SHARE:
“Tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta đều ngạc nhiên khi biết niềm hạnh phúc của mình được tăng trưởng khi chúng ta làm cho người khác hạnh phúc. Bạn biết đấy, bạn đi đến thị trấn, bạn đi chỉ để mua sắm một vài thứ nhưng khi trở về nhà, bạn mang theo một bó hoa để tặng Rachel. Cô ấy đã không mong đợi điều đó, và sự rạng rỡ trên khuôn mặt cô ấy cùng với niềm vui đến từ việc khiến người khác vui mừng là điều mà bạn thực sự không thể tính đếm được.”
Ngài Tổng Giám Mục nói tiếp với một nụ cười: “Cho nên, cuốn sách của chúng ta nói rằng nhờ sự cho đi mà chúng ta được nhận. Vì vậy, tôi hy vọng rằng mọi người sẽ tự nhận ra rằng vì chúng ta đóng kín với chính mình nên chúng ta có khuynh hướng bị đau khổ. Chỉ khi nào chúng ta trưởng thành và biết quên đi bản thân mình – thì bằng một cách phi thường, ý tôi là chúng ta sẽ khám phá ra rằng chúng ta tràn ngập niềm an vui, hỷ lạc.
Đôi khi tôi nói đùa rằng Chúa không biết nhiều về môn toán, bởi vì khi bạn trao tặng cho người khác thì lẽ ra là bạn đã trừ bớt đi của chính mình. Nhưng theo cái cách phi thường này tôi thực sự đã thấy nhiều lần lắm rồi – bạn cho đi và sau đó thực tế là bạn lại tạo ra không gian cho nhiều thứ hơn được trao về bạn.
Có một ví dụ rất thực tế là Biển Chết ở Trung Đông nhận được nguồn nước tốt lành từ các dòng sông, nhưng vì nó không có lối thoát nên dòng nước bị tù đọng lại. Ý tôi là, nước trở nên xấu đi. Và đó là lý do tại sao nó có tên là Biển Chết. Nó chỉ nhận mà không cho. Và chúng ta cũng được cấu tạo theo cách đó. Chúng ta nhận và chúng ta phải cho đi. Cuối cùng thì sự rộng lượng là cách tốt nhất để có được nhiều hơn, nhiều hơn và nhiều hơn nữa niềm hỷ lạc, an vui”.
Chúng tôi đã đến với trụ cột thứ tám và cũng là trụ cột cuối cùng của niềm hỷ lạc: Tâm quảng đại.
Tâm quảng đại thường là kết quả tự nhiên của tâm từ bi, mặc dù ranh giới giữa chúng có thể khó mà phân biệt. Như Jinpa đã chỉ ra, chúng ta không cần phải đợi cho đến khi cảm giác từ bi xuất hiện trước khi chúng ta chọn cách rộng lượng với người khác. Tâm quảng đại là thứ mà chúng ta học được cách tận hưởng nó thông qua việc thực hành. Có lẽ vì lý do này mà việc làm từ thiện được xem là bắt buộc trong hầu hết mọi truyền thống tôn giáo. Đây là một trong năm trụ cột của đạo Hồi, được gọi là zakat. Trong Do Thái giáo, nó được gọi là tzingakah, có nghĩa đen là công lý của Hồi giáo. Trong Ấn Độ giáo và Phật giáo, nó được gọi là dana. Và trong Cơ Đốc giáo, đó là từ thiện.
Bố thí quảng đại rất quan trọng trong tất cả các tôn giáo trên thế giới bởi vì nó thể hiện một khía cạnh cơ bản của sự phụ thuộc lẫn nhau và nhu cầu của chúng ta đối với nhau. Tâm quảng đại quan trọng đối với sự sống còn của chúng ta đến nỗi các trung tâm cảm nhận niềm vui trong não của chúng ta phát sáng lên mạnh mẽ lúc chúng ta cho đi cũng giống như khi chúng ta nhận được, và đôi khi còn mạnh mẽ hơn thế. Như đã đề cập lúc trước, Richard Davidson và các đồng nghiệp đã xác định rằng sự rộng lượng là một trong bốn mạch não cơ bản xây dựng nên hạnh phúc lâu dài. Trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2015, Davidson và Brianna Schuyler đã giải thích rằng một trong những yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất về hạnh phúc trên toàn thế giới là chất lượng những mối quan hệ của chúng ta. Hành động hào phóng, hành vi xã hội dưỡng như thắt chặt thêm các mối quan hệ này giữa các nền văn hóa. Tâm quảng đại thậm chí còn liên quan mật thiết với sức khỏe tốt hơn và tuổi thọ dài hơn. Sự rộng lượng này dường như mạnh mẽ đến mức, theo các nhà nghiên cứu David McClelland và Carol Kirshnit, chỉ cần nghĩ về nó thì đã “làm tăng đáng kể globulin miễn dịch nước bọt bảo vệ kháng thể A – một loại protein tham gia vào hoạt động của hệ thống miễn dịch”.
Vì vậy, có vẻ như tiền sẽ mua được hạnh phúc, nếu chúng ta dành nó cho người khác. Nhà nghiên cứu Elizabeth Dunn và các đồng nghiệp của bà phát hiện ra rằng mọi người trải nghiệm hạnh phúc lớn hơn khi họ chỉ tiến cho người khác thay vì chi tiêu cho bản thân. Dunn cũng nhận thấy rằng những người lớn tuổi bị tăng huyết áp đã giảm huyết áp khi họ được chỉ định chi tiền cho người khác chứ không phải cho bản thân họ. Như Đức Tổng Giám Mục cũng đã giải thích, chúng ta nhận được khi chúng ta cho đi.
Tôi đã được nghe một câu chuyện tuyệt vời giúp bảo chứng cho những lời mà Ngài Tổng Giám Mục đang nói. Khi tôi gặp James Doty, anh ấy là người sáng lập và giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Tâm từ bi và Lòng vị tha tại Stanford, và đồng thời cũng là chủ tịch của Quỹ Dalai Lama Foundation. Jim cũng là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh toàn thời gian. Nhiều năm trước, anh đã trở nên giàu có với vai trò là một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ y tế và đã cam kết dành số cổ phiếu trị giá 30 triệu đô la để làm từ thiện. Tại thời điểm đó, giá trị tài sản ròng của anh là hơn 75 triệu đô la. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán sụp đổ, anh ấy mất tất cả và nhận ra rằng mình đã bị phá sản. Tất cả những gì anh còn lại chỉ là số cổ phiếu mà anh đã cam kết làm từ thiện. Luật sư của anh nói rằng anh có thể rút lại việc đóng góp từ thiện của mình và mọi người sẽ thông cảm vì hiểu rằng hoàn cảnh của anh đã thay đổi. “Một trong những quan niệm lâu đời trong xã hội của chúng ta,” – Jim giải thích, – “đó là tiền sẽ khiến bạn hạnh phúc. Lớn lên trong cảnh nghèo khó, tôi đã nghĩ rằng tiền sẽ cho tôi mọi thứ mà tôi không có như quyền lực, sức mạnh, tình yêu. Nhưng cuối cùng, khi mà tôi có được tất cả số tiền mà tôi từng mơ ước thì tôi phát hiện ra rằng nó không làm cho tôi hạnh phúc. Và khi tôi mất hết thì tất cả những người bạn giả dối của tôi cũng biến mất theo”. Rồi Jim quyết định hoàn thành sự quyên góp của mình như đã hứa. “Ngay vào lúc đó tôi bỗng nhận ra rằng cách duy nhất mà đồng tiền có thể mang lại hạnh phúc là cho nó đi”.
Sự hào phóng không chỉ là nói về số tiền mà chúng ta cho đi. Nó cũng bao gồm cả cách mà chúng ta trao tặng thời gian của mình. Trong các tác phẩm viết về hạnh phúc, có rất nhiều nghiên cứu về tầm quan trọng của việc có ý thức rõ ràng về mục tiêu của chúng ta. Mục tiêu này, về cơ bản, là cách mà chúng ta có thể đóng góp và hào phóng với người khác, là cách mà chúng ta cảm thấy cần thiết và có giá trị đối với người khác. Một phân tích tổng hợp rộng lớn của bác sĩ tim mạch Randy Cohen đã được tiến hành tại Trung tâm y tế Mount Sinai St. Luke, cho thấy việc có ý thức cao về mục tiêu tương ứng với việc giảm 23% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân. Trong một nghiên cứu khác được tiến hành bởi bác sĩ phẫu thuật thần kinh Patricia Boyle và các đồng nghiệp của cô và báo cáo tại JAMA Psychiatry, những người có ý thức rõ ràng về mục tiêu, sau bảy năm nghiên cứu, đã giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh Alzheimer so với những người không có mục tiêu. Thế nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi sự hào phóng về thời gian của chúng ta cũng tác động sâu sắc đến sức khỏe của chúng ta. Một phân tích tổng hợp lớn của Morris Okun và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng việc tham gia các hoạt động tình nguyện giúp giảm 24% nguy cơ tử vong.
Tâm từ bi và tâm quảng đại không chỉ là những đức hạnh cao cả mà chúng còn là cốt lõi của bản tính con người trong chúng ta, là những điều làm cho cuộc sống của chúng ta an vui và có ý nghĩa.
“Vâng, có rất nhiều, rất nhiều, rất nhiều những điều xấu xa,” – Đức Tổng Giám Mục giảng giải. – “Tuy nhiên, cũng có những điều vô cùng đẹp đẽ trong thế giới của chúng ta. Các thị trấn người da đen ở Nam Phi bị hoành hành bởi nghèo đói và bệnh tật, bao gồm cả HIV, trẻ em mồ côi. Tại một trong những thị trấn đó, tôi đã gặp một người mẹ chuyên đi thu nhận và nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi trên đường phố. Nguồn thu nhập của cô ấy không nhiều, nhưng ngay khi cô khởi sự làm điều đó thì sự giúp đỡ bắt đầu đến để giúp cô thực hiện công việc từ bi của mình.
Chúng ta về cơ bản là tốt lành. Chúng ta được tạo ra cho sự tốt lành. Và khi có cơ hội, phần lớn chúng ta sẽ phản ứng bằng sự hào phóng. Cô gái ấy không có gì, nhưng điều đó không ngăn trở được cô. Cô nuôi khoảng 100 đứa trẻ đường phố mà cô ấy nhặt được trong một căn nhà có ba phòng. Cho đến khi mọi người biết về việc mà cô đang làm, họ đã đến và nói: “Thật là tốt, chúng tôi sẽ giúp cô một tay. Chúng tôi sẽ xây một ký túc xá nhỏ cho bọn trẻ”. Những người khác thì bảo: “Chúng tôi sẽ mang thức ăn đến cho các bạn”. Và thế là, rất nhanh chóng, cô đã có một ngôi nhà. Và cô trở thành một nhân vật huyền thoại. Nhưng cô ấy vốn chẳng hề bị thúc đẩy bởi ham muốn nổi tiếng hay bất cứ điều gì tương tự. Chỉ là cô nhìn thấy những đứa trẻ lang thang này và bản năng làm mẹ của cô lên tiếng: “Không, thế này không ổn cho bọn trẻ”. Và vì vậy, ý tôi là có thể một lúc nào đó trong bạn tràn đầy cảm giác bất lực, nhưng hãy cứ làm những gì bạn có thể ở nơi mà bạn có thể”.
Vào sinh nhật lần thứ 80 của Ngài Tổng Giám Mục, Rachel và tôi đã cùng Ngài và gia đình đến thăm trại trẻ mồ côi để ăn mừng với một chiếc bánh khổng lồ. Khi một vài đứa trẻ ngồi sà vào lòng chúng tôi trên sàn của một căn phòng chật ních với nhiều đứa trẻ khác nữa, thì thật là khó để mà không muốn nhận nuôi tất cả. Những đứa trẻ lớn hơn ôm những đứa nhỏ hơn trong vòng tay của mình: Lũ trẻ đã cùng nhau sống trong sự che chở của lòng từ bi và rộng lượng nơi người mẹ tốt lành đã đưa chúng về nuôi. Tôi nhớ Đức Tổng Giám Mục đã kể rằng khi Ngài đến thăm thị trấn, Ngài được chứng kiến những người tuy không có gì, hoàn toàn không có gì, nhưng họ vẫn mở cửa nhà và mở trái tim của họ cho những người khác. Quả thực, tâm quảng đại tồn tại ở mỗi chúng ta.
Ngài Tổng Giám Mục nói tiếp: “Và bạn sẽ rất ngạc nhiên khi đến thăm một tu viện hoặc một nhà tu kín. Nơi đây mọi người tuy sống một cuộc sống rất đơn giản nhưng bạn phải thừa nhận rằng họ luôn có sự bình an – thứ mà chúng ta luôn cố nắm bắt một cách khó khăn.
Khi không quá đặt nặng sự giàu có và địa vị của mình thì chúng ta mới có thể hào phóng, và khi đó chúng ta mới thực sự trở thành chủ nhân đối với những tài sản và những vị trí này, chúng ta không giữ chúng chỉ cho riêng mình nữa.
Vì vậy, vẫn để không phải nằm ở sự giàu có và địa vị. Vấn đề nằm ở thái độ của chúng ta. Chúng ta đã nói điều đó ngay trong ngày đầu tiên: Khi bạn quá tập trung vào mình, quá chú trọng bản thân, thì cuối cùng bạn sẽ trở thành một con người khô héo, suy tàn”.
Có nhiều cách để trao đi thậm chí vượt ngoài những thứ như thời gian và tiền bạc của chúng ta. Jinpa giải thích rằng trong giáo lý Phật giáo có ba loại bố thí: bố thí vật chất (tài thí), giúp người khác thoát khỏi nỗi sợ hãi (vô úy thí – có liên quan đến những hành động như bảo vệ, tư vấn hoặc an ủi), và chỉ dẫn về mặt tâm linh (pháp thí – có thể liên quan đến việc chỉ dẫn về trí tuệ, phẩm hạnh, giáo lý đạo đức, và giúp đỡ mọi người để họ tự chủ và hạnh phúc hơn. Tất nhiên đây là những điều mà Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ngài Tổng Giám Mục đã trao tặng chúng ta suốt cả một tuần vừa qua.
“Nó ở đó, ngay trước mắt chúng ta,” – Đức Tổng Giám Mục nói. – “Chúng ta đều đã thấy điều đó. Những người mà chúng ta ngưỡng mộ là những người có nhiều sự quan tâm đến người khác. Ngay cả khi họ đang bận rộn với một mở công việc vất vả hay những thứ tương tự vậy, nhưng nếu bạn muốn nói chuyện với họ, thì họ vẫn khiến bạn cảm thấy rằng vào chính thời điểm đó, bạn mới là điều quan trọng nhất mà họ quan tâm.
Điều này không liên quan đến tôn giáo mà chỉ là một điều thế gian thường tình. Ví dụ, những công ty nào biết chăm sóc cho nhân viên của mình thì họ có được nhiều thành công hơn. Nếu mà họ nói rằng: “Chà, chúng tôi đã trả lương cho nhân viên và thế là xong nghĩa vụ của chúng tôi”. Vâng, được thôi. Bạn cứ làm vậy đi. Khi đó nhân viên của bạn cũng sẽ đáp lại: “Tôi chỉ làm việc theo ca và đợi cho đến lúc hết giờ làm việc của mình là xong nhiệm vụ”. Nhưng nếu họ thấy rằng bạn quan tâm đến họ như những người trong một nhà – bạn biết đấy, bạn hỏi thăm họ, bạn hỏi thăm gia đình của họ hoặc ít nhất là có ai đó trong công ty của bạn đang làm nhiệm vụ chăm sóc phúc lợi cho họ – thì điều đó quả thực sẽ làm tăng năng suất. Tôi không biết bạn còn cần thêm những bằng chứng nào khác để chứng minh rằng những người, những tập thể được chăm sóc thì hầu hết luôn là những người làm việc hiệu quả không nhưng trong thực tế là họ làm việc rất, rất tốt. Và điều này cũng đúng với chiều ngược lại”.
“Hoàn toàn chính xác” – Đức Đạt Lai Lạt Ma bổ sung thêm. – “Điều này khá rõ ràng trong xã hội. Nhiều công ty Nhật Bản rất thành công nhờ mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Các nhân viên có cảm giác rằng “đây là công ty của tôi” và làm việc hết lòng. Còn đối với nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến lợi nhuận, các nhân viên sẽ chăm chăm nghĩ về thời gian họ được nghỉ ngơi chứ không bao giờ nghĩ về công ty. Nếu tổ chức của bạn được xây dựng trên quan niệm cùng làm cùng hưởng thì sự hài hòa chân thực sẽ phát triển. Đây là những gì loài người chúng ta đang thật sự cần trong lúc này. Sự hòa hợp giữa bảy tỷ con người.” – Đức Đạt Lai Lạt Ma chắp hai bàn tay lại với nhau, biểu hiện sự hòa hợp của toàn nhân loại bằng những ngón tay khéo léo của mình.
“Chúng con muốn quay lại với điều Ngài đang nói, thưa Ngài Tổng Giám Mục, về việc Ngài cảm thấy như thế nào về bản chất con người của chúng ta. Cuộc sống hiện đại của chúng ta đã làm méo mó cảm giác từ bi và rộng lượng bẩm sinh của chính mình như thế nào?”
“Chúng ta đã được nuôi dạy theo ý nghĩ rằng chúng ta phải tuân theo quy luật mạnh được yếu thua. Chúng ta tàn nhẫn trong việc cạnh tranh với nhau. Quá nhiều đến nỗi hiện nay căn bệnh loét bao tử ở mức báo động. Chúng cho ta thấy rằng ta đang làm việc quá sức ra sao. Chúng ta làm việc chăm chỉ không chỉ để cung cấp cho nhu cầu của bản thân và gia đình, mà chúng ta còn đang cố gắng để vượt hơn người khác. Chúng ta đã xem nhẹ thực tế rằng bản chất thật sự của chúng ta được sinh ra để bổ sung cho nhau. Chúng ta đã đánh mất căn tính của mình. Như Martin Luther King Jr. đã nói: “Chúng ta phải học cách sống với nhau như anh chị em, hoặc chúng ta sẽ chết cùng nhau như những kẻ ngốc”.
Tôi hy vọng rằng những cuốn sách như thế này sẽ thức tỉnh chúng ta về ý thức làm người. Và sau đó chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta đã chi hàng tỷ hoặc hàng nghìn tỷ đô la cho những gì mà chúng ta gọi là ngân sách quốc phòng. Trong khi một phần rất nhỏ trong số đó có thể làm giảm đi số trẻ em đang bị chết mỗi ngày, chết vì không có nước sạch. Hiện trạng này sẽ không xảy ra nếu chúng ta nhận thức được sự kết nối giữa chúng ta. Không có cách nào khiến một quốc gia tự mình có thể thịnh vượng. Không thể. Đó không phải là cách mà chúng ta đã được tạo ra. Chúng ta đã được lập trình cho sự bổ sung lẫn nhau, sự gắn kết với nhau, là gia đình của nhau. Và ngay cả khi bạn cho rằng việc này nghe có vẻ ủy mị, thì không, nó không phải ủy mị. Nó là sự thật.
Cho dù bạn sản xuất thừa mứa nhưng không nghĩ tới những người đang đói thì cũng không ổn, bởi điều đó đã phá vỡ các định luật cơ bản của vũ trụ. Và như thế, mọi thứ sẽ dần trở thành những vấn đề khủng khiếp.
Bạn không cần phải dùng đến giáo lý trong kinh điển hay tôn giáo. Nó đơn giản là sự thật: Bạn không thể tồn tại một mình. Nếu bạn nói rằng bạn thích làm người ích kỷ, thì rất nhanh thôi cái con người hoàn toàn ích kỷ ấy sẽ lụn bại, khổ đau. Bạn cần có những người khác để làm một con người đúng nghĩa. Đó là lý do tại sao khi muốn trừng phạt, các nhà tù sẽ đưa tù nhân vào biệt giam. Bởi vì bạn không thể thăng hoa mà không cần người khác. Họ mang cho bạn những thứ mà bạn không thể tự cho mình, bất kể bạn có bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Và vì vậy chúng tôi nói về Ubuntu: Một con người được là người thông qua những người khác. Chắc sẽ có một số người nhận xét: “À, thật là một kiểu tư duy lỗi thời”. Đó quả thật là một định luật cơ bản nhất cho sự sống của con người, nhưng chúng ta lại xem thường nó – chúng ta xem thường hậu quả của việc này”.
Đôi mắt của Ngài Tổng Giám Mục sững lại. Ngài nói với lòng nhiệt huyết và sức mạnh của một vị tiên tri trong Kinh Cựu Ước – người đang cố gắng để cứu mọi người khỏi thảm họa diệt vong. Tôi biết rằng việc nói ra sự thật trước quyền lực như Ngài vẫn làm là điều vô cùng mệt mỏi. Tuy nhiên, Ngài dường như chẳng hề bị suy yếu. Có lẽ Ngài cảm thấy tràn đầy năng lượng với vai trò là một vị trưởng lão của toàn cầu, một vai trò rất cần thiết để cất lên tiếng nói đạo đức cho mọi người. Tuy nhiên, tôi muốn chu đáo trong việc bảo vệ sức khỏe vốn hạn chế của Ngài. “Thưa Ngài Tổng Giám Mục, con muốn lưu ý đến sức khỏe của Ngài. Chúng ta chỉ còn một câu hỏi cuối cùng liên quan đến chủ đề này. Ngài có được khỏe không?”.
“Không, không sao, ta ổn mà.”
“Để trả lời thêm một câu hỏi nữa chứ ạ?”
“Con có thể đặt thêm bao nhiêu câu hỏi tùy thích.”
“Câu hỏi này đến từ Micah ở Nam Phi. Cô ấy hỏi: Làm thế nào Ngài có thể phụng sự con người, thiên nhiên và những mục tiêu cần thiết mà không đánh mất bản thân vào những trạng thái tâm lý khủng hoảng? Làm thế nào chúng ta có thể giúp thế giới chữa lành mà vẫn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống của chính mình?”
“Này người anh em, Ngài trả lời trước đi.” – Ngài Tổng Giám Mục nói.
“Tôi nghĩ Ngài hiểu rõ điều này hơn tôi.”
Ngài Tổng Giám Mục cười: “Đây là lần đầu tiên, xin hãy lưu ý rằng Ngài ấy bảo tôi hiểu rõ hơn”.
“Thì đây là một câu hỏi về châu Phi mà, phải không?” – Đức Đạt Lai Lạt Ma thắc mắc.
“Không, đây là câu hỏi về thế giới.”
“Vâng, thế thì được.” – Đức Đạt Đai Lạt Ma nói và chuẩn bị trả lời. – “Giờ đây, tôi luôn chia sẻ với mọi người rằng những vấn đề mà ngày nay chúng ta đang gặp phải rất khó giải quyết. Bởi lẽ cả một thế hệ đã được nuôi dưỡng với một trạng thái tâm lý nhất định, với một lối sống nhất định. Vì vậy, khi chúng ta nghĩ về tương lai, làm thế nào để xây dựng một nhân loại kiện toàn, thì chúng ta thực sự phải nghĩ cách để tạo ra một thế hệ công dân mới với một kiểu suy nghĩ khác. Ở điểm này thì giáo dục thực sự là chìa khóa. Cơ Đốc giáo có những giáo lý tuyệt vời, Phật giáo cũng vậy, nhưng chỉ dùng những giáo lý và cách tiếp cận này là chưa đủ.
Phương thức giáo dục thế tục hiện nay là phổ biến. Vì vậy, bây giờ chúng ta phải đưa vào giáo dục chính thức cho thanh thiếu niên của chúng ta một số giáo lý về lòng từ bi và đạo đức cơ bản, không dựa trên niềm tin tôn giáo mà dựa trên những phát hiện khoa học và thường thức, dựa trên cả những kinh nghiệm phổ quát của chúng ta. Chỉ biết phàn nàn về tình hình hiện tại thì không giúp được gì nhiều. Rất khó để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong thế giới hiện đại của chúng ta, bởi vì chính tâm lý nền tảng của chúng ta đã bị sai lạc. Như Ngài cũng đã đề cập, cha của Ngài bình thường là một người đàn ông rất tốt, nhưng khi say thì ông ấy cư xử rất tệ. Tương tự như thế, tôi nghĩ hiện nay cũng có rất nhiều người đang bị say. Họ có quá nhiều cảm xúc tiêu cực như tham lam, sợ hãi và giận dữ đang chi phối tâm trí họ. Vì vậy họ hành động như những người say rượu.
Cách duy nhất để thoát khỏi cơn say này là giáo dục trẻ em về giá trị của tâm từ bi và giá trị của việc áp dụng tâm thức của chúng ta. Chúng ta cần có một đường lối dài hạn bắt nguồn từ tầm nhìn để giải quyết các thách thức toàn cầu của chúng ta. Điều này sẽ đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản trong ý thức của con người, và chỉ thông qua giáo dục là cách phù hợp nhất để đạt được điều đó. Thời gian không chờ đợi. Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Nhờ vậy, có lẽ thế hệ mới sẽ có được khả năng để giải quyết những vấn đề toàn cầu này trong cuộc đời của họ. Chúng ta – thế hệ đi trước, đã tạo ra rất nhiều vấn đề trong thế kỷ hai mươi. Các thế hệ của thế kỷ hai mươi mốt sẽ phải tìm kiếm giải pháp cho họ.
“Tôi muốn nói, mọi người về cơ bản là từ bi.” – Ngài Tổng Giám Mục nói, nhắc lại một trong những luận điểm cốt lõi của Ngài.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói xen vào: “Vâng. Đó là nền tảng của niềm hy vọng của chúng ta”. “Này, tôi đang nói cơ mà.” – Ngài Tổng Giám Mục đáp trả một cách khôi hài.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cười vang.
“Ngay cả những người ích kỷ nhất,” – Ngài Tổng Giám Mục lại tiếp tục, – “anh ta cũng phải có một chút lòng yêu thương với gia đình mình. Vì vậy, chúng ta đâu có nói về một điều gì đó xa lạ. Chúng ta nói rằng chúng ta đã phát hiện ra sự thật là chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau”.
“Thật ra, thưa Ngài Tổng Giám Mục,” – tôi nói, cố gắng đem sự chú ý của mọi người trở lại với chủ đề, – “người đặt câu hỏi đang cảm thấy một sự tương thuộc sâu sắc với nhân loại và cô ấy giàu yêu thương đến độ nó khiến cô ấy cảm thấy đau lòng và sầu khổ vì các vấn đề của thế giới. Cô ấy muốn biết làm thế nào để có thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống của mình trong khi vẫn còn phải thấy rất nhiều người khác đang đau khổ”.
“Vâng. Rất tốt.” – Ngài nói, nhìn xuống và suy nghĩ về câu hỏi. – “Là một ông già, tôi có thể nói: Hãy bắt đầu trong khả năng của bạn và hiểu rằng bạn không có ý định tự mình giải quyết tất cả những vấn đề to lớn này. Hãy cứ làm những gì bạn có thể. Có vẻ như điều đó quá rõ ràng. Và rồi bạn sẽ thực sự ngạc nhiên về việc vấn đề đó được giải quyết ra sao.
Có rất nhiều, rất nhiều người – tôi muốn nói là trái tim của tôi nhảy lên vì vui mừng khi khám phá ra số lượng những người muốn quan tâm đến điều này. Có bao nhiêu người đã đi bộ ở thành phố New York vì môi trường? Ý tôi là, điều đó thật phi thường. Không ai trả công cho họ, nhưng họ đã tham gia làm điều đó. Có rất nhiều, rất nhiều người vẫn quan tâm. Và bạn sẽ ngạc nhiên rằng khi mà bạn bắt đầu nói: “Chà, tôi muốn làm một việc gì đó cho người cao tuổi”, thì bạn sẽ ngạc nhiên về số lượng người tới cùng bạn để chung tay giúp đỡ. Tại sao lại có nhiều Tổ chức phi chính phủ đến vậy? Đó là những người nói rằng: “Chúng tôi muốn tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng tôi không cần phải tiêu cực”.
Hãy nhớ rằng bạn không đơn độc và bạn cũng không cần giải quyết mọi vấn đề. Sẽ phải mất thời gian, nhưng chúng ta đang học hỏi, chúng ta đang phát triển, chúng ta đang trở thành những con người mà chúng ta muốn trở thành. Sẽ không giúp ích gì được cho ai nếu bạn tự hy sinh niềm vui bởi vì người khác đang đau khổ. Chúng ta những người biết quan tâm, phải thu hút được người khác, phải tràn ngập niềm an vui, để người khác nhận ra rằng việc chăm sóc, giúp đỡ và hào phóng với mọi người không phải là gánh nặng, mà đó là một niềm vui. Hãy trao tặng thế giới tình yêu của bạn, lòng phụng sự của bạn, sự chữa lành của bạn, và bạn cũng có thể trao tặng thế giới niềm an vui của bạn. Đây cũng là một món quà hết sức tuyệt vời.”
Đức Tổng Giám Mục và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã diễn tả về một loại tâm quảng đại rất đặc biệt: sự hào phóng về tinh thần. Phẩm tính mà cả hai Ngài đều sở hữu – có lẽ nhiều hơn bất kỳ ai khác, là sự hào phóng về tinh thần. Họ là những người có tâm bao dung, rộng lượng, cao thượng, hào phóng, rộng rãi, kiên nhẫn, tha thứ và tốt lành. Có lẽ sự hào phóng này về mặt tinh thần là biểu hiện chân thực nhất của sự phát triển tâm linh – là những điều mà Ngài Tổng Giám Mục đã nói rằng cần thời gian để có được.
Ngài Tổng Giám Mục đã sử dụng một cụm từ hay để mô tả cách hiện diện trên thế giới này: “Trở thành một ốc đảo của an bình, một mặt hồ của sự thanh thản lan tỏa đến tất cả những người xung quanh”. Khi chúng ta có một tinh thần hào phóng, chúng ta sẽ dễ hòa đồng và khiến người khác vui vẻ khi ở bên ta. Chúng ta tỏa ra niềm hạnh phúc, và tập thể của chúng ta cũng mang lại niềm vui cho những người khác. Không nghi ngờ gì rằng điều này đi đôi với khả năng bớt tự cho mình là trung tâm, bớt chú trọng bản thân và dễ quên mình hơn – như Ngài Tổng Giám Mục đã nhiều lần chỉ rõ. Nhờ thế, chúng ta sẽ giảm bớt được những gánh nặng về mong cầu ta tự đặt ra cho bản thân mình, ta hiểu rằng mình không có gì cần phải chứng minh. Chúng ta không cần phải được nhìn nhận theo một cách nào đó nhất định. Chúng ta sẽ có ít sự kỳ vọng hơn, cởi mở hơn và thành thực hơn. Điều này cũng sẽ tự nhiên mang lại sự thoải mái cho những người xung quanh chúng ta. Khi đã chấp nhận được bản thân, chấp nhận những điểm yếu và bản chất nhân ái của mình, chúng ta có thể chấp nhận bản chất nhân ái của những người khác. Chúng ta có thể có lòng từ bi đối với những lỗi lầm của bản thân mình và có lòng từ bi đối với những lỗi lầm của người khác. Chúng ta có thể hào phóng trao tặng niềm vui cho người khác. Theo nhiều cách, nó giống như pháp tu tonglen của Phật giáo mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sử dụng. Chúng ta có thể nhận lấy sự đau khổ của người khác và trao tặng cho họ niềm vui.
Khi thực hành sự rộng lượng về mặt tinh thần, chúng ta sẽ có nhiều cách để thực hành tất cả các trụ cột khác của niềm hỷ lạc. Với tâm quảng đại này, chúng ta sẽ có cái nhìn rộng lớn hơn để thấy được mối liên hệ của chúng ta với mọi người; có sự khiêm nhường khi nhận ra vị trí của chúng ta trên thế giới và thừa nhận rằng vào một thời điểm nào đó, chúng ta cũng có thể sẽ là người cần được nhận – cho dù nhu cầu đó là vật chất, tình cảm hay tinh thần; có khiếu hài hước và khả năng tự cười giễu chính mình để chúng ta không quá coi trọng bản thân; có được sự chấp nhận trong cuộc sống, là khi chúng ta không bắt ép cuộc sống phải khác đi với những gì mà nó đang xảy ra; có sự tha thứ cho những người khác và giải phóng bản thân khỏi nỗi tiếc nuối rằng mọi việc có thể khác đi; có lòng biết ơn cho tất cả những gì chúng ta nhận được. Tóm lại, chúng ta hãy nhìn những người khác với lòng từ bi sâu sắc và mong muốn giúp đỡ cho những người đang cần. Từ đó sẽ xuất sinh ra tâm quảng đại mà có thể gọi cách khác là “sự vị kỷ khôn ngoan” – một trái tim rộng lượng khi nhận ra rằng việc giúp đỡ người khác thực ra là giúp đỡ cho chính mình. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: “Trên thực tế, việc chăm sóc người khác, giúp đỡ người khác, cuối cùng lại là cách để khám phá ra niềm an vui của chính bạn và có một cuộc đời hạnh phúc”.
Đã đến lúc chúng tôi tổ chức một bữa tiệc “nhỏ” bất ngờ tại Làng Trẻ em Tây Tạng – nơi có 1.750 trẻ em, 300 giáo viên và nhân viên, cùng với 700 vị khách từ cộng đồng Tây Tạng đang háo hức chờ đợi để chúc mừng sinh nhật lần thứ 80 của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Cũng như tất cả những điều mà chúng ta vừa đọc về tâm quảng đại, chúng tôi – những người có mặt ở đó, và tất cả những người xem truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới – sẽ nhận được nhiều ích lợi từ việc chứng kiến sự kiện đặc biệt này hơn là những gì mà chúng ta hy vọng có thể dâng tặng lên Đức Đạt Lai Lạt Ma.
—o0o—
HỶ LẠC TỪ TÂM – ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA THỨ 14 & DESMOND TUTU
Người dịch: Thảo Yukimoon
Post: Tâm Ngọc Đồng Minh
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS