QUÁN TƯỞNG

SHARE:

Trong Mật thừa có một cảm thức về sự tương tục, có một cảm thức về hiện hữu, và có một cảm thức về thực tại. Nếu chúng ta đi sâu vào kinh nghiệm của mình, bấy giờ có một cảm thức, một ý nghĩa hoàn diện và sâu xa về thực tại được chứng nghiệm. Còn nếu chúng ta có một tiếp cận nửa vời với kinh nghiệm, bấy giờ hẳn chúng ta có những kinh nghiệm nửa vời trong sự thấu hiểu thực tại. Tiếp cận Mật thừa là sự dấn thân trọn vẹn, nó bắt đầu với một cảm thức căn bản được đặt nền: vào thân thể, vào ngôi nhà, vào xứ sở của chúng ta, vào hành tinh này. Chúng ta không nói về những chuyến du hành đến Hỏa tinh hay Mộc tinh hay thậm chí mặt trăng. Chúng ta làm việc ngay ở đây, trên trái đất này. Dầu có thích hay không, chúng ta đang ở đây và phải đối mặt với điều đó.

Sự gợi ý này có vẻ gây thất vọng, nếu chúng ta không muốn giữ liên lạc với trái đất. Dĩ nhiên, trái đất đã được tôn vinh bởi những miêu tả vẻ đẹp của nó: những hoa đẹp đẽ và màu lục mà trái đất nuôi dưỡng, những thác nước và con sông và những ngọn núi kì lạ mà trái đất đã cung cấp. Nhưng lìa khỏi điều đó, trái đất có vẻ không hi vọng. Nó chỉ là một đống đá cứng.

Chúng ta có thể cố gắng khích lệ mình bằng cách nói: “Ồ! Kì thú! Tôi đã có một chuyến đi vào Hi-mã-lạp sơn và tôi thấy những núi non đẹp đẽ của Ranchenjunga và núi Kailas”. Hay chúng ta nói: “Tôi đã thấy dãy Rocky Mountains. Tôi đã thấy Grand Canyon. Thật là vĩ đại!”. Những nhận xét như vậy chỉ là sự khuây khỏa buồn cười. Thật ra, chúng ta cảm thấy mình bị dính vào trái đất này, thế nên chúng ta cần tôn vinh nó, cần khen ngợi nó. Nhưng tận trong lòng, chúng ta cứ muốn bỏ đi. Chúng ta muốn bay xa vào vũ trụ, vào không gian ngoài kia. Còn nữa, người nào tìm kiếm một thứ chủ nghĩa vật chất tâm linh hay sự tiêu khiển tâm linh cảm thấy thế này: “Có tốt hơn không nếu chúng ta có thể bơi qua những ngân hà? Chúng ta cảm thấy sự bọt bèo của vũ trụ, và chúng ta có thể khiêu vũ trong bóng tối và thỉnh thoảng chúng ta liên hệ với mặt trời hay những hành tinh”. Vấn nạn trong cách tiếp cận ấy là chúng ta muốn lơ là với sinh quán của mình và sự thân thuộc của những xa lộ, thế giới plát-tích, sự ô nhiễm những cái xảy ra bình thường trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng chúng là tất cả những thứ trang trí cho cuộc sống trên trái đất này, dù chúng ta muốn hay không.

Cái gì quen thuộc trở thành một phần của nghiên cứu Mật thừa, bởi vì nó là căn bản với trạng thái hiện hữu của chúng ta. Trạng thái hiện hữu của chúng ta đặt nền trên một cảm thức kinh nghiệm tương tục, một cảm thức về những sự kiện tương tục mọi loại. Chẳng hạn, thân thể chúng ta là một sự kiện. Nó đánh dấu sự kiện chúng ta được sinh ra trên trái đất này. Chúng ta không phải quy chiếu trở lại nơi giấy khai sanh để chắc chắn rằng chúng ta đã sanh ra. Chúng ta biết rằng chúng ta ở đây, tên chúng ta như vậy như vậy, cha mẹ chúng ta như vậy như vậy. Chúng ta sanh ở Louisiana, Texas, Colorado, New York, Great Neck, hay chỗ nào đó. Chúng ta được sinh ra và được nuôi lớn trong thành phố quê hương. Chúng ta đến trường, học và làm công việc nhà. Chúng ta liên lạc với người khác và phát triển thành cậu bé hay cô bé. Sau đó chúng ta vào đại học. Rồi thực sự trưởng thành: tham gia chính trị, triết học và thí nghiệm với đời sống. Chúng ta phát triển đủ loại ý kiến. Cuối cùng trở thành đàn ông hay đàn bà những cá nhân đích thực. Bây giờ chúng ta là công dân của thế giới. Khi trưởng thành, chúng ta tìm kiếm hôn nhân hay tiếp xúc kinh doanh, hay chúng ta từ bỏ thế giới này và trở nên người phát ngôn tự do, kẻ không tin vào xã hội điên rồ này. Dù trường hợp nào, chúng ta phát biểu quan điểm, chúng ta phát triển triết học của mình. Trong ngôn ngữ Mật thừa, kinh nghiệm ấy được gọi là Samaya.

Samaya là từ căn bản của Mật thừa. Dịch ra tiếng Tây tạng là tamtsik, nghĩa đen là “lời thiêng liêng”. Sự kiện của đời sống, kinh nghiệm thực của đời sống, là samaya. Việc gì chúng ta quyết định làm, mọi hành trình, mọi cách thức chúng ta cố gắng trở thành một cá nhân đều là kinh nghiệm đích thân. Tranh đấu cho mọi loại quyền cá nhân, yêu hay bỏ người yêu, liên hệ với cha mẹ, cam kết chính trị, liên hệ với công việc hay với nhà thờ, chùa chiền – tất cả những điều đó là sự biểu lộ của samaya.

Ở một điểm nào đó trong cuộc đời, chúng ta bắt đầu sống dựa trên chính mình. Chúng ta có thể cố gắng từ chối bất kì sự tương thuộc nào càng nhanh và càng dứt khoát càng tốt. Dù không thể hoàn toàn độc lập, chúng ta vẫn cố gắng làm như vậy. Chúng ta cố gắng loại bỏ những yếu tố có vẻ trói buộc chúng ta ra khỏi hệ thống của mình. Chúng ta cảm thấy bị cầm tù bởi cha mẹ, bởi xã hội, bởi kinh tế hay bởi tôn giáo. Thế nên chúng ta gắng thoát khỏi những nhà tù ấy và cố gắng biểu lộ tự do cá nhân của mình. Ngược lại, hơn là nổi loạn, chúng ta có thể chọn gia nhập vào một nhà thờ hay một môi trường xã hội đặc biệt căn cứ trên một cảm giác chọn lựa của chính cá nhân mình. Đấy cũng biểu lộ tự do của chúng ta, vì chúng ta không hề được bảo nên làm điều đó – chúng ta chỉ tự mình chọn lựa nó. Khi chúng ta tự cam kết dấn thân vào thế giới, hoặc như một phản ứng với những ép buộc hay như một quyết định đi vào cái gì mới lạ, đó gọi là samaya, lời thiêng liêng, hay lời nguyện thiêng liêng.

Hoặc chúng ta bị thúc đẩy, và rồi dần dần chúng ta đi vào hệ thống, hay chúng ta bị thúc đẩy và từ chối hoàn toàn hệ thống, đó là một biểu lộ của tự lập. Hành động gì chúng ta làm để liên kết với một xã hội, tổ chức hay cơ sở tôn giáo đều căn cứ trên kinh nghiệm cá nhân hơn chỉ là truyền thống hay lịch sử. Ngược lại, cắt đứt với cái gì chúng ta cảm thấy trói buộc chúng ta thì cũng căn cứ trên kinh nghiệm cá nhân. Thế nên, những cam kết và chọn lựa của chúng ta được gọi là lời thiêng liêng, hay sự bó buộc thiêng liêng. Samaya có thể được giải thích như là sự bó buộc thiêng liêng, dù nghĩa đen nó là lời thiêng liêng, bởi vì chúng ta được giới hạn bởi một số quy cách, một số tiến trình chúng sẽ tổ chức kinh nghiệm chúng ta. Khi chúng ta chấp nhận những giới hạn này làm của mình, đó là sự bó buộc thiêng liêng của samaya.

Trong thực hành quán tưởng của Mật thừa, chúng ta quán tưởng cái được gọi là saimayasattva. Sattva nghĩa đen là “hiện thể”, “cá nhân” hay “người”. Samaya, như chúng ta đã bàn luận, nghĩa là chấp nhận những nối kết và sẵn sàng cúi mình trước kinh nghiệm về đời sống. Sattva là người kinh nghiệm hoàn cảnh của samaya. Thế nên trong quán tưởng samayasattva chúng ta chấp nhận kinh nghiệm về đời sống và sự sẵn sàng cam kết theo nó. Chúng ta chấp nhận rằng chúng ta sẵn sàng đi vào đời sống một cách trọn vẹn.

Quán tưởng là một thực hành chính yếu của Mật thừa. Nó không chỉ gồm thị giác, mà còn là một cách liên hệ với mọi tri giác giác quan khác – thấy, nghe, xúc chạm, ý nghĩ – với toàn bộ kinh nghiệm giác quan, tất cả cùng một lúc. Như vậy rõ ràng quán tưởng là một cách liên hệ với trạng thái tâm thức chúng ta và là một cách để làm việc với kinh nghiệm của chúng ta.

Để bắt đầu thực hành quán tưởng, chúng ta đi qua xong những kỉ luật Tiểu thừa và Đại thừa, cũng như phải làm những thực hành sơ bộ của Kim Cương thừa. Bấy giờ khi nhận quán đảnh, chúng ta được cho một hoá thần (deity, TT idam, vị thần, hoá thần, bổn tôn) để quán tưởng, tức là một samyasattva được nối kết với cơ cấu của riêng chúng ta, hiện thể căn bản của chúng ta. Hoặc chúng ta là một người trí thức, hay một người nhiều giận dữ, hay một người tham lam… để phù hợp với những tính chất riêng của chúng ta, một hoá thần được vị thầy kim cương ban cho chúng ta bởi vì vị thầy hiểu rõ nhân cách riêng của chúng ta. Vị thần mà chúng ta quán tưởng hay đồng hóa với thì tham dự vào cơ cấu của chúng ta. Chúng ta có thể rất sân, rất tham, rất kiêu căng, rất ngu si hay rất dâm dật – dù cơ cấu con người chúng ta thế nào, cái phức hợp những cảm xúc ấy đều nối kết với giác ngộ. Không có tính chất nào hay kiểu cảm xúc nào được xem là những chướng ngại. Chúng liên hệ với kinh nghiệm cá nhân của chúng ta trong một cảm thức hiện hữu. Nếu chúng ta phải hiện hữu trong tham lam, chúng ta hãy ở trong tham lam của chúng ta; nếu chúng ta phải hiện hữu trong sân giận, chúng ta hãy ở trong sân giận của chúng ta. Chúng ta hãy sống trong sân giận của chúng ta. Chúng ta hãy làm điều đó. Chúng ta hãy là cách đó.

Thế nên, chúng ta quán tưởng một hóa thần nối kết với những tính chất riêng của chúng ta và với sự tự cam kết và kinh nghiệm của chúng ta. Đã quán tưởng hoá thần ấy, vị samayasattva của con người căn bản của chúng ta, bấy giờ chúng ta thỉnh mời vị gọi là jnanasttva. Jnanasattva là một hiện thể khác hay một cấp độ kinh nghiệm khác mà chúng ta thỉnh mời vào hệ thống của chúng ta, tuy nhiên, đó không là cái gì đặc biệt phi thường hay kì dị. Jnana (trí huệ) là một trạng thái tỉnh giác hay sự rộng mở rỗng rang, còn samaya là một kinh nghiệm của sự bó buộc hay việc được đặt nền vững chắc trong kinh nghiệm của chúng ta. Samayasatta là ở cấp độ của thân và ngữ, trong khi jnanasattva là một phẩm tính tỉnh giác đến từ trên cấp độ ấy. Jnanasattva là phẩm tính mở rộng rỗng rang hay một cảm thức về nguyên lí vũ trụ. Đồng thời, jnana là một thái độ căn bản hoài nghi đối với đời sống, nó cũng là một thái độ khôi hài.

Trong trường hợp này khôi hài không có nghĩa là xấu xa hay chọc cười, chế nhạo ai. Thay vào đó nó là thường trực bị hấp dẫn và vui vẻ trong một nghĩa tích cực. Chúng ta có thể vui khi thấy ai đó ăn mì sợi dài của ý. Anh ta làm điều đó theo một cách cá nhân như vậy, và cách anh ăn mì spaghetti có vẻ rất khỏe mạnh, đồng thời, tức cười, khôi hài. Không phải người ấy là buồn cười theo đúng nghĩa, mà người ấy có can đảm ăn spaghetti theo một cách trực tiếp và đẹp đẽ. Anh thực sự nếm mì, và anh dùng nó một cách thích đáng và hữu ích. Có một cảm giác khỏe mạnh khi thấy người ấy xử lí với vũ trụ của anh ta một cách thích đáng.

Jnana là kinh nghiệm một cảm giác khôi hài và hấp dẫn về mọi sự và thấu hiểu rằng mọi sự đang được xử lí một cách thích đáng – thậm chí ở cấp độ vô cơ. Hoa lớn lên, những tảng đá ngồi yên, thông thì ở đó. Các sự vật đó là độc nhất, cá nhân và rất thực. Thế nên cái khôi hài của jnana thì hoàn toàn khác với sự bó buộc căn bản của samaya. Với jnana, có một cảm nhận đích thực về sự bay bổng đầy cảm kích. Khi chúng ta thấy ai làm cái gì, chúng ta am hiểu anh ta không chỉ tiến hành công việc, mà còn tiến hành một cách trọn vẹn, đầy nghệ thuật và khôi hài.
Jnana nghĩa đen là “trí huệ”, hay “thông thái”. Trí huệ là một thực thể thông tuệ mà chúng ta có thể học hay kinh nghiệm, như “trí huệ của những thời đại”. Nhưng jnana là trạng thái thông thái, một trạng thái tự nhiên và cá nhân của kinh nghiệm. Trong từ jnanasattva, jnana là trạng thái này của trí huệ, và sattva là “con người”. Nhưng trong trường hợp này sattva biểu lộ cảm thức của một người ở cấp độ rộng mở rỗng rang và khôi hài thú vị.

Mục đích trong mọi truyền thống Mật thừa là kết hợp jnanasattva, nó là định hướng của hiện hữu vật lí. Sự thực hành quán tưởng là nối kết với tiến trình phối hợp jnanasattva thì thoát khỏi quán tưởng. Chúng ta không phải quán tưởng các jnanasattva như vậy: họ chỉ xuất hiện. Các vị ấy chỉ hạ xuống từ bầu trời và hợp nhất sự quán tưởng lộn xộn và vụng về của chúng ta; các vị chỉ hoà tan vào sự lộn xộn của chúng ta.

🌿🌿🌿☀🌿🌿🌿

HÀNH TRÌNH VÔ TRỤ XỨ – CHOGYAM TRUNGPA RINPOCHE
Ban dịch Thuật Thiện Tri Thức
NXB Phương Đông, 2012

Post: Thường An

SHARE: