SHARE:
CÔNG ÁN: Tăng hỏi Triệu Châu: Hài tử mới sanh lại đủ sáu thức hay không? Triệu Châu đáp: Trên nước chảy nhanh đánh cầu. Tăng lại hỏi Đầu Tử: Trên nước chảy nhanh đánh cầu ý nghĩa thế nào? Đầu Tử đáp: Niệm niệm chẳng dừng chảy.
GIẢI THÍCH: Sáu thức này các nhà kinh điển lập làm gốc chánh, núi sông, đại địa, mặt trời, mặt trăng, sao đều nhân nó mà sanh, đến là tiên phong đi là điện hậu. Cổ nhân nói: Ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức. Nếu chứng Phật địa chuyển tám thức thành bốn trí, nhà kinh điển gọi là chuyển tên mà chẳng đổi thể. Căn trần thức là ba, tiền trần vốn chẳng biết phân biệt, thắng nghĩa căn hay phát sanh thức, thức hay hiển sắc phân biệt, tức là ý thức thứ sáu. Thức thứ bảy tên Mạt-na thức hay gìn giữ tất cả ảnh sự thế gian, khiến người phiền não không được tự do tự tại đều do thức thứ bảy. Thức thứ tám gọi là A-lại-da thức, cũng gọi là Hàm tàng thức, hàm tàng tất cả chủng tử thiện ác. Vị Tăng này biết giáo ý nên đem lại hỏi Triệu Châu: “Hài tử mới sanh lại có đủ sáu thức hay không?” Hài nhi mới sanh tuy đủ sáu thức, mắt hay thấy tai hay nghe, song chưa từng phân biệt sáu trần, tốt xấu dài ngắn phải quấy được mất, khi ấy nó thảy chẳng biết. Người học đạo cần như anh hài, vinh nhục công danh nghịch tình thuận cảnh trọn động nó không được. Mắt thấy sắc cùng mù đồng, tai nghe tiếng cùng điếc đồng, như ngu như ngốc, tâm nó chẳng động như núi Tu-di. Cái này là chỗ Thiền khách chân thật đắc lực. Cổ nhân nói: “Trùm chăn phủ đầu muôn sự thôi, khi này Sơn tăng trọn chẳng hiểu.” Nếu hay như thế mới có ít phần tương ưng. Tuy nhiên như thế, dù cho một điểm cũng chẳng lừa y được, núi như xưa là núi, nước như xưa là nước, không tạo tác không duyên lự. Như mặt trời mặt trăng vận hành trong hư không chẳng từng tạm nghỉ, cũng chẳng nói ta có bao nhiêu danh tướng. Như trời che khắp, tợ đất chở khắp, vì không tâm nên trưởng dưỡng vạn vật, cũng chẳng nói ta có bao nhiêu công hạnh. Trời đất vì không tâm nên trường cửu, nếu có tâm ắt có chừng hạn. Người đắc đạo cũng lại như thế, ở trong cái không công dụng mà bày công dụng, tất cả điều trái tình thuận cảnh đều dùng từ tâm nhiếp thọ. Đến trong đây cổ nhân còn quở trách nói: Liễu liễu khi liễu không sở liễu, huyền huyền chỗ huyền còn phải rầy. Lại nói: Việc việc thông chừ vật vật sáng, người đạt đạo nghe đó trong tối sợ. Lại nói: “Vào Thánh siêu phàm chẳng tạo thanh, rồng nằm hằng sợ suối trong xanh, người đời nếu được hằng như thế, đại địa đâu hay để một tên.” Song tuy thế ấy, lại phải nhảy ra khỏi sào huyệt mới được. Há chẳng thấy trong kinh nói: “Bồ-tát Bất Động Địa thứ tám lấy trí vô công dụng ở hạt bụi chuyển đại pháp luân, ở trong tất cả thời đi đứng ngồi nằm chẳng nệ được mất, hồn nhiên trôi vào biển Tát-bà-nhã.” Hàng Thiền tăng đến trong đây cũng không thể chấp trước, chỉ tùy thời tự tại, gặp trà uống trà, gặp cơm ăn cơm, việc hướng thượng này chấp chữ “định” cũng chẳng được, chấp chữ “bất định” cũng chẳng được. Hòa thượng Thiện Đạo ở Thạch Thất dạy chúng: “Ông chẳng thấy tiểu nhi khi ra khỏi thai, đâu từng nói ta biết xem kinh, chính khi ấy cũng chẳng biết có nghĩa Phật tánh, không nghĩa Phật tánh, đến khi lớn lên học các thứ tri giải, liền nói ta hay ta hiểu, chẳng biết là khách trần phiền não. Trong mười sáu quán hạnh, hạnh anh nhi là hơn hết, khi đa đa hòa hòa là dụ người học đạo lìa tâm phân biệt thủ xả, nên khen ngợi hạnh anh nhi, lấy đó làm thí dụ. Nếu bảo anh nhi là đạo, là người thời nay hiểu lầm.” Nam Tuyền nói: Ta trên mười tám tuổi mới biết tạo kế sống. Triệu Châu nói: Ta trên mười tám tuổi mới biết phá nhà tan cửa. Lại nói: Ta ở phương Nam hai mươi năm trừ hai thời cơm cháo là chỗ tạp dụng tâm. Tào Sơn hỏi Tăng: Bồ-tát trong định nghe voi lớn qua sông rõ ràng, là xuất phát ở kinh nào? Tăng thưa: Kinh Niết-bàn. Tào Sơn hỏi: Trước định nghe hay sau định nghe? Tăng thưa: Hòa thượng trôi vậy. Tào Sơn nói: Dưới bãi tiếp lấy. Kinh Lăng Nghiêm nói: Lặng vào hiệp lặng là vào bên mé thức. Kinh Lăng-già nói: “Tướng sanh chấp ngại, tưởng sanh vọng tưởng, lưu chú sanh thì theo vọng lưu chuyển.” Nếu đến địa vô công dụng vẫn còn ở trong tướng lưu chú, phải ra khỏi cái sanh tướng lưu chú thứ ba mới sống vui thích tự tại. Vì thế Qui Sơn hỏi Ngưỡng Sơn: Huệ Tịch con thế nào? Ngưỡng Sơn thưa: “Hòa thượng hỏi kiến giải của kia hay hỏi hạnh giải của kia? Nếu hỏi hạnh giải của kia thì con chẳng biết, nếu hỏi kiến giải như nước trong một bình rót vào trong một bình.” Nếu đến như thế mới đáng làm thầy một phương. Triệu Châu nói: “trên nước chảy nhanh đá cầu”, sớm đã lăn trùng trục. Lại khi nhằm trên nước chảy nhanh đánh, con mắt vừa liếc là đã qua. Như kinh Lăng Nghiêm nói: Như dòng nước chảy nhanh, trông dường như lặng lẽ. Cổ nhân nói: Thí như nước chảy nhanh, dòng nước không dừng đứng, mỗi mỗi chẳng biết nhau, các pháp cũng như thế. Chỗ đáp của Triệu Châu, ý hàm chứa loại này.
Vị Tăng kia lại hỏi Đầu Tử: Trên nước chảy nhanh đá cầu là thế nào? Đầu Tử đáp: Niệm niệm chẳng dừng chảy. Tự nhiên chỗ hỏi kia hợp nhau. Cổ nhân công hạnh miên mật, đáp được chỉ giống một cái, chẳng cần suy tính. Ông vừa hỏi, các ngài đã sớm biết chỗ rơi của ông rồi. Sáu thức của hài nhi tuy nhiên không công dụng, vẫn là niệm niệm chẳng dừng, như dòng nước chảy ngầm. Đầu Tử đáp thế ấy, đáng gọi là biện thấu gió đến. Tuyết Đậu tụng:
TỤNG:
Lục thức vô công thân nhất vấn
Tác gia tằng cộng biện lai đoan
Mang mang cấp thủy đả cầu tử
Lạc xứ bất đình thùy giải khan?
DỊCH:
Sáu thức không công bày một hỏi
Tác gia từng hợp biện nguyên do
Mênh mông nước chảy đánh cầu ấy
Chỗ rụng chẳng dừng ai biết xem?
GIẢI TỤNG: Câu “sáu thức không công bày một hỏi”, cổ nhân học đạo nuôi dưỡng đến chỗ này, gọi là công không công cùng anh nhi một loại. Tuy có mắt tai mũi lưỡi thân ý mà không thể phân biệt sáu trần, bởi không công dụng vậy. Đã đến điền địa này chính là hàng rồng phục cọp, ngồi thoát đứng chết. Người nay chỉ đem muôn cảnh trước mắt một lúc hết sạch, đâu hẳn Bát địa trở lên mới là như thế. Tuy nhiên chỗ không công dụng, như trước núi là núi nước là nước. Phần trước Tuyết Đậu tụng “trong sống có mắt lại đồng chết, thuốc kỵ đâu cần xét tác gia”. Bởi vì Triệu Châu, Đầu Tử là tác gia, nên nói: “Tác gia từng hợp biện nguyên do, mênh mông nước chảy đánh cầu ấy.” Đầu Tử nói: “niệm niệm chẳng dừng chảy”, các ông lại biết chỗ rơi không? Tuyết Đậu rốt sau bảo người tự để mắt xem, thế nên nói: “Chỗ rụng chẳng dừng ai biết xem?” Đây là câu sống của Tuyết Đậu, hãy nói rơi ở chỗ nào?
—🌼🌸🌼—
BÍCH NHAM LỤC – HT. THÍCH THANH TỪ DỊCH
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành – PL.2539 – 1995
Post: Thường An
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS