DIỄN ĐÀN THIỆN TRI THỨC

  Diễn đàn Thiện Tri Thức này được thực hiện thay cho mục Hỏi Đáp nhằm mục đích tạo cho các bạn đọc giả gần xa có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề nan giải trong đời sống cũng như trong các thực hành tu học. Cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý và hầu giúp nhau điều chỉnh để có một nhận thức đúng. Với tiêu chí đó, xin mời các bạn đặt những câu hỏi, và thảo luận thiết thực về những khó khăn mà mình gặp phải trong đời sống cũng như trong thực hành tu học của mình. Nên tránh những câu hỏi có tính thách đố, rắc rối, xa vời không thiết thực vì điều đó có thể làm phiền tới tất cả những đọc giả khác. 

    Để tham gia đặt câu hỏi, mời các bạn click vào nút “Viết bài chia sẻ, đặt câu hỏi” bên dưới để đăng ký hoặc đăng nhập sau đó đăng bài, chủ đề … cần trao đổi, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên Diễn đàn trong thời gian sớm nhất. 

Trân trọng.

Xin Thiện Tri Thức ...
 
Notifications
Clear all

Xin Thiện Tri Thức giải giùm con câu hỏi: ” Phật là gì?”

thientrithuc
(@thientrithucs)
Thành Viên Admin

Xin Thiện Tri Thức giải giùm con câu hỏi: ” Phật là gì?”

Trích dẫn
Topic starter Đã đăng : 13/09/2021 9:07 chiều
thientrithuc
(@thientrithucs)
Thành Viên Admin

Trả lời:

Hỏi:
_Phật là gì?
Đáp:
_Cái mà ông hỏi ta đó.
Hoặc:
_Cái gì chẳng phải Phật?

Đó là cung cách của các vị thiền sư, trả lời bao nhiêu với các ngài đã là quá đủ,  tuy nhiên với chúng ta có thể nhìn nhận Phật là gì theo ba cách:
Thứ nhất, Phật là nói đến một người đã giác ngộ Phật tánh, được thể hiện qua ba phương diện:
Tự giác, là chính mình giác.
Giác tha, là giúp người khác tu hành để giác ngộ.
Giác hạnh viên mãn, là hạnh giáo hóa chúng sanh giác ngộ được viên mãn.
Các vị  bồ tát cũng hành hạnh này giống như Phật nhưng chưa được viên mãn như Phật.

Thứ hai, vì Phật là một người như những người bình thường như chúng ta đã tu hành ba phương diện trên nên được gọi là Phật, vì vậy Phật là chỉ cho người nào tu hành như Phật thì được gọi là Phật chứ không khẳng định Phật là một ngôi vị dành riêng cho ai cả. Cơ hội không thiên vị ai nếu người nào tu hành như Phật thì sẽ được gọi là Phật.

Thứ ba, Phật tánh hay Phật là gì? Điều sắp bàn đến này là quan trọng nhất.
Phật tánh thì thường hằng và luôn hiện hữu, gần gũi một cách hết sức bất ngờ mà người tu hành phải nhận ra, phải phát hiện ra; dù ta có mê trăm ngàn kiếp thì chúng ta cũng mê trên và trong Phật tánh này.
Một thiền sư Việt Nam là Cẩm Thành, tổ thứ nhất dòng thiền Vô Ngôn Thông  khi được hỏi:
_Thế nào là Phật ?
Ngài đáp:
_Ở khắp tất cả chỗ.
_Thế nào là tâm Phật?
_Chưa từng che dấu.

Thiền sư Huyền Sa Sư Bị nói rằng những người tu hành đang ở giữa biển nước mà dơ tay ra xin nước.
Các vị thầy Tây Tạng thì nói rằng Phật tánh với chúng ta cũng như dầu mè có trong hạt mè. Cũng có chỗ các ngài nói: như một người đang ngồi trên nền nhà của mình lát những viên gạch toàn bằng vàng ròng mà mình không biết, lại ngửa tay với khách qua đường để xin ăn.

Tất cả các bộ kinh đại thừa đều chỉ bày ra biểu hiện của Phật tánh. Như trong kinh Kim Cang đầu tiên giới thiệu: “Bấy giờ sắp đến giờ ăn, Thế tôn đắp y mang bát vào thành lớn Xá Vệ khất thực. Trong thành, Ngài theo thứ lớp khất thực xong, trở về tịnh xá. Dùng cơm rồi, cất y bát, rửa chân, trải tòa mà ngồi.” 
Việc làm và hành động của Phật trong ngày biểu hiện Phật là gì trong các hành động đó, cho nên ngài Tu Bồ Đề tán thán Phật đã khéo phó chúc (giao cho, dặn dò), khéo hộ niệm ( khắc ghi). Nó biểu hiện bằng cốt lõi của kinh Kim Cang là tâm vô trụ. Và ở trong tâm vô trụ thì mọi hành động, mọi việc làm, mọi cảnh vật, mọi thứ tâm đều là Phật.
Kinh Hoa Nghiêm nói:  “tâm Phật chúng sanh cả ba không sai khác”.
Kinh Viên Giác xem vô minh như hoa đốm trong hư không, vô minh không có thật thể như mắt bệnh sinh ra hoa đốm vì vậy hoa đốm sinh hay diệt chỉ là do bệnh mắt biểu hiện chứ hư không dung chứa sự sinh diệt của hoa đốm chưa từng có sinh diệt, để nói rằng chúng ta mê nhưng không có thật vì vậy chúng ta mê là mê trong tâm viên giác, mê trên tánh Phật. Trong phần Phật dạy cái biết của Viên Giác trong kinh Viên Giác như sau:
   “Thiện nam tử! Nhân địa của Như Lai tu Viên Giác là: biết đó là hoa đốm giữa hư không, tức không có luân chuyển cũng không có thân tâm nào thọ nhận sanh tử hoa đốm kia.
   Cái không sanh tử, không thân tâm này chẳng phải làm ra mà gọi là không, bản tánh của chúng tự là Không.
   Cái biết này giống như hư không, cái biết hư không này cũng là tướng hoa đốm. Nhưng cũng không thể nói là không có tánh biết. Có, không đều mất hết, đó gọi là tùy thuận tánh Viên Giác thanh tịnh.”
 
Tóm lại, để có thể hiểu Phật là gì chúng ta cùng xem qua một đoạn trích trong kinh Lăng Nghiêm phần: Gom về Như Lai Tạng.
   “A Nan, ông còn chưa rõ các tướng huyễn hóa của tiền trần, ngay chỗ xuất sanh, ngay đó diệt tận. Huyễn vọng nên gọi là tướng, chứ thật tánh của chúng là thể giác ngộ sáng tỏ mầu diệu.
   Như thế cho đến năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ cho đến mười tám giới, nhân duyên hòa hợp thì hư vọng có sanh, nhân duyên tách lìa thì hư vọng gọi là diệt.
   Chẳng biết được rằng sanh, diệt, đến đi vốn là Như Lai tạng diệu chân như tánh viên mãn khắp cả, bất động, sáng tỏ, mầu diệu, thường trụ.
 Trong tánh chân thường này mà cầu cho ra sự đến đi, mê ngộ, sanh tử, hoàn toàn không chỗ được (vô sở đắc).”
Như vậy, Phật là bản tánh của mọi sự vật hiện tượng, chúng ta đang sống đây là sống trong nền tảng phật tánh hay sống trong sự lưu xuất từ “Như Lai diệu chân như tánh, viên mãn khắp cả, bất động, sáng tỏ, mầu diệu, thường trụ”; mỗi mỗi không gì là Phật cho nên có thể quyết định rằng: bạn, tôi; chúng ta có mê mờ, có là chúng sanh vì những lầm chấp thật có sanh diệt của các hình tướng bao quanh, hình thành cuộc sống này của chúng ta, nhưng bao giờ bản tánh của thế giới hình tướng sanh diệt này cũng  chính là Phật.    Cho nên, khi bạn hỏi:
_Phật là gì?
Đáp rằng:
_Cái gì chẳng phải Phật?

Trả lờiTrích dẫn
Topic starter Đã đăng : 13/09/2021 9:08 chiều
Chia sẻ: