SHARE:
Như thế, hình ảnh Đức Giêsu đập vào mắt chúng ta khi đọc Tin Mừng là hình ảnh của một con người tự do. Đó không phải là hình ảnh của một con người “quyền quý” hay “siêu nhân” chỉ biết khinh miệt quần chúng. Trái lại, uy quyền của Đức Giêsu biểu lộ ra trong lời Ngài giảng dạy và trong thái độ tự do của Ngài đối với xã hội và tôn giáo, không hề làm cho người khác phải tránh xa vì sợ hãi. Dân chúng chen lấn xô đẩy Ngài tứ phía, bệnh nhân nài nỉ kêu xin, tội nhân được thứ tha, những nạn nhân bị khai trừ ra khỏi xã hội cảm thấy được thông cảm. Đức Giêsu không vì uy quyền hay sự tự do của mình mà xa cách những kẻ nghèo hèn bé nhỏ. Hiểu lầm uy quyền và sự tự do của Ngài như thế cũng tương đương cho rằng Ngài cao ngạo và xa cách con người. Trái lại, thái độ gần gũi dân chúng là dấu chứng tỏ rằng sự tự do của Ngài rất đơn sơ, như sự tự do của trẻ con vậy.
Quả thế, Đức Giêsu không tỏ một dấu hiệu nào là một nhà khổ hạnh đang phấn đấu để trở thành người hoàn thiện.
Ngài đã nói: “Ta sẽ sánh thế hệ này với ai đây? Họ giống như lũ trẻ con ngồi ở chợ mà gọi lũ khác rằng: “Chúng để tao đã thổi sáo, mà chúng bay lại không múa! Chúng tao đã than vãn, mà chúng bay lại chẳng đấm ngực! Quả vậy, Gioan (Tẩy Giả) đã đến, không ăn không uống thì họ nói; “Ông ta bị quỷ ám” Con người đến, cũng ăn cũng uống thì họ nói: “Kìa con người mê ăn và chè chén, bạn bè với quân thu thuế và tội lỗi!” (Mt 11,16-19).
Đức Giêsu đã không đi theo con đường của Gioan Tẩy Giả. Ngài không rút lui vào hoang địa, không sống chay tịnh và khắc khổ. Ngài vẫn ở lại giữa mọi người, lui tới với tất cả mọi người, từ những người chuyên nghiệp tôn giáo (Ngài đã không từ chối ngồi ăn với họ), đến những người thu thuế (bị mọi người ghen ghét vì tội trộm cắp của họ), và những người có một đời sống đáng nghi ngờ. Ngài dự tiệc cưới và uống rượu. Miệng loan báo Nước Thiên Chúa mà lại sống y như mọi người chung quanh, đó thực là một điều chướng tai gai mắt. Đức Giêsu đã giảng dạy con đường của Thiên Chúa một cách hết sức tự do, vì thế gây nên nhiều chống đối. Người ta trách Ngài là đã sống theo những tập quán và phong tục để gây cảm tưởng Ngài là người tội lỗi. Nếu Ngài như thế thì hẳn sự dữ đã bớt đi rồi. Nhưng vì Ngài không phải là người tội lỗi, vì Ngài là ngôn sứ và là người tự do đến nỗi không ai kính sợ Thiên Chúa mà lại đòi được tự do như thế, nên Ngài đã làm đe dọa đến an ninh của Do Thái giáo trong xã hội và tôn giáo. Nhìn vào uy quyền và sự tự do của Đức Giêsu, chúng ta có thể hiểu được những lý do tại sao những lời nói của Ngài đã gây ra biết bao xung đột và cuối cùng những xung đột ấy đã đưa Ngài tới chỗ bị kết án.
Các sách Tin Mừng không phải là không nói tới nhân cách của Đức Giêsu trong lịch sử. Qua lời nói trung thực được ghi lại, những hoạt cảnh được mô tả, những tranh luận được chứng kiến, những mâu thuẫn và xung đột được tường thuật những cuộc gặp gỡ được ghi chú, các tác giả Tin Mừng đã cho thấy rõ một khuôn mặt, và hai chữ quần chúng dùng để diễn tả cảm tưởng của mình (“uy quyền”) đã tóm tắt tất cả những gì chúng ta có thể thu lượm sau khi nghiên cứu cẩn thận các quan hệ xã hội của Đức Giêsu và thái độ tôn giáo của Ngài. Tôi đã diễn tả điều đó bằng một ý niệm có lẽ phù hợp hơn với văn hoá hiện đại, đó là tự do. Nhưng để tránh nói một cách trừu tượng như thế tốt hơn thay thế bằng một diễn ngữ cụ thể hơn: “Con người tự do”. Như vậy, chúng ta đã nắm được một dữ kiện chắc chắn về nhân cách lịch sử của Đức Giêsu. Nhân cách đó càng được xác nhận hơn, khi nhìn thái độ của đối phương cũng như sự khăng khít của các môn đệ hay sự thán phục của dân chúng đối với Ngài. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong thần học. Sở dĩ thế là vì hai lý do: Chúng ta có thể trình bày sự kiện đó mà không cần dùng ngữ vựng tôn giáo và sự kiện đó cũng có một ý nghĩa rất hiện đại.
Như vậy, nhờ sự kiện đó, chúng ta không cần phải dùng đến ngữ vựng tôn giáo, để nhận ra nơi Đức Giêsu một thực tại mà chúng ta mới trực giác chung chung như mọi người, một thực tại vẫn còn huyền nhiệm đối với chúng ta. Đức Giêsu luôn sống trong sự tự do; tự do thường có tính cách trực tiếp và mới mẻ đến nỗi nó bắt chúng ta phải tự hỏi về nguồn gốc của sự tự do ấy luôn. Đức Giêsu vừa cho chúng ta thấy toàn vẹn con người của Ngài, vừa che giấu nó. Các tác giả Tin Mừng đã nhiều lần nói tới sự ngạc nhiên của thính giả. Đó cũng là cách để diễn tả một sự ý thức ngay thẳng không giấu giếm, không hậu ý như ý thức của một đứa trẻ, và diễn tả tình trạng bất lực của con người không thể hiểu được nguồn gốc và tầm vóc của Ngài. Chính sự cụ thể rõ ràng của Ngài làm cho Ngài trở nên huyền nhiệm xa xôi. Ngôn ngữ tôn giáo mà những người đương thời cũng như Giáo hội sơ khai đã dùng để diễn tả kinh nghiệm đó, chỉ có giá trị nếu nó móc nối với thực tại mà nó muốn giải thích: thực tại đó là Đức Giêsu xuất hiện trước mắt mọi người như một con người hết sức tự do.
Sự kiện này cũng rất có giá trị trong thế giới hôm nay. Khi loan báo về Đức Giêsu, các Giáo hội ngày nay đã mượn một số từ ngữ trong Cựu Ước. Những từ vựng này ít khi được móc nối với kinh nghiệm nguyên thuỷ mà chúng có bổn phận giải thích. Người ta đã dùng những ngữ vựng đó mà quên mất kinh nghiệm gốc, khiến chúng ta không thể thoát ra những hình ảnh tôn giáo cổ truyền khi diễn tả kinh nghiệm đó. Ngoài ra khi chỉ lưu ý tới thái độ “yêu thương” của Đức Giêsu, người ta sẽ vô tình dần dần bỏ mất hình ảnh của Đức Giêsu mà các chứng nhân đầu tiên đã kể lại cho chúng ta. Điều đánh động họ hơn hết nơi Đức Giêsu chính là sự tự do và “uy quyền” của Ngài; bởi vậy, phải theo chiều hướng đó mà giải thích thái độ nhân từ và yêu thương của Đức Giêsu đối với người nghèo, người tội lỗi. Chưa bao giờ các lời chứng của Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu là một con người uỷ mị yếu đuối. Lòng nhân từ, sự thông cảm và tình yêu của Đức Giêsu mà các sách Tin Mừng nói tới đều được lồng trong kinh nghiệm đầu tiên mà các thính giả đã có được khi tiếp xúc với Đức Giêsu, kinh nghiệm ấy có thể giải thích được tại sao con người của Ngài đã gây nên bao cuộc xung đột không ngớt. Các Kitô hữu chúng ta thường rất dễ dàng quên thái độ tự do và “uy quyền” của Đức Giêsu. Chân dung của Đức Giêsu với hai đặc tính ấy có thể không xứng hợp mấy với những Đức tin mà một Giáo hội hay một tổ chức nào đó đang học tập. Tuy nhiên nó có thể giúp chúng ta hiểu tại sao những người đương thời với Đức Giêsu gọi Ngài là “ngôn sứ”.
🍀🍂🌼🍂🍀
TRÍCH: GIÊSU, CON NGƯỜI TỰ DO – PHÁC THẢO MỘT KITÔ GIÁO
Dịch Giả: Linh mục Nguyễn Văn Hòa – NXB Tôn Giáo 2024
Post: Tâm Ngọc Đồng Minh
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS