SHARE:
THÓI QUEN ĂN UỐNG CHỈN CHU ĐỂ TỎA SÁNG MỖI NGÀY.
🍓 Ý NGHĨA CỦA BỮA ĂN TẬP TRUNG ĐÔNG ĐỦ GIA ĐÌNH
Bạn từng nghe đến khái niệm “triệu chứng Kokekokko” (1) chưa? Kokekokko là tiếng kêu của gà báo hiệu buổi sáng, nếu viết bằng chữ Hán sẽ là bốn chữ “Cô Khuyết Cá Cố”. Đây là cụm từ thể hiện khuynh hướng ăn uống của trẻ em Nhật Bản hiện đại.
“Cô thực” là ăn một mình, “Khuyết thực” là bỏ bữa, “Cá thực” là dù cùng ngồi quây quần trên một bàn ăn nhưng mỗi người lại ăn món khác nhau, “Cố thực” là luôn ăn một thực đơn cố định, nói tóm lại là ăn một món duy nhất.
Cụm từ Kokekokko sinh ra để rung lên hồi chuông cảnh báo về khuynh hướng ăn uống như vậy của trẻ em. Nhưng nếu thử suy nghĩ, tôi nhận ra có thể sử dụng khái niệm cô thực và cá thực cho bữa ăn của toàn bộ gia đình. Nếu cả hai vợ chồng đều đi làm, không về nhà cùng lúc, có thể mỗi người ăn một giờ khác nhau, hoặc cho dù ngồi cùng bàn ăn, món ăn của mỗi người là đồ ăn mua trên đường về nhà, lúc này sẽ là cá thực.
Con cái cũng vậy, không ít trường hợp cô thực hay cá thực vì đi học thêm hay tham gia hoạt động ngoài giờ lên lớp. Dù là trường hợp nào, chắc chắn đã đánh mất khung cảnh gia đình sum họp vốn là cảnh tượng bình thường trong gia đình trước kia.
Tuy nhiên, sự gắn kết trong gia đình quan trọng đến mức không gì có thể thay thế. Có thiền ngữ “Lộ đường đường”; câu nói ám chỉ không cần giấu giếm hay tạo vỏ bọc, cứ thể hiện tự nhiên.
Nếu bước một bước ra khỏi nhà, bất cứ ai trong gia đình đều phải có cách cư xử và cảm xúc đúng như xã hội yêu cầu. Bởi người bố (cả với người mẹ có công việc) có địa vị và vị thế trong công ty nên ông phải biểu hiện gương mặt thích hợp qua hơn nửa ngày. Đối với người mẹ, vì phải gặp gỡ giáo viên ở trường học của con hay người dân trong vùng nên cần thể hiện khuôn mặt hài hòa vào môi trường ấy. Các bà mẹ có con đi học tại trường học thường được gọi bằng “Mẹ bạn A (tên của con)”. Vậy nên, “mẹ bạn A” phải thể hiện khuôn mặt của một người mẹ. Kể cả trẻ em cũng phải thể hiện “vẻ ngoài”.
Chỉ có duy nhất một nơi cho phép bạn thể hiện gương mặt thật sự của bản thân – đó là gia đình, hay còn gọi là tổ ấm. Khi ở bên gia đình, không cần bảo đảm thể hiện quyền uy của một trưởng phòng, không cần là người mẹ có hiểu biết của bạn A, không cần là học sinh luôn làm tốt mọi việc. Tôi tin rằng, được thể hiện vẻ tự nhiên của bản thân chính là ý nghĩa quan trọng nhất của gia đình. Tuy nhiên sự thật là mối quan hệ gia đình ấy đang bị phá hoại.
Có một lời gợi ý để cảm nhận mối quan hệ gia đình, đó là cả gia đình sum họp và cùng nhau dùng bữa. Mỗi tuần một lần, gia đình bạn có đặt ra ngày cả gia đình cùng quây quần bên bàn ăn không? Dù mỗi thành viên đều có khung thời gian sinh hoạt khác nhau, nếu đặt ra quy định một ngày nào đó, lúc mấy giờ sẽ trở về nhà và cùng nhau ăn cơm, chắc chắn có thể thống nhất thời gian. Đồng thời, việc không bắt đầu ăn cho đến khi đủ cả gia đình sẽ tạo cảm giác trách nhiệm ở mỗi người.
Cho dù việc này ban đầu khó thực hiện, nhưng đó mới là gia đình. Trong bữa ăn hoặc sau khi ăn xong, ai đó bắt đầu nói chuyện: Có thể là lời kể về tình hình gần đây, biết về suy nghĩ của từng người. Thông qua những câu chuyện này, mỗi thành viên khắc sâu hơn ý nghĩa về gia đình, nó là sợi dây gắn kết khăng khít các thành viên lại với nhau.
Chỉ khi ở cùng gia đình, con người mới “cởi mở và chân thật”. Đừng tiếc rẻ công sức để khôi phục không khí đầm ấm nhé.
🍓 ĐƯA “CHÁO”, MÓN ĂN ĐƠN GIẢN NHẤT VÀO THỰC ĐƠN
Nếu đến Trung Quốc, Đài Loan hay Hồng Kông, bạn sẽ bắt gặp nhiều nhà hàng phục vụ món cháo vào bữa sáng. Đương nhiên cũng có người ăn ở nhà; tại những gia đình ấy, cháo là thực đơn cố định của bữa sáng.
Mặt khác, ở Nhật Bản, bạn có cảm giác cháo là “món ăn cho người bệnh” hay không? Chắc chắn có không ít người sẽ thầm nhủ: “Đúng rồi, nhắc mới nhớ, ngày bé, khi bị ốm, trong ký ức chỉ toàn là ăn cháo”.
“Thói quen” ăn cháo khi bị ốm xuất phát từ suy nghĩ muốn dạ dày và ruột không phải chịu gánh nặng, dễ tiêu hóa. Đó là món ăn được phục vụ khi cơ quan tiêu hóa yếu đi vì bị bệnh.
Chúng ta không có lý do gì để không phát triển ưu điểm của cháo hơn nữa. Trong sinh hoạt ăn uống của người hiện đại thường nghiêng về nhiều năng lượng, đạm, chất béo. Đặc biệt, món ăn tại các nhà hàng càng thiên về xu hướng đó hơn. Hơn nữa, có không ít người ăn quá nhiều vì “bị đắm chìm” vào hương vị thơm ngon. Đương nhiên, áp lực lên cơ quan tiêu hóa cũng vì thế mà lớn dần.
Tôi cảm giác thi thoảng đưa vào thực đơn món cháo, vốn thân thiện với bộ máy tiêu hóa, giảm nhẹ áp lực, là việc cần thiết với con người biện đại. Mỗi sáng đều ăn cháo giống như người tu hành có lẽ là việc làm hơi quá sức, nhưng bạn có thể tạo thói quen ăn cháo vào buổi sáng một đến hai lần mỗi tuần.
Có một điểm lưu ý khi nấu cháo – đó là hãy nấu từ gạo. Thông thường, có nhiều người nghĩ “Còn cơm thừa nên nấu thành cháo cũng được nhỉ…”. Cháo nấu từ cơm thừa và nấu từ gạo chắc chắn hoàn toàn khác biệt. Hương vị của cháo nấu từ gạo đương nhiên ngon hơn, đặc biệt mùi hương càng không thể so sánh.
Bây giờ có loại nồi cơm điện dùng được để nấu cháo, bạn có thể tận dụng nó. Nấu cháo phong cách tu hành sử dụng muối mè và một chút rau thơm (đồ chua). Ban đầu, bạn sẽ có cảm giác đói bụng vì lượng đồ ăn không đủ, cũng không phải món ăn quá ngon để thưởng thức; nhưng khi đã quen, thực ra cháo mới là món ăn bạn muốn. Hương thơm của mè lan tỏa, cảm giác có chút gì đó cao cấp.
Vì bát đựng cháo là sản phẩm gỗ sơn mài nên song song với hương thơm của mè còn thoang thoảng hương gỗ. Món cháo đơn giản tột bậc, nhưng đem tới cảm giác sâu sắc đến từng hương vị. Nếu có thể, bạn hãy chuẩn bị bát sơn mài chuyên đựng cháo, cảm giác ngon hơn nhiều đấy.
Với những người không tu hành, ngoài muối mè và đồ chua, bạn có thể thêm các nguyên liệu khác như mơ muối, cá mòi trắng, hải sản om xì dầu và đường, cá bào. Có thể cho đậu đỏ để làm món cháo đậu đỏ, nấu cùng khoai lang để làm món cháo khoai.
Buổi sáng bắt đầu với bát cháo vừa nấu xong sẽ giúp nội tâm khoáng đạt. Bạn hãy tự tay thực hiện, biến “món ăn người bệnh” thành món cháo “thực phẩm sức khỏe” tuyệt vời nhé.
🍓 CHẮP TAY LÀ NGHI THỨC ĐỂ HÒA LÀM MỘT VỚI BỮA ĂN
Trước khi ăn, nghi thức chắp tay và nói “Cảm ơn vì bữa ăn” có lẽ là việc làm đương nhiên với người Nhật. Tấm lòng biết ơn vì được nhận sinh mệnh của nguyên liệu nấu ăn sẽ giúp bạn nhận ra con người không chỉ sống bằng chính sức lực của bản thân, mà còn nhận được từ nhiều thứ khác, hoặc tồn tại được nhờ người khác.
Có câu nói “Khiêm thụ ích”. Nghĩa là, nếu khiêm tốn sẽ nhận được lợi ích. Nói một cách đại khái, nếu sống khiêm nhường sẽ nhận được nhiều điều tốt đẹp. Vế còn lại của câu đó là “Mãn chiêu tổn”, tức là nếu huênh hoang tự mãn sẽ kéo theo tổn thất.
Nhận thức rõ ràng về sự tồn tại của bản thân sẽ gắn kết với suy nghĩ rằng hãy sống thật khiêm nhường. Khi hiểu rằng bản thân được trao tặng sinh mệnh, sự ngạo mạn trong ta bị nhắc nhở và điều quan trọng là ta trở nên khiêm tốn.
Tôi muốn nói với bạn về việc chắp tay và ý nghĩa của việc chắp tay hành lễ. Lòng bàn tay phải là trái tim Đức Phật, lòng bàn tay trái là trái tim của bản thân. Nói tóm lại, chắp tay hành lễ là giao hòa trái tim Đức Phật và trái tim bản thân. Chắp tay hành lễ là việc thực hiện điều căn bản đó, là động tác chứa đựng nền tảng căn bản đó.
Ngoài ra, trái tim Đức Phật cũng chính là trái tim của “thứ” đang đối diện với bản thân. Chắp tay chính là hòa quyện trái tim của bản thân với món ăn trước mắt.
Tôi đã nhắc đến thiền ngữ “Khiết trà khiết phạn” trước đó, hành lễ cũng chính là nghi thức để hòa làm một với thức ăn.
Dân gian truyền lại giai thoại sau về chắp tay hành lễ. Giai thoại xoay quanh Thiền sư Vô Học Tổ Nguyên, được biết đến là người khai lập chùa Engaku tại thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản.
Khi Thiền sư vẫn sống tại Trung Quốc, quân Nguyên xâm lăng đất Tống, Thiền sư đi ẩn náu tại chùa Năng Nhân, thành phố Ôn Châu, Trung Quốc. Tuy nhiên, quân Nguyên cũng tấn công ngôi chùa đó. Tất cả tăng lữ ở chùa đã chạy thoát, duy chỉ có Thiền sư Vô Học Tố Nguyên còn lưu lại, ngồi thiền, chắp tay niệm Phật. Quân Nguyên rầm rầm muốn lao vào giết chết Thiền sư. Khi đó Thiền sư thậm chí còn không lay động, người cất lời: “Dẫu nâng kiếm lên, đối với thân xác đã vượt lên trên sinh tử, ngay khoảnh khắc tia chớp sáng lòa, cũng chỉ như chém đi cơn gió mùa xuân”.
Đó là “Lâm nhận kệ”, mang nghĩa rằng, dù cầm kiếm cũng không thể cắt đứt linh hồn đã hòa làm một với Đức Phật (chắp tay). Trước quyền năng ấy, quân Nguyên lần lượt giải tán khỏi ngôi chùa.
Dù hơi lệch khỏi chủ đề nhưng tôi mong bạn hiểu được một khía cạnh của “sức mạnh” khi chắp tay.
Chắp tay mỗi khi ăn không chỉ giúp bạn hòa làm một với bữa ăn mà cũng nuôi dưỡng sức mạnh sinh tồn. Bạn có cảm thấy rằng có vô vàn điều học được từ việc dùng bữa không?
—🍓🍏🍓—
Trích: Thiền và thực: Nét bí ẩn tô vẽ sinh mệnh “đang sống”/ Shynmyo Masuno; Hương Linh dịch. -NXB Hà Nội; Công ty Sách Thái Hà, 2021.
🍏 Ghi Chú:
(1) Kokekokko: Từ tượng thanh cho tiếng gà gáy trong tiếng Nhật. (Chú thích của người dịch – ND)
Post: Tâm Ngọc Đồng Minh
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS