SHARE:
Plutarque nói về mục đích điểm đạo ở cấp đẳng Huyền Môn Isis như sau:
“Bằng phương tiện điểm đạo, người đạo đồ có thể được chuẩn bị đến mức tối đa để đạt tới sự giao cảm với cảnh giới tâm linh. Bởi lẽ đó, đền thờ đấng thiêng liêng được gọi là Iseion, ám chỉ sự hiểu biết vô cùng, bất sinh bất diệt. Sự hiểu biết đó có thể đạt được bằng cách điểm đạo nếu người đạo đồ đã được chuẩn bị sẵn sàng.”
Đó là quan điểm của triết gia Hy lạp Plutarque. Ta hãy nghe nhà hiền triết xứ Syrie tên là Jamblique nói về khoa Huyền Môn Ai Cập mà ông là một vị đạo đồ, như sau:
– Cái tinh hoa và toàn vẹn của mọi đều thiện đều có sẵn nơi các đấng thần minh, cái quyền lực đầu tiên và cổ xưa của các ngài cũng là đều sở hữu của các vị tăng lữ ở các đền thờ. Một sự hiểu biết các đấng thần minh sẽ phản ảnh lại nơi con người chúng ta, và giúp cho ta tự biết mình. Cái phần thiêng liêng nhất của con người, trước tiên được hợp nhất với thần minh, về sau lại bị chướng ngại bởi một sự trói buộc của mọi điều dục vọng trần gian và sự kiềm tỏa của ác nghiệp. Bởi vậy, cần phải xét xem bằng cách nào con người có thể được giải tỏa khỏi những trái buộc ấy. Chỉ có sự hiểu biết về chân ngã mới phá tan những sợi dây kiềm tỏa đó. Đó là mục đích của huyền môn Ai Cập, làm cho con người nâng cao linh hồn mình để hòa hợp với sự hiện hữu chung cùa toàn vũ trụ.
Một vị đạo đồ khác là Proclus nói rằng:
– Trong một cuộc điểm đạo ở mọi cấp đẳng huyền môn, các dấng thần minh cho thấy nhiều khía cạnh biểu trưng khác nhau. Đôi khi người đạo đồ thấy xuất hiện trước mặt y một vầng sáng không hình thể nhất định toả ra từ các vị thần, xem dường thể một vầng hào quang. Có khi vầng hào quang đó khoác lấy hình người, có khi khoác lấy một hình thể khác. Một vài hình thể đó không phải là Thần Minh, và làm cho ta sợ hãi.
Triết gia Platon cũng đả từng được điểm đạo, nói rằng:
– Do hậu quả của lễ điểm đạo thiêng liêng, chúng ta chiêm ngưỡng những linh ảnh giản dị xuất hiện trong một vầng sáng tinh anh, và nhờ được thanh lọc để trở nên tinh khiết, chúng ta được giải thoát được cái xác thân nặng nề nhơ nhớp này, mà từ trước chúng ta vẫn bị dính liền với nó như con sò dính trong cái vỏ.
Như vậy ông muốn nói rằng mục đích tối hậu của sự điểm đạo huyền môn là đưa con ngươi trở về với những nguyên tắc tâm linh mà nhân loại đã mất đi từ lúc nguyên thủy.
Một vị đạo đồ khác nữa là Moise, người Do Thái lai Ai Cập. Sách Tân Ước nói rằng:
“Moise đã từng giáo dục trong tất cả nền minh triết của Ai Cập.”
Ý nghĩa của câu này là nền minh triết thâm sâu nhất của xứ Ai Cập đã được tiết lộ cho Moise, điều đó cũng có nghĩa là sự hiểu biết mà Moise được truyền dạy bởi giáo lý huyền môn Ai Cập.
Sách Tân Ước còn nói rằng:
“Moise phủ kín mặt bằng một tấm màng che”.
Tính chất tấm màng che như thế nào, thì đoạn sau này trong sách ấy đã cho ta thấy ý nghĩa của nó:
“Cho đến ngày nay, tấm màng che ấy vẫn phủ kín lên việc đọc sách Cựu Ước.”
Như vậy, đó không phải là tấm che thông thường bằng vải, mà là một tấm màng che kín ý nghĩa của những chữ trong sách, che lấp sự hiểu biết. Bởi đó, tấm màng che mặt của Moise thật ra lời thệ nguyện giữ im lặng và giữ bí mật mà ông đã cam kết trong cuộc lễ điểm đạo. Moise đã thu thập được sự minh triết tại đạo viện thuộc ngôi đền tại thành phố On, mà người Hy Lạp gọi là Héliopolis khi họ chinh phục xứ Ai Cập, một thành phố đã biệt tích ở cách vài dặm phía Bắc Cairo.
Héliopolis và Memphis, một thành phố khác nữa cũng đã biệt tích, là những thành phố mà ngày xưa người ta có thể nhìn thấy từ trên đỉnh Kim Tử Tháp, đều xem Đại Kim Tự Tháp như một nơi thánh điện tối cao để hành lễ điểm đạo huyền môn.
Thành Héliopolis và ngôi đền lớn của nó ngày nay không còn nữa, những bức tường gạch kiên cố bao bọc chung quanh thành phố và những cột trụ đền đến ngày nay đã bị chôn vùi dưới một lớp cát sâu tới bốn thước. Chỉ còn cây thạch tiễn (Obélisque) bằng đá đỏ ở trước cổng thành là còn đứng vững. Moise đã từng nhìn thấy cây thạch tiễn này vì ông đã đi ngang qua đó nhiều lần. Đó là cây thạch tiễn cổ xưa nhất còn đứng vững ở Ai Cập.
Trong số những vị học giả mộ đạo thời cổ đã từng bước chân đến cổng đền này để tìm ánh sánh minh triết, có triết gia Platon và sử gia Herodote. Những vị này cũng đã thấy cây thạch tiễn đến ngày nay vẫn còn trơ gan cùng tế nguyệt, đứng tro trọi một mình giữa cảnh đồng ruộng bao la. Dưới chân cây thạch tiễn, những nông phu đang cà sâu cuốc bẩm, và hàng ngày dắt trâu ra đồng.
Còn một cây thạch tiễn khác nữa mà vua Thoutmès III dựng lên trước đền thờ Thái Dương ở Héliopolis và ngày nay đang nhô lên cao vút bên bờ sông Tamise ở Luân Đôn, được biết dưới cái tên là “Mũi Kim của Cléopâtre”, nó nhắc nhở cho dân chúng thủ đô Anh quốc náo nhiệt phồn hoa ngày nay nhớ lại cả một thế giới đã biệt tích cùng với một nền văn minh lộng lẫy huy hoàng của một thời đại cổ xưa nay không còn nữa.
Cây thạch tiễn có vẽ như một tên quân canh đúng gác cổng đền, còn những hàng chữ ám tự khắc trên bốn mặt của nó thuật lại lịch sử của ngôi đền. Nhưng nó không phải chỉ là một mũi tên khổng lồ bằng đa được dựng lên để khắc chữ trên đó, nó còn là một biểu tượng thiêng liêng, và mũi nhọn của mỗi cây thạch tiễn đều lấy hình dáng một Kim Tử Tháp nhỏ.
Heliopolis ngày xưa là một trung tâm rất lớn về các nghành học thuật cổ điển và đạo lý. Nó từng có lúc quy tụ đến mười ba ngàn học viên và có một dân số rất đông đảo. Tại đây cũng có một thư viện nổi tiếng. Thư viện này về sau góp phần xây dựng thư viện Alexanrie, danh tiếng nhất của thời đại cổ.
Lúc thiếu thời, Moise đã từng tham dự những cuộc rước lễ tôn giáo ở các đền, hoặc học hỏi đạo lý trong những sách cổ xưa làm bằng những cuộn lá chỉ thảo trong thư viện. Ông đã từng trải qua nhiều giờ trong thư viện, đắm chìm trong những cơn suy tư trầm lặng và nghiền ngẫm những tư tưởng triết lý thâm trầm. Học hành chăm chỉ từ lúc nhỏ, Moise đã tiến bộ rất mau chóng, tỏ ra có một học vấn uyên thâm và một đức hạnh gương mẫu đến nỗi ông vượt qua một cách danh dự tất cả những cấp bậc điểm đạo, và đạt tới cấp đẳng cao tột ít người có, là cấp đẳng chân sư. Từ đó, ông trở thành một vị đạo trưởng.
Chính tại đạo viện mà ông được thụ huấn trước kia, dính liền với ngôi đền lớn tại Heliopolis, thành phố của mặt trời, mà ông nhận lãnh chức vị đó. Ông đứng làm chủ lễ điểm đạo cho những môn đồ khác theo nghi lễ huyền môn Osiris, là nghi lễ thuộc về cấp đẳng cao tột. Hồi thời đó ông có tên là Osarsiph, một tên chữ Ai Cập, vì ông vốn là người Do Thái gốc Ai Cập.
Đến một khúc quanh của đời ông, khi ông nhận sứ mạng mà định mệnh giao phó, ông ghi dấu cơ hội này bằng cách chọn một tên gọi Do Thái. Những người Ai Cập trí thức đều tin rằng tên họ của mỗi người vốn có một năng lực thần bí. Vì thế mà tên Osarsiph đã đổi thành Moise.
—🌼🌸🌼—
AI CẬP HUYỀN BÍ – PAUL BRUNTON
Việt dịch: Nguyễn Hữu Kiệt
NXB Tôn Giáo, 2016
Post: Tâm Ngọc Đồng Minh
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS