LỜI TỪ ÁI

SHARE:

LỜI TỪ ÁI
DANIEL RECHTSCHAFFEN

Trích: Giáo dục tỉnh thức- workbook/ Daniel Rechtschaffen; Kiều Anh Tú dịch. NXB Lao Động; Thaihabooks, 2023
——😁🙃😌——-

CÁC BÀI HỌC VỀ TRI THỨC CẢM XÚC
Người ta đã chứng minh năng lực điều tiết cảm xúc là một chỉ báo hiệu quả về thành tích học tập cũng như thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Chẳng phải chúng ta nên coi sức khỏe cảm xúc của học sinh là một trọng tâm lớn của giáo dục sao? Với những bài học sau đây, chúng ta sẽ giúp học sinh định hướng rõ ràng trong địa hạt cảm xúc, điều tiết các cảm xúc khó khăn cũng như tăng cường các cảm xúc lành mạnh. Học sinh sẽ học cách chú ý đến những cảm giác của cơ thể đến từ các cảm xúc khó khăn cũng như xây dựng kỹ năng kiểm soát bốc đồng và điều tiết bản thân. Các em có thể biết ơn, hạnh phúc và biết thấu cảm thông qua việc học cách sử dụng cảm xúc để cảm thấy an bình và trở thành người tử tế. Chúng ta có thể gọi những bài học sau đây là những bài học từ ái, qua đó học cách điều chỉnh và bồi dưỡng lòng từ ái của bản thân.
——😁🙃😌——-

LỜI TỪ ÁI
Việc nói lời từ ái giúp chúng ta nảy sinh lòng tốt với chính mình cũng như những người khác. Chúng ta đang tìm cách nuôi dưỡng đức tính tốt bụng cũng như thiện chí bên trong mình. Khi nói “Tôi cầu mong bạn hạnh phúc”, chúng ta sản sinh mối quan tâm đích thực dành cho người khác và chính mình. Ngay cả khi không cảm thấy hạnh phúc vào một thời điểm nhất định nào đó, ít nhất, chúng ta vẫn chạm được đến khao khát muốn được hạnh phúc bên trong mình. Khao khát này chính là thứ truyền năng lượng cho những lời từ ái. Chúng ta có thể chân thành nói “Tôi muốn được hạnh phúc”, đặc biệt khi ta không cảm thấy vui. Phải có dũng khí thì mới có thể quan tâm đến bản thân theo cách như vậy và dũng khí này có thể biến đổi hoàn toàn môi trường lớp học.

🎯Mục tiêu học tập
Mãn nguyện, thấu cảm, trắc ẩn với bản thân, hành vi thuận xã hội, tập trung chú ý, tư duy cởi mở, nhận thức linh hoạt

💦Chuẩn bị và lưu ý
Học sinh cần tập bài ngôn ngữ của cảm giác và suy nghĩ bỏng ngô trước khi học bài này. Việc neo được nhận thức và hiểu được các cảm giác trong cơ thể sẽ tạo nền tảng để học sinh hiểu rõ hơn nguyên tắc hoạt động của cảm xúc. Thực hiện những tiết học này trong một không gian an toàn và khép kín. Nhớ nhắc học sinh mọi thứ được chia sẻ ở đây đều tuyệt mật.

💦Bài học
Hãy nói với học sinh rằng chúng ta sẽ khám phá một dạng bài học mới có tên là “từ ái”. Chúng ta có thể nhắc lại với học sinh rằng tỉnh thức tức là sử dụng tâm trí để chú ý hơn đến các giác quan, suy nghĩ, hơi thở và thế giới xung quanh chúng ta. Hỏi học sinh xem các em nghĩ thế nào là từ ái. Sau đó, nói với các em rằng cả lớp sẽ tiến vào “vùng đất” của trái tim và chú ý đến trí tuệ cảm xúc của bản thân.
Đầu tiên, đề nghị học sinh đặt tay lên trái tim và xem mình cảm thấy gì trong đó. Yêu cầu các em hít một hơi dài và để ý cảm giác trong lồng ngực.
Mời học sinh gửi cho chính mình những suy nghĩ tích cực. Yêu cầu các em tiếp tục để tay lên ngực hoặc tự trao cho mình một cái ôm thật chặt cùng những lời chúc tốt đẹp. Đưa ra một số ví dụ để các em lặp lại, chẳng hạn như “Tôi muốn được hạnh phúc”, “Tôi muốn được khỏe mạnh” và “Tôi muốn cảm thấy tự tin”. Khuyến khích học sinh tự nghĩ ra những lời chúc tích cực cho chính mình mà các em có thể nói thầm bên trong hoặc chia sẻ với cả lớp.
Từ đây, học sinh bắt đầu thực hành gửi những lời chúc tốt đẹp của mình đến những người khác. Đề nghị học sinh nhìn các bạn cùng lớp và gửi cho các bạn những lời chúc tốt đẹp. Bắt đầu bằng một số câu như “Tớ mong câu có một ngày vui vẻ”, “Tớ mong cậu có nhiều bạn bè” và “Tớ mong cậu trở thành người thật tuyệt vời!”. Để học sinh nhìn xung quanh và cầu chúc những điều tốt đẹp cho nhau.
Sau đó, yêu cầu cả lớp mở rộng vòng tay hoặc dành thời gian để nghĩ đến vô số những con người khác nhau trong thế giới rộng lớn này và gửi đến họ những lời chúc tốt đẹp. Học sinh có thể nghĩ về trẻ em, người lớn, thậm chí cả động vật và nói những điều như “Tôi ước có hòa bình ở những nơi có bạo lực”, “Tôi ước có thức ăn cho những ai đang đói”, “Tôi ước có niềm vui trong trái tim của những người đang gặp khó khăn” và “Tôi cầu chúc cho các đại dương, các khu rừng và tất cả các loài động vật được khỏe mạnh”. Khuyến khích học sinh tiếp tục nghĩ ra những lời chúc tích cực để gửi đến thế giới.

💦Câu hỏi đối thoại
• Bài tập này khiến cơ thể các em cảm thấy thế nào?
• Tại sao nghĩ những điều tốt đẹp về người khác lại quan trọng?

💦Câu trích dẫn truyền cảm hứng
“Bản thân việc cho đi tình yêu thương đã là một sự giáo dục.”
– Eleanor Roosevelt

💦Đề tài cho nhật ký
Vẽ: Vẽ bức tranh hạnh phúc đáng lan tỏa khắp thế giới.
Viết: Viết một danh sách những lời chúc em dành cho bản thân, cộng đồng và thế giới.

💦Thực tập tỉnh thức trong đời sống
Nói với học sinh rằng đầu tiên, hãy trau dồi lòng từ ái với bản thân. Mỗi tối trước khi đi ngủ và mỗi sáng thức dậy, các em có thể nói những lời chúc tốt đẹp và đối xử tử tế với bản thân. Nói với các em rằng chỉ sử dụng những lời này là đã có thể thay đổi hoàn toàn tinh thần trong suốt cả ngày. Giải thích nó cũng giống như việc đánh răng mỗi sáng và tối, chỉ khác là chúng ta đang dành thời gian để nuôi dưỡng và chăm sóc trái tim mình. Mời học sinh thử thực hiện xem nó ảnh hưởng đến các em như thế nào.

💦Độ tuổi và giai đoạn
Từ Mẫu Giáo Đến Lớp 5: Học sinh thích nghĩ ra những lời chúc để gửi đến bản thân mình và những người khác, vì vậy, đây là một trò chơi các em rất thích được chơi đi chơi lại thường xuyên. Học sinh có thể tự ôm mình thật chặt khi đang gửi cho mình những lời chúc tốt đẹp. Sau đó, đề nghị các em đưa tay ra trước mặt khi nhìn xung quanh phòng và gửi những lời chúc tốt đẹp cho nhau. Cuối cùng, yêu cầu các em mở rộng vòng tay để gửi những lời chúc đi khắp thế giới. Với những học sinh nhỏ tuổi, việc đề nghị các em nhắc lại thật to những lời chúc tốt đẹp dưới hình thức tiếp lời giáo viên thường rất hiệu quả.

Từ lớp 6 đến lớp 12: Học sinh thường nghĩ việc đối xử tốt với bản thân hoặc những người khác là không “ngầu “. Khi nói chuyện với thanh thiếu niên, hãy nói về việc ai cũng muốn hạnh phúc và được mọi người đối xử tốt, nhưng vì thiếu trí tuệ cảm xúc mà đôi khi, chúng ta đối xử tệ với chính bản thân và những người thác. Một khi học sinh lớn hơn học được cách gửi những suy nghĩ tử tế và quan tâm đến bản thân và những người các em yêu mến, các em có thể học cách gửi những suy nghĩ quan tâm đến những người khiến các em bực bội hoặc xung đột với các em. Đây sẽ trở thành một bài tập về tha thứ và mở cửa trái tim.

nguồn: https://taidayvabaygio.org/


Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: