DIỄN ĐÀN THIỆN TRI THỨC
Diễn đàn Thiện Tri Thức này được thực hiện thay cho mục Hỏi Đáp nhằm mục đích tạo cho các bạn đọc giả gần xa có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề nan giải trong đời sống cũng như trong các thực hành tu học. Cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý và hầu giúp nhau điều chỉnh để có một nhận thức đúng. Với tiêu chí đó, xin mời các bạn đặt những câu hỏi, và thảo luận thiết thực về những khó khăn mà mình gặp phải trong đời sống cũng như trong thực hành tu học của mình. Nên tránh những câu hỏi có tính thách đố, rắc rối, xa vời không thiết thực vì điều đó có thể làm phiền tới tất cả những đọc giả khác.
Để tham gia đặt câu hỏi, mời các bạn click vào nút “Viết bài chia sẻ, đặt câu hỏi” bên dưới để đăng ký hoặc đăng nhập sau đó đăng bài, chủ đề … cần trao đổi, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên Diễn đàn trong thời gian sớm nhất.
Trân trọng.
Đại Ấn là gì? và tham thiền về Đại Ấn là như thế nào?Nhờ Thientrithuc giải thich dùm cảm ơn.
Đại Ấn là gì? và tham thiền về Đại Ấn là như thế nào?Nhờ Thientrithuc giải thich dùm cảm ơn.
Trả lời:
Định nghĩa Đại Ấn (Mahamudra)
“Trước hết, chúng ta cần tin vào đại ấn, niềm tin ấy sanh khởi từ sự biết được những phẩm tính phi thường và tốt đẹp của đại ấn.
Những phẩm tính ấy được minh họa trong từ Sanskrit như sau: maha là “rất lớn bao la”, và “thấm khắp mọi sự”, và mudra là “ấn”, theo nghĩa cái ấn một vị vua đóng lên một giấy tờ mà không có cái gì ra ngoài nó được.
Mahamudra bấy giờ là cái ấn cho mọi hiện tượng và pháp tánh của tất cả mọi sự. Không có cái gì vượt khỏi đại ấn hay hiện hữu ngoài nó bởi vì nó là thực tại của mọi sự.
Trong ngữ cảnh đại ấn, nó chỉ rằng qua đại ấn chúng ta có thể lìa bỏ mọi bất hạnh, từ đó mọi phẩm tính tốt tăng trưởng rộng lớn.
Trong ngữ cảnh của trường phái Trung Đạo, nó được gọi là cái tối hậu, Chân Như hay trí huệ vô thượng.
Trong ngữ cảnh của trường phái Đại Toàn Thiện, nó được gọi là Kuntuzangpo, có nghĩa “hoàn toàn tốt đẹp”, trong tiếng Sanskrit là Samantabhadra (Phổ Hiền).
Trong ngữ cảnh của Quả, nó được gọi là Pháp thân.
Maitripa giải thích trong Bảy Yoga: “Đại Ấn là cái gì? Nó vượt khỏi tâm thức của người thường, nó quang minh, nó không có ý niệm, và nó giống như không gian”.(Trích trong Những điểm thiết yếu Đại ấn Nhìn thẳng tâm, của Thrangu Rinpoche Nhà xuất bản Thiện Tri Thức)
Có thể kết luận Đại Ấn là cái ấn tánh Không lên tất cả mọi thứ tâm, mọi sự việc và mọi hiện tượng. Với cái thấy của Đại ấn không có gì là tồn tại ngoài Đại ấn. Hay nói khác đi với cái nhìn của Đại ấn tất cả chỉ là một vị giải thoát.
Phân loại Đại ấn: Đại Ấn được chia ra làm ba loại: Đại ấn nền tảng Đại ấn con đường và Đại ấn quả.
“Đại ấn nền tảng là bản tánh của tất cả hiện tượng. Nó như vậy từ sơ thủy; nó ở đó dù chúng ta không chứng ngộ nó.
Từ quan điểm kinh nghiệm, đại ấn nền tảng là tâm như nó là.
Từ quan điểm đại ấn nền tảng thấm khắp mọi sự, nó là thực tại, sự vật như chúng là. Đôi khi nó được gọi là viên ngọc của tâm, Như Lai tạng (tathagatagarbha), hay Phật tánh. Nó vẫn như vậy dù chúng ta khổ đau hay làm điều tốt, bởi vì đại ấn thấm khắp mọi chúng sanh theo cùng một cách.
Đại ấn con đường, ở cấp độ tương đối chúng ta tạm thời không thể chứng ngộ đại ấn nền tảng vì những hoàn cảnh đối nghịch hay những chướng ngại. Để chiến thắng những đối nghịch này và sửa lại mê lầm của mình, chúng ta cần tịnh hóa cái hiểu của chúng ta về nó và làm cho tâm chúng ta quen thuộc với nó.
Vị thầy đưa chúng ta vào đại ấn này; chúng ta nhận biết nó, tham thiền về nó, và trở nên quen thuộc với nó. Trong đại ấn con đường, sự chứng ngộ đại ấn của chúng ta trở nên rõ ràng hơn.
Đại ấn quả. Ở giai đoạn này sự chứng ngộ đại ấn của chúng ta thì trọn vẹn và liên tục. Chúng ta chứng ngộ mỗi mặt nhỏ của nó một cách sáng rỡ trong suốt, trên suốt đại ấn con đường.
Trong Uttaratantra, Maitreya diễn tả ba hoàn cảnh khác nhau.
Cái thứ nhất, gọi là bất tịnh, ám chỉ trạng thái của chúng sanh. Đây là đại ấn nền tảng.
Cái thứ hai, gọi là bất tịnh thanh tịnh, ám chỉ trạng thái chứng ngộ từng phần đại ấn. Đây là đại ấn con đường.
Cái thứ ba, gọi là cực kỳ và triệt để thanh tịnh, ám chỉ trạng thái chứng ngộ trọn vẹn đại ấn. Đây là đại ấn quả.” ”.(Trích trong Những điểm thiết yếu Đại ấn Nhìn thẳng tâm, của Thrangu Rinpoche Nhà xuất bản Thiện Tri Thức)
Tham thiền về Đại Ấn là như thế nào? Tham thiền về đại ấn có hai phần rõ rệt.
Phần thực hành sơ bộ:
Đầu tiên chúng ta phải qua ba giai đoạn: nghe, chiêm nghiệm và tham thiền.
Thứ hai là chúng ta phải dựa vào một vị thấy tâm linh đáng tin cậy và thông hiểu về pháp tu đại ấn. Có một vị thầy tâm linh có kinh nghiệm ta sẽ nhận được lời dạy về thực hành bằng lời nói hay còn gọi là lời dạy tinh túy, đây là một cơ hội và một phước báu của học trò khi được tiếp cận một vị thầy như vậy trong tham thiền.
Thứ ba là chúng ta thực hành sơ bộ: được xem là (những thực hành không chung) bao gồm: lễ lạy quy y, trì tụng chú Vajrasattva, cúng dường Mạn đà la và guru yoga. Chúng ta đi vào những thực hành này bởi vì chúng ta cần đức tin, sùng mộ và tin cậy Pháp để thực hành đại ấn. Mỗi thứ được thực hành là 100.000 lần. Tuy nhiên đây là thực hành không chung cho nên chúng ta có thể thực hành theo các truyền thống khác của tham thiền ngoài đại ấn là: sám hối, tụng kinh, trì chú, tham thiền về quán hơi thở, nhìn vào một ngọn nến, hay các thực hành khác tùy theo thiện căn của mình hợp với phương tiện nào thì thực hành, nhằm mục đích tịnh hóa tâm thức để thay thế cho bước thứ ba này vẫn tốt như thường. Mục đích là làm cho tâm thức của chúng ta càng bớt xao động và dần trở nên thanh tịnh là được.
Chúng ta càng nỗ lực thực hành càng nhiều pháp và đầu tư càng nhiều thời gian cho việc thực hành này thì sự tịnh hóa những che chướng, hay nói rõ hơn là nghiệp thức của chúng ta sẽ nhanh chóng giảm bớt hơn. Có như vậy ta mới có cơ hội tiếp cận được Đại ấn nền tảng.
Phần thực hành thiền Đại ấn:
Thiền chỉ: Qua giai đoạn thực hành sơ bộ tâm thức chúng ta đã được tịnh hóa phần nào nhờ miên mật trong phương tiện tu tập ở trên. Nó còn có một tác dụng khác của thực hành sơ bộ là tịnh chỉ được phần nào sự loạn động của tâm. Vì vậy đến đây thực hành thiền chỉ là:
Thực hành những thời thiền ngắn để quan sát đối tượng có thể là một viên đá hay một vật thể nào đó (được gọi là đối tượng không thanh tịnh). Chúng ta tham thiền bằng cách nhìn vào nó trong thư giản nhưng không bao giờ quên chủ đích là mình đang nhìn.
Đối tượng thứ hai là vật thanh tịnh như một tượng Phật cách nhìn cũng như vậy.
Có thể nhìn vào bên trong tâm bằng cách quán tưởng một bổn tôn, một vị Phật hay Bồ tát nào mà mình cảm thấy tôn quý nhất, quán tưởng ngài và cảnh giới của ngài, thánh chúng bao quanh ngài, cùng tất cả những gì ta cảm nhận và quán tưởng về ngài càng sống động chừng nào thì sự tập trung của ta càng mạnh mẽ chừng đó. Cách này vừa nâng sự tập trung (là thiền chỉ) vừa lại thức tỉnh sự tỉnh giác của quán chiếu nó có cả chỉ và quán.
Thực hành theo cách này còn có một lợi ích khác nữa là chúng ta được chính vị bổn tôn mà ta quán tưởng hộ trì cho mình và như vậy tâm chúng ta dễ an chỉ hơn.
Song song với sự thực hành này là sự chánh niệm của tâm về mục đích của tham thiền đã định trước, dựa vào chánh niệm về sự việc mà chúng ta có chủ đích trong tham thiền. Chúng ta sẽ luôn luôn nương vào yếu tố chánh niệm này để duy trì tham thiền, chúng ta không đánh mất chủ đích để có thể để tâm lan man trong tham thiền.
Khi đã an định tâm phần nào trên đối tượng bên ngoài hay bên trong của việc tham thiền, chúng ta tiến tới một bước là tham thiền với tâm không có đối tượng. Chúng ta chỉ tỉnh biết tâm và thư giãn trong sự tỉnh biết này. Đây là giai đoạn kế tiếp của thiền chỉ. Nhờ tham thiền bằng cách định chỉ vào đối tượng bên ngoài hay bên trong, tâm chúng ta không còn dính mắc vào sự lang mang, cũng không nặng đục mờ tối. Mà chỉ tỉnh biết trên đối tượng.
Tới đây chúng ta cũng thư giản cả đối tượng bên trong (hay bên ngoài) mà chúng ta dùng để tham thiền mà chỉ còn lại sự tỉnh biết, và an định; chúng ta tham thiền về trạng thái này. Trong Đại ấn gọi là: “tham thiền không có điểm quy chiếu.” rõ ràng là sự tập trung tham thiền đã dần dần nới lỏng chúng ta thư giản là tập cho chúng ta có cái nhìn an định và mở rộng hơn để khỏi kẹt vào thiền chỉ sẽ gây khó khăn cho bước kế tiếp là thiền quán.
Bước cuối cùng của thiền chỉ là an định được tâm có khi cao hơn nữa là hốt nhiên rơi vào lạc, sáng tỏ, vô niệm. Đây là sự an định tâm được nói đến trong: “Đại Ấn Thiền Xóa Tan Bóng Tối Vô Minh. Karmapa thứ Chín Wangchur Dorji Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức”.
Thiền quán Đại Ấn: như chúng ta biết thiền chỉ làm cho chúng ta an định tâm và phần nào thoát khỏi những tạo tác ý niệm. Nhưng để thực hành hoàn toàn giải thoát chúng ta phải thiền quán. Mà muốn mở rộng cái thấy giải thoát bằng thiền quán một trong những yếu tố quan trọng là lòng bi. Lòng bi đánh tan được sự phân cách của ta và người, ta và thế giới; lòng bi giúp ta dễ hòa nhập với mọi hiện tượng dù thuận hay nghịch; lòng bi giúp ta thoát khỏi trụ chấp mà do thiền chỉ ta đã thực hành an trụ…cho nên lòng bi là quyết định khi chúng ta muốn thực hành thiền quán.
Trong thiền quán Đại Ấn có chỉ ra nhiều cách thức về thiền quán nhưng điểm độc đáo của tham thiền về đại ấn là dựa vào tính đồng khởi. Thientrithuc chỉ trình bày phương pháp này còn những phương pháp khác xin độc giả tìm đọc trong “Đại Ấn Thiền xóa tan bóng tối vô minh của Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje, và Những điểm thiết yếu Đại ấn Nhìn thẳng tâm của Thrangu Ringpoche, Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức”
Đồng khởi nói đến là kinh nghiệm về sự xuất hiện cùng một lúc không ngoài nhau của quang minh và tánh Không được chứng nghiệm trong tham thiền. Như đã đề cập ở trên chúng ta tham thiền trong thế đối đãi giữa người tham thiền và đối tượng tham thiền. Bỗng nhiên cả hai đều sụp đỗ, ta rơi vào một trạng thái vô niệm nhưng sáng tỏ. Cả hai cùng xuất hiện không tách lìa. Đây là kinh nghiệm về đồng khởi của tâm. Kinh nghiệm này xảy ra mà trong Thiền tông các vị hay nói rằng “như thùng lủng đáy” hay nói rõ hơn nó là trạng thái thoát khỏi sự che chướng của tư tưởng. Nó được nhận diện ở khoảng giữa giữa hay tư tưởng. Bất cứ một hành giả nào tham thiền trong một thời gian khi duyên đã đủ thì kinh nghiệm này sẽ xuất hiện. Nó có thể xảy ra ở mọi nơi mọi lúc không nhất thiết phải trong lúc đang ngồi thiền. Đây là điểm mốc quan trọng và là cái thấy thật nhất về tâm của mình kể từ khi tiến hành tu tập cho đến điểm mốc này.
Chúng ta phải tham thiền liên tục hay nhờ sự chỉ dạy của một vị thầy để làm sao cho cái thấy về định tâm này thật là thân quen. Từ đó chúng ta nhận biết rõ ràng và xác định được tính đồng khởi như đã nói ở trên về quang minh và tánh Không. Nó là không hai của tâm ở trong trạng thái an định tâm.
Khi kinh nghiệm này đã được rõ ràng chúng ta thư giản cả kinh nghiệm này để nhận biết tư tưởng trong tâm ta nó khởi lên như thế nào và diễn biến cùng sự dừng dứt của nó như ra sao, chúng ta quan sát bằng gốc độ tâm đồng khởi. Chúng ta sẽ nhận biết mỗi mỗi tư tưởng là không tách lìa với quang minh và tánh Không. Quang minh và tánh Không là một, là giải thoát vì vậy tư tưởng vốn quấy rối tâm chúng ta giờ đây nó cũng là giải thoát và nó đồng khởi cùng với tâm giải thoát. Tư tưởng là giải thoát.
Cũng với cách thức như vậy chúng ta tham thiền về các hiện tượng bên ngoài tâm, những sự việc thuận hay nghịch, tốt hay xấu dù nó có xảy ra cách nào đi nữa thì chúng ta cũng nhận biết nó đồng khởi cùng với tâm mà tâm là giải thoát thì các hiện tượng cũng giải thoát.
Với việc nhận biết mạnh mẽ và quen dần với tâm đồng khởi, chúng ta có thể chinh phục tất cả mọi hoàn cảnh mọi hiện tượng mọi tư tưởng.
Và cho đến một mức độ mạnh mẽ nào đó của bản tâm chúng ta, chúng ta có cách tu trên quả thừa. Tức là chúng ta nhận ra được lời dạy ban đầu về Đại ấn nền tảng, không có gì ngoài Đại ấn, nó là nền tảng cho tất cả mọi hiện tượng, mọi thứ tâm, mọi tư tưởng.
Chúng ta khi đã đủ tự tin và đủ lực về tính đồng khởi này của tâm; khi mà chúng ta nhìn ở đâu cũng thấy được đồng khởi chúng ta sẽ chỉ tu bằng cách nhận biết giải thoát xảy ra trong toàn cảnh của cuộc sống, chúng ta nhìn đến đâu, tiếp cận với hiện tượng nào thì Đại Ấn được nhận ra đến đó; giải thoát được nhận biết đến đó; hay tánh Không được nhận biết đến đó; Pháp thân được mở rộng đến đó. Tướng tức Tánh, Sắc tức Không.
Bạn thân mến một trong những điểm nổi bật nhất của tham thiền về Đại ấn là những chỉ dạy thực hành và diễn đạt từng bước tâm giải thoát rất cụ thể và tường tận. Chính vì vậy khi nói đến Đại ấn người ta thường biết là một truyền thống rất phong phú về phương tiện chỉ dạy. Tuy nhiên lời chỉ dạy càng chi tiết và rõ ràng có mặt lợi ích thì cũng sẽ có những điều bất lợi.
Thứ nhất nói về lợi ích, trong tham thiền, khi có những chứng nghiệm xãy ra, chúng vừa là động lực cho chúng ta phấn khích, tinh tấn trong tham thiền. Nhưng hành giả nào cũng không có kinh nghiệm, họ rất dễ lấy kinh nghiệm tạm thời nhận biết trong tham thiền và cho là chứng ngộ vì vậy tham thiền dễ rơi vào chỗ bế tắt không phát triển được. Nhờ có sự chỉ dạy từng bước trong Đại ấn từ thấp đến cao, chúng ta không dừng lại ở giữa chừng, mà trong thực tế tu tập có nhiều người có những chứng đắc nào đó vì không có duyên tiếp xúc với một giáo lý trọn vẹn nói về thực hành sau khi nhận ra bản chất của tâm, và cũng không có duyên được chỉ dạy trực tiếp của một vị thầy có khả năng; cho nên họ không có bước tiếp theo để duy trì và làm lớn mạnh cái thấy này, họ đánh mất cái thấy ban đầu và ngày càng lu mờ trong tu tập và trở nên mất hẳn hứng khởi vì không tiếp cận trọn vẹn với bản tâm hay với Đại ấn nền tảng.
Thứ hai là chúng ta quá nương vào từng bước trong chỉ dạy mà đánh mất sự chứng ngộ trực tiếp. Thí dụ, khi thực hành sơ bộ nếu hành giả nào có căn tánh sâu dầy có thể chứng ngộ ngay tâm vô niệm quang minh mà không cần phải qua các bước thực hành kế tiếp. Từ cái thấy này họ có thể đi thẳng vào cách tu đồng khởi để mở rộng tâm. Hành giả có thể tu đốt giai đoạn tùy theo khả năng thực tế của mình nhờ sự chỉ dạy trực tiếp của một vị thầy.
Hay những người mà tâm thức nắm bắt quá nhạy bén lời chỉ dạy tường tận trong Đại ấn sẽ làm tăng trưởng sự hiểu biết của tâm thức, họ chỉ hiểu mà không thực hành để chứng thực những lời dạy trong Đại ấn, đây cũng là một bất lợi.
Để khắc phục điều này chúng ta cần có một vị thầy có đủ thẩm quyền để trợ giúp, dạy bảo, kiểm tra, xác quyết, chứng thực qua các giai đoan quyết định và tạo động lực, gây cảm hứng cho chúng ta. Có như vậy thì việc tu hành của chúng ta mới có thể có kết quả tốt đẹp được.
Mong rằng mọi người đều thực hành tu tập đúng pháp và được lợi ích cho mình và cho người. Muốn biết rõ cách tu Đại ấn như thế nào bạn nên đọc kỹ hai quyển Đại ấn đã giới thiệu ở trên. Chào bạn.
Bài viết mới nhất: Cốt tủy của Thiền là gì? Thành viên mới nhất: chiiem Ha Hai Bài viết mới Bài chưa đọc Thẻ
Biểu tượng diễn đàn: Diễn đàn không chứa bài viết chưa đọc Diễn đàn có bài chưa đọc
Biểu tượng bài viết: Not Replied Đã trả lời Hoạt động Hot Dính Unapproved Đã giải quyết Riêng tư Đóng