêm để đáp ứng căng thẳng. Họ chiến đấu với hổ răng kiếm hoặc chạy trốn, và một khi nguy hiểm đã qua, họ trở lại trạng thái thư giãn hơn.
Ngày nay, mọi người cảm thấy căng thẳng vì những việc như kẹt xe tắc đường, thi cử, bị sa thải, sắp đến thời hạn và các tình huống họ cảm thấy bị quá tải và không thể đương đầu. Đây là những tình huống mà chiến đấu hoặc chạy trốn không phải giải pháp thích hợp, và phản ứng với căng thẳng có thể khiến tình hình tồi tệ hơn. Chúng ta thậm chí không cần phải ở trong tình huống khó khăn vì loài người hiện đại có khả năng sử dụng trí tưởng tượng, khác với tổ tiên của chúng ta. Ta có thể ở nơi an toàn như nằm trên giường vào ban đêm, nhưng bằng cách nghĩ nhiều về quá khứ hay tưởng tượng những tình huống có thể xảy ra trong tương lai, chúng ta có thể kích hoạt đáp ứng căng thẳng.
Uớc tính 90% các trường hợp đến gặp bác sĩ có liên quan đến căng thẳng. Gần như tất cả những người tôi gặp khi thực hiện liệu pháp thôi miên chịu đựng các triệu chứng của căng thẳng và lo lắng dưới một số dạng, thậm chí nếu như vấn đề họ đang trình bày là về một chuyện gì khác. Căng thẳng được gọi là lời nguyền trong cuộc sống hiện đại; điều này phổ biến đến mức tôi nghĩ rằng mọi người chấp nhận chúng như một thứ không tránh được.
Chúng ta có thể không tránh khỏi tất cả các tình huống căng thẳng, nhưng bằng cách hiểu hơn về phản ứng sinh học và tâm lý, ta có thể học cách đương đầu tốt hơn và lên kế hoạch cho thời gian phục hồi của mình. Chúng ta có thể bảo vệ bản thân tránh các hậu quả tiêu cực từ căng thẳng chồng chất, nhưng trước tiên phải có thông tin đúng đắn, và thật hữu ích khi có những kiến thức cơ bản về cách hệ thần kinh tự chủ (autonomic nervous system – ANS) của chúng ta hoạt động như thế nào.
😄 Hiểu Về Đáp Ứng Căng Thẳng
Trước khi học Thôi miên trị liệu tại trường đại học, tôi không chắc mình đã bao giờ nghe về hệ thần kinh tự chủ (ANS) chưa, và tôi chắc chắn không biết ANS đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe thể chất và tâm lý của chúng ta. ANS là một phần của hệ thần kinh trung ương, mạng lưới các dây thần kinh gửi thông tin từ não đến các cơ quan trong cơ thể. ANS có trách nhiệm duy trì các chức năng vô thức của cơ thể như nhịp tim, tiêu hóa, hô hấp, tiết nước bọt và đổ mồ hôi. Hệ thống này được chia thành hai phần: hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh đối giao cảm. Những hệ thống này đều tự động, nên bạn luôn ở trạng thái này hoặc khác, việc chuyển đổi qua lại giữa hai trạng thái cũng bình thường, tùy thuộc vào mức độ hoạt động của bạn.
Hệ thần kinh giao cảm chiếm quyền kiểm soát khi chúng ta hoạt động và sử dụng năng lượng, và từ nơi này các đáp ứng căng thẳng của chúng ta được kích hoạt cho phép ta chiến đấu hoặc trốn chạy trong tình huống khẩn cấp. Điều này dẫn đến việc sản sinh các kích thích tố đặc biệt như cortisol và adrenaline (epinephrine) và làm tăng nhịp tim và huyết áp, đưa ôxy và đường huyết đến các cơ được dùng khi chiến đấu hay trốn chạy. Hiện tượng này được định nghĩa là căng thẳng cấp tính, một trạng thái vật lý ngắn hạn, tạm thời, được tiếp nối bằng đáp ứng thư giãn, cho phép hệ thần kinh đối giao cảm thay thế. Các đáp ứng thư giãn xảy ra ngay sau khi chúng ta không còn nhận thấy bất cứ nguy hiểm nào và ANS quay lại trạng thái bình thường.
Hệ thần kinh đối giao cảm trở nên chiếm ưu thế khi chúng ta không cần phải hoạt động và cung cấp môi trường cho phép cơ thể có thể phục hồi và nghỉ ngơi và tiêu hóa. Các hệ thống này làm việc cùng nhau để giữ cho cơ thể ở trạng thái cân bằng, gọi là cân bằng nội môi. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh khi cơ thể liên tục ở trong trạng thái kích thích do nhận thức nguy hiểm, và việc thường xuyên kích hoạt đáp ứng căng thẳng cũng đồng nghĩa với việc không kích hoạt đáp ứng thư giãn. Hậu quả là, việc sản xuất quá nhiều cortisol trong máu có tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch của chúng ta; hệ này có thể trở nên bị ức chế khiến ta khó chống lại sự nhiễm trùng và trở nên nhạy cảm hơn với bệnh tật. Cortisol cũng liên quan đến tăng cân, đặc biệt ở vùng bụng, gây khó ngủ và rối loạn đường huyết. Còn có thể có các tác dụng bất lợi trên hệ tiêu hóa và da. Nhiều người chịu đựng các tình trạng như hội chứng ruột kích thích (IBS), tăng cân, khó ngủ và họ liên tục và cảm lạnh đều có thể do họ đang chịu đựng các triệu chứng do căng thẳng mãn tính gây ra. Căng thẳng mãn tính lâu dài có thể dẫn đến bệnh tim mạch, cao huyết áp và gây đau như đau cơ xơ, bệnh tiểu đường và vô sinh.
😄 Vai Trò Của Tập Thể Dục
Có thân hình đẹp không nhất thiết nghĩa là bạn hoàn toàn khỏe mạnh: tập thể dục thường xuyên và ăn uống đúng cách tăng sức đề kháng chống lại căng thẳng của bạn, nhưng chỉ có sức khỏe tim mạch thôi thì chưa đủ. Tôi đề cập đến điều này vì đã gặp những người thường xuyên đến phòng tập thể dục và kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể, nhưng họ làm một cách quá mức và gây hại cho sức khỏe tổng thể. Khi tập trung động lực tập thể dục vào việc duy trì cơ bắp, tốc độ hoặc quãng đường bạn có thể chạy hoặc hình thể, bạn sẽ dễ bỏ qua các nhu cầu khác của cơ thể và vô tình đặt cơ thể vào trạng thái căng thẳng. Nói một cách đơn giản, nếu bạn không dành đủ thời gian cho cả trạng thái thần kinh giao cảm lẫn đối giao cảm thì cuối cùng bạn sẽ hứng chịu một số tác dụng phụ. Mặc dù có thể ở lâu trong trạng thái thần kinh đối giao cảm, xu hướng là hầu hết mọi người dành quá nhiều thời gian ở trong trạng thái thần kinh giao cảm.
😄Dịch Bệnh Cười
Năm 1962, từng bùng phát sự lan truyền dịch bệnh cười ở Tanzania (trước đây gọi là Tanganyika). Mọi việc bắt đầu khi một nhóm nữ sinh ở độ tuổi từ 12 đến 18 bắt đầu cười và dường như ‘lây nhiễm’ cho những người tiếp xúc với họ. Cười lây lan nghiêm trọng đến mức các trường học bị đóng cửa. Có đến 1.000 người được báo cáo đã bị ảnh hưởng. Sự bùng phát của rối loạn cười tiếp tục tác động đến mọi người trong khoảng thời gian hơn hai năm.
——-🙂😄🙂——-
YOGA CƯỜI – CƯỜI ĐỂ SỐNG AN VUI VÀ KHỎE MẠNH
Vũ Bình Minh dịch
NXB Trẻ, in lần hai 2020
Post: Tâm Ngọc Đồng Minh
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS