SHARE:
Bám luyến vào những kinh nghiệm
Khi người ta là một người mới bắt đầu thực hành, dù tâm thức người ta có thể tiếp tục trong trạng thái tự an định tự nhiên tức tham thiền, cũng sẽ không thể vượt khỏi những bám luyến vào những kinh nghiệm trong thiền định. Chúng chủ yếu là những kinh nghiệm cảm giác vui thích, những kinh nghiệm về sáng tỏ, và những kinh nghiệm về không phóng dật, không có tư tưởng hay vô niệm. Khi những kinh nghiệm thiền định này xảy ra và chúng ta để cho mình bám luyến, vướng mắc vào chúng, chúng ta làm gì? Để giải thoát chúng ta khỏi sự bao bọc trong những kinh nghiệm bám luyến vào kinh nghiệm, và để phát lộ tình trạng tự nhiên không bày biện của tánh Giác nội tại trần trụi, nó vốn không cách gì bị ngăn ngại bởi bất kỳ cái gì khởi lên, nghĩa là, để chứng ngộ trạng thái gnas-lugs (cách thế tự nhiên của hiện hữu) này vốn thoát khỏi bất kỳ ý niệm nào – chúng ta đột ngột thốt lên một tiếng PHAT! phá tan tư tưởng. Tiếng PHAT này phá tan tư tưởng ngay khi nó vừa khởi, như một lằn sấm chẻ đôi một cây lớn.
Hành động này cắt đứt dòng chảy và sự tương tục của những tư tưởng. Tiếng PHAT mạnh mẽ và mãnh liệt này cực kỳ quan trọng bởi vì nó phá tan sự thiền định của chúng ta, loại thiền định đã được tạo ra và thiết lập bằng hoạt động tâm trí của chúng ta, nghĩa là đại loại những tư tưởng như “Cái này là Rigpa!” hay “Đây là tâm!” v.v… Theo cách này, chúng ta thoát khỏi mọi tạo tác ý niệm và như thế chúng ta tự do với chúng. Và trong sự đánh thức của nó, tất cả cái còn lại là một tỉnh giác sắc bén đáng kinh ngạc.
Tâm và Bản tánh của Tâm
Cốt yếu để hiểu tất cả điều này là sự phân biệt căn bản trong Dzogchen giữa bản tánh của tâm thức và tâm thức hay tiến trình tư tưởng, dòng chảy không ngừng của những tư tưởng lan man liên tục khởi sanh thành thức. Trong sự giới thiệu của ngài, đạo sư ví bản tánh của tâm thức chúng ta như một tấm gương sáng, có những đặc tính trong sáng, thanh tịnh và trong trẻo; và tất cả tư tưởng, xúc tình, xung động, cảm thọ, cảm giác… của chúng ta giống như những ảnh phản chiếu trong tấm gương này. Tánh Giác nội tại, trạng thái hiện tiền tức thời, thì giống như khả năng của tấm gương này phản chiếu bất kỳ cái gì để trước mắt nó, dù xấu hay tốt, dơ hay sạch, đẹp hay xấu. Và như những bóng dáng phản chiếu này không thể nào thay đổi hay biến đổi bản tánh của tấm gương, cũng thế những tư tưởng lan man khởi lên trong tâm thức không cách nào có thể thay đổi hay biến đổi bản tánh của tâm thức. Khi hòa nhập vào cái hiểu biết của tỉnh giác nội tại vốn sẵn này, chúng ta sống trong thể trạng của bản tánh của tấm gương. Nhưng lìa khỏi tỉnh giác và ở lại trong vô minh, chúng ta sống trong điều kiện của những bóng dáng phản chiếu, nghĩ rằng cái gì khởi sanh trước tâm thức của chúng ta là một cái gì đó có thật và có thể chất. Những bóng dáng phản chiếu này, vốn có bản chất ánh sáng cầu vồng, nhưng do vô minh và những ngăn chướng dần dần trở nên có vẻ cứng đặc và mờ đục, trở thành thế giới vật chất bao quanh chúng ta. Chúng ta trở nên bám luyến vào những bóng ma hay những phóng chiếu tự mình, và đó là vòng hiện hữu không có chỗ bắt đầu mà chúng ta gọi là sanh tử. Tất cả cái này có ra là bởi vì bỏ quên lìa khỏi hiểu biết hay trí huệ. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, dù có cái nhìn thanh tịnh thấy Niết Bàn hay có cái nhìn bất tịnh nghiệp báo thấy Sanh Tử, thì cũng chỉ cùng một bản tánh của tâm biết chúng. Tương tự, chính cùng một tấm gương phản chiếu mọi vật đặt trước nó, dầu những vật được phản chiếu ấy đẹp đẽ như niết bàn hay xấu xí như sanh tử. Chẳng có gì biến đổi trong bản tánh của tâm, cũng như chẳng có gì biến đổi trong bản tánh của gương, và như thế chúng ta nói rằng trạng thái này là bổn nguyên thanh tịnh. Khi Dzogchen nói đến Trạng Thái Bổn Nguyên hay Nền Tảng (ye gzhi), nó chính là bản tánh này của tâm, hiện hữu trong thể trạng đúng như nó là. Đó là một trạng thái vượt ngoài tâm thức và vượt ngoài sanh tử lẫn niết bàn.
Nếu không phải thế, chúng ta sẽ không có khả năng đạt được trạng thái giác ngộ của Phật quả bất kể bao nhiêu kiếp không dứt thực hành Pháp, tích tập bao la trí huệ và công đức. Trong ý nghĩa rốt ráo, chúng ta không thể trở thành cái gì khác với cái chúng ta đã vốn sẵn là trong bản chất. Nhưng bởi vì chư Phật đã xuất hiện trong vô số hệ thống thế giới từ thời vô thủy, và không chỉ trên trái đất chúng ta, đã hẳn tiềm năng thành tựu Phật quả là phổ quát, và thật ra sự việc ấy nói lên tiềm năng ấy có sẵn trong tất cả chúng sanh. Tuy nhiên, Phật quả của chúng ta không phải là cái gì ở dạng tiềm năng như theo hệ thống Kinh, mà với cái thấy hiểu của Dzogchen, nó hiện diện một cách bổn nguyên, vô thủy. Nó đã thành tựu và biểu lộ trọn vẹn ngay từ vô thủy như là bản tánh của tâm thức chúng ta, mặc dầu cho đến bây giờ, trước khi chúng ta được giới thiệu với nó, nó vẫn chưa được nhận biết qua vô số cuộc đời.
Những Thực Tập Semdzin
Để kinh nghiệm trực tiếp sự phân biệt giữa bản tánh của tâm thức và tâm thức, có những thực tập Rushan. Ngoài ra trong bộ Upadesha cũng có những bộ thực tập khác, như Semdzin, dùng cho cùng mục tiêu này. Nhiều Semdzin được tìm thấy trong những bản văn Semde và Longde, nhưng danh sách hai mươi mốt Semdzin thấy trong Nyi-zla kha-sbyor Tantra được dùng nhiều trong hệ thống Upadesha. Longchenpa cũng giải thích rộng những Semdzin này, mặc dù sự giải thích của ngài có phần khác với sự giải thích thấy trong Tantra trên. Từ ngữ sems dzin nghĩa là “giữ hay định (dzin-pa) tâm (sems)”.
Theo Longchenpa, Semdzin được chia làm ba phạm trù có bảy Thực tập. Nhóm thứ nhất cho phép hành giả thấy mình trong một trạng thái tĩnh lặng, như thế những thực tập tương tự với sự thực hành Shamatha. Khi người ta an trụ trong trạng thái tĩnh lặng, người ta có thể nhận định rõ ràng cái gì là sự chuyển động của những tư tưởng và phân biệt chính xác sự chuyển động ấy với trạng thái tĩnh lặng như vậy. Những thực tập trong nhóm hai cho phép hành giả khám phá sự tương quan giữa thân và tâm. Và những thực tập trong nhóm ba cho người ta khám phá bản tánh của thể trạng chính mình.
Thực tập thứ nhất trong phạm trù thứ nhất gồm định tâm vào một chữ A Tây Tạng màu trắng trên đầu mũi. Kết hợp chữ với hơi thở của mình, nó đi ra trong không gian với mỗi hơi thở ra và trở lại đầu mũi với mỗi hơi thở vào. Sự định tâm này ngăn chặn tư tưởng ngoại lai sanh khởi, như đã giải thích ở trước. Tuy nhiên, thực tập thứ hai trong phạm trù thứ nhất này gồm phát lên âm PHAT!, nó lập tức phá tan những tư tưởng và những bám chấp. Một cách tượng trưng, hai phần của chữ này chỉ hai phương diện của giác ngộ, đó là PHA nghĩa là Phương Tiện (thabs) và TA nghĩa là Trí Huệ (shes-rab). Âm này cũng được dùng nhiều trong Chod, tức là sự thực hành cắt đứt những bám luyến vào cái ngã. Chính thực hành Semdzin này mà Patrul Rinpoche đã dùng ở đây để cung cấp một sự trực tiếp đưa vào sự hiểu biết Rigpa. Nó tạm thời chặn đứng dòng chảy tư tưởng, và chúng ta thấy mình trong một trạng thái tánh Không sáng tỏ.
Thứ nhất, chúng ta phải buông thả và không theo bất kỳ tư tưởng nào khởi lên. Mặt khác, chúng ta không nên có cố gắng nào để ngăn chặn chúng. Đã buông xả, chúng ta thấy rằng dần dần hơi thở chậm lại và dòng tư tưởng cũng chậm lại, bởi vì những tư tưởng của chúng ta cỡi trên năng lực tinh thần (tương quan với hơi thở), như một người cỡi trên một con ngựa. Chúng ta định sự chú ý của chúng ta trên một đối tượng nào đó như chữ A màu trắng hay chỉ một chỗ trong không gian. Mắt chúng ta không động bởi vì cử động của mắt cũng sẽ dẫn sanh tư tưởng. Ban đầu sự định tâm của chúng ta mạnh mẽ và không có chỗ nào cho tư tưởng khởi sanh, nhưng rồi, khi chúng ta buông thả sự định tâm này một chút, tư tưởng lại khởi lên. Khi chúng khởi, chúng ta phát âm sắc bén và đột ngột PHAT! Chẳng hạn, khi chúng ta đang ngồi yên lặng, mơ màng, thình lình có ai đàng sau lưng nổ một phát súng, chúng ta bị chấn động và kinh ngạc, đến mức tiến trình tư tưởng của chúng ta bị ngắt và có một sự dừng lại đột ngột trong vài khoảnh khắc. Chúng ta thấy mình trong trạng thái gọi là had-de-ba, “tỉnh giác đáng kinh ngạc”. Nhưng tình trạng had-de-ba này không phải là Rigpa, trạng thái tham thiền. Trạng thái chấn động này chỉ là một kinh nghiệm. Tuy nhiên qua kinh nghiệm này chúng ta có thể đạt được một hiểu biết và cảm thức nào đó về Rigpa có nghĩa là gì. Vấn đề khám phá trạng thái Rigpa này giống như việc cố gắng giải thích vị ngọt cho người chưa hề nếm cái gì ngọt, chẳng hạn như đường.
Trạng Thái của Tỉnh Giác Đáng Kinh Ngạc
Trong trạng thái tham thiền, chúng ta thoát khỏi mọi ý niệm và thấy mình trong trạng thái của Pháp thân, đó là, trong một tánh giác thấu suốt trực tiếp trơn trụi, nguyên vẹn như chính nó, một trí huệ hay tỉnh giác nguyên sơ siêu việt tâm thức. Trạng thái chấn động hay tỉnh giác đáng kinh ngạc này là thấu suốt trực tiếp. Nó vượt khỏi tâm thức vì lúc đó tâm thức không vận hành. Dòng chảy thường lệ của những tư tưởng bị cắt đứt và tạm thời dừng lại, và chúng ta thấy mình ở trong một trạng thái cảnh giác sắc bén đáng ngạc nhiên, ở đó không có tư tưởng. Không có tư tưởng, vô niệm, chỉ còn tỉnh giác. Cái này chắc chắn không phải là một trạng thái vô thức, dù không có tư tưởng nào hiện diện. Nhưng nếu chúng ta thốt lên PHAT! mà không hòa nhập tỉnh giác và cái không, khiến chúng không thể tách lìa nhau, thì cái had de-ba này sẽ không khác với một loại kinh nghiệm về vô niệm. Chúng ta mất mình trong kinh nghiệm sơ khai và bỏ quên dấu tích Rigpa.
—🍀🌼🍀—
GARAB DORJE
NHỮNG CHỮ VÀNG
Ban dịch thuật Thiện Tri Thức
Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức – 2002
Post: Thường An
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS