DIỄN ĐÀN THIỆN TRI THỨC

  Diễn đàn Thiện Tri Thức này được thực hiện thay cho mục Hỏi Đáp nhằm mục đích tạo cho các bạn đọc giả gần xa có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề nan giải trong đời sống cũng như trong các thực hành tu học. Cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý và hầu giúp nhau điều chỉnh để có một nhận thức đúng. Với tiêu chí đó, xin mời các bạn đặt những câu hỏi, và thảo luận thiết thực về những khó khăn mà mình gặp phải trong đời sống cũng như trong thực hành tu học của mình. Nên tránh những câu hỏi có tính thách đố, rắc rối, xa vời không thiết thực vì điều đó có thể làm phiền tới tất cả những đọc giả khác. 

    Để tham gia đặt câu hỏi, mời các bạn click vào nút “Viết bài chia sẻ, đặt câu hỏi” bên dưới để đăng ký hoặc đăng nhập sau đó đăng bài, chủ đề … cần trao đổi, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên Diễn đàn trong thời gian sớm nhất. 

Trân trọng.

Tỉnh thức là không ...
 
Notifications
Clear all

Tỉnh thức là không có tư tưởng hay cả khi đang tư tưởng?

thientrithuc
(@thientrithucs)
Thành Viên Admin

Thientrithuc, tôi có một thắc mắc.
Có người chỉ ra: khi tâm an định, tâm tỉnh thức sáng tỏ thì tâm sẽ vắng bặt mọi tư tưởng. Nhưng chỗ khác trong quyển: Những Kho Tàng Từ Đỉnh Cây Tùng Xù, nxb Thiện Tri Thức, thì: “Tỉnh thức không có tư tưởng là trực tiếp hiện diện khi đang tư tưởng..” Tôi có ý phân vân giữa ý trong sách và ý chỉ ra ở trước. Nhờ Thientrithuc giải thích cho tôi được thông suốt.

Trích dẫn
Topic starter Đã đăng : 14/09/2021 1:07 chiều
thientrithuc
(@thientrithucs)
Thành Viên Admin

Trả lời:

Bạn thân mến hai cách thức hiện diện, đều là tỉnh thức, nhưng trên con đường tu tập để dễ cảm nhận người xưa thường khai thị khi tâm không có tư tưởng, vì vậy mới có cách nói: “Giải thoát giữa hai tư tưởng” hay “Đường ngôn ngữ dứt, bặt chỗ tâm hành”nhằm để chỉ ra sự hiện diện của tâm rỗng rang thanh tịnh và sáng tỏ.
Đó cũng là biểu hiện của tỉnh thức nhưng phạm vi của nó là không có tư tưởng và khi đã nhận diện thuần thục với trạng thái này rồi, chúng ta thư giản không còn an trú trong tỉnh thức không có tư tưởng nữa; khi đó tư tưởng sẽ khởi lên, chúng ta quán sát để nhận ra tỉnh thức khi đang tư tưởng.
Đây là một bài thực tập khá quan trọng trong kinh nghiệm tham thiền của mình, nhờ vào lời khai thị của Ngài Padmasambhava, chúng ta mới có một cái nhìn thoáng hơn trong thực hành. Nếu không biết lời khai thị này chúng ta sẽ có khuynh hướng an trú trong tỉnh thức không có tư tưởng. Đây là con đường hẹp, tâm chúng ta chỉ giải thoát chừng đó. Chúng ta không giải quyết phần còn lại là tâm giải thoát khi đang tư tưởng, và rộng hơn: cả các hình tướng cũng giải thoát nhờ vào cách chứng nghiệm được sự tỉnh thức khi tâm đang tư tưởng này.
Để cho bạn có niềm tin hơn, trong Pháp Bảo Đàn Kinh Lục Tổ dạy: “Vô niệm là nơi niệm mà Vô niệm”. Chữ Vô niệm và tỉnh thức dùng ở đây đều chỉ về tâm giải thoát. Cho nên ngài Lục Tổ dạy cũng không khác ngài Padmasambhava. Tức là Vô niệm ngay cả khi có niệm.

Sự tỉnh thức, chúng ta hãy chú ý tới phương diện này của tâm.  Khi chúng ta quan sát tâm thường xuyên và trực tiếp vào, nếu tinh ý chúng ta sẽ nhận ra tỉnh thức không bao giờ thiếu vắng trong mọi hoạt dụng của tâm. Khi tâm không có tư tưởng tâm hoàn toàn tỉnh thức, khi tâm hiện diện lúc có hình tướng, lúc có tư tưởng thì đồng thời tỉnh thức hiện diện.
Trong cái thấy này, nếu nó còn phân hai giữa nhận thức và đối tượng nhận thức thì đó không phải là tỉnh thức thật sự, mà là cách nhìn của một con người đang sống trong thế giới nhị nguyên sanh tử.
Còn như mọi tư tưởng, mọi hình tướng diễn ra trong sự hiện diện của tỉnh thức hay Vô niệm luôn là không gian của tâm thì đó là giải thoát, dầu có hay không có tư tưởng, có hay không có hình tướng.
Không gian tỉnh thức, hay Vô niệm luôn luôn có mặt nhưng vì chúng ta chạy theo tư tưởng và các hình tướng mà không nhận biết sự hiện diện vốn sẵn này.

Phải thực hành và chiêm nghiệm trực tiếp nơi tâm của mình, ngày nào đó bạn sẽ phát hiện được điều này. Chào bạn.

 
Trả lờiTrích dẫn
Topic starter Đã đăng : 14/09/2021 1:08 chiều
Chia sẻ: