DIỄN ĐÀN THIỆN TRI THỨC

  Diễn đàn Thiện Tri Thức này được thực hiện thay cho mục Hỏi Đáp nhằm mục đích tạo cho các bạn đọc giả gần xa có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề nan giải trong đời sống cũng như trong các thực hành tu học. Cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý và hầu giúp nhau điều chỉnh để có một nhận thức đúng. Với tiêu chí đó, xin mời các bạn đặt những câu hỏi, và thảo luận thiết thực về những khó khăn mà mình gặp phải trong đời sống cũng như trong thực hành tu học của mình. Nên tránh những câu hỏi có tính thách đố, rắc rối, xa vời không thiết thực vì điều đó có thể làm phiền tới tất cả những đọc giả khác. 

    Để tham gia đặt câu hỏi, mời các bạn click vào nút “Viết bài chia sẻ, đặt câu hỏi” bên dưới để đăng ký hoặc đăng nhập sau đó đăng bài, chủ đề … cần trao đổi, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên Diễn đàn trong thời gian sớm nhất. 

Trân trọng.

Trong tham thiền, n...
 
Notifications
Clear all

Trong tham thiền, như thế nào và làm thế nào biết tâm mình đang an định?

thientrithuc
(@thientrithucs)
Thành Viên Admin

Trong tham thiền, như thế nào và làm thế nào biết tâm mình đang an định? Xin thientrithuc giải đáp?

Trích dẫn
Topic starter Đã đăng : 14/09/2021 12:39 chiều
thientrithuc
(@thientrithucs)
Thành Viên Admin

Trả lời:

Bạn thân mến, an định tâm là bước đầu tiên và cũng là bước quyết định thay đổi cuộc đời tu của một hành giả tu thiền, nó cũng là động lực thúc đẩy việc thực hành của chúng ta không biết mệt mỏi nhằm vượt qua những trở ngại như lười biếng, e ngại trong tu tập; vì tâm an định là một kinh nghiệm thật nhất, dễ chịu nhất mà lần đầu chúng ta tiếp cận được nơi tâm của mình trong tu hành, ngoài ra nó cũng gây cảm hứng rất lớn trong các pháp tu khác như trì chú hay niệm Phật hoặc các thực hành tâm linh khác.
Để khỏi lạc vào những cái thấy xuất thần khi tâm an định (khi đó, chúng ta sẽ dễ bị nhầm lẫn mục đích chính của người tu hành Phật giáo là gì); cho nên, chúng ta phải có một định hướng đúng trong con đường tu.
Định hướng như thế nào? Tu hành mục đích chính và cũng là nền tảng cho các pháp là trí tuệ và từ bi. Cho nên, an định tâm với một hành giả phải là an định tâm đúng. Định để sanh tuệ, hay ngay khi định phải có tuệ.
Mọi trạng thái định tâm mà không có huệ, không phải là định trong huệ; thì chỉ là đột biến tạm thời chứ không phải là lối thoát, không nên coi đây là cứu cánh rồi công phu để gìn giữ và duy trì trạng thái này. Nếu hành giả công phu mà gặp định tâm không có huệ, thì phải khởi tâm quán sát hiện trạng này. Làm cho tâm năng động trở lại để huân bình tâm thức, tâm an nhưng tâm phải sáng.
Định tâm là môt bước lớn trong con đường tu hành của một hành giả nhưng định tâm cũng là một cái bẫy. Nếu chúng ta tự tu, tự hành mà không có một vị thầy dẫn dắt, khi hành giả có được định tâm nhưng tâm không sáng tỏ; chúng ta sẽ tốn nhiều công sức để vun đắp định tâm thiếu huệ này (vì tưởng đó là tâm giải thoát). Kết quả chúng ta sẽ là một người quên đầu quên đuôi, dễ nổi nóng, cố chấp, muốn yên thân, lãnh đạm với cuộc sống…và chúng ta sẽ bị lệ thuộc vào lối sống này. Người tu suốt ngày cứ canh cánh giữ cho mình định tâm. Cho nên định tâm là một chuyển biến tốt; không khéo, nếu ta cố chấp và kềm giữ nó, lâu ngày thành quen chúng ta bị mắc vào nó như một con thú mê mồi mà bị mắc bẫy.

Định tâm đúng là định huệ đồng thời. Lục Tổ dạy: “Định và huệ là một thể, chẳng phải là hai. Định là thể của huệ, huệ là dụng của định, ngay lúc huệ thì định ở trong huệ, ngay lúc định thì huệ ở trong định. Nếu biết nghĩa đây tức là định huệ đồng học.”
Chúng ta để ý lời dạy này mà thực hành trong hành trì, vì khi tâm an định là tâm dứt đi các tư tưởng. Người xưa dạy: “Dứt đường ngôn ngữ, bặt chỗ tâm hành”. Tuy nhiên đường ngôn ngữ dứt bặt chỗ tâm hành không có nghĩa là tâm trống không, không ngơ. Mà lúc này tâm trở về bản vị nền tảng của nó, tức là tâm trống không các tư tưởng nhưng tâm hoàn toàn sáng tỏ.
Vì vậy, chúng ta phải chú ý, dù tâm bạn có an định cho đến đâu, đến mức độ nào; bạn cũng đừng quên mình trong định mà phải có sự sáng tỏ khi tâm an định. Đây là nghĩa ngay lúc định thì huệ ở trong định. Có nghĩa là tâm bạn càng an định, bạn không buông trôi theo sự an định này mà tâm càng an thì tâm càng sáng, bạn có đủ định và huệ trong thực hành là bạn đã có một tâm an định đúng không bị lạc vào các tầng định để rồi đánh mất trí tuệ của mình; mà trí tuệ chính là mục đích của người tu (“Duy tuệ thị nghiệp”).

Một yếu tố nữa mà các hành giả hay bị đánh lừa là cảm giác lạc xảy ra trong an định, họ chỉ chú ý vào cảm thọ khi tâm an định. Những thói quen của cảm nhận lệch lạc làm ngăn trở chúng ta quên đi mục đích ban đầu của mình và chúng ta không thể tiến tu được, mặc dù cơ hội đã đến nhưng chúng ta lại dính mắc vào cơ hội này mà không nhân đó nhận biết khả năng tỉnh giác của tâm khi an định là rất sáng tỏ.

Có rất nhiều dạng an định như: an định trong hơi thở, an định trong đề mục; khi tâm an định ở mức độ nào đó sẽ sinh ra các tướng lạ…tất cả những lối định đó đều là bước chuẩn bị để tu bước tiếp theo là tu quán. Tức là khi tâm chúng ta tạm thời thoát khỏi sự xao động của tư tưởng, nhưng chúng ta không phải rơi vào một trạng thái không ngơ; mà từ đây, phải khởi quán để thấy được trong an định có trí tuệ. Người xưa hay nói “Định sinh tuệ”. 
Vì vậy, chúng ta lúc nào trong công phu cũng không rời cái biết đang cùng hiện diện qua các cung bậc của tâm, cái biết đó là sự Chánh niệm tỉnh giác, đừng bao giờ quên sợi dây xuyên suốt và cốt lõi này trong tu hành của mình. Phải thường xuyên đánh thức sự quan sát này trong thực tập thiền, và các thực tập khác như trì chú, niệm Phật, tụng kinh… đưa tới an định tâm.

Để đánh giá bạn có phải an định tâm đúng như lời của Lục Tổ dạy hay không. Có một thực tế không chối cãi là người tu định đúng sẽ có hậu thiền định.
Hậu thiền định là như thế nào?
Khi tâm bạn an định tâm rỗng lặng nhưng sáng tỏ. Bạn cảm nhận được điều đó khi sau một buổi ngồi thiền, trì chú, niệm Phật hay tụng kinh, hoặc các hoạt động khác làm cho tâm tập trung liên tục; và khi thật sự an định sẽ có hậu thiền định.
Làm sao để có hậu thiền định? Khi bạn có định tâm và bạn biết thư giãn nó. Thư giãn là sự cởi mở với chính mình, là sự không chấp giữ, đó là bạn không an trụ kể cả chấp giữ mức độ hoàn hảo nhất như an định tâm đúng mà chúng ta đề cập. Bạn không cố an trú hay tham đắm nó tức là phần sáng tỏ sẽ được thông lưu, và sáng tỏ và rỗng rang của tâm là một cho nên sự cởi mở này sinh ra hậu thiền định. Đây là ý nghĩa lời dạy của Lục Tổ “Đạo vốn thông lưu chớ không trệ ngại”. (Khi ngài đánh thức những đệ tử mê đắm vào thiền định.)
Hậu thiền định rõ ràng nhất ở đây diễn ra khi chúng ta định tâm đúng trong một thời ngồi thiền. Một hành giả chỉ cần ngồi thiền an định đúng trong nữa giờ là có thể sống một ngày trong đó có phản phất của cái thấy rỗng rang sáng tỏ này. Hậu thiền định mạnh thì cuộc sống của chúng ta đang hoạt dụng không khác tâm đang thiền định (động và tịnh hợp nhất). Và đó là cơ hội để cho người này nhận ra sự an định nhỏ trong công phu (tịnh quang con) bắt gặp sự an định lớn (tịnh quang mẹ) điều mà Lục Tổ Huệ Năng gọi là “Tự tánh tự tịnh tự định”. Các pháp xưa nay vốn đã an định.
Khi chúng ta thường có an định tâm đúng chúng ta sẽ có hậu thiền định. Và chúng ta lập lại điều này nhiều lần chúng ta sẽ phát hiện ra “Tự tánh tự tịnh tự định”. Hay như trong Phật giáo Tây Tạng gọi là “Tịnh quang con được hòa nhập với tịnh quang mẹ”.
Từ đây, việc tham thiền của chúng ta sẽ có một nâng cấp mới, chúng ta có một cái nhìn tự tin vì đã xác quyết được thực tánh của tâm nhờ an định nơi định huệ đồng thời. Và, chỉ cần nhớ lại là chúng ta đang ở trong sự an định lớn của các pháp. Khi thường nhớ và làm quen với nó là công phu, hay còn gọi là “Tu cái không tu”.Trong Đại Toàn Thiện gọi là: cái thấy, thiền định, và hạnh. Sự tiếp cận này cũng gọi là tu hành Đại Ấn.

Tóm lại, con đường chúng ta tu rất rõ ràng. Điều chính yếu trong việc tu hành của chúng ta là làm sao để có một khởi điểm đúng; tức là, muốn tu hành giải thoát thì nhân ban đầu phải là nhân giải thoát. Nhân đó chính là định tâm đúng. Hay định huệ đồng thời.
Việc thực hành để được định tâm đúng này chúng ta luôn luôn nhớ lời dạy của Lục Tổ: “khi định thì huệ ở trong định, khi huệ thì định ở trong huệ”, còn phương pháp thì tùy theo thiện căn của chúng ta; chúng ta thích ngồi thiền, trì chú, tụng kinh, niệm phật, quán tưởng…gì cũng được. Nhưng với một yêu cầu phải biết quân bình định và huệ, hay nói một cách tương đối hơn chúng ta phải biết khi tâm an thì tâm phải sáng, khi tâm sáng thì tâm phải không động. Chúng ta thực hành đúng như vậy chúng ta sẽ có an định tâm đúng, chỉ cần chạm được an định tâm đúng chúng ta đã thành công lớn vì chúng ta sẽ bảo đảm không bị lạc đường.

Nói xa thêm một chút, bạn hãy xem ngay khi bạn khởi đầu tu, căn tánh của bạn là thiên về định nhiều hay là thiên về quán nhiều?
Những người tánh tình cởi mở, rộng lượng, sống vì người khác, có tham gia hoạt động công ích trong xã hội; người này lúc thực hành khi an định tâm sẽ rất dễ có cả định lẫn huệ. Định nhưng rất sáng, năng động.
Những người nghiêm chỉnh, nhưng ít cởi mở, nghiêm túc nhưng thiếu hoạt bát, thích sòng phẳng thì người này dễ định tâm sâu nhưng lại gặp trở ngại là không mở sự an định ra được.
Hãy tập sống cởi mở, phần lớn thành công của người tu hành Phật giáo nằm trong tâm biết sống vì người này, đó chính là từ bi mà chúng ta đã đề cập trước đây. Bạn không có lòng bi, hay sự quan tâm tới mọi người cũng là bạn không biết thương chính mình, bạn sẽ gặp khó khăn ở giai đoạn tịnh quang con hòa nhập vào tịnh quang mẹ. Cái thấy của bạn không hòa nhập vào các pháp, bạn chỉ thấy bạn giải thoát mà không thấy tất cả đồng một vị giải thoát; Vì vậy, hãy tập sống cởi mở quan tâm tới mọi người, đó là điều có ích cho bạn và cho mọi người. Tính cởi mở và biết sống vì người khiến chúng ta dễ quên cái tôi nhỏ bé của mình, mà quên cái tôi này chúng ta mới hòa vào sự hiện diện thường hằng, toàn khắp của Đạo được.
Chúng ta biết điều này để chúng ta tập sống bù lại những thiếu sót của mình; như vậy, chúng ta sẽ có một sự tiếp cận với tánh giác dễ dàng hơn và tầm cỡ của sự tiếp cận này sẽ hoàn toàn hơn.
Những chia sẽ này chắc làm hài lòng bạn. Chào bạn.

Trả lờiTrích dẫn
Topic starter Đã đăng : 14/09/2021 12:40 chiều
Chia sẻ: