SHARE:
Bản Chất Thực Sự Của Chúng Ta Là Cái Không Có Mặt Đối Lập.
Thomas Merton, nhà thần học và tu sĩ dòng Luyện tâm ở thế kỷ 20, đã viết trong cuốn New Seeds of Contemplation (tạm dịch: Hạt giống mới của quán tưởng): “Quán tưởng chính là nhận thức rằng cái tôi này thực sự không phải là tôi và bừng tỉnh về cái tôi chưa từng biết, vốn vượt lên khỏi sự quan sát, phóng chiếu và không thể nhận xét về chính nó”.
Cái “tôi” quen thuộc với hầu hết mọi người là “tôi” mà chúng ta tự gọi mình hàng trăm lần mỗi ngày: “Tôi đang đi làm. Tôi đang ăn trưa. Tôi sẽ đi ăn tối. Tôi đang đọc cuốn sách này”. Đó là cái mà Merton gọi là “không phải là tôi”. Cái tôi mà bạn biết qua trí nhớ; cái tôi được đánh giá là tốt, xấu, đúng, sai qua quan điểm, niềm tin; cái tôi được định danh bằng quốc tịch, chủng tộc hoặc giới tính – tất cả những cách bạn tự nhận diện – không phải là bạn.
Ý Merton nói, quán tưởng chính là nhận thức rằng cái tôi này, cái tôi quen thuộc mà bạn đã nhận là mình gần cả cuộc đời, hoàn toàn không phải là con người thật của bạn. Cái tôi mà bạn đã biết, được ghép nối, xâu chuỗi lại từ vô số ý nghĩ, ký ức và hình ảnh, là một cái tôi giả tạo. Cái tôi giả tạo là một dòng suy nghĩ có điều kiện, chuyển động liên tục, và dòng suy nghĩ này – hoặc một phần lớn của nó – làm nảy sinh những cảm giác nhất định, vì vậy đó cũng là những cảm giác có điều kiện. Khởi đầu của quán tưởng, đào sâu và thấu hiểu là để thấy rằng cái tôi giả thực sự là giả – không phải “giả” theo nghĩa là xấu hoặc sai, mà theo nghĩa là nó không có thật. Đó là những ý nghĩ kéo thêm ý nghĩ, kết luận này suy ra kết luận kia, tưởng tượng chủ quan dẫn đến nhiều tưởng tượng hơn. Nói cách khác, đó là suy nghĩ không đưa đến đầu trừ việc tự tạo ra nhiều ý nghĩ hơn. Đó là một cái vòng luẩn quẩn tự xác nhận: ý nghĩ này xác nhận ý nghĩ tiếp theo, cứ thế mãi, rồi vì mọi suy nghĩ là một phần của cơ thể, nên chúng ta cũng có cảm giác. Suy nghĩ điều gì đó rồi cảm nhận nó là hai điểm quy chiếu đối với hầu hết mọi người: nếu tôi nghĩ điều gì và cảm thấy điều đó, thì nó là thật. Nhưng không cần phải suy ngẫm nhiều mới thấy, nhiều thứ ta nghĩ và cảm thấy rất thật, sau này lại hóa ra không phải.
Thấu hiểu là nhận thức rằng đây không phải là cái tôi chân thực và bừng tỉnh về cái tôi chưa biết. Merton nói: “Cái tôi chưa biết vượt lên khỏi sự quan sát, phóng chiếu và không thể nhận xét về chính nó”. Merton gọi cái tôi thực sự là “cái tôi chưa biết” bởi nó không phải là suy nghĩ, cảm giác hay hình ảnh mà bạn có thể tạo ra trong tâm trí hoặc từ bộ nhớ. Nói cách khác, nó không thể được biết theo cách thông thường. “Cái tôi thực sự vượt lên khỏi sự quan sát và phóng chiếu”, bởi vì nó đang quan sát chính nó.
Chúng ta chỉ có thể phóng chiếu và quan sát cái tôi giả, nhưng chúng ta không thể quan sát bản ngã thật sự, cũng như không thể phóng chiếu nó, ít nhất theo nghĩa thông thường là xem lại những ý tưởng và hình ảnh. Cái tôi giả là một giấc mơ sống động. Buổi sáng, khi bạn thức dậy, cái tôi hay bản ngã giả thức dậy ngay với bạn, và đó là cái tôi mà Merton đang bảo chúng ta nhìn vào. Đó là một mớ ý nghĩ, nhưng đó không phải là chính bạn. Tâm trí thắc mắc: Chà, tôi phải tìm ra chính mình ở đâu? Sự thật về con người tôi nằm đâu? Con người thật của tôi ở đâu? Tâm trí tìm kiếm sự thật và xem bản ngã chân thật như một đối tượng – thứ mà nhận thức có thể tiếp cận và nắm bắt nhưng chân ngã không phản chiếu lại gì, do đó không thể biến nó thành hình ảnh và nhận dạng như một đối tượng. Ta có trực cảm về bản chất của chúng ta là do khía cạnh tự nhận thức của tâm trí.
Đó là lý do tại sao Merton nói về cái tôi chưa biết, bản ngã chưa biết, con người chưa biết của bạn. Chưa biết bởi vì bản ngã chân thật không bao giờ có thể biến thành đối tượng quan sát – nó chính là sự quan sát. Không thể biến nó thành một đối tượng phát sinh bên trong ý thức, bởi vì bản ngã thực sự là một cái gì đó giống với ý thức đang quan sát hơn. Ý thức đó – ví dụ, ý thức đang đọc những từ này, thấy mọi thứ bạn đang thấy và nghe những gì bạn đang nghe – vô hình, vô ảnh. Theo nghĩa đó, nó là cái không biết. Không phải là không biết theo nghĩa không tồn tại hay bị ẩn giấu, mà nó không phải thứ hữu hình. Nó là thứ đang quan sát bạn cố gắng tiếp cận và nắm bắt nó, do đó mọi nắm bắt nhận thức xảy ra trong nhận thức.
Merton đã chỉ ra điều này qua cách diễn đạt tuyệt vời: “cái tôi chưa từng biết, vốn vượt lên khỏi sự quan sát, phóng chiếu và không thể nhận xét về chính nó”. Không thể nhận xét rằng nó tốt hay xấu, đúng hay sai, có tài hay bất tài, nam hay nữ. Cái tôi thực sự – nếu ta thích gọi đó là “tôi” – không thể được biết theo cách này, bởi vì ta vẫn tồn tại, dù có hoặc không có những cái nhãn mà ta tự dán lên mình. Chúng không định nghĩa được ta, mà chỉ định nghĩa cái tôi giả. Mọi mô tả hay đánh giá của chúng ta đều đang nói về cái tôi giả, mọi nhận định về bản thân cũng là nhận định về cái tôi giả – cái tôi giả kia chẳng là gì, ngoài những nhận định và đánh giá đó. Cái tôi chưa được biết đến là cái tôi không nói chuyện lại với bạn. Bạn không thể tìm thấy nó trong những danh hiệu, đánh giá, nhận định, ý kiến, hay thậm chí niềm tin, tín ngưỡng – tất cả đều tồn tại trong ý thức của bạn.
Merton gọi đó là “cái tôi chưa biết” và không đưa ra bất kỳ tuyên bố khẳng định nào về bản ngã thực sự. Điều đó thật khôn ngoan, bởi vì ngay khi chúng ta định nghĩa bản ngã thực sự bằng một tuyên bố khẳng định, như: “Ồ, phải rồi, nó là nhận thức, nó là ý thức”, thì đã nó trở thành một đối tượng khác trong ý thức. Ngay cả ý niệm về nhận thức của chúng ta cũng là một ý nghĩ nảy sinh bên trong ý thức, còn bản chất thực sự của nhận thức vượt lên cả ý nghĩ. Chúng ta biết điều này bởi vì bạn có thể có hoặc không có ý niệm gì về ý thức, nhưng theo cách nào đó, ý thức vẫn hoạt động tốt. Đây là lý do tại sao một số giáo phái không khẳng định rõ bản chất thực sự của bạn là gì. Một số giáo phái khác mô tả nó như “Bạn là ý thức” hoặc “Bạn là nhận thức” hoặc “Bạn là nhất thể”. Những định nghĩa này ổn nếu chúng ta hiểu rằng những từ cụ thể này chỉ là gợi ý cho điều mà nó không thể diễn tả.
Cái tôi vô hình vô ảnh, không thể dò đoán Merton gọi là “cái tôi chưa biết” – không được biết đến bởi vì nó không bao giờ có thể trở thành đối tượng của ý thức. Ý thức không bao giờ có thể trở thành đối tượng của chính nó; ý nghĩ về ý thức luôn luôn nằm trong ý thức. Đây là điểm cốt lõi của tâm thiên, quan sát thiền và quán tưởng của Merton: khi nhìn vào nội tâm để tìm kiếm bản chất thực sự của mình, chúng ta thấy rằng những suy nghĩ, hình ảnh và ý tưởng là hiện tượng lướt qua trong trải nghiệm có ý thức của chúng ta. Biết được như vậy, chúng ta có thể vượt lên trên những hiện tượng ấy, bởi vì khi mọi quan niệm, ý tưởng, đánh giá biến đi, dù chỉ trong vài giây, cái còn lại ở đó là bản chất thật sự của chúng ta.
Khi bắt đầu tìm kiếm bản chất thật của mình, một trong những thách thức mà mọi người phải đối mặt là kỳ vọng vô thức – rằng họ sẽ tìm thấy chính mình theo cách giống như tìm bất kỳ đối tượng nào khác. Đức Phật đã nhận ra điều này khi đưa ra học thuyết vô ngã của mình. Ngài đã có quan sát và trải nghiệm tương tự với Merton, rằng: cái “tôi” mà chúng ta thường tưởng là mình không phải là cái tôi thật. Đức Phật còn đi xa hơn, cho rằng không có cái tôi – vô ngã. Ngài nhìn thấy cái tôi giả tạo – một nhóm các dạng thức ý nghĩ, cảm xúc và phản ứng theo thói quen, trong không có cái nào trường tồn. Ngay khi một ý nghĩ cái tôi tan biến, ý nghĩ khác xuất hiện và thay thế nó.
Khi nhận ra điều này, Đức Phật hiểu rằng mọi thứ mà chúng ta gán cho “bản ngã” đều không có thật. Đằng sau những ý nghĩ về cái tôi, không có cái tôi nào là chân ngã mà chúng ta đang tìm kiếm.
“Không có bản ngã” là một cách nói phủ định. Tôi không nói phủ định theo nghĩa xấu; phủ định ở đây có nghĩa “không công nhận”. Merton đã mang tới cho quan điểm này hơi hướng tích cực khi gọi bản ngã thực sự là “cái “tôi chưa biết”: cái “tôi” đã biết là một ảo ảnh, cái “tôi” chưa biết là thứ không thể trở thành đối tượng. Việc chúng ta gọi đó là “cái tôi chưa biết”, như Merton, hay “vô ngã” như Đức Phật, đều không quan trọng. Chúng ta không muốn bị dính mắc vào các thuật ngữ, vì điều đó sẽ làm ta quên đón nhận điều mà các thuật ngữ này dạy chúng ta.
Cái tôi chân thật chưa biết này luôn ở đó – bản chất thực sự của bạn không thể đi đâu cả. Khi ý thức được điều này, chúng ta nhận ra cái thường hằng luôn ở đó. Theo nghĩa này, nhận thức không phải để cải thiện, mà là nhận ra mình đã, đang và vĩnh viễn là gì. Nó không phải là khám phá về một cái tôi tốt đẹp hơn, mà là nhìn thấy rằng bản ngã chân thực vượt lên các khái niệm như ý thức và nhận thức. Bởi vì giống như mọi từ chúng ta sử dụng, “ý thức” và “nhận thức”, chỉ có nghĩa trong tương quan với cái không phải là nó. “Cao” chỉ có nghĩa trong tương quan với “thấp”, và “nóng” chỉ có nghĩa trong tương quan với “lạnh”. “Cái định nghĩa ý thức” không phải là “ý thức”.
Mỗi từ chúng ta dùng, được hiểu không chỉ bằng nghĩa của nó, mà còn bằng cách biết nó không phải là gì. Khi tôi dùng một từ như “tất”, tôi không ám chỉ chiếc ô tô, máy bay hay cái cốc – tôi đang nói đến chiếc tất. Khi dùng từ này, bạn không nghĩ đến tất cả những thứ không phải là tất, vì điều đó vô dụng, nhưng khi học từ này, bạn biết rằng “tất” là một thứ, nghĩa là nó không phải là mọi thứ khác. Nhưng nói đến bản chất đích thực thì “tất” không phải là một điều đối lập với những thứ khác: đó là sự mở rộng toàn diện của đời sống, thứ vốn vượt lên mọi nội hàm của ý thức. Đó là cái bên trong tâm trí bạn – suy nghĩ, cảm xúc và mọi thứ còn lại – nhưng cũng là những gì bạn thấy khi mở mắt, cảm nhận và nghe thấy. Tất cả những thứ đó cũng là nội dung của ý thức. Nhưng bản chất thực sự của chúng ta là cái không có mặt đối lập – không có gì “khác” chân ngã, và không thể xác định chân ngã bằng cái không phải là chân ngã.
Bạn có thể thấy chúng ta đang đối mặt với thách thức gì: mọi ngôn từ chúng ta dùng đều có thể khiến chúng ta lầm lẫn. Làm sao có thể diễn đạt thành lời việc bạn đã vượt ra ngoài mọi ý tưởng về chính mình, mọi khái niệm về bản thân và mọi cấu trúc bản ngã? Việc xác định bản chất thực sự của chúng ta là gì sẽ có giới hạn, mà bản chất thật sự thì không giới hạn. Các từ ngữ nên được dùng và hiểu theo cách thi vị hơn một chút, để chúng ta không bị mắc kẹt trong các định nghĩa – về Thượng Đế, Phật tính, Brahman, hoặc bất cứ điều gì tùy bạn – về cái không có đối lập, về bản chất thực sự của bạn.
Merton có tài diễn tả trải nghiệm và cái nhìn tâm linh sâu sắc bằng ngôn ngữ giàu chất thơ. Tôi muốn nhắc lại lời ông: “Quán tưởng chính là nhận thức rằng cái tôi này thực sự không phải là tôi và bừng tỉnh về cái ‘tôi chưa từng biết, vốn vượt lên khỏi sự quan sát, phóng chiếu và không thể nhận xét về chính nó”. Hãy chiêm nghiệm điều này, xem nó sống trong bạn ra sao theo thời gian. Đó là một cách tuyệt vời để mở ra bản ngã chân thật, cái tôi chưa biết và không bao giờ có thể trở thành đối tượng quan sát.
—☘️🌺☘️—
ADYASHANTI
ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT
Phạm Hải Anh: dịch
Nhà Xuất Bản Thế Giới – 2022
Post: Thường An
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS