Đảo Ngược Thói Thường

SHARE:

🍁 BÍ QUYẾT: ĐÚNG LÚC HƠN LÀ ĐÚNG GIỜ

James bond chẳng bao giờ đúng giờ.

Thực ra, chính điều đó khiến anh ta cực giỏi, như ta vẫn thấy. Anh ta xuất hiện vào phút chót, đúng lúc quả bom sắp phát nổ hay mỹ nhân sắp ăn đạn, và anh ta xoay trở để biến thành người hùng cứu mạng. Bond, như mọi người hùng hành động tuyệt vời trên đời, không hể cư xử kiểu răm rắp tuân theo các nhắc nhở của lịch Google trên điện thoại. Tôi đoán là điện thoại của Bond chắc còn chẳng cài mấy thứ lịch như thế. Thay vào đó, anh ta phản ứng tùy tình hình, và anh ta không bao giờ chậm trễ. Bond không hề đúng giờ, anh ta luôn đúng lúc.

Khác nhau thế nào?

Đúng giờ thường có nghĩa là tuân thủ một lịch trình lập trước cho cả ngày. Ví dụ: bạn đến đúng giờ hẹn phỏng vấn hoặc ăn trưa – điều đó rất quan trọng. Có mặt đúng giờ đã hẹn chính là dấu hiệu thể hiện sự chính trực.

Thế nhưng, đúng lúc cốt ở chỗ lựa chọn đúng thời điểm làm việc gì đó.

“Đúng lúc cốt ở chỗ nắm trúng thời điểm, chứ không mù quáng tuân thủ giờ giấc”.

Có những người nắm vững nghệ thuật “đúng lúc”, họ xuất hiện chính vào khoảnh khắc họ được thiết tha cần đến, cung cấp những giải pháp thiên hạ không ngờ và cực giỏi xác định những giây phút vận may lộ diện, bất kể thời giây phút có ngắn ngủi thoáng qua thế nào.

Rất nhiều người khuyên nhủ bạn phải đúng giờ, nhưng nếu “đúng lúc” giá trị đến thế, hẳn bạn sẽ băn khoăn: tại sao chưa có ai từng dạy ta cách làm việc đó?

Làm gì có trường lớp nào dạy ta cách trì hoãn đến phút chót rồi trong chớp mắt thực hiện một hành động thật ấn tượng, đúng vào lúc cần đến nó nhất.

Ta phải được dạy điều đó mới phải.

🍁 VẤN ĐỀ CỦA GIÁO DỤC KIỂU PHÒNG-KHI-CẦN ĐẾN

Từ hồi mới chập chững tiểu học, việc học hành của ta chẳng mấy khi kết nối chặt chẽ với thế giới quanh ta. Hầu hết sự giáo dục này đều là “phòng khi cần đến” – ta học những thứ giống như “xưa nay vẫn thể”, hoặc vì một niềm tin sai lầm: biết đâu có ngày ta sẽ cần biết, hay chọn nghề nghiệp nào đó sẽ dùng tới những kiến thức ấy.

Giải tích, lịch sử Lưỡng Hà, cách phát hiện vận luật trong thơ… đây là những mẩu kiến thức sẽ có lúc bạn dùng đến trong đời, hoặc không. Khổ nỗi, nếu tương lai bỗng nảy ra khoảnh khắc nào đó bạn thực sự cần biết về một trong các chủ đề này, khả năng cao là bạn không thể nhớ đủ những kiến thức từ xưa lơ xưa lắc để vận dụng sao cho chúng trở nên hữu ích.

Khi ta trưởng thành hơn, vấn đề càng trở nên rõ rệt. Chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) điển hình kéo dài hai năm, trong khoảng thời gian này, mọi khía cạnh của kinh doanh được giảng dạy thông qua các khóa học về tinh thần lãnh đạo, tài chính, kế toán, marketing và quản lý nhân sự. Một vấn đề rất dễ đoán: suốt nhiều năm trong sự nghiệp, nhiều sinh viên không hề dùng đến những gì họ học khi lấy bằng MBA, trừ phi có lúc nào đó cần vận dụng.

Học hành kiểu phòng-khi-cần-đến này có một nhược điểm: chẳng ai nhớ được mọi thứ mãi. Dạy sinh viên những kỹ năng cần thiết, sử dụng đúng lúc chẳng phải tốt hơn sao?

Hầu hết các nhà hàn lâm đều đồng tình: giải pháp chính là áp dụng giáo dục theo phong cách “đúng-lúc” cho tất cả mọi người. Có thể là đào tạo chuyên nghiệp, thực tập trong đời thực, hoặc bất cứ cách dạy-học nào liên quan trực tiếp tới những gì sinh viên thời nay cần biết. Đào tạo như thế sẽ hữu ích hơn, giúp tập trung vào giải quyết các thử thách thực tiễn, để mỗi người sẵn sàng gặt hái những thành công trong thế giới thực.

🍁 TẠI SAO CĂN THỜI ĐIỂM THỰC SỰ MANG TÍNH QUYẾT ĐỊNH

Vấn đề của giáo dục truyền thống càng làm nổi bật một thực tế: việc dạy-học tập trung vào “đúng lúc” (thay vì “đúng giờ”) ít ỏi đến thế nào. Tất nhiên, căn giờ sao cho chuẩn đóng vai trò sống còn trong nhiều lĩnh vực, đâu chỉ giới hạn trong học tập.

“Căn thời điểm” quyết định mọi thứ: phát hành sản phẩm, lựa chọn tuyển dụng, thậm chí cả việc ta có gặp đúng người hay không. Trong hầu hết mọi trường hợp, không hề tồn tại một bản hướng dẫn thời gian duy nhất để ta chỉ vào và khẳng định “đây là thời điểm hoàn hảo để sự kiện xảy ra”.

Sẽ thế nào, nếu việc liên tục xem đồng hồ trên điện thoại hay thiết bị theo dõi sức khỏe lại chính là cách kém hữu dụng nhất để suy nghĩ về thời gian? Khi đã quên hẳn cái đồng hồ, ta được giải phóng tâm trí để hướng vào những trải nghiệm đúng lúc, thay vì vô thức làm theo lịch trình thường nhật, yêu cầu ta tập trung sức lực vào tất cả mọi việc.

Một bí quyết để giúp bạn làm việc đó hiệu quả hơn: thử nghĩ xem sự ngăn nắp ảnh hưởng thế nào tới việc căn lịch trình hoạt động suốt cả ngày. Lúc sắp rời khỏi nhà, bạn có cuống cuồng lục lọi để tìm chìa khóa, điện thoại hay bộ sạc không dây?

Những khoảng lãng phí kiểu này khiến việc căn thời gian thành ra đổ bể, dù bạn vẫn nghĩ mình rời nhà đúng lúc. Thay vì đánh mất thời gian ở đúng khoảnh khắc sau cùng then chốt ấy, hãy thay đổi hệ thống tổ chức để ngăn tình trạng “điên cuồng tìm kiếm” như thế nảy sinh ngay từ đầu.

Một phần của sự “đúng lúc”, ấy là biết phải tìm những thứ cần thiết ở đâu đúng vào khoảnh khắc ta cần đến chúng. Hãy nhớ: khi James Bond tháo kíp nổ một quả bom, anh ta luôn biết cái kìm cắt dây ở chỗ nào.

🍁 LÀM THẾ NÀO ĐỂ “ĐÚNG LÚC” THƯỜNG XUYÊN HƠN

Mẹo #1 – Chờ đợi có chiến lược đến đúng phút chót

Đúng là có những khoảnh khắc cấp bách thật, nhưng không phải mọi thứ bạn được yêu cầu đều phải gấp rút. Thay vào đó, hãy cân nhắc xem bạn có thể luyện nghệ thuật “trì hoãn chiến lược” ra sao. Sau đây là một ví dụ tuyệt hảo từ đời sống thường nhật: Nếu món sữa ở nhà vừa hết, bạn lập tức đi ra cửa hàng mua thêm, hay bổ sung vào một danh sách mua hàng để mua sau (thường là chung với nhiều thứ khác)?

Đây là một hình thức trì hoãn có chiến lược – bạn đang chờ đợi đến lúc làm việc gì đó sao cho thời gian tiến hành được tối ưu hóa. Hãy thử xử lý các việc cần thực hiện ở chỗ làm với tâm thế tương tự. Dành một tiếng đồng hồ gửi email, rồi đóng hộp thư lại và không ngó ngàng gì nữa, ít nhất trong vài giờ. Những người hiệu quả luôn chủ động trong cách sử dụng thời gian… và cả những việc họ chọn trì hoãn để làm sau.

Mẹo #2 – Tập trung vào hiện tại

Thời nay, có quá nhiều thứ khiến ta xao nhãng, vì thông tin thừa mứa, vì mạng xã hội, cả vì nỗi khao khát được kết nối trong từng khoảnh khắc. Năm ngoái, để cải thiện khả năng tập trung vào hiện tại, tôi đã dành một tháng thử đủ cách để loại ra khỏi mỗi ngày hoạt động mọi nguồn gây nhiễu từ công nghệ. Tôi tắt mọi thông báo trên điện thoại di động. Tôi gỡ hầu hết mạng xã hội khỏi màn hình chính, thay vào đó là tạo ra một hệ thống thư mục rất rắc rối, ví dụ tôi phải bấm tới ba lượt mới vào được Instagram. Tôi xóa mọi trò chơi khỏi điện thoại. Tôi âm thầm cam kết: không dùng điện thoại trong bữa ăn, tôi bắt đầu cất điện thoại trong túi xách thay vì túi quần túi áo, như vậy muốn rớ tới cũng khó hơn (và bởi thế cũng đỡ cảm giác muốn liếc nhanh điện thoại một cái xem thế nào).

Bạn không nhất thiết phải cực đoan tới vậy, nhưng tập đặt nguyên tắc sử dụng công nghệ đóng vai trò then chốt để rèn bản thân tập trung vào hiện tại thay vì dành mọi giây mọi phút vùi đầu vào điện thoại.

Mẹo #3 – Học tập kiểu “vừa đúng lúc” nhiều hơn

Giáo dục vừa-đúng-lúc không nhất thiết phải mô phạm như một khóa huấn luyện, mà có thể xảy ra bất cứ lúc nào: khi bạn sửa soạn một cuộc họp hay học một kỹ năng mới để chuẩn bị cho tương lai. Khi quyết định thành lập công ty xuất bản tư nhân của riêng mình, tôi phải kiếm ngay một khóa cấp tốc để tự trang bị mọi kiến thức: từ tính phức tạp khi lựa chọn các chủng loại cán láng khác nhau và phủ UV bóng trong in sách, cho tới cách áp dụng mã BISAC (mã phân loại chủ để sách trong ngành xuất bản Mỹ) và siêu dữ liệu xuất bản.

Để làm việc đó, tôi thuê các chuyên gia xuất bản hoạt động tự do và trả phí theo giờ để họ giải đáp mọi câu hỏi tôi có thể nghĩ ra. Tôi đọc các ấn phẩm, tham dự các khóa huấn luyện, và tập hợp quanh mình đủ các chuyên gia thực thụ về mọi thứ, từ hoạt động của các nhà xuất bản cho đến lập bảng chỉ mục. Trong vòng hai năm tiếp sau đó, tôi gần như đạt trình độ tương đương học vị thạc sĩ trong ngành xuất bản và sản xuất tất cả những điều đó giúp công ty xuất bản của tôi tốt lên.
—🍁🍁🍀—

Trích: Đảo Ngược Thói Thường, NXB Trẻ
Dịch giả: Nguyễn Thị Kim Diệu

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: