KHÔNG THUYẾT PHÁP

SHARE:

Tu Bồ Đề! Ông chớ cho rằng Như Lai có ý nghĩ thế này, “Ta đang có thuyết pháp”, chớ nghĩ như vậy. Vì sao thế? Nếu có người nói Như Lai có thuyết pháp tức là phỉ báng Phật, không hiểu chỗ ta nói.

Tu Bồ Đề! Thuyết pháp ấy, là không có pháp có thể thuyết, đó gọi là thuyết pháp.

Bấy giờ ngài Huệ Mạng Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, liệu có chúng sanh ở đời vị lai, nghe thuyết pháp này sanh lòng tin chăng?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Đó chẳng phải là chúng sanh, chẳng phải là chẳng phải chúng sanh. Vì sao thế? Tu Bồ Đề! Chúng sanh, chúng sanh ấy, Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, đó gọi là chúng sanh.

Như Lai, với tư cách là Pháp thân vĩnh viễn tịch diệt thì không nói pháp, chưa bao giờ nói pháp. Nhưng Báo thân, Hóa thân lưu xuất từ Pháp thân ấy cũng không “đang có nói pháp”. Tánh bất động mà tướng cũng bất động, đây là đạo tràng của Phật. Đạo tràng ấy tức là tất cả vũ trụ này.

Cho nên người tu đạo Bồ tát dù làm tất cả các hạnh mà chẳng phút giây nào lìa khỏi đạo tràng bất động tức tánh Không này. Như thế càng làm các hạnh Bồ tát thì càng thâm nhập tánh Không.

Khi quán thấy được cái “chẳng phải” này, thì tánh Không tánh Như hiện ra. Khi quán thấy được “chúng sanh chẳng phải chúng sanh”, thì tánh Không tánh Như của các chúng sanh hiện ra. Và tánh Không tánh Như ấy không phải chỉ của chúng sanh mà còn của chư Phật, của thế giới, của tất cả sự vật.

“Đó chẳng phải là chúng sanh” là vượt khỏi chấp có. “Chẳng phải là chẳng phải chúng sanh” là vượt khỏi chấp không. Cái chúng sanh chẳng phải có, chẳng phải không này là trung đạo của trí huệ Bát nhã.

Chúng sanh gồm cả ba cái, thân, khẩu, tâm ý chúng sanh. Thấy được thân, khẩu, tâm ý của chúng sanh chẳng phải có, chẳng phải không, nghĩa là chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng tăng chẳng giảm, chẳng một chẳng nhiều thì người thấy ấy được giải thoát khỏi chúng sanh, thấy được chúng sanh vốn tự giải thoát.

Như khi thấy các bóng “chẳng phải là” các bóng, tấm gương nền tảng của các bóng hiện ra. Nhưng các bóng cũng “chẳng phải là chẳng phải các bóng”, thì tấm gương có đó nhưng các bóng cũng không mất. Các bóng là gương, nhưng các bóng vẫn là các bóng, vẫn giữ sự sai biệt của các bóng. Gương là tất cả các bóng, nhưng gương vẫn là gương, gương chẳng phải là tất cả các bóng, chẳng đồng hóa với sự sai biệt của các bóng.

“Đó chẳng phải là chúng sanh”, đây là Tịch, hay Không. “Chẳng phải là chẳng phải chúng sanh”, đây là Chiếu, hay Minh. Nhờ cái Minh hay ánh sáng căn bản, hay tánh sáng này, mà có các tướng đồng hiện. Tâm bổn nguyên không chỗ trụ là Tịch – Chiếu một thể, Không – Minh một thể, tánh tướng một thể.

Trong đó, toàn bóng là tánh sáng hay Minh hay Chiếu của gương, và toàn bóng là tịch diệt vô sanh hay Không hay Tịch của gương. Tu là thấy bóng tức là thấy tánh sáng, thấy bóng tức là thấy vô sanh.

Khi ấy người ta giải thoát khỏi cái thấy có hoặc không có sanh tử: người ta giải thoát khỏi sanh tử bởi vì thấy sanh tử là một vị với Niết Bàn, “một vị với tánh Không tánh Như”. Đây chính là Tịnh độ, cõi nước Phật, vì như Kinh A Di Đà nói, “Cõi nước Phật ấy còn không có danh từ xấu ác, huống là có thật cái xấu ác”.

SHARE:

Để lại một bình luận