DIỄN ĐÀN THIỆN TRI THỨC

  Diễn đàn Thiện Tri Thức này được thực hiện thay cho mục Hỏi Đáp nhằm mục đích tạo cho các bạn đọc giả gần xa có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề nan giải trong đời sống cũng như trong các thực hành tu học. Cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý và hầu giúp nhau điều chỉnh để có một nhận thức đúng. Với tiêu chí đó, xin mời các bạn đặt những câu hỏi, và thảo luận thiết thực về những khó khăn mà mình gặp phải trong đời sống cũng như trong thực hành tu học của mình. Nên tránh những câu hỏi có tính thách đố, rắc rối, xa vời không thiết thực vì điều đó có thể làm phiền tới tất cả những đọc giả khác. 

    Để tham gia đặt câu hỏi, mời các bạn click vào nút “Viết bài chia sẻ, đặt câu hỏi” bên dưới để đăng ký hoặc đăng nhập sau đó đăng bài, chủ đề … cần trao đổi, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên Diễn đàn trong thời gian sớm nhất. 

Trân trọng.

Tâm, Ý và Thức khác...
 
Notifications
Clear all

Tâm, Ý và Thức khác nhau như thế nào?

thientrithuc
(@thientrithucs)
Thành Viên Admin

Tâm, Ý và Thức khác nhau như thế nào? Nhờ Thientrithuc phân tích cho tôi được rõ. Cảm ơn nhiều.

Trích dẫn
Topic starter Đã đăng : 13/09/2021 4:10 chiều
thientrithuc
(@thientrithucs)
Thành Viên Admin

Trả lời:

Tâm, Ý và Thức để chỉ ba biểu hiện của một tâm từ sâu đến cạn thientrithuc xin trích lược trong Duy Thức Tam Thập Tụng Lược Giải của thầy Thích Trí Châu vì muốn rõ ràng và đầy đủ nên đoạn trích để trả lời khá dài nhưng nếu chịu khó đọc hết bạn sẽ thấy lý thú khi hiểu ra thực chất Tâm, Ý và Thức là như thế nào.

Thứ nhất là tâm còn gọi là Thức sơ biến:
“Tâm có ba đặc tánh và tùy theo mỗi đặc tánh mà có các tên gọi khác nhau: A lại da thức, Dị thục thức và Nhất thiết chủng thức.
A lại da là âm của tiếng Phạn Alaya, có nghĩa là cái kho mà tiếng Hán Việt gọi là tàng. Gọi thức sơ năng biến là A lại da thức là muốn nói đến cái công năng chứa đựng và tích lũy của nó. Tất cả mọi chủng tử và hiện hành đều được chứa trong A lại da thức. Các chủng tử và hiện hành này do mê vọng chuyển hiện ra, sau đó lại tự làm nhân duyên cho nhau mà chuyển biến ra muôn loại chủng tử và hiện hành khác. Các chủng tử và hiện hành này cứ như thế, như thế trùng trùng duyên khởi mà phát triển thành vô lượng, đủ loại mọi hạt giống, xấu có, tốt có và có cả loại không xấu lẫn không tốt.
 
Nhất thiết chủng là muốn nói đến đủ mọi hạt giống chủng tử đều được chứa đựng trong tàng thức. Các chủng tử này gồm đủ loại, sanh tử và niết bàn, mê ngộ và khổ vui. Có những chủng tử sẵn có từ thời vô thủy, có những chủng tử đang được huân tập, chuyển biến và có cả những chủng tử đã và đang bị hủy diệt. A lại da thức ví như mảnh đất trong đó đủ mọi hạt giống được vun trồng. Tất cả các pháp hiện hành trong thế gian và xuất thế gian đều có chủng tử tiềm tàng trong A lại da thức nên thức này còn được gọi là Nhất thiết chủng thức.
 
Dị thục là muốn nói đến sự chuyển biến và hiện khởi ra chúng sanh và quốc độ của thức sơ năng biến, đòi hỏi phải có một thời gian để các chủng tử hội đủ được các điều kiện nhân duyên để chín mùi. Các chủng tử trong A lai da thức khi thuận duyên thì hòa hợp với nhau rồi huân tập và tăng trưởng lên. Huân nghĩa là xông ướp, là hun đúc, tập là nhóm hợp lại, tỷ như trà mạn sen là trà đã được xông ướp bằng hương thơm của hoa sen, mùi trà đã hợp lại với mùi thơm của hoa sen nên trà mạn sen lúc nào cũng có hương vị của sen. Các chủng tử được huân tập là các chủng tử được xông ướp trong một thời gian nào đó để cho các đặc tính của chúng hợp lại và thẩm thấu vào nhau. Nếu ví chủng tử như hạt giống thì sự huân tập được hiểu theo nghĩa là hạt giống được luôn luôn tưới bón cho đến khi thuần thục thì nẩy mầm và tăng trưởng thành cây nhánh và hoa trái. Nếu ví như bức tranh thì sự huân tập ví như các mầu sắc cứ được tô điểm lên hình vẽ cho đến khi nó trở thành một bức tranh có mầu sắc và ý nghĩa.
A Lại Da thức có khả năng tiếp nhận, duy trì và làm các hạt giống chủng tử tăng trưởng, chuyển biến dị thục cho đến khi có đầy đủ nhân duyên thuần thục chín mùi thì hiện khởi ra căn thân và thế giới.
Căn thân là quả dị thục của các chủng tử biệt nghiệp nơi mỗi chúng sanh, còn được gọi là Chánh Báo. Căn thân gồm hai phần là danh và sắc. Danh là tâm thức bao gồm cả bốn uẩn thọ, tưởng, hành và thức. Sắc là thân xác thô kệch, là sự kết hợp của tứ đại đất, nước, gió, lửa, với các lục phủ ngũ tạng và phù trần căn.
Thế giới hay là quốc độ là quả dị thục của các chủng tử cộng nghiệp nơi các chúng sanh. Thế giới là Y Báo, là nơi mà chánh báo nương tựa để sinh sống. Nếu chánh báo là người thì y báo là đất đai, nhà cửa, sông núi, cây cối, là tất cả các cảnh giới và tất cả các loài chúng sanh khác cần thiết cho sự hiện hữu và sinh tồn của con người trên trái đất này.
Tùy theo nghiệp lực mà mỗi chúng sanh đắc được một thân căn nào đó trong tam giới cửu địa.”
 
Kế đến là Ý: Còn gọi là thức năng biến thứ hai.
Thức năng biến thứ hai được gọi là Mạt na thức vì mạt na do tiếng Phạn là manas có nghĩa là tư lương tức là suy nghĩ, cân nhắc và so đo. Tiếng Hán Việt gọi là Tư lương thức. Thức này có đặc tính là liên tục suy tư, cân nhắc và so đo, hằng thẩm và tư lương. Tánh chất tư lương của nó vượt trên tất cả mọi thức khác. Theo thứ tự mà đặt tên thì thức này gọi là thức thứ bẩy. Thức này còn gọi là Ý hoặc là Ý căn vì thức thứ sáu tức Ý thức nương nơi thức này mà phát sanh. Thức này được gọi là Ý chứ không là Ý thức vì sợ lộn với thức thứ sáu.
Thực ra thức thứ bẩy này phải dịch là mạt na vì do tiếng Phạn là manas mà ra. Ý thức tức là thức thứ sáu phải dịch là mạt na thức vì do tiếng Phạn là manovijnana, mano là mạt na, vijnana là thức nhưng vì các bản tiếng Hán từ xưa đều dịch chữ manas là mạt na thức nên chúng ta không thể dùng chữ mạt na thức để chỉ thức thứ sáu vì sợ lẫn lộn với thức thứ bẩy. Vì vậy chúng ta phải quy ước dùng chữ mạt na thức hoặc mạt na để chỉ cho thức thứ bẩy mà thôi.
Nếu so về năng lực tích tụ thì Mạt na thức không bằng A lại da thức và nếu so về khả năng phân biệt thì thức này cũng thua thức thứ sáu tức là ý thức.
Bài tụng nói y bỉ chuyển là nói Mạt na thức nương nơi A lại da thức, lấy thức này làm căn bản mà chuyển hiện. Có A lại da thức là có Mạt na thức, A lại da thức sanh về cõi nào thì Mạt na thức chuyển hiện theo cõi ấy. Mạt na thức không bao giờ rời A lại da thức ví như bóng theo hình nên Mạt na thức cũng luôn luôn hiện khởi, không gián đoạn như A lại da thức. Có điều là Mạt na luôn lấy cảnh sở duyên nơi A lại da mà suy xét và so đo, khiến cho tâm bị dấy động, ô nhiễm.
Nếu ví A lại da thức là mặt ao thì Mạt na thức là cụm rễ của nhóm lục bình trôi trên mặt nước A lại da thức, ý thức và năm thức trước được ví như thân và cánh lục bình. Tùy theo mặt nước A lại da thức lên xuống mà lục bình trồi lên hay hụp xuống theo và cụm rễ Mạt na thì không bao giờ rời mặt nước ao.
Nếu ví A lại da thức là mảnh đất thì Mạt na thức là rễ cây, luôn bám chặt vào mặt đất A lại da, còn Ý thức và tiền ngũ thức là thân cây và những nhánh cây vươn lên từ mảnh đất A lại da.
Mạt na thức sanh ra từ A lại da thức rồi lại lấy thức này làm đối tượng sở duyên. Các chủng tử và hiện hành của A lại da thức cứ bị Mạt na thức lấy làm cảnh sở duyên mà duyên, tức là các chủng tử và hiện hành này cứ bị chiếu soi, suy xét và đo lường. Hành tướng duyên này gọi là sở duyên duyên, tức là cứ lấy cảnh sở duyên mà duyên. Các cảnh sở duyên bị Mạt na thức duyên thêm một lần nữa nên bị biến đổi, sự biến đổi này lại được đưa vào A lại da làm tăng trưởng hay làm suy yếu thêm các chủng tử sẵn có nơi A lại da thức.     Nếu tác động thẩm xét và tư lương nơi Mạt na làm tăng trưởng các chủng tử sẵn có trong A lại da thức thì gọi là Thuận Tăng Thượng Duyên. Ngược lại nếu làm các chủng tử nơi A lại da bị suy yếu hay hủy diệt thì gọi là Nghịch Tăng Thượng Duyên.
Một điểm cần nói nữa là Mạt na thức này chỉ duyên nơi A lại da thức mà thôi nghĩa là chỉ luôn quay vào chiếu soi các chủng tử và hiện hành ở Tàng thức mà thôi, nên bài tụng nói y bỉ chuyển duyên bỉ, nghĩa là tùy theo thức A lại da chuyển đi đâu thì mạt na thức liền duyên theo đó.
Có quan niệm cho rằng Mạt na thức duyên kiến phần và tướng phần nơi A lại da thức và chấp kiến phần làm Ngã và tướng phần làm Ngã sở. Có nghĩa là Mạt na thức chấp cái chủ thể thấy và đối tượng nơi cái thấy của thức Al ại da cho là của mình, cái năng thấy là ta và cái sở thấy là cái của ta.
Có quan niệm cho rằng Mạt na thức duyên chủng tử và hiện hành nơi A lại da thức và chấp chủng tử làm Ngã và hiện hành làm Ngã sở.
Ở đây chúng ta không đi sâu vào các chi tiết quá phức tạp và chi li này. Trong A lại da thức, các hạt giống làm nhân duyên cho nhau, khi tiềm ẩn là chủng tử, khi hiện khởi là hiện hành. Có khi chủng tử sanh hiện hành, có khi hiện hành sanh chủng tử, có khi chủng tử sanh chủng tử và cũng có khi hiện hành sanh hiện hành.
Tất cả vô lượng những mầm mống của muôn pháp, khi là năng, khi là sở, trùng trùng duyên khởi, tương tức, tương tục, tăng thượng, sanh diệt không ngưng nghỉ, lung linh như những hình ảnh phản chiếu trong muôn ngàn hạt châu. Những hình ảnh này góp phần vào cái Năng kiến và Sở kiến của A lại da thức. Phần năng kiến là Kiến phần, phần sở kiến là Tướng phần, mà Mạt na thức chấp làm Ngã và Ngã Sở.
Tư lương vi tánh tướng có nghĩa là bản chất của Mạt na là suy xét và đo lường. Mạt na thức không bao giờ là không suy tính và so đo nên nói cả tánh lẫn tướng của nó đều là tư lương. Nói một cách khác, thể của Mạt na thức là Tư lương và dụng của nó cũng là Tư lương. Chính vì sự tư lương này mà tánh chất nhận thức nơi Mạt na thức không được trung thực, luôn bị bóp méo, bị biến kế sở chấp mà sai khác đi. Nói một cách dễ hiểu là cái thấy nơi Mạt na bị thành kiến bóp méo mà biến đổi khác đi, không còn trung thực nữa. Cái tánh chất không trung thực này gọi là phi lượng.
Khi chưa chuyển y thì Mạt na thức luôn luôn chấp ngã và chỉ duyên nơi A lại da thức. Khi đắc quả chuyển y, tức là chuyển được cái tướng chấp ngã thành vô ngã, thì Mạt na thức chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí. Khi này ngoài duyên thức thứ tám (đã chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí), thức thứ bẩy còn duyên chân như cùng tất cả các pháp khác, thấy được mọi căn cơ và sai biệt nơi mỗi loại chúng sanh.

Thứ ba là ý thức còn gọi là thức năng biến thứ ba:
Thức năng biến thứ ba có sáu loại khác nhau. Tánh chất và đặc tính của sáu thức này là nhận biết các đối tượng trần cảnh. Sáu thức này gồm đủ ba tánh thiện, ác và vô ký (không thiện không ác).
Sáu thức này tùy theo sáu căn nhận ra các sắc trần sai khác mà đặt tên. Sáu căn gồm có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý mà Duy thức đặt tên theo thứ tự là Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn và Ý căn. Sáu thức từ Nhãn thức cho đến Ý thức nương theo sáu căn mà phân biệt các pháp trần cảnh Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp.
Năm thức đầu gọi là Tiền Ngũ Thức gồm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức và Thân thức. Mỗi thức này chỉ nhận biết các đối tượng liên quan đến nó mà thôi. Nhãn thức chỉ nhận biết hình tướng tức Sắc trần, Nhĩ thức chỉ biết âm thanh tức Thanh trần, Tỷ thức chỉ biết mùi hương tức Hương trần, Thiệt thức chỉ biết mùi vị tức Vị trần, Thân thức thì phân biệt sự xúc chạm tức Xúc trần.
Nhờ vào Ý thức mà các nhận biết nơi Tiền ngũ thức mới được ghi nhận đầy đủ và chính xác.
Chẳng hạn khi đối tượng là một bông hoa, nếu chỉ có Tiền ngũ thức hoạt động mà không có sự tác động của Ý thức thì ta không biết đó là bông hoa gì, mầu sắc và hương vị ra sao.”

Đó là sự khác nhau của Tâm, Ý và Thức. Hay đúng hơn là vai trò của nó trong cuộc sống mê lầm của chúng ta. Nhưng nếu rõ hơn chúng ta cũng cần biết xem từ đâu mà có ra Tâm, Ý và Thức, cũng theo Duy Thức Tam Thập Tụng như sau:
Thật tánh của chúng sanh vốn trong sáng cùng khắp. Do cái tự tánh trong sáng đó, chúng sanh lại vọng tưởng là có tánh sáng mà đem ra chiếu soi nên chân tâm bị chuyển biến thành ra tâm thức. Tâm thức còn được gọi là tâm hay là thức. Từ nơi chân như rốt ráo thanh tịnh lại khởi ra phân biệt cái có và cái không. Cứ thế tâm vọng tưởng phân biệt cứ huân tập tới lui không ngưng nghỉ trong tâm thức tạo ra các hình ảnh, các hiện tướng mà Duy Thức gọi là chủng tử và hiện hành. 
Các chủng tử và hiện hành cứ chập chùng xoay vần, chiếu soi lẫn nhau. Các chiếu soi này, lúc là năng, lúc là sở, lúc là chủ thể, lúc là đối tượng, liên tục lập đi lập lại, huân tập, tăng thượng, sanh diệt chuyển biến không ngưng nghỉ, tạo nên vô lượng các loại chủng tử và hiện hành mới. Khi đầy đủ nhân duyên thì các chủng tử và hiện hành này chín mùi, chuyển biến thành một chúng sanh chánh báo trong một thế giới y báo. Chánh báo đó là cái thân xác ngũ uẩn của chúng ta, còn gọi là ngã và y báo là thế giới và vạn vật nơi chúng ta nương tựa và sinh sống, còn gọi là pháp. Chánh báo và y báo là cái nghiệp báo mà chúng ta nhận lãnh, là quả báo của vô lượng các hành nghiệp mà chúng ta đã tạo ra trong vô lượng kiếp quá khứ. Chánh báo hay ngã là nghiệp quả riêng của mỗi chúng sanh, còn gọi là biệt nghiệp. Y báo hay pháp là nghiệp quả chung, là cảnh giới nơi đó chúng sanh nương tựa, ăn ở và sinh sống, còn gọi là cộng nghiệp. 
Tùy theo nghiệp báo, sanh làm loài nào thì hiện ra các cảnh tướng và chúng sanh của loài đó. Loài người thì có thế giới của loài người, có sơn hà hải địa, có anh và có tôi. Có loài tế bào hay hộ trùng ở trong thế giới của thân thể con người, có loài ở trong thân thể của loài vật, của loài cá, của loài chim và ở ngay cả trong cây cỏ và gỗ đá. Có những loài vô hình ở trong không gian, nương nơi các gò hoang, miếu trống, nơi các cây cổ thụ hoặc đôi khi gá vào căn thân của các loài chúng sanh khác.
         Vũ trụ và thế giới của loài này không phải vũ trụ và thế giới của loài kia. Như cùng một dòng sông mà con người thấy là dòng nước, loài quỷ thấy là dòng lửa còn bậc trời thì thấy là dòng lưu ly. 
Chúng sanh không biết rằng các cảnh giới vũ trụ và thế gian đều do Tâm biến hiện nên tùy theo mỗi loài mà chấp cái này là Ngã, cái kia là Pháp. Mỗi loài đều có những Ngã và Pháp khác nhau mà nào đâu biết tất cả đều là hư dối do vọng tưởng phân biệt sanh ra. 
Vì khởi vọng niệm mà thể tánh chân như vốn thanh tịnh bị dấy động và biến hiện ra sơn hà và hải địa, có chúng sanh và thế giới. Thể tánh chân như ví như biển cả, chúng sanh và thế giới ví như những đợt sóng và vọng niệm được ví như những cơn gió thổi sóng nhấp nhô liên tiếp, ngọn sóng sau đẩy ngọn sóng trước, ngọn sóng này diệt thì ngọn sóng khác sanh liên tiếp không ngưng nghỉ. 
Mặt biển vốn thanh tịnh không có sóng mòi nhưng vì gió nổi lên nên hiện ra có sóng mòi. Chúng sinh và thế giới cũng vậy, vốn đồng một thể với Chân tâm thanh tịnh nhưng vì vọng niệm dấy lên nên các chủng tướng hiện khởi, chuyển biến mà hiện ra có hình tướng, chứ thật ra chỉ là giả như hoa đốm giữa hư không. Chân tâm khi bị dấy niệm ví như mặt biển chuyển sóng cồn, không còn là chân tâm thanh tịnh nữa mà trở thành Mặt Biển Tâm Thức. Từ biển tâm thức này mà chúng sanh và thế giới được thành lập.

Bạn thân mến, phần trích khá dài nếu chúng ta đọc hết nó chúng ta sẽ thấy thật thích thú, mong bạn cũng thấy như thientrithuc. Chào bạn.

Trả lờiTrích dẫn
Topic starter Đã đăng : 13/09/2021 4:11 chiều
Chia sẻ: