DIỄN ĐÀN THIỆN TRI THỨC
Diễn đàn Thiện Tri Thức này được thực hiện thay cho mục Hỏi Đáp nhằm mục đích tạo cho các bạn đọc giả gần xa có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề nan giải trong đời sống cũng như trong các thực hành tu học. Cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý và hầu giúp nhau điều chỉnh để có một nhận thức đúng. Với tiêu chí đó, xin mời các bạn đặt những câu hỏi, và thảo luận thiết thực về những khó khăn mà mình gặp phải trong đời sống cũng như trong thực hành tu học của mình. Nên tránh những câu hỏi có tính thách đố, rắc rối, xa vời không thiết thực vì điều đó có thể làm phiền tới tất cả những đọc giả khác.
Để tham gia đặt câu hỏi, mời các bạn click vào nút “Viết bài chia sẻ, đặt câu hỏi” bên dưới để đăng ký hoặc đăng nhập sau đó đăng bài, chủ đề … cần trao đổi, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên Diễn đàn trong thời gian sớm nhất.
Trân trọng.
Câu hỏi về tánh giác?
Thientrithuc cho tôi hỏi tu tập nhằm mục đích là để thấy tánh vậy khi thấy tánh rồi cuộc sống có gì thay đổi không?(trong hành xử cuộc sống đời thường có gì khác với mọi người hay không?) và làm sao để giữ gìn hộ trì cái thấy ấy? Xin cám ơn.
Trả lời:
Khi thấy tánh cuộc sống thay đổi hoàn toàn, một biểu hiện lớn nhất là niềm vui, sự hỷ lạc vì người tu nhận ra được bản tánh của mình sống được với nó nên niềm vui rất lớn. Có người vui cả tuần lễ hoặc vài ngày lúc nào khi nghĩ tới việc này họ cũng thấy lòng vui vì mình đã nhận ra được bản tánh.
Yếu tố thứ hai hiện rõ nữa là lòng bi, họ cảm thấy bao dung và không ngăn cách với mọi người, trước đây với thái độ chỉ trích, hờn trách, đối kháng với mọi người thay vào đó là sự cảm thông với những khuyết điểm của người khác và muốn giúp đỡ mọi người sự bao dung, cảm thông được biểu hiện cùng với niềm vui trong lòng người đó.
Thứ ba là sự cởi mở, vì thấy tánh là người tu như trút được gánh nặng của nghi ngờ về thực tánh của tâm mà mình hằng đeo đuổi để tìm kiếm. Người chưa chứng ngộ bao giờ cũng canh cánh bên lòng như thế nào là giải thoát và khi họ đã nhận ra đúng thực tâm, lúc này mọi nghi ngờ trói buộc tan vở, sụp đổ cho nên với người này sự cởi mở được thể hiện rất rõ ràng.
Ba biểu hiện được mọi người nhận thấy trong hành xử rõ ràng nhất là vui vẻ hòa nhập với mọi người. Thông cảm yêu thương gần gũi với mọi người. Và cuối cùng là sự cởi mở làm cho mọi người tin cậy họ. Đó là những biểu hiện mà ai cũng có thể thấy cả.
Phần thứ hai làm sao giữ gìn hộ trì cái thấy ấy? Trước nhất, khi chúng ta nói đến sự hộ trì, giữ gìn cái thấy này. Chúng ta phải bàn qua mức độ thể nhận cái thấy ở chiều sâu nào để khỏi ngộ nhận rằng mình đã thấy tánh nhưng thực ra chỉ là kinh nghiệm hoặc thấp hơn nữa hiểu được tánh như thế nào cũng có người tưởng như mình đã ngộ.
Trong quyển Những Điểm Thiết Yếu của Đại Ấn Nhìn Thẳng Tâm tác giả Tharngu Rinpoche, Ban dịch thuật Thiện Tri Thức, có nêu ba mức độ của việc thâm nhập bản tánh của tâm như sau:
“Cấp độ thứ nhất – hiểu pháp tánh – dùng ý thức nghiên tầm, học hỏi, và suy nghĩ về những hiện tượng thì trống không và tâm có bản tánh trong sáng như thế nào. Qua cái biết vững chắc, nghĩa của tánh Không hay pháp tánh được biết nhờ con đường ngôn ngữ.
Khi cái hiểu về pháp tánh trở nên trong sáng hơn, chúng ta đến cấp độ thứ hai, kinh nghiệm pháp tánh. Ở cấp độ này không chỉ dùng lời nói mà thực sự kinh nghiệm khái niệm ấy trong tham thiền. Những sự cố sanh khởi và chúng ta kinh nghiệm bản tánh sâu xa của tâm. Nhưng chúng ta chưa quen thuộc nhiều với bản tánh của tâm, và như vậy đôi khi nó xuất hiện rõ ràng và những lúc khác không rất rõ ràng.
Ở cấp độ thứ ba – chứng ngộ trực tiếp – chúng ta kinh nghiệm bản tánh sâu xa của tâm một cách rõ ràng, trực tiếp. Chúng ta biết nghĩa của tất cả các pháp hay các hiện tượng, không trung gian nào, và như một kết quả, hiểu biết của chúng ta về pháp tánh thì xác quyết và không dao động.”
Nếu chúng ta chỉ ở cấp độ thứ hai mà đặt vấn đề hộ trì thì không thể thực hành được vì vậy chúng ta phải tham thiền thêm nữa để từ kinh nghiệm chuyển qua chứng ngộ trực tiếp. Ở giai đoạn này phát khởi lòng bi là rất lợi ích cho việc mở rộng tâm. Cụ thể trong tham thiền khi chúng ta kinh nghiệm bản tánh đang hiện hữu chúng ta phải rời khỏi thái độ tham thiền, tức là thư giản cho nó tự do và nhận diện kinh nghiệm vừa rồi về bản tánh có còn lưu lại sau khi không có thái độ tham thiền nữa hay không; nếu còn là có hậu tham thiền và chúng ta phải lập đi lập lại như thế nhiều lần để tâm chúng ta hòa nhập với các hiện tượng sống động mà bản tánh của ta đã kinh nghiệm cũng không dứt. Ta rút ra một sự nhìn nhận bản tánh của tâm sâu hơn, rộng hơn và xác quyết hơn. Đến đây, mọi hoàn cảnh ta cũng nhận thấy bản tánh của tâm; thì lúc này mới tới công phu hộ trì cho cái thấy này.
Cách hộ trì tâm khi đã thật sự nhận biết bản tánh của tâm là không quên bản tánh mà mình đã nhận biết. Tới đây chúng ta mới bàn luận về cách dùng từ của bạn khi bạn nói là giữ gìn hộ trì cái thấy này. Phải dùng là hộ trì thì đúng hơn. Bởi vì giải thoát thật sự là cùng khắp: tâm, tư tưởng, hiện tượng. Cả ba là giải thoát cho nên nhận biết bản tánh của tâm chỉ là nhận biết sự giải thoát cùng khắp này tức là những hiện tượng bây giờ được nhận biết là giải thoát; chúng ta chỉ nhớ hay chánh niệm về sự giải thoát đã sẵn có này chứ không phải là cái gì đó phải giữ gìn. Bởi vậy, nếu sự chứng ngộ càng sâu và càng xác quyết về bản tánh của tâm thì hành giả càng dễ nhận biết sự hiện diện của nó trên tất cả các mặt hiện tượng lẫn tư tưởng. Và việc hộ trì chỉ là nhớ và quên mà thôi. Còn mức độ thấp hơn thì phải chánh niệm và cảnh giác. Tức là chúng ta phải thường xuyên canh chừng sự phóng tâm của chúng ta lạc khỏi cái thấy mà chúng ta đã nhận ra.
Cuối cùng, sự nỗ lực của hành giả trong một ngày tu tập là rất quan trọng trong việc hoàn thành cái thấy này. Đây là giai đoạn làm quen với cái thấy giải thoát cho nên sự thực tập càng miên mật thì sự thấu suốt bản tánh và xác quyết về nó càng rõ ràng hơn.
Một trong những điều mà chúng ta nên biết nữa là khi một người tu chứng ngộ bản tánh của tâm thì việc tu học sẽ tiến rất nhanh. Khi đã nhận ra bản tánh của tâm và tham thiền về nó hành giả sẽ thấy được mọi mặt của cái thấy này. Chúng ta sẽ phát hiện ra nhiều góc độ mới của tâm mà chúng ta chưa thấu đáo nó. Và sau hết, để chúng ta tự đánh giá mình; nếu chúng ta không thấy tiến triển gì trong tham thiền khi ta nghĩ rằng mình đã kiến tánh thì đây là một sự lầm nhận; chúng ta phải đi tham khảo những người có kinh nghiệm hoặc được chỉ dạy của một vị thầy tin cậy để giúp ta có một sự nhìn nhận vấn đề xác thực hơn để chúng ta thoát khỏi tình trạng này mà có thể thấy tánh thật sự.
Bài viết mới nhất: Cốt tủy của Thiền là gì? Thành viên mới nhất: chiiem Ha Hai Bài viết mới Bài chưa đọc Thẻ
Biểu tượng diễn đàn: Diễn đàn không chứa bài viết chưa đọc Diễn đàn có bài chưa đọc
Biểu tượng bài viết: Not Replied Đã trả lời Hoạt động Hot Dính Unapproved Đã giải quyết Riêng tư Đóng