NAM NHẠC MÀI BÓNG MỘT VIÊN GẠCH

SHARE:


NGỒI KHÔNG – Những tác phẩm thiết yếu của thực hành Thiền Chỉ Quản đả tọa,
Việt ngữ: Thiện Tri Thức, 2010 – NXB Thời Đại

1. MỤC LỤC
2. Lời nói đầu của người chủ biên
3. Vào đề: Hoằng Trí, Đạo Nguyên và nền tảng của chỉ quản đả toạ
4. CHỈ LỐI MẶC CHIẾU
5. TRAU DỒI TRƯỜNG TRỐNG KHÔNG
6. TOẠ THIỀN NGHI: NHỮNG GIỚI LUẬT CHO TỌA THIỀN
7. Fukanzengi (Phổ khuyến toạ thiền nghi)
8. TOẠ THIỀN (CHÂN): TÂM YẾU TOẠ THIỀN
9. TOẠ THIỀN DỤNG TÂM KÝ
10. CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ
11. ĐIỂN TOÀ GIÁO HUẤN VÀ CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ
12. NÓI VỀ SỰ TOÀN TÂM THỰC HÀNH ĐẠO
13. BẤT NHỊ
14. BÌNH GIẢNG VỀ PHỔ KHUYẾN TOẠ THIỀN NGHI
15. NGỒI THẾ NÀO
16. SỐNG LÀ CHỈ SỐNG VẬY THÔI
17. NGHIÊN CỨU TỰ NGÃ
18. VỀ MẶC CHIẾU
19. NAM NHẠC MÀI BÓNG MỘT VIÊN GẠCH
20. VÔ NIỆM CỦA TÀO SƠN
21. THỰC HÀNH CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ CỦA LÃO SƯ SUZUKI Roshi
22. MỘT ĐỒNG TIỀN MẤT TRONG DÒNG SÔNG ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG DÒNG SÔNG
23. CHỈ NGỒI
24. BẠN SẼ NGỒI VỚI TÔI CHỨ
25. TÂM VÀ CẢNH CỦA NGƯỠNG SƠN
26. NHỮNG TÁC GIẢ

NAM NHẠC MÀI BÓNG MỘT VIÊN GẠCH

 

John Daido Loori

 

300 CÔNG ÁN TRONG CHÁNH PHÁP NHÃN

TẠNG CỦA ĐẠO NGUYÊN, TẮC 8

 

Đề tài chánh

     Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất ở với Nam Nhạc và được ngài truyền tâm ấn, vượt trội trong các bạn đồng học. Trước đó, ngài ngồi thiền suốt ngày. Biết Mã Tổ là pháp khí, Nam Nhạc đến và hỏi: “Nhà sư, ông ngồi thiền để định làm gì thế?” (1).

Mã Tổ nói, “Con định làm một vị Phật”.(2).

Nam Nhạc nhặt lên một viên gạch và bắt đầu mài bóng nó. (3).

Mã Tổ nói, “Ngài đang làm gì thế?(4).

Nam Nhạc nói, “Ta cố gắng làm một tấm gương”.(5)

Mã Tổ nói, “Làm sao ngài có thể làm một tấm gương bằng cách mài bóng một viên gạch?”(6)

Nam Nhạc nói, “Làm sao ông có thể thành một vị Phật bằng cách ngồi thiền?”(7)

Mã Tổ nói, “Ngài nói thế nghĩa làm sao?”(8)

Nam Nhạc nói, “Hãy nghĩ đến chuyện điều khiển một chiếc xe. Khi nó không chạy, ông đánh vào xe hay đánh vào con ngựa?”

Mã Tổ không nói gì được.

Nam Nhạc nói, “Ông muốn thực hành ngồi Thiền hay ngồi Phật? Nếu ông hiểu ngồi Thiền, ông sẽ biết rằng Thiền không phải là chuyện ngồi hay nằm.(9) Nếu ông muốn học ngồi Phật, hãy biết rằng ngồi Phật thì không có hình thức cố định nào(10). Chớ dùng sự phân biệt trong pháp vốn vô trụ. Nếu ông thực hành ngồi như Phật, đó là ông giết Phật(11). Nếu ông bám chấp vào hình thức ngồi, ông chẳng nắm được nguyên lý căn bản”(12).

Mã Tổ nghe sự khiển trách này và cảm thấy như nếm cam lồ.

 

Bình giảng

Các ông cần hiểu rằng ngồi thiền không phải là thiền định hay thiền quán. Nó không liên quan gì đến việc làm lặng tâm, tập trung tâm, hay nghiên cứu tâm; nó không phải là chánh niệm hay thất niệm. Nếu ông muốn thực sự hiểu ngồi thiền, thì biết rằng ngồi thiền không liên quan gì đến ngồi hay nằm. Ngồi thiền là ngồi thiền; nó là không ô nhiễm.

 

Nói đến “ngồi như Phật”, ông cần hiểu rằng ngay lúc “ngồi Phật” là giết Phật. Như thế, ngồi Phật là vượt khỏi mọi hình tướng định vị nào và không có chỗ trụ. Thế nên, khi viên gạch là tấm gương, Mã Tổ là Phật. Khi Mã Tổ là Phật, Mã Tổ lập tức là Mã Tổ. Khi Mã Tổ là Mã Tổ, ngồi thiền của ngài tức thì là ngồi thiền. Mỗi sự không chuyển hoá thành cái khác nhưng thật ra vốn là cái khác. Thực hành là khai mở điều ấy.

 

Chân lý của vũ trụ đầy tràn thân và tâm các ông; nhưng nó không biểu lộ nếu không có thực hành; nó cũng không hiển hiện nếu không có giác ngộ. Trừ phi ông đã chuẩn bị tiến tới và dám liều, chân lý của đời ông và vũ trụ không bao giờ được chứng ngộ trong chính đời sống này.

 

Mặc dầu mọi thứ ấy, cái gì là chân lý của vũ trụ tràn đầy thân tâm các ông? Chớ nói với tôi – hãy chỉ cho tôi.

 

Tụng

Trên đầu vạn ngọn cỏ

Mỗi và mọi hạt sương chứa đựng ánh trăng

Từ khởi thuỷ thời gian

Không có một hạt nhỏ nào bị bỏ quên

Dù như vậy đó

Một số người chứng ngộ nó, và một số thì không.

 

Gợi ý thêm

(1)  Đây là một con rồng thật hay bắt chước giả hiệu?

(2)  Phật có thể trở thành Phật sao?

(3)  Cái hiện hữu không phải là cái xuất hiện trước mắt anh.

(4)  Nhà sư ấy muốn hiểu.

(5)  Thực sự ngài đang nói điều gì thế?

(6)  Qủa vậy!

(7)  Qủa vậy!

(8)  Nhà sư hiểu mài bóng viên gạch, nhưng ông có hiểu tấm gương không?

(9)  Vậy nó là gì?

(10) Cũng không có chỗ trụ.

(11)Công hạnh muốn thành Phật là giết Phật.

(12)Chỉ là làm nó thành hai.

 

Đây là một công án rất nổi tiếng. Nó thường được nhắc đến trong thực hành Thiền, và nó nằm trong một tắc thuộc loại quan trọng nhất của Chánh Pháp Nhãn Tạng, được gọi là “Zazenshin”. Za nghĩa là toạ, ngồi. Zen là Thiền, từ tiếng Sanskrit dhyana, nghĩa là thiền định. Shin (châm) là một cây kim tre để châm cứu ở Trung Hoa thời xưa. Carl Bielefeldt, một học giả và chuyên gia về Đạo Nguyên đã dịch tắc này là “Kim châm của Ngồi Thiền”. Nó là một tương tự chính xác và thú vị: ngồi thiền tác động như một kim châm cứu chữa lành cho thân và tâm. Trong Phật giáo, từ ngữ “za-zenshin” vốn dùng để ám chỉ cái gì có năng lực chữa lành cho con người khỏi đau đớn thân thể hay tâm thức. Nhưng chữa lành không có nghĩa chuyển hoá bệnh tật thành sức khoẻ. Đúng hơn, nó là sự trở lại trạng thái tự nhiên, vốn sẵn của sức khoẻ.

 

Trong bối cảnh thực hành Thiền, “shin” là tên một câu ngắn dùng trong việc dạy những điểm quan trọng trong tu Thiền. Cũng như với sự chữa bệnh, ngồi thiền được hiểu là một tiến trình trở lại cái vốn là chính mình của chúng ta, một cái chính mình vốn toàn thiện và viên mãn, không thiếu hụt cái gì. Sự toàn thiện này không phải là cái gì phải thành đạt; nó là cái gì chúng ta đều sinh ra với nó, và chúng ta đều chết với nó, dù chúng ta có biết nó hay không. Chúng ta có thể đi qua cuộc sống khổ đau vì bệnh tật, nhưng bản tánh bổn nguyên lành mạnh của chúng ta vẫn có đó, ẩn kín. Bệnh tật thì không khác với mê lầm ở gốc của khổ đau, và lý do chúng ta khổ đau là bởi vì chúng ta không thấu hiểu bản tánh thật của vũ trụ hay của chúng ta.

 

Đạo sư Nam Nhạc đang nói sự mê lầm này với Mã Tổ. Với tôi, một trong những điều thú vị là Nam Nhạc, vị kế thừa của Lục Tổ, lại đi theo học trò. Mã Tổ không đến với ngài để hỏi về chuyện thành Phật. Nam Nhạc đến với Mã Tổ bởi vì ngài biết rằng Mã Tổ là “một đại pháp khí” – và quả thật như vậy. Mã Tổ đã trở thành một trong những vị thầy vĩ đại nhất trong lịch sử Thiền. Ngài có tám mươi bốn đệ tử ngộ đạo, tất cả đều cũng rất đặc biệt. Dòng của ngài tiếp tục truyền xuống ngày nay như Thiền Lâm Tế.

 

Nam Nhạc đến và hỏi, “Nhà sư, ông ngồi thiền để làm gì thế?”. Nói cách khác, “Cái gì là điểm chủ yếu trong sự ngồi thiền của ông?”. Mã Tổ nói, “Con định làm một vị Phật”. Nam Nhạc nhặt lên một viên gạch và bắt đầu mài bóng nó. Mã Tổ nói, “Ngài đang làm gì thế?”. Nam Nhạc nói, “Ta cố gắng làm một tấm gương”. Mã Tổ nói, “Làm sao ngài có thể làm một tấm gương bằng cách mài bóng viên gạch?”. Nam Nhạc nói, “Làm sao ông có thể làm một vị Phật bằng cách ngồi thiền?”. Mã Tổ nói, “Ngài nói thế là nghĩa làm sao?. Ông không hiểu. Nam Nhạc nói, “Hãy nghĩ đến chuyện điều khiển một chiếc xe. Khi nó không chạy, ông đánh vào xe hay đánh vào con ngựa?”. Mã Tổ không nói gì được. Nam Nhạc nói, “Ông muốn thực hành ngồi Thiền hay ngồi Phật? Nếu ông hiểu ngồi Thiền, ông sẽ biết rằng Thiền không phải là chuyện ngồi hay nằm. Nếu ông muốn học ngồi Phật, hãy biết rằng ngồi Phật thì không có hình thức cố định nào. Chớ dùng sự phân biệt trong Pháp vốn vô trụ”. Ngài đang nói, chớ lìa ngồi Thiền.

 

     Ngồi thiền là ngồi thiền; nó không ô nhiễm. Trong đó không có gì thêm. Nó không phải là một tiến trình đi từ A đến B. Chúng ta có khuynh hướng giải thích mọi việc theo tiến trình và mục đích, và thế là chúng ta chia tách chúng và để cho mình bị lèo lái bởi những mục đích ấy. Chúng ta không hiểu rằng tiến trình mục đích. Nó không phải một phương pháp đem chúng ta tới mục đích, mà bản thân nó là mục đích. Ngồi thiền là Phật; ngồi thiền là giác ngộ. Thực hành cũng là giác ngộ. Nó không phải chỉ là một dụng cụ tiện nghi để tự thực hiện mình.

 

Bấy giờ Nam Nhạc nói, “Nếu ông thực hành ngồi như Phật, đó là ông giết Phật”.Thật vậy. Nếu bạn gặp Phật, hãy giết Phật, đó cũng giống như nói, chớ chồng thêm một cái đầu khác lên trên cái đầu bạn đã có sẵn. Công án này đầy những vấn đề như những câu hỏi mà Đạo Nguyên đã vật lộn trong những năm đầu thực hành. Đức Phật nói, “Tất cả chúng sanh đều toàn thiện và viên mãn, không thiếu một cái gì”. Khi còn là một nhà sư trẻ, Đạo Nguyên muốn biết, nếu đầy đủ hết rồi thì tại sao chúng ta phải thực hành? Tại sao sự toàn thiện của chúng ta không rõ ràng ngay từ ban đầu?

 

Thực hành là một dòng tương tục – nó không ngừng. Chứng ngộ và hiện thực hoá là một dòng tương tục. Chúng không ô nhiễm, cũng như ngồi thiền. Không có những dơ nhiễm. Đạo Nguyên nói chúng ta không nên xem quan điểm của riêng chúng ta là quyết định. Chúng ta cần nghiên cứu những giải thích thay thế nhau để phát triển cái thấu hiểu thống nhất. Chúng ta có khuynh hướng xem mọi sự từ một viễn cảnh, nó thường là quy ngã. Khi chúng ta nói, “Khi bạn gặp Phật, hãy giết Phật”, đó là tự ngã không có chỗ trụ nghĩa là không có hình tướng cố định. Không có hình tướng cố định là trí huệ, và hoạt động trí huệ là lòng bi. Đó là tại sao lòng bi thậm chí có thể. Đó là tại ngàn tay ngàn mắt của Bồ tát Quán Thế Âm được biểu lộ theo những hoàn cảnh, bởi vì ngài không có hình tướng cố định. Chỗ trụ của ngài được xác định bởi mệnh lệnh của khoảnh khắc. Tất cả chư Phật đều như vậy.

 

     Nam Nhạc nói, “Làm sao ông có thể thành một vị Phật bằng cách ngồi thiền?”.Đạo Nguyên nói, “Hãy biết mà không nghi ngờ nguyên lý rằng người ta không thành Phật bằng cách ngồi thiền, và điểm chủ yếu là thành Phật thì không liên can gì đến ngồi thiền”. Mã Tổ nói, “Ngài nói thế là nghĩa làm sao?” Nam Nhạc trả lời cho ông bằng cách hỏi ông về đánh roi cái xe hay con ngựa.

 

     Bình giảng nói chúng ta cần hiểu rằng “toạ thiền không phải là thiền định hay thiền quán; nó không liên can gì đến việc làm lặng tâm, tập trung tâm, hay nghiên cứu tâm; nó không phải là chánh niệm hay thất niệm”. Hiện giờ chúng ta nghe một lô đáng sợ về thiền định. Với nhiều người, nó là một loại chung phải làm với tỉnh giác, hay làm lắng tâm hay tập trung tâm. Tất cả những cái ấy đúng cho thiền định, nhưng không cho ngồi thiền. “Nếu bạn muốn thực sự hiểu ngồi thiền, thì hãy biết rằng ngồi thiền không liên quan gì đến ngồi hay nằm. Ngồi thiền là ngồi Thiền; nó là không ô nhiễm”. Về ngồi thiền như Phật, chúng ta cần hiểu rằng “ngay lúc ‘ngồi Phật’ là đang giết Phật”. Đó là, chúng ta giết ý niệm tách biệt, có chỗ nào đó để đi đến. Nhưng, thay vì giết tự ngã chúng ta lại giết đời sống của mình bởi vì những mục đích của mình. Chúng ta thường trực hỗn chiến, đấu tranh và hỏi. Bây giờ tôi đang ở đâu? Tôi đã tiến bao xa?

 

Bình giảng tiếp tục, “Như thế, ngồi Phật là vượt khỏi mọi hình tướng định vị nào và không có chỗ trụ”. Điều ấy đúng với mỗi chúng ta. Đó là điều có nghĩa là thực hiện tự ngã. Đó là điều có nghĩa là bỏ quên tự ngã. Bởi vì ngồi Phật là vượt khỏi mọi hình tướng định vị nào, “khi viên gạch là tấm gương, Mã Tổ là Phật. Khi Mã Tổ là Phật, Mã Tổ lập tức là Mã Tổ. Khi Mã Tổ là Mã Tổ, ngồi thiền của ngài tức là ngồi thiền. Mỗi sự không chuyển hoá thành cái khác nhưng thật ra vốn là cái khác, và thực hành là khai mở điều ấy”. Kim châm cứu không chuyển hoá người nào từ bệnh thành mạnh khoẻ; mạnh khoẻ vốn đã có rồi. Toạ thiền không chuyển hoá ai từ một chúng sanh vô minh thành một bậc giác ngộ. Giác ngộ vốn đã có rồi.

 

Chân lý của vũ trụ tràn đầy thân và tâm của mỗi chúng ta, bản văn nói, “nhưng nó không biểu lộ nếu không có thực hành; nó cũng không hiển hiện nếu không có giác ngộ. Trừ phi ông đã chuẩn bị tiến tới và dám liều, chân lý của đời ông và của vũ trụ không bao giờ được chứng ngộ trong đời sống này… Cái gì là chân lý của vũ trụ tràn đầy thân tâm các ông? Chớ nói với tôi – hãy chỉ cho tôi”. Nhiều người đã đọc thậm chí chỉ một ít về Phật giáo có thể giải thích chân lý này, nhưng giải thích nó không đưa đến nó. Có một khác biệt lớn giữa lời nói và ý diễn tả một thực tại và sự biểu lộ của thực tại ấy.

 

Đạo Nguyên nói rằng người mê mờ tin sai rằng ánh sáng thiêng liêng của Phật thì giống như ánh sáng mặt trời và mặt trăng, hay những tia sáng phản chiếu từ ngọc. Ánh sáng mặt trời và mặt trăng không gì hơn là những tia sáng yếu ớt trong sáu cõi sanh tử và không thể so sánh với ánh sáng thiêng liêng sáng ngời của Phật. “Ánh sáng thiêng liêng của Phật” là một diễn tả chúng ta phải nhận và chú ý, một pháp chúng ta phải hộ trì. Đây là sự trao truyền trực tiếp của ngồi thiền. Nếu ánh sáng thiêng liêng ấy không chiếu sáng trên chúng ta, chúng ta không thể giữ gìn truyền thống hay duy trì đức tin. Thế nên Đạo Nguyên nói, “[Suốt lịch sử] có ít người hiểu ngồi thiền là ngồi thiền. Và lúc này, trong những ngọn núi [Thiền] đời Tống, nhiều người trụ trì của những tu viện chính cũng không hiểu, và không nghiên cứu, ngồi thiền định là gì. Có một số người hiểu nó rõ ràng nhưng không nhiều. Dĩ nhiên, những tu viện đã đặt định những thời kỳ để ngồi thiền định; những nhà sư, từ vị trụ trì trở xuống, đều lấy ngồi thiền định làm công việc căn bản của họ, và khi dạy học trò, những vị thầy khuyến khích thực hành ngồi thiền. Tuy nhiên , có ít vị trụ trì hiểu nó”. Điều đó là sự thật suốt lịch sử của Thiền. Ngồi thiền thì rất đánh lừa. Một khi bạn ngồi trên đệm và bắt tréo chân, bạn chỉ biết điều bạn đang làm với tâm bạn. Nếu bạn không sẵn sàng khảo sát triệt để bạn đang làm gì, nghi ngờ và tra hỏi nó – và đồng thời tin tưởng tiến trình – bạn sẽ không bao giờ đạt đến sự thực hành ngồi Phật. Bạn sẽ không bao giờ có cơ hội giết Phật.

 

Thực hành bề mặt hay nửa vời là nơi nhiều người chúng ta cấm sào. Chúng ta đến một hội thảo hay một thời kỳ tu hành, nhận một số giáo huấn căn bản về ngồi thiền, và rồi nghĩ rằng không cần tìm kiếm thêm nữa. Thiền cho chúng ta nhiều cơ hội để đào sâu sự thực hành của chúng ta. Thế nên chúng ta có bảy cửa khác của sự tu tập: liên hệ giữa thầy và trò, nghi thức, thực hành thân thể, thực hành nghệ thuật, nghiên cứu hàn lâm, thực hành làm việc, những giới luật, cũng như muôn việc chúng ta làm trong đời sống chúng ta. Chúng đều là phần của tiến trình làm biểu lộ ngồi Phật.

 

Đạo Nguyên cũng chỉ ra rằng chúng ta cần thông hiểu sự kiện là có những lúc chúng ta thấy Phật mà không chứng ngộ Phật, hay thấy nước mà không chứng ngộ đó là nước, thấy núi mà không chứng ngộ đó là núi. Cái gì hiện hữu thì không chỉ là những hiện tượng xuất hiện trực tiếp trước mắt chúng ta, thế nên chúng ta không nên giới hạn sự thấu hiểu của chúng ta. Đó không phải là cách học Phật. Đó không phải là cách nghiên cứu cái chính mình.

 

Bài tụng nói, Trên đầu vạn ngọn cỏ, mỗi và mọi hạt sương chứa đựng ánh trăng. Từ khởi thuỷ thời gian, không có một hạt nhỏ nào bị bỏ quên. Dù vậy đó, một số người chứng ngộ nó, và một số thì không. “Đầu vạn ngọn cỏ” ám chỉ vô số hình tướng, toàn bộ vũ trụ hiện tượng, và trên đầu mỗi một ngọn cỏ là một hạt sương. Ánh trăng là một ẩn dụ chỉ giác ngộ, chứng ngộ, thế thì mỗi hạt không chỉ được chiếu sáng bởi mặt trăng mà thật sự chứa mặt trăng. Nhưng hơn một ẩn dụ, đây là thực tế. Nếu bạn nhìn một hạt sương trong ánh sáng trăng, bạn sẽ thấy mặt trăng trong hạt sương. Và nếu có vạn hạt sương, tất cả chúng đều chứa và phản chiếu mặt trăng. Từ khởi thuỷ thời gian, không có một hạt nhỏ nào bị bỏ quên.Bất kể bạn trì trệ cỡ nào, bất kể bạn hôn trầm sâu cỡ nào, vậy mà cái toàn thiện vốn sẵn ở trong thân bạn, trong tâm bạn.

 

Những dòng cuối nó, Dù như vậy đó, một số người chứng ngộ nó, và một số thì không. Rốt ráo, nó làm cho mỗi chúng ta thông hiểu. Nó ngay trước mắt bạn, dù bạn có chứng ngộ nó hay không. Bạn có tiềm năng nó; bạn cũng đầy đủ nó. Không có sự cản trở cho chứng ngộ. Nó không có hình tướng, nó không có chỗ trụ, nhưng bạn có hay không dựa vào con đường mà bạn thực hành trong đời bạn. Chúng ta đọc về ngồi thiền, chúng ta nói về nó, chúng ta thực hành nó nhiều ngày từ sáng đến tối, nhưng chúng ta thực sự thâm nhập những chiều sâu của nó, hay chúng ta vẫn liên hệ với bề mặt – làm lặng tâm, tập trung tâm, làm an bình tâm? Bây giờ là lúc thôi ngắt hoa cúc dại và bắt đầu đào. Chỉ lúc ấy bạn mới có cơ hội giết Phật, và khi bạn giết Phật, bạn tự do vĩnh viễn. Bạn đích thân chứng ngộ sự tự do vốn sẵn, nó là quyền thừa kế của bạn. Đó không phải là việc nhỏ

SHARE:

Để lại một bình luận